Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Từ chuyện chiếc cột nhà có bảy miếng vá

Từ chuyện chiếc cột nhà có bảy miếng vá
(Copy từ  http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/dien-dan-nhan-dan-cuoi-tuan/item/31308102-tu-chuyen-chiec-cot-nha-co-bay-mieng-va.html , tác giả: Diệp Liên , đã đăng ngày 18/11/2016, 15:33:,  mục Diễn đàn Nhân dân cuối tuần.)
Nhà ông Hà Hữu Thể ở xóm Xui là một địa chỉ được nhiều khách du lịch tìm đến khi ghé thăm làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Không ai nghĩ nó vừa được trùng tu cách đây vài năm. Từng cánh cửa cho đến cây cột đều bạc phếch màu thời gian. Và nếu ai để ý, sẽ thấy cây cột sát với gian thờ được vá víu chằng chịt. Nhiều người đã hỏi ông chủ sao không thay đi? Ông bảo rằng: Người Nhật người ta làm thế. Cách đó một quãng không xa, thậm chí còn cũ hơn nhà ông Thể, là nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng, xây từ năm 1649. Bậu cửa mòn vẹt, cột nhà nứt toác. Lại là người Nhật, sau khi tu bổ đã khẳng định rằng, ngôi nhà đứng vững ít nhất 50 năm nữa.
Nếu tìm hiểu việc các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ tu bổ nhà cổ Đường Lâm, có thể có người sẽ thấy họ thật “dở hơi”... Cái công đoạn tưởng ít người quan tâm nhất, lại là một trong những khâu mà các chuyên gia tốn công nhất. Sau khi hạ giải các cấu kiện, các chuyên gia đến từ Nhật Bản tỉ mỉ kiểm tra từng cấu kiện, dù là một cái dui, cái mè... Kiểm tra chán, thấy chưa chắc chắn, họ chọn một vị trí phù hợp để cưa ra khảo sát. Ngay cả khi cấu kiện hư hại, họ vẫn tìm cách phục chế mà không thay thế. Chiếc cột vá víu ở nhà ông Hà Hữu Thể là một thí dụ điển hình. Đổi lại, nó vẫn là cái cột mà người thợ khi xưa đã chọn gỗ, đã bào, đã đục, đã đứng đó cùng với thăng trầm của gia đình, của dòng họ mấy trăm năm. Xà nhà ông Nguyễn Văn Hùng cũng có một cấu kiện đặc biệt. Vẫn còn dấu của một vết cưa cắt đôi. Khi tu bổ, các chuyên gia đánh giá cấu kiện này bị rỗng ruột, không đủ chịu lực. Họ cưa đôi xà, làm sạch và “độn” ruột bằng một cấu kiện gỗ lim.

Những câu chuyện như thế rất hiếm xảy ra với các di tích Việt. Tiêu chuẩn đề ra với người được làm công tác tu bổ ngày một cao hơn. Quy trình để tu bổ một di tích cũng ngày càng phức tạp hơn, phải thông qua nhiều cấp, nhiều ngành. Thế nhưng mỗi khi có di tích được tu bổ, nhiều người lại ví là làm mới... gần giống cái cũ.

Ngày Di sản Việt Nam đang đến gần. Và những ngày này, câu chuyện bảo tồn di sản lại chạy khắp trên các mặt báo. Vẫn tồn tại một câu hỏi không mới: Vì sao tu bổ di tích vẫn “đúng quy trình”, còn di tích lại cứ... to đẹp hơn là chuyện phổ biến? Hình như lỗi không phải ở những quy định, cũng không phải ở tay nghề của những người thợ. Di tích ngày một mới hơn, dường như nằm ở tư duy của chủ đầu tư, cũng như những ông chủ thầu xây dựng. Bản thân những ông chủ đầu tư muốn di tích “hoành tráng hơn”, thì khó có thể yêu cầu bên thi công lẫn tư vấn tuân thủ những nguyên tắc tu bổ cơ bản.

11 năm kể từ khi Ngày Di sản Việt Nam ra đời, cái thiếu vẫn là tình yêu di sản ngay trong những người làm về di sản. Cái tình yêu ấy, cần được xây trên nền tảng của sự hiểu biết, sự tự hào về di sản của cha ông. Thiếu điều ấy, nên chuyện những chuyên gia lọ mọ đến tối mịt bên đống gỗ để khảo sát, tìm cách giữ lại nhiều nhất nếu có thể như câu chuyện ở Đường Lâm, vẫn là chuyện còn xa lắm...
DIỆP LIÊN

Không có nhận xét nào: