Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Gần 70% ca ung thư gan có nhiễm virus viêm gan B

Gần 70% ca ung thư gan có nhiễm virus viêm gan B
Copy từ https://vtv.vn/benh-vien-online/gan-70-ca-ung-thu-gan-co-nhiem-virus-viem-gan-b-2018040514594442.htm , tác giả: Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc , đã đăng ngày 05/04/2018 14:19.
VTV.vn - Theo thống kê, người nhiễm virus B có nguy cơ ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Tại Việt Nam, 60-70% ca ung thư gan có nhiễm virus B, 20% nhiễm virus C
Dấu hiệu viêm gan B, C
Viêm gan siêu vi B thường phát triển theo các giai đoạn: viêm gan siêu vi B cấp, viêm gan siêu vi B mạn.
Viêm gan siêu vi B cấp: Người bệnh có biểu hiện giống cảm cúm, buồn nôn, nôn, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Người bị bệnh nặng hơn có thể gặp các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm.
Viêm gan siêu vi B mạn tính thì người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng giống với cấp tính có kèm thêm các biểu hiện khác như mệt mỏi, chán ăn kéo dài.
Nhiễm virus viêm gan B, C làm tăng nguy cơ ung thư gan
60-70% ca ung thư gan có nhiễm virus B, C
Viêm gan siêu vi B mạn tính có thể dẫn tới biến chứng xơ gan, dịch trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa và ung thư gan.
Theo thống kê, khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến chứng thành ung thư gan. Bệnh nhân bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường.
Tại Việt Nam 60-70% ca ung thư gan có nhiễm virus B, 20% nhiễm virus C. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phát hiện sớm bệnh viêm gan B mạn tính có thể giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh ung thư gan.
Làm gì khi nhiễm virus B, C?
Khi bị nhiễm virus viêm gan B, đa số trường hợp (90%) người trưởng thành sẽ có khả năng loại virus viêm gan B ra khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng và chỉ có khoảng 9 – 10% trở thành viêm gan B mạn tính.
Trong nhiều trường hợp, nếu không có các tác nhân gây hại cho gan như uống rượu, béo phì, gan nhiễm mỡ…thì nhiều người vẫn có thể "chung sống hòa bình" với virus viêm gan B, C cả đời bằng cách:
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Tuyệt đối kiêng rượu, bia, không hút thuốc lá, không ăn mỡ động vật để không gây "áp lực" cho gan; duy trì cuộc sống sinh hoạt lành mạnh, tránh căng thẳng về thần kinh, tập thể dục hàng ngày.
- Phụ nữ có thai khi bị viêm gan B có nguy cơ truyền bệnh sang cho con trong khi sinh là rất cao. Những trường hợp trẻ sinh ra mắc viêm gan B có tới 90% sẽ chuyển thành viêm gan B mạn tính. Do vậy, cần tiêm phòng cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để hạn chế tới mức thấp nhất trường hợp lây nhiễm.
- Ngoài ra, để ngăn ngừa nguy cơ lây truyền virus viêm gan B, C, cần tránh sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, hoặc các dụng cụ có thể tiếp xúc với máu của người nhiễm virus; không chạm vào vết thương, hay máu của người đang bị nhiễm viêm gan B để tránh bị lây nhiễm.
Nếu như để bệnh chuyển thành viêm gan B mạn tính thì nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan là rất cao. Vì thế cần chủ động phòng ngừa bệnh cho bản thân và gia đình.
Đặc biệt, với những người đã nhiễm virus viêm gan B và C cần chủ động tầm soát ung thư gan định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh để kịp thời điều trị, làm tăng cơ hội chữa khỏi.
Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc

Không có nhận xét nào: