Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Tình người trên đỉnh Ngọc Linh

Tình người trên đỉnh Ngọc Linh
Copy từ https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tinh-nguoi-tren-dinh-ngoc-linh-1326633.tpo, tác giả: Hoàng Thiên Nga ; đã đăng ngày 22/09/2018 08:50.
TP - Một trăm phần trăm số hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng ở 2 huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông đều muốn được liên kết trồng sâm với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Tại lễ trao tặng 46.500 cây sâm giống, trị giá cả chục tỷ đồng mới đây của công ty cho đồng bào, từ lãnh đạo đến người dân của 7 xã 2 huyện thuộc vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh đều khẳng định nguyện vọng đó.
Luống sâm của ông A Sỹ.
Quà tặng vô giá
Hiện tại, giá củ sâm Ngọc Linh tùy loại, có giá từ sáu, bảy chục tới cả trăm triệu đồng mỗi ký. Cây sâm Ngọc Linh 1 năm giá trung bình lên tới 300.000đồng/cây vẫn rất khó tìm được nơi cung ứng giống. Trong 12 phiên chợ sâm Ngọc Linh được tỉnh Quảng Nam cho phép mở tại vùng sâm Nam Trà My, giá trị giao dịch mỗi phiên từ dăm ba tỷ đến chục tỷ đồng. Nguồn hàng đều do các hộ cá thể tự trồng tự thu, nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự giám sát, kiểm tra.
Chính vì vậy, phần quà khủng gồm 46.500 cây sâm Ngọc Linh mà Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum vừa tổ chức trao tặng cho đồng bào 7 xã và 13 tổ chức nhóm công nhân của công ty tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei vào ngày 16/9/2018 là vô giá, giúp đồng bào tự vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm tính thuần chủng cho vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.
Ông B’Lum Bí thư Đảng ủy xã Tê Xăng (SN 1967) đồng thời là người đứng đầu tổ lao động 28 người liên kết trồng sâm với công ty cho biết: Đồng bào ai cũng phấn khởi mỗi khi nhận được sâm giống công ty tặng. Nhờ liên kết trồng sâm với công ty mà đồng bào thu nhập khá, ổn định hẳn so với việc trồng lúa, bắp, cà phê. “Tôi chưa thấy trồng cây gì giá trị mà lại giữ rừng tốt như sâm Ngọc Linh. Tuyệt đối không được chặt cây, thậm chí còn phải trồng thêm cây mới đủ che mát cho sâm phát triển”- B’Lum nói.
Cùng đi nhận quà sâm giống về chia cho đồng bào trong xã, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ry cho biết: Chính quyền xã từng phải trục xuất những người lạ đến rủ rê đồng bào trồng sâm không rõ nguồn gốc. Xã có 490 hộ nhưng mới có 270 hộ được trồng sâm liên kết. Số hộ còn lại “thèm” lắm nhưng công ty chưa đủ giống để mở rộng diện tích vùng sâm nhanh hơn nữa. Mỗi năm nhờ liên kết trồng sâm với công ty, xã giảm được 5-7% hộ nghèo. Khi sâm đủ tuổi thu hoạch, chắc chắn hộ nào cũng sẽ khá giả.
Là người Xê Đăng tiên phong cùng Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum suốt hơn 20 năm qua, ông A Sỹ (SN 1972) cho biết gia đình ông đang có hơn 10.000 cây sâm trên dưới 10 năm tuổi. “Mình chịu bán thì cũng nhiều tiền lắm, nhưng mình không thích bán đâu. Tiền lương công ty trả để mình hướng dẫn bà con trồng sâm, cộng với lương Bí thư Đảng ủy xã Măng Ry là cả nhà đủ sống rồi. Công nhân nhận 3 triệu rưỡi 1 tháng là không ít, vì đã được công ty nuôi ăn ở, cấp đủ giày mũ quần áo, và tặng mỗi năm thêm 100 cây giống trồng riêng”.
A Sỹ kể các tổ liên kết có quy định: Hễ ai đang nhận lương của công ty mà buôn bán các loại sâm giả sẽ lập tức bị loại ra khỏi tổ. Phần cây sâm của người đó bị tịch thu chia đều cho các thành viên còn lại. Phải nghiêm khắc vậy, mới giữ được uy tín lâu bền thương hiệu cho sâm Ngọc Linh!
Đôi anh em Hoàn-Hảo
Sau 21 năm gây giống thành công sâm Ngọc Linh, hiện Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum là doanh nghiệp có vườn sâm giống gốc lớn nhất Việt Nam. Cty thiết lập quy trình sản xuất chặt chẽ, và không ngừng mở rộng diện tích sâm trồng dưới tán 5.000 hécta rừng đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt cho thuê.
Những giỏ sâm giống tặng đồng bào trị giá cả chục tỷ đồng.
Nhìn dáng vẻ xuềnh xoàng, giản dị, trẻ trung của Trần Hoàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum (SN 1975), ít ai biết anh là chủ nhân của khối tài sản giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng trải rộng trên sườn núi Ngọc Linh này. Càng khó biết ngoài vùng sâm, anh còn đang điều hành hàng loạt dự án khủng khác: Trang trại hơn 8.000 con dê sữa trên Măng Đen dự kiến có sữa dê bán ra thị trường vào cuối năm nay; Dự án nông nghiệp với 2 vạn hécta đất bên Lào. Rồi thêm xuất nhập khẩu và chế biến gỗ...
Trần Hoàn cho biết: Ngoài việc trả lương, bao ăn ở và đủ các chế độ phúc lợi cho người lao động, suốt 7 năm qua, mỗi năm công ty đều cấp miễn phí hơn 50.000 cây sâm giống, hỗ trợ toàn bộ vật tư liên quan cho bà con tự trồng trên quỹ đất do công ty quản lý, dưới sự giám sát chặt chẽ về kỹ thuật. Khi thu hoạch, 100% sản phẩm đều thuộc về người dân.
Trợ thủ đắc lực cho anh trai, anh Trần Hảo, Phó tổng giám đốc công ty tiết lộ, công ty sắp thử nghiệm mô hình liên kết mới: Ai yêu thích sâm Ngọc Linh có thể đầu tư bằng cách đặt mua một số cây trên đất dự án của công ty. Chủ cây được theo dõi vạt sâm của mình qua camera, được lên thăm cây bất cứ lúc nào, và được trực tiếp thu hoạch tại vườn khi sâm đủ tuổi. Dự kiến đầu quý 4/2018, Công ty sẽ chính thức cho ra mắt chuỗi sản phẩm có thương hiệu “K5 sâm Ngọc Linh Kon Tum”.
Cách “tính toán” của lãnh đạo công ty khiến tôi cảm động. Những doanh nhân trẻ tuổi này đã trao “của để dành”, khiến đồng bào phấn khởi, tin vào tương lai tươi sáng, và tự giác, tận tụy bảo vệ sâm và rừng cả đêm lẫn ngày. Mối quan hệ giữa nhà đầu tư với đồng bào bản địa nơi đây không chỉ đơn thuần vì lợi ích, mà sâu sắc hơn thế, là sự yêu mến, gắn bó và hàm ơn, hiếm nơi có được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Ngọc Linh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam. Mục tiêu không phải là một vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ, mà là tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ sâm Ngọc Linh trong những thập niên tới. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường nhân sâm quốc tế đang ở mức tăng trưởng rất cao.
Hoàng Thiên Nga

Không có nhận xét nào: