Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Khi mỹ thuật bị lợi dụng

Khi mỹ thuật bị lợi dụng
(Copy từ http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/dien-dan-nhan-dan-cuoi-tuan/item/32848802-khi-my-thuat-bi-loi-dung.html, tác giả: Phong Vân , đã đăng ngày 12/05/2017, 14:21.)

Sau gần năm tháng từ phiên đấu giá thành công của Lý Thị Auction, bức tranh này đã được trả lại cho chủ nhân, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan (Ảnh do tác giả cung cấp).



Với sự xuất hiện cùng lúc của ba nhà đấu giá mỹ thuật do người Việt thành lập hoặc đứng tên phụ trách: Lạc Việt, Chọn - tại Hà Nội và Lythi Auction tại TP Hồ Chí Minh, năm 2016 có lẽ là một năm sẽ được đánh dấu trong lịch sử thị trường mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, những chuyện thổi phồng giá trị, đánh tráo khái niệm hoặc “tháo chạy” khỏi thương vụ mua bán từ các phiên đấu giá đã xảy ra, đem lại thiệt hại cho tất cả các bên.
Đấu giá chỉ để cho vui?
Còn nhớ, chỉ ngay sau thông tin về thành công của phiên đấu giá mỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam “đúng nghĩa” là đấu giá theo kiểu thương mại, thay vì các hoạt động đấu giá vì mục đích từ thiện thuần túy, công ty cổ phần đấu giá Lạc Việt đã phải lên tiếng vì khách hàng tháo chạy khỏi thương vụ đấu giá chiếc bình giả cổ lên đến 6 tỷ 50 triệu đồng. Khách hàng này đã bị phạt, không được trả lại tiền đặt cọc.
Ồn ào mới đây nhất là ngày 7-5-2017, một tác giả phải gửi yêu cầu đòi lại tranh tới nhà đấu giá Lý Thị trên mạng xã hội facebook vì đã qua gần 5 tháng kể từ ngày đấu giá, tác giả chưa nhận được tiền theo thỏa thuận trong khi tranh đã có người trả giá và mang về nhà treo, cùng ngay tại TP Hồ Chí Minh. Điều khôi hài nhất là chỉ một ngày sau khi ồn ào diễn ra, đại diện nhà đấu giá đã lấy được tranh về, trả cho tác giả theo đề nghị, không một lời xin lỗi cũng không có một đính chính chính thức nào từ phía người mua, cho dù đã tạm sở hữu bức tranh trong vòng gần 5 tháng. Chuyện hy hữu này có lẽ chỉ xảy ra trong một hoàn cảnh kinh doanh mỹ thuật hết sức nhỏ lẻ, manh mún và tự phát như ở Việt Nam.
Chuyện khách hàng “hối hận” sau tiếng gõ búa chốt mức giá của nhà đấu giá mỹ thuật không phải là chuyện hiếm ở những thị trường mỹ thuật mới, hoặc mới xuất hiện người giàu đầu cơ vào mỹ thuật, như Hồng Công (Trung Quốc), In-đô-nê-xi-a, Nam Phi… Một con số thống kê trên trang tin artnet cho biết, từ 2008 đến 2011, nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s đã khởi kiện chín vụ do khách hàng ở Hồng Công đấu giá thành công nhưng không thanh toán, tổng số tiền lên đến 22 triệu đô-la Mỹ cho 19 lô đấu giá. Thông thường, căn cứ vào quy định pháp luật của nước sở tại, các nhà đấu giá có quy định chỉ trong vòng 30 ngày sau phiên đấu giá thành công, khách hàng phải hoàn tất thủ tục thanh toán. Việc đặt cọc không phải luôn bắt buộc, chỉ là “có thể” trong các trường hợp cụ thể. Nhưng để tránh tình trạng đánh tháo, nhà đấu giá Sotheby’s ở Hồng Công gần đây đã đưa ra quy định cho các lô đấu giá có bảo hiểm là khách phải đặt cọc 1 triệu đô-la Hồng Công (tương đương 128 nghìn đô-la Mỹ) mới được tham gia.
Trở lại với những sự vụ đánh tháo của người trúng đấu giá mỹ thuật ở Việt Nam gần đây, có thể nói việc khách hàng đấu giá thành công, mang tác phẩm mỹ thuật về nhà treo tới gần 5 tháng mà không thanh toán tiền mua là một hành vi không thể chấp nhận, xét ở mọi khía cạnh, từ ý thức cá nhân đến ý thức xã hội. Bên cạnh đó, việc một nhà đấu giá, trong khi luôn tự giới thiệu trên truyền thông là một công ty hướng đến uy tín và sự minh bạch cho thị trường mỹ thuật Việt Nam, lại để xảy ra chuyện như vậy, cũng cho thấy hệ quả nhãn tiền của một dạng thức kinh doanh thiếu bài bản cả về kinh nghiệm hiểu biết tâm lý khách hàng, hiểu biết luật pháp cũng như nền tảng tài chính bảo đảm. Với số tiền trúng giá 2.500 USD, theo tỷ giá cuối năm 2016, chỉ hơn 60 triệu đồng, một con số không phải là quá lớn nếu so với các vụ “tháo chạy” hơn 6 tỷ đồng hoặc hàng triệu đô-la Mỹ kể trên. Nhưng vì sao khách hàng nhất định không trả trong khi vẫn mang tranh về nhà sở hữu?
Luật pháp không thể là công cụ duy nhất
Tháng 11-2016, Luật Đấu giá tài sản đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2017. Cho dù việc các nhà đấu giá mỹ thuật, một lĩnh vực đặc thù, trong hoàn cảnh Việt Nam, xuất hiện trước một chút với thời điểm có hiệu lực của Luật Đấu giá tài sản thì cũng khó có thể tin những người đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này không để ý gì đến những nội dung của Luật nói trên, với các điều khoản rõ ràng về nguyên tắc minh bạch cũng như mức độ xử lý sai phạm trong đấu giá.
Tuy nhiên, luật pháp không thể là công cụ duy nhất ngăn chặn mọi hành vi thiếu tôn trọng hoặc trục lợi trong mỹ thuật. Ngay trong những thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp ở châu Âu hay với những nhà đấu giá có hàng trăm năm lịch sử hình thành và phát triển, việc mua bán tranh giả, tháo chạy sau đấu giá thành công, khởi kiện khách hàng đấu giá gây thiệt hại cho nhà đấu giá… vẫn xảy ra.
Để giảm thiểu những sự vụ không đáng có, làm mất giá vẻ đẹp của mỹ thuật trong các thương vụ đấu giá tương tự ở trong nước, thiết nghĩ trước hết, các nhà đấu giá phải tự điều chỉnh mọi hoạt động của mình theo hướng bài bản và minh bạch đúng nghĩa. Họ phải bắt đầu bằng sự tôn trọng dành cho chủ nhân các tài sản và tác phẩm được chọn đưa ra đấu giá. Bên cạnh đó, đã đến lúc truyền thông trong nước cũng phải nghiêm túc hơn trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin về hình thức đấu giá mỹ thuật này. Việc sử dụng hàng loạt mỹ từ như “vị nghệ thuật”, “uy tín hàng đầu”, “chuyên nghiệp”, “bùng nổ”... dành cho các nhà đấu giá mới ra đời chưa được bao lâu, những thực tế “xấu xí” đã xuất hiện, cho thấy lòng tin của nhiều cơ quan báo chí dành cho họ dễ dàng bị người kinh doanh đấu giá lợi dụng như chiêu thức quảng cáo có tính chất lừa mị.
Phong Vân

Không có nhận xét nào: