Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Ký ức bình yên

Ký ức bình yên
(Copy từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ky-uc-binh-yen-20120121011922697.htm ; tác giả: Kim Ngân; đã đăng ngày 28-01-12 lúc 07:00, mục Thời sự trong nước.)
Mùa Xuân chưa hẳn là mùa đẹp nhất của làng Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn - Quảng Nam. Đại Bình đẹp cả bốn mùa với sự bình yên vĩnh cửu.
Tôi có mặt tại Đại Bình khi mùa cây trái đã qua, nước lũ sông Thu Bồn vừa rút, mưa chỉ còn lác đác rơi. Đêm ấy, trong căn nhà nằm sâu giữa vườn cây trái, tôi được đọc tập hồi ký thơ của chủ nhân, cụ Nguyễn Thụy Khái. Gia đình cụ Khái gắn bó lâu đời với mảnh đất Đại Bình. Chiến tranh ly loạn, cụ cùng gia đình rời quê phiêu bạt khắp nơi. Đất nước thống nhất, cụ trở về Đại Bình, mở phòng mạch chữa bệnh cho bà con trong vùng và vui thú điền viên.
Cụ Khái mất đã lâu, căn nhà chỉ còn lại hai phụ nữ ra vào, cụ bà đã 90 tuổi và người con dâu trưởng cũng gần 60. Cụ bà khoe với tôi hồi ký thơ của cụ ông được đánh máy và đóng tập trang trọng. Đó không phải là những ghi chép về cuộc đời bôn ba của một người đàn ông xứ Quảng tài hoa mà là những bài thơ tình ý nhị và lãng mạn được cụ Khái viết trước năm 1975 theo lối xướng họa giữa tác giả và một người phụ nữ Huế tài hoa, xinh đẹp nhưng truân chuyên.
Chưa gặp mặt cụ Khái nhưng tôi luôn hình dung đó là một người có cuộc đời phiêu bạt mà nho nhã, kiến văn sâu rộng, tâm hồn phóng khoáng. Những phẩm chất ấy đã giúp cụ tìm được sự bình yên giữa sóng gió cuộc đời. Song, có lẽ hơn tất cả, sự bình yên đó có được chính là từ quê hương Đại Bình.

Những căn nhà nằm sâu giữa vườn cây trái ở Đại BìnhẢnh: KIM NGÂN
2.Bình yên là một điều giản dị trong cuộc sống nhưng lại là ước vọng của bao người. Khi có được bình yên, con người đã tìm về hạnh phúc.
Làng Đại Bình được khai lập từ đầu thế kỷ XVII, lúc ấy mang tên Đại Bường. Ngôi làng nhỏ bé bình yên nép mình bên thượng nguồn sông Thu Bồn, con sông hằng năm thường làm nên những trận lụt hung hãn nhưng bồi đắp đầy phù sa màu mỡ để cây trái Đại Bình luôn tươi tốt. Dường như những bậc tiền nhân Đại Bình đã chọn chỗ không yên ả để tạo sự bình yên vĩnh cửu cho làng. Sự bình yên ấy còn đến với Đại Bình cả trong chiến tranh. Tuy nằm trong vùng đất hứng chịu nhiều bom đạn khốc liệt nhưng ngôi làng vẫn vô sự, không hề có dấu vết đạn bom.
Bến đò Trung Phước vẫn là mạch giao thông duy nhất nối Đại Bình với những vùng xung quanh. Từ bến sông bước qua cổng làng, qua lũy tre xanh bao bọc xung quanh, ta như bước vào một không gian khác biệt. Đại Bình toát lên vẻ đẹp bình yên cổ tích với những căn nhà xinh xắn nép giữa vườn cây trái xanh tốt. Đường làng len lỏi giữa những hàng cây rợp mát. Cây cối trong vườn cao lớn, um tùm như cổ thụ...
3.Bà Hai, con dâu trưởng của cụ Khái,gắn bó với Đại Bình đã hơn nửa đời người. Năm 1975, cô gái gốc Bắc sinh sống ở Sài Gòn chưa một ngày làm quen với ruộng vườn đã theo chồng về một ngôi làng bé nhỏ giữa vùng sông núi tận miền Trung. Vậy mà, khi con trai của họ chưa kịp chào đời thì người chồng đã mất. Gia đình chồng nhiều lần khuyên bà đi bước nữa. Thế nhưng, có gì đó níu kéo bà ở lại với căn nhà, với mảnh vườn bên sông Thu, để rồi lần lượt chứng kiến từng thành viên trong gia đình trưởng thành và lập nghiệp ở những nơi khác.
Người con trai duy nhất của bà Hai theo học nghề y, hiện làm bác sĩ tại Bệnh viện Y học dân tộc Đà Nẵng. Khi con trai đã có gia đình riêng ở Đà Nẵng, bà cũng chỉ ra thăm con cháu ít ngày rồi lại trở về Đại Bình. “Từ ngày làm dâu Đại Bình, tôi ít khi rời khỏi nơi này. Căn nhà, mảnh vườn là cuộc sống thứ hai của tôi, là tình yêu và chốn bình yên mà tôi muốn giữ lại cho con cháu đi về” - bà Hai bộc bạch.
4.Đại Bình hiện có trên 300 hộ dân nhưng đến 215 người là hội viên Hội Người cao tuổi. Trong những căn nhà cổ kính hầu như chỉ còn cụ già và trẻ nhỏ. Ngôi làng đẹp như trong cổ tích ấy không giữ chân được những người trưởng thành, họ lần lượt ra đi.
Anh Sinh, một người trẻ thế hệ 8X, là giám đốc một công ty sản xuất đồ mỹ nghệ ở Đà Nẵng. Sinh từng tận dụng căn nhà và không gian vườn ở Đại Bình để sản xuất nhưng trở ngại lớn nhất là việc vận chuyển hàng hóa qua lại trên sông. “Công việc ở đây không trôi chảy lắm. Bởi vậy, nhớ quê thì về thăm ít bữa rồi tôi lại ra đi” - anh Sinh trăn trở.
Có nghịch lý không khi người ta vẫn ao ước sự bình yên nhưng lại tìm đến những chốn xô bồ, nhốn nháo? Hình ảnh bến sông, mảnh vườn, lũy tre làng, căn nhà cha mẹ luôn là nỗi nhớ mong thao thức và thôi thúc những người con xa quê trở về. Nhưng với nhiều người, đó cũng chỉ là sự mong ngóng để rồi tìm về ký ức mà thôi, dù ký ức ấy có thật và sống động. Làng quê Đại Bình thật đẹp, thật bình yên mà như một bảo tàng ký ức. Địa phương đang tính mở tour du lịch để thu hút du khách nhưng liệu lúc đó, Đại Bình có còn bình yên?
Kim Ngân

Không có nhận xét nào: