Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Doanh nhân Việt Nam – Nỗi đau quá khứ và Khát vọng tương lai

Doanh nhân Việt Nam – Nỗi đau quá khứ và Khát vọng tương lai
Copy từ https://trucnhatphi.wordpress.com/category/uncategorized/page/5/ ;tác giả: Posted by Trục nhật phi on January 8, 2009 ; đã đăng ngày 08-01-09 .
Theo tên xét nghĩa, doanh nhân là người kinh doanh. Dĩ nhiên ý nghĩa ban đầu của từ kinh doanh rất khác với ngày nay, chẳng hạn ngày xưa vua chúa lập nghiệp cũng gọi là kinh doanh, nhưng với cách hiểu hiện nay thì kinh doanh là làm ăn buôn bán.
Nhưng doanh nhân không chỉ là thương nhân, mặc dù cũng làm việc mua bán. Bởi vì nói chung thương nhân ít trực tiếp sản xuất ra những cái họ mua và bán, còn doanh nhân thì chủ yếu là buôn bán những gì có liên quan tới cái họ sản xuất ra. Thương nhân và doanh nhân đều là sản phẩm của kinh tế hàng hóa, nhưng doanh nhân là sản phẩm của kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa mà đặc trưng là nền sản xuất công nghiệp. Theo cách hiểu duy danh này, có thể nói tầng lớp doanh nhân Việt Nam chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XX.
Là một bộ phận của giai cấp tư sản dân tộc xuất hiện từ thời Pháp thuộc, doanh nhân Việt Nam từ những ngày đầu hình thành đã có một phương thức phát triển mang nhiều mâu thuẫn. Bị chèn ép bởi tư bản nước ngoài trong hoạt động kinh tế, họ có ý thức dân tộc rất mạnh, đồng thời bị ít nhiều coi thường bởi quan niệm trọng nông khinh thương truyền thống và nhất là sự kỳ thị đối với người bản xứ, họ cũng có tinh thần dân chủ rất cao.
Nhưng trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến trước 1945 thì doanh nhân nói riêng và giai cấp tư sản dân tộc nói chung vừa phải quay về với truyền thống trong đó có các yếu tố phong kiến để bảo vệ quyền lợi kinh tế, vừa phải thỏa hiệp với ngoại nhân để gìn giữ quyền lợi chính trị. Dĩ nhiên tình hình nói trên không diễn ra ở mức độ như nhau trên toàn quốc, vì trước 1945 Việt Nam có ba thể chế chính trị Bảo hộ, Trực trị và Thuộc địa ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Cùng với sự khác biệt về truyền thống kinh tế và cơ cấu xã hội giữa các địa phương, chính sách chia để trị nói trên của kẻ thống trị ngoại nhân còn dẫn tới nhiều mâu thuẫn khác trong sự phát triển của doanh nhân Việt Nam, chẳng hạn ông vua vận tải đường sông Bạch Thái Bưởi sáng chói trong doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX lại không xuất hiện ở Nam Kỳ là nơi có nhiều sông rạch, còn Nam Kỳ chỉ có thế mạnh về nông nghiệp lại có tờ báo Nông cổ mín đàm xuất hiện ở Sài Gòn năm 1901, cơ quan ngôn luận đầu tiên hướng tới phục vụ cho thương nhân – doanh nhân.
Những điều đó làm hình thành trong tầng lớp doanh nhân Việt Nam trước 1945 phương thức sống cũng như phương thức tư duy mang tính lưỡng phân: nhiều doanh nhân lớn ở Trung Bắc lấy làm vinh dự khi được nhận các phẩm hàm, huy chương tưởng thưởng của triều đình Huế bù nhìn, còn nhiều điền chủ – doanh nhân nông nghiệp lớn ở Nam Kỳ thì nồng nhiệt đón tiếp Cường Để năm 1913 với mong mỏi về một quốc gia Việt Nam độc lập theo chế độ quân chủ lập hiến giống hệt chủ trương của các đại biểu Nam Kỳ tham gia Việt Nam Quang phục hội. Ngọn cờ cứu nước của dân tộc trước 1945 vì vậy đã được giương lên bởi các trí thức, công nhân và nông dân theo chủ nghĩa cộng sản, bước đi tắt này của lịch sử sẽ góp phần quy định vị trí khiêm tốn của doanh nhân trong sinh hoạt kinh tế – xã hội ở Việt Nam sau 1945
Với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau ngày 2. 9. 1945, doanh nhân Việt Nam đã bước qua một thời kỳ lịch sử mới, ở đó ý thức công dân và nhận thức nghề nghiệp của họ bắt đầu đạt tới mức hoàn chỉnh đồng thời có điều kiện để phát huy trọn vẹn. Ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của đất nước vừa giành độc lập, những điều kiện hạn hẹp nhất của môi trường kinh doanh thời chiến, nhiều doanh nhân đã bộc lộ phẩm chất trọng nghề yêu nước của doanh nhân Việt Nam. Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, ở miền Bắc đã có những doanh nhân ủng hộ hàng trăm lượng vàng cho Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cũng như tiếp tế, giúp đỡ vật chất, phương tiện cho kháng chiến sau đó, còn sau ngày Nam Bộ kháng chiến, không ít nhà buôn tại Sài Gòn và điền chủ – doanh nhân nông nghiệp vùng Lục tỉnh đã hăng hái tham gia cuộc chiến đấu của toàn dân. Có thể nói rằng chiến khu Việt Bắc và chiến khu Đồng Tháp Mười trước 1954 không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân trong đó nổi bật là doanh nhân trong vùng tạm chiếm. Ngọn lửa kháng chiến thần thánh trên toàn quốc trước 1954 và ở miền Nam trước 1975 đã tái tạo cho Việt Nam một tầng lớp doanh nhân sẵn sàng phá gia cứu quốc, nhưng đây cũng là lý do hạn chế việc tích lũy tư bản, làm giảm sút vốn liếng của họ, khiến họ không có đủ sức mạnh kinh tế để đảm đương trách nhiệm xã hội của tầng lớp mình ở miền Bắc sau 1954 rồi ở miền Nam sau 1975. Cùng với những lệch lạc đáng tiếc trong tư duy kinh tế phổ biến nơi bộ máy chính quyền, tình hình này đã đẩy tầng lớp doanh nhân xuống vai trò thứ yếu trong nền sản xuất vật chất của đất nước. Thương nghiệp nhà nước tồn tại bằng kinh phí nhà nước và tác nghiệp theo lề lối bao cấp vì được một mình một chợ nên tùy ý tác oai tác phúc dần dần tha hóa về phẩm chất kinh tế và lạc hậu về kỹ năng kinh doanh, trở thành “điểm sáng” của một hệ thống kinh tế phi kinh tế mà biểu hiện trên lĩnh vực phân phối là các loại tem phiếu với thang bậc đẳng cấp đậm màu phong kiến coi rẻ phẩm giá con người. Quan niệm đấu tranh giai cấp thô thiển lệch lạc thời bấy giờ đã đưa tới cho doanh nhân Việt Nam 1975-1985 một đêm dài ác mộng: sau những X1, X2 cải tạo tư bản tư thương phá hủy cơ sở vật chất kỹ thuật, phủ nhận kinh nghiệm quản lý và kinh doanh hiện đại vừa manh nha ở miền Nam trước 1975, người ta còn tiến xa hơn trong sự kỳ thị với các doanh nhân ngoài hệ thống doanh nghiệp nhà nước, mà ở đây có thể nhắc tới vụ tịch thu tài sản của Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn như một trường hợp điển hình. Lịch sử dường như lặp lại trên một vết xe đổ đáng buồn: sau 1802 nhà Nguyễn trọng nông ức thương thì sau 1975 chúng ta ngăn sông cấm chợ… Và dĩ nhiên,các thương nhân cũng như doanh nhân phải tìm cách để sinh tồn.
Nhưng các doanh nhân Việt Nam sau 1975 không ủng hộ một vụ binh biến thành Phiên An như các đại thương nhân Nam Kỳ bất mãn với chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX, mà nhiều người đã kế thừa, cải tiến và nâng cao kinh nghiệm của các doanh nhân tiền bối đầu thế kỷ XX, cụ thể là dựa vào các yếu tố chính thống để bảo vệ lợi ích kinh tế và tìm sự thỏa hiệp với những người có chức trách trong chính quyền để gìn giữ vị trí xã hội. Cái di chứng của cơn sốt bao cấp này lại biến chứng nặng thêm trong mùa mở cửa, trở thành ác tật nơi không ít doanh nhân là chăm chăm hướng vào các yếu tố chính thống để tìm kiếm lợi ích kinh tế và ra sức móc ngoặc với những người có chức trách trong chính quyền để củng cố vị trí xã hội. Phản ứng tiêu cực ấy của một số doanh nhân làm ô nhiễm môi trường kinh tế đã đành, nhưng với chính giới doanh nhân còn gây ra một số hội chứng kiểu “Gieo hành động sẽ gặt thói quen, gieo thói quen sẽ gặt tính cách…”. Tính cách hàng gian hàng giả hàng dỏm nơi nhiều doanh nhân cả trong lẫn ngoài nhà nước hiện nay do đó không phải là vấn đề đạo đức mà là vấn đề phương thức sống, một phương thức làm hại xã hội và hủy diệt chính mình, một phương thức trái ngược với phẩm chất trọng nghề yêu nước của nhiều thế hệ doanh nhân tiền bối. Đây cũng là một vấn đề xã hội đang làm nhiều người mà trước hết là các doanh nhân chân chính phải lo âu, trăn trở. Nhưng các vấn đề xã hội luôn được đặt ra vì các lợi ích xã hội, nhận thức theo các định hướng xã hội và giải quyết bằng các phương tiện xã hội, nên câu hỏi cần đặt ra hiện nay là doanh nhân Việt Nam còn thiếu những điều kiện khách quan nào để thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mình ?
Nhìn lại doanh nhân Việt Nam trong lịch sử, dễ thấy tầng lớp này đã hình thành một cách bình thường trong những điều kiện bất thường của đất nước đầu thế kỷ trước, và mặc dù vẫn có những hạn chế này khác, họ cũng mang trong phương thức tư duy cũng như phương thức sống của mình những phẩm chất cơ bản của tầng lớp doanh nhân cũng như các yếu tố đặc trưng của con người Việt Nam. Tuy nhiên, khác với doanh nhân ở các quốc gia có nền kinh tế hàng hóa phát triển một cách bình thường, từ khi hình thành đến nay doanh nhân Việt Nam chưa bao giờ có được vị trí xã hội tương xứng với vai trò kinh tế của tầng lớp mình mặc dù hiện đã có một vai trò quan trọng trong sinh hoạt kinh tế của đất nước. Trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa X, hơn một phần ba số đại biểu có mặt đã chống lại gần hai phần ba số còn lại trong việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ. Sự kiện mà nhiều người coi là bất thường này thật ra thể hiện một động thái mới trong sinh hoạt chính trị của đất nước, một động thái nghĩ cho kỹ cũng đã trở thành rất bình thường. Cho nên điều bất thường đáng nói ở đây là trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết để phê chuẩn Hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai kinh tế – xã hội quốc gia này, chưa có một Hội nghị cấp quốc gia nào triệu tập đại diện doanh nhân toàn quốc để thảo luận nội dung Hiệp định được tổ chức, mặc dù họ chính là người chủ yếu thực hiện Hiệp định này nếu nó được phê chuẩn. Cần nói thêm là việc thực hiện Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ sẽ dẫn tới sự phân hóa về nhận thức kinh tế và trong hoạt động kinh doanh của tầng lớp doanh nhân trong thời gian sắp tới, một sự phân hóa tất yếu nhưng sẽ trở thành tai họa một khi nó phát triển thành mâu thuẫn hay thậm chí xung đột trong nội bộ tầng lớp doanh nhân nói chung chưa phải là lớn mạnh của Việt Nam…
* * * * * *
Hình thành trong dòng chảy tự nhiên nhất của đời sống xã hội là nền sản xuất vật chất và phát triển theo logic tự nhiên nhất của sản xuất vật chất là kinh tế hàng hóa, doanh nhân là tầng lớp có ưu thế bậc nhất trong việc hội nhập với thế giới của Việt Nam hiện nay và sắp tới. Nhưng vì nhiều lý do, họ vẫn chưa thực sự được coi là người đại diện chính thức cho quyền lợi kinh tế của đất nước trong hoàn cảnh mới, điều này tự nó đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm cho cả tầng lớp doanh nhân lẫn những người có trách nhiệm trong hệ thống chính trị – pháp quyền Việt Nam.
Tháng 12. 2001
Ghi nhanh tháng 3. 2004
… Cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về lịch sử thương nghiệp trong đó có sự hình thành và phát triển của tầng lớp thương nhân Việt Nam nói chung cũng như trước thời Pháp thuộc nói riêng. Điều đáng tiếc này dường như cũng có thể biện minh ít nhiều, vì các tư liệu về thương nhân nói riêng cũng như thương nghiệp Việt Nam các thế kỷ trước nói chung còn lại đến nay quả thật ít ỏi tới mức đủ sức làm nản lòng những nhà nghiên cứu kiên nhẫn nhất. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng kinh tế thương nghiệp tiền tư bản mà người đại diện là thương nhân ở Việt Nam chính là động lực lịch sử đã đưa tới việc thống nhất đất nước năm 1802. Nhưng mặc dù ngẫu nhiên ghép mình được vào với trào lưu thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII, triều Nguyễn phục thù từ đời Gia Long trở đi lại không nhận thức được động lực lịch sử và động thái văn hóa trong đất nước sau 1802, nên đã thực thi một chính sách kinh tế – xã hội về bản chất là hạn chế kinh tế thương nghiệp và chèn ép tầng lớp thương nhân, mà ví dụ điển hình là việc ngăn cấm và hạn chế việc xuất khẩu lương thực hàng hóa ở Nam Bộ đã dẫn tới sự chống đối của tầng lớp đại địa chủ và thương nhân địa phương thể hiện qua cuộc binh biến thành Phiên An trong đời Minh Mạng.
… Bị chi phối bởi chính sách kinh tế và phong khí xã hội ấy, tầng lớp thương nhân Việt Nam trước thời Pháp thuộc bị hạn chế trong hoạt động kinh doanh, bị hạ thấp trên phương diện chính trị, bị coi thường về vị trí xã hội và bị gạt bỏ khỏi đời sống văn hóa. Trên phương diện kinh tế, họ phải quay về với phương thức tích lũy truyền thống, nghĩa là đầu tư vào ruộng đất và bị địa chủ hóa, còn trên phương diện chính trị, họ phải quay về với cách thức tồn tại cố hữu, nghĩa là gia nhập vào tầng lớp quan lại và bị phong kiến hóa.
… Tìm hiểu lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dễ nhận thấy song song với những thay đổi cơ bản về chế độ chính trị là những biến động to lớn về kinh tế – xã hội. Cùng với sự giải thể của cơ cấu xã hội học truyền thống, ách thống trị của thực dân Pháp còn tạo ra những nét đứt gãy trong nhiều lãnh vực và quá trình xã hội cũng như sự phân hóa trong nhiều nhóm xã hội. Nhưng trong thân phận người dân mất nước, dường như con người Việt Nam cũng ít nhiều được lịch sử dành cho một đền bù, vì song song với sự lụi tàn của xã hội phong kiến là quá trình manh nha của một xã hội có cơ cấu xã hội học và phương thức sản xuất cũng như sinh hoạt khác, với những người đại diện phản ảnh được xu thế mới của thời đại trong tập quán sinh hoạt và phương thức tư duy, trong đó sự phát triển đột biến của tầng lớp thương nhân – doanh nhân là hiện tượng nổi bật cần quan tâm tìm hiểu. Bởi vì nhìn từ góc độ hoạt động sản xuất vật chất, thương nhân – doanh nhân cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là người đi đầu trong việc tiếp xúc với kinh tế tư bản chủ nghĩa trong cái biến thái thuộc địa của nó ở Việt Nam buổi ấy, còn nhìn từ khía cạnh phương thức sinh hoạt tinh thần, thì họ chính là hình ảnh thu nhỏ mà sắc nét của sự thay đổi không toàn diện, không đồng bộ và không triệt để mà hoàn cảnh lịch sử đã quy định cho xã hội Việt Nam thế kỷ XX. Những tiền đề chính trị xã hội hình thành trong thế kỷ XX nói trên quy định tình trạng thiếu máu kinh niên về tư tưởng và suy dinh dưỡng trầm kha về chính trị của thương nhân – doanh nhân Việt Nam, một trong những lý do khiến cho từ khi bước qua thời mở cửa đến nay, chính giới Việt Nam vẫn là lực lượng tác nghiệp chủ yếu trên thương trường chứ không phải là thương giới.
Ghi nhanh tháng 1. 2008.
Nếu triển khai các luận điểm kinh tế của K. Marx, có thể thấy rằng trong thời đại hiện nay kinh tế hàng hóa đã tiến tới một sự thay đổi về chất, nên tầng lớp doanh nhân với hoạt động tổ chức sản xuất và kinh doanh cûa họ đã trở thành người đóng vai trò quyết định trong việc làm gia tăng giá trị thặng dư. Công nhân và nông dân không còn là nhân vật chủ yếu của hoạt động tái sản xuất mở rộng xã hội của nền sản xuất vật chất trong nhiều quốc gia nữa.
… Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, khi chính giới vẫn lấn át thương giới trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì kết quả tất yếu là sự nảy sinh bộ phận “quan thương” mới gồm doanh nhân của chính quyền và đỉnh cao của nó là nhóm “doanh nhân trong chính quyền”. Bị thu hút bởi các lợi ích cá nhân, cái đỉnh cao vốn ít bị kiểm soát của bộ phận này sẽ phân hóa đồng thời tha hóa trong quá trình phân chia lợi nhuận, và không có gì phải ngạc nhiên khi tham nhũng lan tràn. Nhưng Việt Nam hiện không có công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng lao động xã hội, cũng không thể có thuộc địa để hạ giá thành bằng nguồn tài nguyên và sức lao động giá rẻ từ bên ngoài, nên đám quan thương mới này chỉ còn cách tích lũy tư bản qua việc rút rỉa lợi nhuận từ nguồn tài nguyên của đất nước trong đó nổi bật là tài nguyên đất đai
Ý kiến của Lourdes January 8, 2009 at 7:11 am
Cám ơn bày hay của bác TNP. Đồng ý với bác. Đặc biệt ở đoạn cuối.
Nền kinh tế VN hiện dựa trên nguyên lý khai thác triệt để tài nguyên, không chú trọng tăng năng suất lao động, tăng chất lượng lao động xã hội & chú ý gìn giữ môi trường.
Xin lưu ý, lao động rẻ tiền cũng là một dạng tài nguyên quốc gia.
Tôi có may mắn đang làm cái nghề có điều kiện nắm bao quát một số ngành nghề công nghiệp của VN.
Xin thưa với bác.
VN đang sở hữu một nền công nghiệp què quặt không đủ tầm hiện đại hóa VN.
Chừng 20 năm nửa thôi, khi VN bắt đầu phải trả nợ nước ngoài (những khoảng vay ngày hôm nay cho những dự án tương tự như hầm Thủ Thiêm), người Việt chúng ta sẽ bắt đầu thấm đòn.
Thật đau khi cách đây chưa đầy nửa thế kỷ, VN không thua kém bao nhiêu so với Hàn Quốc.
Ngày nay, Trung Quốc & Hàn Quốc đã vươn xa đến tận châu Phi để mua hàng triệu ha đất để đảm bảo nhu cầu lương thực & năng lượng (một dạng “thuộc địa” kiểu mới ở thế kỷ 21).
Người Việt vẫn còn loay hoay trên mảnh đất hình chữ S, lúng túng tìm cách giải quyết những vấn đề đối nội & đối ngoại của mình.
Mong lắm sự đổi thay.
LP
Ý kiến của Trục nhật phi January 10, 2009 at 11:06 am
LP: Ờ, thật ra vấn đề rất khó. Về khách quan VN đi sau người ta 40 năm 1945 – 1985, về chủ quan thì từ 1986 đến nay VN không có định hướng chiến lược kinh tế xã hội độc lập và nhất quán. Sự đổi thay anh mong thật ra cũng đang từng bước diễn ra nhưng đáng tiếc là một cách ngẫu nhiên, quanh co và với nhiều khiếm khuyết, và đáng buồn là lẽ ra có thể không như thế.

Không có nhận xét nào: