Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Phán xét lễ hội

Phán xét lễ hội
Copy từ https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/phan-xet-le-hoi-3713895.html ;tác giả: Đức Hoàng ; đã đăng ngày 22/2/2018 | 02:18.
Những phụ nữ ngoại quốc đến chùa Bago ở Myanmar có thể sẽ trải qua một kỷ niệm sững sờ.
lang-hoa-my-tho-ruc-ro-sac-mau-don-tet-mau-tuat-2018-11
Họ được đưa lên thùng một chiếc xe tải cũ kỹ, bắt đầu một cuộc leo đèo lên đỉnh núi, nơi có ngôi chùa với tảng đá vàng huyền thoại. Đó là phương tiện khả dĩ nhất để lên được đỉnh núi Bago.
Trong một ngày mưa lạnh, khi chiếc xe của vị tài xế thạo đường liên tục bẻ lái trên con đèo cheo leo, quanh tôi là những tiếng hét sợ hãi lẫn phấn khích của những bạn đồng hành. Hầu hết họ chuẩn bị tinh thần cho một cuộc hành hương, chứ không phải là một chuyến du lịch mạo hiểm.
Nhưng sự sững sờ không nằm ở đó. Trên đỉnh núi Bago, sau hành trình sóng gió, là tảng đá dát vàng bám cheo leo trên bờ vực. Một kỳ quan trứ danh của đất nước này. Và cách kỳ quan đó vài chục mét, họ đặt một tấm biển: cấm phụ nữ chạm vào tảng đá.
Tôi đứng cạnh vợ trước tấm biển đó trong một chốc, rồi cả hai quyết định quay ngược trở lại, trong một cảm xúc lẫn lộn. Choáng váng có, tức giận có, thú vị có, buồn cười có. Chúng tôi trải qua một chuyến leo đèo đầy hứa hẹn, gần như kiệt sức, để rồi quay trở về mà không hề muốn lại gần cái kỳ quan đó nữa.
Trong truyền thống, người Myanmar tin rằng phụ nữ không “sạch sẽ” để chạm vào tảng đá thiêng, vốn đã ở một trạng thái cân bằng hoàn hảo. Rất dễ dàng viết một bài phê bình trầm bổng về quan niệm cũ này, với đầy đủ các trích dẫn nữ quyền từ Liên Hiệp Quốc cho đến các danh nhân. Rất dễ, nhưng tôi đã suy nghĩ rất nhiều, để đi đến một quyết định khó khăn hơn, rằng mình sẽ không phán xét điều đó.
Quốc gia này, với tư cách một cộng đồng, có rất nhiều điều đáng khâm phục. Họ đã bền bỉ đấu tranh để thay đổi vận mệnh của mình trong nhiều năm qua. Con đường tôi đi từ Bago về cố đô Yangon năm ấy, tràn ngập sắc đỏ của đảng bà Aung San Syu Kyi, đầy những người đội mưa ca hát, gõ trống phất cờ, vì lần đầu tiên trong hàng chục năm, được tự bỏ lá phiếu dân chủ của đời mình. Họ đã đoàn kết, đã vất vả đắng cay để có điều đó.
Trong một cộng đồng đầy các mâu thuẫn chính trị, kinh tế và quân sự, nếu có điều gì có thể giữ họ lại như một tập thể để đấu tranh cho vận mệnh của mình, thì thứ đầu tiên cần kể là văn hóa truyền thống.
Tôi không ở tư thế phán xét dù chỉ một khía cạnh nhỏ của cộng đồng lớn đó. Nếu một ngày nào đó, quốc gia này, tự điều chỉnh quan điểm về phụ nữ trong tôn giáo, tôi sẽ vui trong lòng. Nhưng điều đó nên được diễn ra một cách tự nhiên bởi chính nhu cầu nội tại, chứ không phải là bởi các phê bình ngoại lai nào đó. Tôi không biết có bao nhiêu nhà báo quốc tế đã đứng trên đỉnh Bago, trước tấm biển “truyền thống” kia. Nhưng tôi tin chắc rằng phần lớn họ đã quay trở lại Yangon, và viết bài về các vấn đề kinh tế chính trị lớn hơn mà Myanmar, trong tư cách một quốc gia, đang đối phó.
Một cộng đồng có tính cách và đời sống riêng của nó. Sự gắn kết bằng văn hóa truyền thống tạo ra sức mạnh duy trì hình thái một cộng đồng. Nỗ lực điều chỉnh đột ngột văn hóa truyền thống bằng áp lực thô bạo từ bên ngoài, có thể tạo ra những phân rã đáng sợ. Bạn đã đọc được điều này, nếu quan tâm đến các vấn đề của Trung Đông và Bắc Phi trong thập kỷ qua.
Truyền thống đúng hay sai là sự tự lựa chọn của cộng đồng đó trong quá trình vươn tới cái tốt hơn cho bản thân họ.
Khi một bô lão nói rằng lễ hội truyền thống của làng ông, là chỉ để phục vụ cho dân làng, khả năng cao là ông đang nói thật: phần lớn các hoạt động tế lễ truyền thống ở Việt Nam đều đã ra đời để duy trì sự gắn kết của cộng đồng làng xã. Nó ngay từ đầu không phải là một show diễn phục vụ cho truyền thông đại chúng. Nó không phải là Idol hay Got Talent, một ngôi làng nguyên sơ không có ý định mở chuỗi nhượng quyền cướp phết, chém lợn, bắt lợn, rước kiệu, cờ người,… và thuyết phục làng bên cạnh làm theo.
Ống kính máy quay và máy ảnh, bình luận của người lạ xem báo đài là điều đến sau, là hậu tố ngoài khả năng chịu trách nhiệm của phần lớn những người tổ chức lễ hội làng xã.
Trong một bối cảnh mà không gian làng xã đang đối mặt với nhiều nguy cơ phân rã về mặt kinh tế, tạo ra nhiều hệ lụy xã hội lâu dài, thì việc giữ sự gắn kết của các cộng đồng này bằng văn hóa vô cùng quan trọng.
Ai cũng có thể bình luận với tư cách một kẻ đứng xem, như tôi đã làm ở phần đầu bài viết này với Bago. Nhưng giữa bình luận và phán xét, chỉ trích, gây áp lực là rất khác nhau.
lang-hoa-my-tho-ruc-ro-sac-mau-don-tet-mau-tuat-2018-5
Ai cũng có quyền bình luận. Nhưng tấn công để gây áp lực thay đổi, nhân danh những giá trị định tính để áp đặt văn hóa của một cộng đồng, là điều rất cần cân nhắc.
Giới hạn để cân nhắc nằm ở đâu? Chúng ta chỉ có quyền phản kháng bằng áp lực, tấn công cá nhân và thậm chí đập tan mọi thứ bằng quyền lực ban hành chính sách, nếu nó gây hại cho lợi ích công.
Nếu ai đó muốn truyền bá tư tưởng phân biệt phụ nữ đến các ngôi chùa khắp Đông Nam Á, họ xứng đáng nhận một cuộc tổng công kích. Nếu một lễ hội mở cửa cho hàng vạn con người, gây nguy hiểm đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người tham dự, nếu sự thương mại hóa diễn ra và bóp méo hành vi truyền thống, chúng cần được điều chỉnh bằng chính sách. Đó là những khi “lợi ích công” bị xâm phạm.
Còn nếu đó là điều mà họ tự thỏa thuận để giữ cộng đồng của mình, diễn ra đằng sau mái đình và những con ngõ, phù hợp luật pháp chung, tự cảm thấy đó là việc riêng, không có nhu cầu quảng bá, thì sự tấn công hòng can thiệp của người ngoài chỉ tạo ra sự phản kháng.
Truyền thống được điều chỉnh bởi các quan hệ phức tạp của dòng chảy kinh tế, văn hóa, giáo dục và nhận thức, theo sức vận động tự thân của một cộng đồng, chứ không nên bằng các “bình luận”. Cho dù trong cách mạng truyền thông, “bình luận” thực sự có quyền lực ghê gớm để làm điều đó.
lang-hoa-my-tho-ruc-ro-sac-mau-don-tet-mau-tuat-2018-1
Đức Hoàng

Không có nhận xét nào: