Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Giọt người ở vũng mây núi Tủa Sín Chải

Giọt người ở vũng mây núi Tủa Sín Chải
Copy từ https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/giot-nguoi-o-vung-may-nui-tua-sin-chai-563718.bld , tác giả: Hoàng Việt Hằng ; đã đăng ngày 18/06/2016 | 07:21
Tủa Sín Chải cao chót vót trên ngọn núi cùng tên và ngọn núi Khỉ xưa kia chỉ có khỉ mới hay leo tới. Một bản biên giới trăm phần trăm người H’Mông, chân núi nằm nghiêng bên dòng sông Đà, còn những đỉnh núi cao nhất của huyện Sìn Hồ Lai Châu.
Mây ở đỉnh núi Tủa Sín Chải.
Đến đây phải vượt qua những dốc nín thở, dốc cua tay áo là trải nghiệm những phút giây thót tim; nhưng mây và núi, đầm Tê Giác trắng huyền thoại vẫy gọi tôi đến đây để gặp giọt tình người. Sống với ánh đèn tiết kiệm điện mờ mờ là những bao tải lúa, bao tải ngô và bếp thì luôn luôn chất đầy củi. Với người H’Mông cái bếp như trọng tâm của ngôi nhà. Bếp lửa là nơi ông bà con cháu ngồi quây bên nhau bàn chuyện làm nương và trồng màu. Có nhà trẻ con đi học bán trú, bố mẹ đi làm nương, cửa nhà, xe máy không khóa, họ bỏ đó đi làm thôi, cẩn thận hơn họ chốt lại vài khúc củi, thay khóa.
“…Ở đây không có trộm cắp vào nhà đâu”, Phó công an Giàng A Đông bảo vậy. Nhà ở đây không cần khóa cửa, mà chợ cũng không ai bán khóa. Không có ai mua khóa. Xe máy vứt đó lúc nào đi thì đi, cả gà lợn cũng thế, không ai lấy của ai.
Sống ở một nơi, sớm ra là mùa đông, buổi trưa là mùa hè, về tối mùa thu, có thể nói bốn mùa có trong một ngày.
Nơi duy nhất có một trạm xá, có bản cao nhất còn cách bản Tủa Sín Chải 18 cây số. Đấy mới là nơi đường chỉ có chó chạy, khó đi và không có điện. Ở đây giơ tay là có cảm giác chạm tay vào sao trên trời.
Leo núi với tôi, Phó công an xã Giàng A Đông chỉ cho tôi chiếc khăn lụa màu nâu sậm kia là chính con sông Đà, lên đến đỉnh núi Khỉ thì con sông càng bé như chiếc khăn vo lại. Ở đây chỉ trồng lúa một vụ. Đời người như ông Giàng Phá Vừ hai lần nhìn thấy tuyết rơi, anh con trai thứ Giàng Xuân Hương - Phó Bí thư Đảng ủy xã nhìn thấy tuyết rơi một lần, tuyết rơi xong để lại những cánh rừng khô lá và xơ xác cành. Cả một triền rừng Tủa Sín Chải chìm trong sương, buổi trưa mới thấy lá trên ngọn có nắng. Đang là mận, rừng cũng có mận và lưng núi cũng mận. Mận trên này cho không, tha hồ ăn, mùa moóc coọc đầy quả bán không ai mua.
Những loại cây lá ăn được, như món ăn rau lá ngón trắng mời thực khách đến chơi nhà. Rau cải nấu canh tiết lợn. Và chủ nhà ăn trước để lá ngón trắng ăn vào mà không làm sao. Món dạ dày lá lách, bát xách tổ ong, không ngâm nước gạo cho trắng mà để đen nguyên, ăn vào nhần nhận đắng, và xem đó là một thứ thuốc chữa bệnh, và măng chua thì muối hoặc luộc đều ngon. Có món gì ngon họ đem ra mời khách cả. Rau trong vườn nhổ bạt đi để khách ăn rau cho thích. Rượu ngô nâng chén từng người thay nhau bắt tay và thay nhau rủ rỉ. “Chẳng mấy khi cô lên đến núi Khỉ, bản cháu cao và đi rất khó đi. Không rõ cô còn lên với bản chúng cháu nữa không, không ngại đường sá, lần sau cháu đưa cô đi rừng. Lần này ta đi hang và đi núi. Hang Rêu”.
Ôi chả có gì ngoài rêu và nhũ đá, thế mà cậu Giàng A Sin đi tiền trạm trước, nhỡ hang Rêu có con gì thì gây sợ hãi cho cô. Hang leo thang và đu dây như khỉ. Tôi cũng đeo đèn như thợ mỏ và leo cây như khỉ. Hang rêu có nhiều nhũ đá.
Còn núi Khỉ mới cao vời vợi, đường lên núi chỉ nhỏ như hai dấu chân chó chạy. Nhưng vì cảnh đẹp, bọn trẻ vẫn leo lên đây nhìn dải lụa sông Đà như uốn lượn quanh vách núi. Nhìn thấy đỉnh núi Phu Ta Leng cao 3.096m, cao thứ nhì so với núi Phan Xi Păng vừa hoang vu, vừa hiểm trở, và xa nữa là núi Pu Si Lung cao thứ ba (3.076m). Đó là người am tường và đi núi mới chỉ ra cho tôi hay những độ cao chính xác của núi. Có thể người ở núi sống rất sáng và rất trong như câu thơ của nhà thơ Việt Phương “một giọt người rất sáng rất trong”. Câu thơ này hắt lên khi dấu giày của tôi chạm tới vùng sơn cước huyền bí này.
Hoàng Việt Hằng

Không có nhận xét nào: