Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Tam Đảo trong mây

Tam Đảo trong mây
(Copy từ  http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31414502-tam-dao-trong-may.html , tác giả: Mỹ Hạnh , đã đăng ngày 30/11/2016, 02:40.)
Chỉ cách Hà Nội hơn 80km, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thường được biết đến là khu nghỉ mát tránh nóng mùa hè, nhưng nơi đây mùa nào cũng có những nét hấp dẫn riêng. Nhiều người lớn tuổi yêu mến Tam Đảo vì khung cảnh thanh bình, cổ kính, gợi nhiều hoài niệm; những cặp đôi tìm kiếm sự lãng mạn, riêng tư nơi này và không ít bạn trẻ gác lại áp lực công việc, học hành vào cuối tuần để cùng nhau đi cắm trại, dã ngoại…

Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 2, qua Mê Linh rồi Vĩnh Yên là tới địa phận Vườn quốc gia Tam Đảo. Thị trấn du lịch Tam Đảo chỉ là một phần nhỏ nằm lưng chừng của một trong những khu vườn quốc gia lớn nhất miền bắc này. Tiết trời cuối thu, đầu đông, trời chuyển gió heo may, những rừng cây hai bên đường lá đã thưa đi một chút, ngả mầu vàng mơ, vàng cam, mầu đỏ sẫm, đầy vẻ thơ mộng. Đoạn đường từ chân núi lên thị trấn khoảng hơn chục cây số quanh co uốn lượn, cứ thêm một quãng lại cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của không khí. Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển nên Tam Đảo luôn có nhiệt độ trung bình thấp hơn khoảng 5oC so TP Vĩnh Yên. Mây và sương mù là đặc trưng nơi đây, có những lúc giữa trưa nắng mà Tam Đảo vẫn ngập trong mây và sương trắng. Mây giăng kín những tán cây, trùm lên những mái nhà, sà xuống tận mặt đường. Đang bồng bềnh hư ảo là vậy, nhưng cũng chỉ cần một luồng gió mạnh thổi qua, đám mây và sương mù lại dạt về phía thung lũng, để lộ dần ra một thị trấn nhỏ nằm bám vào vách núi, trông thật cheo leo mà cũng thật yên bình.

Đây cũng là thời điểm đẹp nhất trong năm để đi trekking (đi bộ dã ngoại, leo núi). Những cơn mưa lớn vào mùa này đã chấm dứt, độ ẩm giảm, hiện tượng sạt lở đất cũng không còn. Dân du lịch ưa khám phá, sinh thái đánh giá cao khu vực này bởi cung đường còn khá hoang sơ, hệ động thực vật phong phú, cảnh quan đẹp mắt. Dãy Tam Đảo dài gần 80 km, gồm nhiều ngọn núi trải trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Nhưng có ba đỉnh núi cao nhất nằm kề nhau, thường được nhìn thấy ẩn hiện trong mây mù và tạo nên tên gọi Tam Đảo, đó là đỉnh Phù Nghĩa (đỉnh Rùng Rình) cao 1.290 m, đỉnh Thạch Bàn cao 1.385 m và đỉnh Thiên Thị 1.300 m. Nếu có nhiều thời gian, các nhóm “phượt” thường chọn leo cả ba đỉnh, cắm trại ngủ lều qua đêm, hoặc nếu không thì chỉ chinh phục đỉnh Rùng Rình (dân địa phương gọi như vậy bởi trên ngọn núi này có thảm thực vật rất dày, khi bước lên sẽ lún xuống tạo cảm giác rung rinh, chới với). Trên đường đi, thỏa sức ngắm nhiều nhất là phong lan, địa lan, ngoài ra là vô số loài hoa dại không biết tên với đủ màu sắc sặc sỡ. Vườn quốc gia Tam Đảo còn nổi tiếng với khoảng hơn 100 loài bướm và chim hoang dã, trong đó nhiều loại xếp hạng đặc biệt quý hiếm trên thế giới.

Bên cạnh tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, Tam Đảo còn có cơ hội phát triển du lịch sinh thái hay tâm linh với những điểm tham quan như thác Bạc, nhà thờ đá cổ, Cổng trời, đền Chúa thượng ngàn… Mấy năm gần đây, nhiều khu nhà dịch vụ, khách sạn, nhà hàng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại ở phố núi Tam Đảo, nhưng xen lẫn vào đó vẫn còn nhiều công trình cũ kỹ, hoang tàn, phủ màu thời gian. Và những bức tường đổ nát, những bậc thềm rêu phong, những khu vườn mọc hoang dại xanh um… lại trở thành điểm đến lý tưởng cho những tâm hồn thích mạo hiểm, phiêu lưu, hoặc các nhiếp ảnh gia và những đôi uyên ương có những bức ảnh độc và lạ.

Tuy vậy, có một thực tế là dấu ấn du lịch Tam Đảo vẫn chưa đậm nét, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, dịch vụ chưa cạnh tranh được với một số vùng du lịch như Sa Pa (Lào Cai) hay Tràng An (Ninh Bình)... Suốt nhiều năm, cẩm nang du lịch nơi đây không có gì thay đổi: vẫn là những lời giới thiệu về khí hậu mát mẻ, chỉ trong một ngày là đủ thời gian tham quan, chụp ảnh lưu niệm và trở về. Tài nguyên thiên nhiên trời phú và nét duyên mộc mạc của Tam Đảo vẫn cần thêm những chiến lược, chính sách phát triển bền vững để mời gọi và níu chân du khách nhiều hơn.
Mỹ Hạnh

Không có nhận xét nào: