Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Nỗi lo cơm áo của lực lương chuyên trách bảo vệ rừng và 'làn sóng' bỏ việc

Nỗi lo cơm áo của lực lương chuyên trách bảo vệ rừng và 'làn sóng' bỏ việc
Copy từ http://nongnghiep.vn/noi-lo-com-ao-cua-luc-luong-chuyen-trach-bao-ve-rung-va-lan-song-bo-viec-post212694.html ;tác giả: Văn Dũng ; đã đăng ngày 05/02/2018, 14:30.
Tại Nghệ An, gần 500 lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng phải lay lắt bám trụ với nghề. Thu nhập còm cõi, mỏi mòn chờ lương, nhiều người đã phải “bỏ cuộc chơi”.
Làn sóng xin nghỉ việc
Năm 2012, một số nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp tại Nghệ An được chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH). Thời điểm này, nhiều công nhân của các lâm trường ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ những năm 1983-1984 (gọi là hợp đồng 2b) được giao nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ rừng theo định mức được giao khoán.
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nên ngoài giờ làm việc, các chuyên trách bảo vệ rừng phải tăng gia sản xuất.
Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An phân cấp cho các đơn vị tùy vào nhu cầu công việc để ký thêm hợp đồng lao động. Lực lượng lao động 2b này không hưởng lương ngân sách, chủ yếu hưởng tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm.
Thế nhưng, ngân sách Trung ương phân bổ hàng năm không đủ so với diện tích rừng giao khoán, thường chỉ được rót về vào thời điểm cuối năm, nhiều lao động không thể bám trụ.
Anh Lương A.P, một lao động tại phòng kỹ thuật BQL RPH Anh Sơn, đã xin nghỉ việc, cho biết: “Trừ các khoản đóng góp, mỗi tháng tôi chỉ được nhận chưa đến 3 triệu đồng. Cuối năm mới được nhận lương, trả nợ vừa hết, không còn đưa nổi cho vợ con đồng nào”.
Từ năm 2012-2017, tại BQL RPH Anh Sơn có 7 trường hợp xin nghỉ việc, riêng năm 2017 có 3 trường hợp. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại một số BQL RPH, nông, lâm trường tại Nghệ An. Ngay cả những người có thâm niên công tác trên 15 năm cũng bỏ nghề.
Sống lay sống lắt
Năm 1985, ông Chu Trọng L. để lại vợ con ở quê, lên huyện Anh Sơn nhận nhiệm vụ. Sau 32 năm công tác, số tiền lương ông thực nhận chỉ ở mức trên 4 triệu đồng mỗi tháng.
“Sở dĩ tôi phải cố gắng bám trụ đến ngày hôm nay là để theo đủ thời gian đóng bảo hiểm. Có thời điểm, nếu đơn vị vay được tiền ngân hàng thì chúng tôi được ứng 500 nghìn- 1 triệu đồng/tháng để chi phí ăn uống, xăng xe hàng ngày. Ở trạm, ngoài thời gian tuần tra bảo vệ rừng, anh em phải tăng gia trồng rau, nuôi thêm con gà để cải thiện. Cuối năm nhận lương một lần được 40-50 triệu đồng cũng không đủ trả nợ. Ước gì chúng tôi đủ điều kiện để được về nghỉ theo chế độ 108”, ông L nói.
Huyện Anh Sơn hiện có 26 lao động hợp đồng 2b, được giao nhiệm vụ bảo vệ 5.000 ha RPH, tương đương kinh phí 1 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền lương, BH của 26 đối tượng này là 1,4 tỷ đồng/năm. Số tiền lương thiếu còn lại được “xoay” từ hoạt động sản xuất kinh doanh cây giống nhưng cũng chỉ đáp ứng được 90% mức lương.
Mỗi năm BQL RPH Anh Sơn phải vay 500-600 triệu đồng để đảm bảo phần nào cuộc sống cho người lao động. Tiền đóng bảo hiểm hầu như năm nào cũng phải chịu thêm khoản lãi suất chậm nộp.
Họ sống và làm việc trong những nếp nhà đã xuống cấp.
“Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An cho ứng trước 380 triệu đồng nhưng cũng chỉ đủ để trả 3 tháng lương đầu năm cho người lao động. Những tháng còn lại trong năm phải chờ tiền bảo vệ rừng Trung ương rót về” – ông Nguyễn Tất Hòa, Trưởng BQL RPH huyện Anh Sơn cho biết.
Tại BQL RPH huyện Thanh Chương, tình hình còn căng thẳng hơn khi kinh phí lương, bảo hiểm cho 46 hợp đồng lao động 2b là không dưới 1,8 tỷ đồng.
46 lao động này được giao khoán bảo vệ trên 14.000 ha rừng PH (tương đương 2,8 tỷ đồng) nhưng diện tích bảo vệ rừng hàng năm được cấp kinh phí chỉ là 6.500 ha, năm cao nhất là 13.000 ha.
BQL RPH Thanh Chương vài ba năm nay đã phải vay bình quân từ 600 – 800 triệu đồng/năm, chi cho cuộc sống hàng ngày của công nhân, một phần chi vào sản xuất kinh doanh cây giống, trả lương cho những nhân viên vườn ươm.
Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 498 hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng tự trang trải. Nếu tính bình quân lương 50 triệu đồng/người/năm (bao gồm cả bảo hiểm, các khoản đóng góp) thì mỗi năm, Nghệ An cần chi khoảng 25 tỷ đồng.
Nếu căn cứ theo diện tích rừng cần bảo vệ, mỗi năm Nghệ An cần gần 171 tỷ đồng (679.000 ha). Nhưng thực tế, Trung ương cân đối nguồn vốn mỗi năm cho Nghệ An diện tích 170.000 ha (tương đương trên dưới 51 tỷ đồng). Riêng diện tích bảo vệ theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững được giao cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là 100.000 ha (tương đương 20 tỷ đồng). Tuy nhiên, ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng trên dưới 9 tỷ đồng/năm.
Khi được hỏi hiện trạng này có ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng, các lãnh đạo BQLRPH, nông, lâm trường né tránh trả lời. Song những năm gần đây, nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng đã xảy ra ở Nghệ An.
Nơm nớp lo thất nghiệp
Nghệ An hiện có 568.477,38 ha đất lâm nghiệp được giao cho các BQL RPH, rừng đặc dụng quản lý. 5 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp quản lý 62.912,04 ha; 4 Tổng đội TNXP quản lý 32.636,4 ha.
Lực lượng mỏng, cuộc sống khó khăn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có phải là nguyên nhân chính khiến những cánh rừng ở Nghệ An từng ngày bị đốn hạ?.
Theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng và Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì tổng số biên chế cần để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại các BQL RPH, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 813 biên chế. Tuy nhiên, hiện nay tổng biên chế tại các BQL RPH, rừng đặc dụng của tỉnh mới chỉ là 342 biên chế, đáp ứng 42% yêu cầu.
Do đó, Nghệ An đồng ý chủ trương cho các BQL RPH, rừng đặc dụng; các Công ty TNHH TMV Lâm nghiệp, các Tổng đội TNXP thực hiện hợp đồng lao động để tổ chức thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với 498 lao động, bổ sung cho số biên chế còn thiếu.
Kinh phí để đảm bảo cho hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách này từ năm 2017 trở về trước trước các chủ rừng đều phải tự trang trải, chủ yếu lấy từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bảo vệ rừng thông qua thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng.
Theo Thông tư 21/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, diện tích RPH, rừng đặc dụng vốn được khoán cho các đơn vị chuyên trách bảo vệ rừng thì nay sẽ được các BQL RPH, nông, lâm trường xử lý. Tiền bảo vệ rừng sẽ được chi trả cho người dân nhận khoán.
Câu hỏi đặt ra là, những người chuyên trách bảo vệ rừng lâu nay được ký hợp đồng 2b sẽ đi về đâu khi phần lớn không nằm trong diện được giao khoán. Khi không còn lực lượng chuyên nghiệp, công tác bảo vệ rừng sẽ đi về đâu?
Văn Dũng

Không có nhận xét nào: