Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Ông Đoàn Văn Vươn mơ ước xây dựng thương hiệu “vịt biển” cho riêng mình

Ông Đoàn Văn Vươn mơ ước xây dựng thương hiệu “vịt biển” cho riêng mình

(Copy từ http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/ong-doan-van-vuon-mo-uoc-xay-dung-thuong-hieu-vit-bien-cho-rieng-minh-532535.bld ; đăng ngày 29-03-16 lúc  09:20, mục Lao động & Đời sống.) [caption id="" align="aligncenter" width="660" caption="Ông Đoàn Văn Vươn đang chăm đàn vịt biển của mình."]Ông Đoàn Văn Vươn đang chăm đàn vịt biển của mình[/caption]
Đã từng là một nông dân xuất sắc với bao dự định phát triển đầm ao nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhưng sự kiện cưỡng chế đầm tôm nổi tiếng đầu năm 2012 đã làm những mơ ước, dự định của ông Đoàn Văn Vươn tan thành mây khói. Sau 4 năm vướng vòng lao lý, trở về đời thường, ông bắt tay viết tiếp niềm đam mê dang dở của mình với việc nuôi vịt biển sạch.
Đầm Cống Rộc chứng kiến bao biến cố của gia đình ông giờ đây như đang được khoác trên mình một chiếc áo mới với sự quyết tâm xây dựng một thương hiệu cho riêng mình.
Hồi ức về một thời gian khó
Vượt hơn 30 cây số từ trung tâm TP.Hải Phòng, chúng tôi tìm đến khu đầm nơi gia đình ông Vươn đang canh tác. Men theo con đường nhỏ trên cánh đồng xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, trước mắt chúng tôi hiện ra là một khu đầm rộng hơn 40ha với hàng trăm con vịt đang ngụp lặn dưới nước.
 Từ xa, ông Vươn đã nở một nụ cười tươi rói để chào đón khách. Qua câu chuyện, ông Vươn cho biết, ông vốn gắn bó với nông nghiệp từ khi còn nhỏ. Sau khi rời quân ngũ trở về, ông vẫn theo nghề nông. “Xác định làm nghề gì cũng cần phải có kiến thức, vì vậy, tôi đã đăng kí theo học một lớp nông nghiệp tại chức để đảm bảo vừa có thời gian học, vừa có thời gian áp dụng những gì mình đã học vào thực tiễn luôn.
 “Những năm 89 - 90, tôi tận mắt nhìn thấy người dân chịu khổ vất vả NTTS( nuôi trồng thủy sãn) do tác động của triều cường, đất mặn xâm hại. Vì vậy, tôi càng quyết tâm phải cải tạo được khu đầm ao nhà mình để đảm bảo năng suất", ông Vươn chia sẻ. Chỉ tay về phía khu đầm ao của mình, ông Vươn tâm sự: “Quá trình đắp khu đầm này phải nói là gian truân kéo dài 8 năm trời. Bước đầu, gia đình tôi trồng được gần 70ha rừng để đảm bảo tránh bị xâm thực mặn. Từ khi rừng lên, đến năm 2001 mới khôi phục thành công đầm, bước đầu ổn định đi vào canh tác”.

Mọi thứ dần dần ổn định, bắt đầu đi vào quỹ đạo thì năm 2007 gia đình ông Vươn được thông báo toàn khu đầm sẽ bị thu hồi. Xót công xót của, ông làm đơn khiếu nại nhưng không được chấp nhận. Yêu cầu huyện giao đất để tiếp tục NTTS cũng bị khước từ. Tháng 1.2012, đoàn cưỡng chế đến thu hồi đất đã bị gia đình ông Vươn dùng mìn tự chế và đạn hoa cải chống trả. Cả gia đình ông vướng vòng lao lý.
 “Theo kiện suốt từ năm 2007 đến năm 2011, tưởng như cuộc đời đã mỉm cười với gia đình tôi thì ngay sau đó, tôi gặp biến cố lớn và bị tạm giam”. Ông Vươn vừa nói vừa hồi tưởng lại vụ án dậy sóng cả nước trong một thời gian dài...

Quyết định táo bạo
Vốn sẵn niềm đam mê với nghiệp nông từ nhỏ, chỉ chờ khi đầm ổn định sẽ phát triển NTTS, nhưng do biến cố xảy ra vào năm 2012, niềm đam mê của ông bị gián đoạn. Suốt quãng thời gian 4 năm ròng, ông Vươn và các em bị giam giữ, khu đầm của gia đình ông hầu như bị bỏ không và tưởng chừng không thể hồi sinh được.
Nhưng ngay sau khi được trở về, ông lập tức viết tiếp giấc mơ còn dang dở của mình, cùng gia đình bắt tay vào cải tạo đầm để NTTS. Từ việc phát quang bờ bụi, đắp lại bờ đầm, đến việc mở rộng con đường dẫn thẳng từ khu dân cư vào khu đầm đủ để xe cơ giới vào tận nơi đều do hai anh em ông một tay làm. Bên cạnh đó, ông đã chọn cho mình một hướng đi vô cùng táo bạo, đó là nuôi “vịt biển”. Gắn bó với khu đầm từ những ngày đầu khởi nghiệp, ông hiểu rất rõ đầm của mình chủ yếu thuộc vùng nước lợ, loại vịt tại địa phương đang nuôi phát triển không ổn định.
Đang loay hoay tìm đáp án thì may mắn được người quen giới thiệu giống vịt biển do Trung tâm giống vịt Đại Xuyên nghiên cứu. Sau khi tìm hiểu, ông biết loại vịt này mới chỉ được nuôi ở Phú Quốc để phục vụ cho lính đảo, khả năng thích nghi của chúng với môi trường nước lợ tương đối tốt.
Từ đó, ông nảy ra ý tưởng nuôi vịt biển với hi vọng loại vịt này sẽ giúp phát triển kinh tế. “
Trước đó, tôi không hề biết “vịt biển” là loài như thế nào, sinh trưởng ra sao. Sau khi tìm hiểu thì biết vịt biển có sức sống rất tốt, tồn tại được trong môi trường nước thường xuyên biến đổi của địa phương và thích nghi với đa dạng thời tiết, thời gian sinh trưởng rất nhanh và cho sản lượng cao. Ban đầu, tôi nuôi mô hình nhỏ, khoảng 100 con thí điểm. Giai đoạn đầu, vịt lớn nhanh và khỏe. Nhận thấy khả năng phát triển tốt của giống vịt này, kèm theo kinh nghiệm có sẵn, sau 15 ngày nuôi thử nghiệm giống vịt biển, tôi đã quyết định đầu tư nuôi thêm 1.000 con”, ông Vươn vừa nhìn đàn vịt đang bơi lội vừa trải lòng về cơ duyên đến với vịt biển.

Thức ăn do anh em ông Vươn chế biến cho đàn vịt. 
Hướng tới một sản phẩm an toàn
Sau hơn 2 tháng chăm nuôi, vịt tăng trưởng tốt, đạt khoảng 2kg/con. Tuy nhiên, ông cảm thấy chất lượng vịt vẫn chưa ổn, lượng mỡ còn nhiều. Ông quyết định nuôi thêm một tháng nữa và điều chỉnh cách chăm sóc để đảm bảo chất lượng thịt phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. "Để vịt lớn nhưng không có sự tác động của thức ăn công nghiệp, anh em tôi phải tự tay chế biến thức ăn riêng từ hỗn hợp cá tươi, ngô; khi vịt trưởng thành thì phối hợp cho ăn thêm thóc nên thịt vịt khi ăn rất thơm mà không có mùi hôi.
Tôi kiên quyết đảm bảo thức ăn sạch để đưa sản phẩm đạt chất lượng đến người tiêu dùng”, ông Vươn nói.
Vừa dẫn chúng tôi ra thăm trang trại vịt, ông Vươn vừa tranh thủ nghe điện thoại của một đơn vị trên Hà Nội muốn đặt mua vịt. Tắt điện thoại, ông hào hứng khoe: “Từ ngày mang vịt biển lên Hà Nội tiếp thị, nhiều người gọi điện đặt hàng lắm.

Vừa rồi, khách gọi điện đặt hàng nhưng số vịt hiện tại không đủ để cung ứng. Hiện tại đầm chỉ còn khoảng 600 con vịt giống để đẻ trứng gây giống mới. Khoảng 3 tháng nữa sẽ có lứa vịt mới đưa ra thị trường”.
Ông tâm sự: “Nhiều người cũng hỏi, sao không nuôi ồ ạt giống vịt này, nhưng tôi quan điểm khác, mình không thể làm ăn một cách chộp giật được. Tôi muốn xây dựng một thương hiệu thực phẩm sạch, an toàn và có trách nhiệm với cộng đồng”. Theo ông, để cạnh tranh được với các sản phẩm gia cầm của nước ngoài, ngoài việc phát triển loài bản địa, ông sẽ đầu tư mạnh vào quy trình chăn nuôi vịt sạch, vì chỉ có thực phẩm sạch mới lấy được lòng tin và uy tín từ người tiêu dùng.

Vừa tranh thủ lấy thức ăn cho vịt, ông vừa nói: “Sắp tới, tôi sẽ lên Hà Nội ủy quyền cho anh em bạn bè xúc tiến làm cho mình thương hiệu “Vịt biển sạch Đoàn Văn Vươn”. Đồng thời xây dựng chiến lược để sản phẩm “vịt biển” tạo thương hiệu cho đất Hải Phòng, phục vụ thực khách địa phương”.
“Khó khăn nhất của tôi bây giờ là vốn. Muốn mở rộng quy mô, xây dựng kết cấu hạ tầng vững chắc thì phải kêu gọi được nhiều vốn đầu tư.
Cũng có nhiều nhà đầu tư ngỏ lời giúp đỡ nhưng tôi còn phải tìm hiểu kĩ, không thể nhận lời ngay được”, ông trầm tư chia sẻ.
Trở về sau chuyến thăm gia đình ông Vươn trên cánh đầm Cống Rộc, được chứng kiến nụ cười chứa đựng sự quyết tâm thay đổi của một người đàn ông từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, chúng tôi hy vọng những ước mơ, những dự định của gia đình ông sẽ sớm thành hiện thực.

Không có nhận xét nào: