Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Tổ tiên ta rất khoan dung

Copy từ http://nhandan.com.vn/tetgiapngo/item/22164302-to-tien-ta-rat-khoan-dung.html ;tác giả: Trần Thiện Tùng ; đã đăng ngày 16/01/2014, 22:50.

Nhà nghiên cứu Trần Ðình Sơn:

Tổ tiên ta rất khoan dung

Thứ Năm, 16/01/2014, 22:50:03
   |       t

Nghi lễ rước tượng Phật trong ngày Phật đản tại chùa Bằng (Hà Nội). Ảnh: DUY LINH 
Trong lịch sử phát triển của một dân tộc, một đất nước, văn hóa luôn được bồi đắp qua nhiều thời kỳ. Ðó không chỉ từ sự nội sinh mà còn từ ngoại nhập và tiếp biến. Và khi muốn phát triển, muốn tạo lập cái mới thì phải nhận diện lại, đánh giá lại nền tảng của tổ tiên, bản thân mình và quan trọng là “gạn đục khơi trong” ra sao? Ðó là chủ đề, nhà nghiên cứu Phật học, nghiên cứu văn hóa TRẦN ÐÌNH SƠN - Phó Trưởng Ban Văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ.
Đang xảy ra một nghịch lý, bên cạnh việc nhiều lễ hội văn hóa được tổ chức khắp cả nước, không ít di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, thì sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội đã và đang được cảnh báo nhiều lần. Phải hiểu điều này như thế nào, thưa ông?

Ðất nước chúng ta phải trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước quá lâu dài, ác liệt. Có thời kỳ do nhận thức ấu trĩ chúng ta mong muốn xây dựng, phát triển nhanh chóng xã hội tiến bộ văn minh nên đánh đồng và vội vàng đập phá, bài trừ cả văn hóa, đạo đức truyền thống không thương tiếc. Kết quả là cái mới chưa thể hoàn thiện mà nguồn mạch văn hóa, đạo đức bị gián đoạn.
Vậy theo ông, chúng ta nên “gạn đục khơi trong” thế nào từ vốn cổ mấy nghìn năm ấy?

Văn hóa dân tộc hình thành thường do kết hợp văn hóa bản địa với các nguồn văn hóa khác. Quá trình giao lưu, tiếp biến là chuyện bình thường. Chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu cẩn thận để sàng lọc những yếu tố tích cực, lành mạnh, trở thành phù hợp với tinh thần khoa học, nếp sống văn minh hiện đại, để giữ gìn, phát huy trở thành bản sắc dân tộc. Chúng ta cần tuyên truyền, vận động, cần thiết dùng luật pháp để bài trừ, nghiêm phạt những hoạt động mê tín dị đoan, hủ lậu được che đậy bằng chiêu bài truyền thống văn hóa. Truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt là lòng yêu nước; hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ; đoàn kết, yêu thương đồng bào... Riêng trong Phật giáo thôi, đã thấy Ðại sư Vạn Hạnh, Ðiều Ngự Giác Hoàng... là những tấm gương sáng của truyền thống Việt Nam.
Việc đua đòi, bắt chước những kiểu thức, biểu tượng văn hóa nước ngoài, gần đây bị công luận phê phán là “dịch” cũng không phải là quá đáng. Bởi hàng nghìn năm trước, tổ tiên chúng ta đã nhận thức đúng đắn để tiếp thu rồi biến hóa những thành tựu của hai nguồn văn hóa Ấn - Trung để xây dựng bản sắc văn hóa Việt.
Chúng ta cũng có những tượng linh thú hiện còn trước sân chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh), ở Lam Kinh (Thanh Hóa), những hình tượng con nghê, chó, voi, ngựa... trong các công trình kiến trúc cổ dân gian thể hiện được vẻ đẹp thuần hậu, vui tươi thuần Việt. Cái dở là chúng ta không chịu tìm hiểu, tái tạo, phục chế, hoặc chịu khó suy nghĩ để sáng tạo ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sự sửa chữa, thay đổi tùy tiện trong việc trùng tu các di tích, di sản văn hóa quan trọng trên khắp cả nước, có lỗi của thiết chế văn hóa, có lỗi của ý thức, sự thiếu hiểu biết trong cộng đồng.
Nhiều người cho rằng, Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc trong khoảng 2000 năm qua, góp sức vào nhiều trang sử vẻ vang của đất nước. Vậy thì trong tiến trình văn hóa dân tộc hiện nay và sắp tới, Phật giáo Việt Nam có thể đóng góp những gì, thưa ông?
Ðúng là đạo Phật đã được dân tộc Việt Nam tiếp thu hơn 2000 năm qua. Phật giáo đã trở thành một trong những tín ngưỡng chính, yếu tố văn hóa căn bản của Việt Nam. Các triều đại Lý - Trần đã chọn Phật giáo làm hệ tư tưởng chính để xây dựng và phát triển đất nước thành công. Nếu chúng ta biết phát huy giáo lý chân chính của Phật giáo, loại bỏ những điều mê tín dị đoan tiêu cực bám vào Phật giáo để lợi dụng thì chắc chắn, Phật giáo sẽ đóng góp công sức rất lớn trong việc vãn hồi đạo đức xã hội, phát triển văn hóa dân tộc thành công. Bởi lẽ, đạo đức, luân lý Phật giáo có tính nhân bản, khoa học, rất phù hợp tinh thần tự do, dân chủ, bình đẳng của thế giới ngày nay. Không chỉ Phật giáo, các tôn giáo khác đều có những nền tảng tư tưởng vị tha, nhân bản. Nếu chúng ta tôn trọng, phát huy thì đều có lợi cho đất nước.
Trong gần nghìn năm độc lập tự chủ của đất nước, sau khi giành được độc lập vào năm 938, cha ông ta gần như ít có điều kiện tiếp xúc với những luồng văn hóa khác từ nhiều vùng trên thế giới. Khi thế giới được coi là “phẳng”, chúng ta có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với nhiều nền văn hóa khác. Theo ông, một tâm thế hành xử như thế nào là phù hợp?
Việt Nam nằm trên con đường giao lưu của thế giới. Do đó, từ xa xưa, người Việt cổ đã có cơ hội tiếp thu được nhiều nguồn văn hóa khác nhau. Ngày nay, việc giao tiếp với thế giới lại càng thuận tiện hơn nên chúng ta cần phát huy truyền thống khoan dung của tổ tiên về mặt tư tưởng, tín ngưỡng để dễ dàng tiếp thu tinh hoa, những thành tựu chung của nhân loại nhằm xây dựng, nâng cao dân trí đủ bản lĩnh tồn tại bình đẳng với các dân tộc khác, các nền văn hóa khác. Làm được điều đó chúng ta mới giữ được độc lập văn hóa, thoát khỏi sự hòa tan trong thời hội nhập hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Ông Trần Đình Sơn là một cư sĩ Phật giáo, là nhà nghiên cứu Phật học, văn hóa, cổ vật uyên thâm. Rời Huế vào Sài Gòn trước năm 1975, do duyên lành, ông được học giả Vương Hồng Sển - nhà nghiên cứu cổ vật lừng danh, truyền trao kho tàng kiến thức phong phú về vốn cổ của cha ông. Trong lĩnh vực nghiên cứu cổ vật, ông nổi tiếng với những bộ sách nghiên cứu về di tích Phật giáo, đồ sứ ký kiểu Việt Nam... Là thế hệ thứ ba của cụ Đông các Đại học sĩ Trần Đình Bá (đời Nguyễn), mới đây ông và gia đình đã xây dựng Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn - bảo tàng tư nhân đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế - tại tư thất mới được khôi phục của ông nội mình. Bảo tàng lưu giữ nhiều di vật quý, như: bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, bộ sưu tập đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ 10 đến 20, bộ sưu tập sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng vàng, ngọc, ngà voi, gỗ cẩn xà cừ... thời Nguyễn.
Việt Nam nằm trên con đường giao lưu của thế giới. Do đó, từ xa xưa, người Việt cổ đã có cơ hội tiếp thu được nhiều nguồn văn hóa khác nhau.
TRẦN THIỆN TÙNG

Không có nhận xét nào: