Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Tân Cương, ân đức và gió bụi

Tân Cương, ân đức và gió bụi
Copy từ https://laodong.vn/du-lich/tan-cuong-an-duc-va-gio-bui-589594.ldo ;tác giả: Hoàng Văn Minh ; đã đăng ngày 21/02/2018 | 07:30..
Lần nào lang thang ở miệt “Châu Đốc Tân Cương” như cách gọi của triều Nguyễn về vùng Châu Đốc của tỉnh An Giang bây giờ, tôi cũng lẩn thẩn với giả thiết: Sẽ ra sao nếu xứ Quảng hơn 200 năm trước không sản sinh ra một Thoại Ngọc Hầu.
Tượng Thoại Ngọc Hầu ở Bảo tàng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam.
Với người dân Nam Bộ và cả nước, Thoại Ngọc Hầu không chỉ có “công đức” mà còn đời đời “ân đức”.
Người sông núi mượn tên
Nhớ lần đầu tiên tìm đến thành phố Long Xuyên (An Giang) hơn chục năm trước, một trong những dụng cụ mà tôi nhét nhiều nhất vào hành lý là… thuốc diệt muỗi. Tại chưa đến đó bao giờ nên cứ ám ảnh miết với mấy câu thơ của Bùi Hữu Nghĩa viết từ thế kỷ 18 khi “Đi thuyền qua Thoại Sơn” rằng: “Núi Sập, sấm rền vang tiếng muỗi/ Vàm Nao, nước chảy đứt đuôi xà…”.
Thời Bùi Hữu Nghĩa nghe “Núi Sập, sấm rền vang tiếng muỗi” cũng là thời Thoại Ngọc Hầu - một người con xứ Quảng Nam tuân lệnh vua Gia Long về trấn thủ xứ Vĩnh Thanh (1 trong 5 trấn của thành Gia Định, trong đó gồm vùng An Giang ngày nay) vào năm 1817. Thời đó, từ An Giang đi Kiên Giang phải vòng ra đường biển chứ chưa có đường sông, đường bộ như bây giờ. Và việc đầu tiên mà ông làm là dâng sớ xin vua Gia Long cho đào một con kênh nối rạch Đông Xuyên ở Tam Khê (nay là Ba Bần, thuộc xã Vĩnh Trạch) với ngọn rạch của Rạch Giá ở Sóc Suông (Kiên Giang).
Lịch sử chỉ ghi chép về sự kiện mở đầu cho công cuộc khai phá miền An Giang - Châu Đốc kinh thiên động địa của Thoại Ngọc Hầu rất ngắn gọn kiểu “kênh rộng 50m, dài hơn 30km, khởi đào từ năm 1818 và hoàn thành sau đó chỉ 1 tháng với hơn 1.500 nhân công”, nhưng tầm vóc và vị trí quan trọng của nó trong việc giao thông, vận tải và phát triển nông nghiệp, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân thì đến nay vẫn còn “trên đường phát triển” khi hai bên bờ kênh nay là nối đuôi nhau những làng mạc, đô thị sầm uất, trù phú nhất nhì miền Tây. Nên không phải ngẫu nhiên mà sông núi mượn tên ông - Thoại Ngọc Hầu - khi kết thúc việc đào kênh, triều đình đã cho phép lấy tên ông để đặt tên cho kênh mới là Thoại Hà - sông Thoại.
Và để đánh dấu cho công trình trọng đại trong đời, Thoại Ngọc Hầu đã cho soạn một bài văn khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia và khánh thành miếu thờ sơn thần tại triền núi Sập - nơi kênh Thoại Hà đi qua. Thú vị là ngôi đền đó nay đã thành đình, thờ ông làm Thành hoàng. Bia đá với đầu bia chạm khắc hai chữ Thoại Sơn, nay là 1 trong 3 di tích lịch sử, loại bia ký dưới chế độ phong kiến còn lưu lại.
Tôi đã đi qua những địa danh Vĩnh Ngươn, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Tế, Vĩnh Xương, Vĩnh Hậu, Vĩnh Trường… dọc biên giới Tây Nam bằng cả đường bộ và thủy. Đó là những tên làng được lưu dân lập mới để trấn giữ biên cương dọc theo kênh Vĩnh Tế song song với biên giới Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc (An Giang) nối giáp với sông Giang Thành của Hà Tiên (Kiên Giang) dài gần 100km - một công trình thế kỷ của thời điểm đó được Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào sau đó một năm (1819).
Và lần này thì đến lượt vợ ông - bà Châu Thị Vĩnh Tế được sông núi mượn tên khi vua Minh Mạng cho phép lấy tên bà đặt cho tên kênh, cho khắc bia Vĩnh Tế sơn dựng trên núi Sam để đời đời lưu công tích; rồi công trình được chạm khắc lên Cửu Đỉnh trong Đại Nội Huế để tượng trưng cho sự miên viễn của Hoàng gia triều Nguyễn.
Sử liệu còn đó những con số ám ảnh, rằng kênh Vĩnh Tế dài gần 100km, rộng 25m, sâu 3m - con sông đào lớn nhất nước ta thời phong kiến; được đào trong thời gian 5 năm, trong đó có 4 lần hoãn đào vì nhiều lý do với tổng cộng nhân lực được huy động lên đến hơn 80.000 lượt người, chủ yếu là đào đắp bằng tay và dụng cụ thô sơ.
Một con số khó tin khi nhớ lại An Giang - Châu Đốc thời ấy, trâu nước nhiều hơn người và hình ảnh “Núi Sập, sấm rền vang tiếng muỗi” của Bùi Hữu Nghĩa.
Khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở chân núi Sam. Ảnh: H.V.M.
Gió bụi ở Tân Lộ Kiều Nương
Nhưng những con số đó vẫn chưa ám ảnh bằng những dòng chữ tượng trưng “mặc dù có chế độ cấp phát gạo rõ ràng, nhưng do đào kênh ở giữa chốn đồng không mông quạnh, nhiều sơn lam chướng khí, nên việc ăn uống, thuốc men chữa bệnh thảy đều thiếu thốn. Vì vậy, số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như cá sấu, rắn rết… lên đến hàng ngàn người. Đó là chưa kể con số tử vong của những người bỏ trốn, phải vượt sông Vàm Nao bị cá dữ ăn thịt, sóng gió nhấn chìm…”.
Hàng ngàn người là bao nhiêu người? (có tài liệu của người Pháp ghi là 7.000 người). Có bao nhiêu người bỏ trốn vì không chịu được đói khát đã làm mồi cho cá dữ ở sông Vàm Nao? Họ là những ai? Họ từ đâu đến? Những câu hỏi cứ quặn thắt khi đêm nào thao thức ở sông Vàm Nao, mất ngủ ở bờ kênh Vĩnh Tế đoạn giữa lòng thành phố Châu Đốc sầm uất, chỉ là một mái chèo khua nhẹ thôi, lòng cũng vẳng nghe đâu đó những lao xao đèn đuốc như sóng dậy của những lưu dân đi mở cõi năm nào.
Nhớ hôm từ Núi Sam trở về thành phố Châu Đốc trên Tân Lộ Kiều Lương gặp đúng mùa trăng, tôi quyết định dừng xe tản bộ để nghe cảm giác “Vần dương mai in rõ bước chân/ Bóng trăng tối lồng theo tận gót” như Thoại Ngọc Hầu năm nào viết trên bia ký “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương” khi hoàn thành đoạn đường dài hơn 5km này cùng thời với việc đào kênh Vĩnh Tế.
Đặc biệt, trong bài bia ký này, có một chi tiết rất lạ là Thoại Ngọc Hầu chỉ xin “lệnh trên” phê chuẩn chủ trương làm đường. Còn chi phí do ông lấy từ bổng lộc cá nhân và các quan viên lân cận quyên góp, nhân dân hỗ trợ sức người và xe cộ... Và cuối bài bia ký, ông chỉ khiêm tốn nhận xét việc mình làm rằng: “Làm việc ấy chính là đã tỏ chút lòng đền đáp của kẻ chăn dân”.
Mới đó mà đã ngót 180 năm. Và giờ, tấm bia ký đã hòa mình vào gió bụi biên cương nhưng Tân Lộ Kiều Lương thì vẫn còn đó với 8 làn xe và 2 tên đường khi đoạn xuất phát ở trung tâm thành phố Châu Đốc có tên là Nguyễn Văn Thoại. Và chuyện Thoại Ngọc Hầu - kẻ chăn dân đền đáp vẫn muôn thuở là câu chuyện thời sự…
Đêm nào đó, tôi lang thang trong khuôn viên đền thờ bà Chúa Xứ nguy nga cũng dưới chân núi Sam được lập từ năm 1820. Theo tương truyền là để đáp ứng nhu cầu tâm linh của những lưu dân đến đào kênh phải cư ngụ nơi ma thiêng nước độc, bà Châu Thị Vĩnh Tế - vợ cả của Thoại Ngọc Hầu đã thay chồng cho xây dựng một ngôi miếu bằng cây lá sơ sài và tìm mọi cách cho mang một ngôi tượng cổ trên đỉnh núi Sam xuống đưa vào miếu và tôn thờ như một vị nữ thần linh thiêng luôn hộ trì, ban phước lành, dù đây vốn là tượng nam thần Vinus của nền văn hóa Óc Eo.
Cạnh đền thờ bà Chúa Xứ là Tây An cổ tự - cũng do Thoại Ngọc Hầu lập ra thời gian này. Cả 3 tạo thành một cụm di tích lịch sử cấp quốc gia, mỗi năm thu hút hơn 4,5 triệu du khách đến hành hương, chiêm bái, cầu xin sức khỏe, tài lộc…
Riêng đền thờ bà Chúa Xứ, chỉ tính trong năm 2016, số tiền mà khách thập phương “cúng bà” thôi cũng đã khó tin: Hơn 114 tỉ đồng, chưa kể hiện vật và ngoại tệ!
Thiên tài và khoa học là những chữ người Pháp sau này dùng để đánh giá về Thoại Ngọc Hầu khi cho đào các con kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế… nhằm dẫn nước, giao thương cùng với việc lập làng để khai phá một vùng Tây Nam rộng lớn của Tổ quốc. Nhưng dẫu có thiên tài đến đâu, Thoại Ngọc Hầu chắc hẳn khó hình dung ra được một vùng Tây Nam rộng lớn được đánh đổi bằng máu xương của lớp lớp lưu dân để khai ấp, lập làng ngày nào đó lại biến thành những đô thị sầm uất như bây giờ. Hơn 200 năm vật đổi sao dời, gió bụi biên cương đã làm mịt mờ nhiều thứ nhưng ân đức của Thoại Ngọc Hầu với người dân, với đất nước thì vẫn còn đó, còn mãi…
Hoàng Văn Minh

Không có nhận xét nào: