Tưởng nhớ Vương Hồng Sển |
Copy từ https://levinhhuy.wordpress.com/2015/09/26/tuong-nho-vuong-hong-sen/ ,đăng ngày 2015/09/26 bởi levinhhuy, mục "Những người tôi đã gặp". |
Vương Hồng Sển (1902-1996), bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông sinh ra tại Sóc Trăng, mang ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer. Nguyên tên thật ông là Vương Hồng Thạnh, khi làm giấy khai sinh, người giữ sổ lục bộ ghi nhầm là Sển (theo phát âm tiếng Triều Châu). |
|
|
Ông là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam. Những tác phẩm của ông thường có dấu ấn của hồi ký và cung cấp cho người đọc những trải nghiệm thú vị. Tác phẩm: |
Thú chơi sách (1960) |
Sài Gòn năm xưa (tập I, II 1960; tập III 1992) |
Hồi ký 50 năm mê hát (1968) |
Phong lưu cũ mới (1970) |
Thú xem chuyện Tàu (1970) |
Thú chơi cổ ngoạn (1971) |
Chuyện cười cố nhân (1971) |
Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972) |
Cảnh Đức trấn đào lục (1972) |
Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (1972) |
Hơn nửa đời hư (1992) |
Tạp bút năm Nhâm Thân (1992) |
Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn (1993) |
Những đồ sứ do đi sứ mang về (1993) |
Những đồ sứ khác Quốc dụng, Ngự dụng v.v… (1993) |
Tạp bút năm Quý Dậu (1993) |
Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994) |
Nửa đời còn lại (1995) |
Thú ăn chơi |
Khảo về hát bội, v.v…. |
Và hàng chục bản thảo khác như: Cuốn sách và tôi, Dở mắm, Tạp bút I, II và III, Cà đo xe, Bên lề cuốn sách… Đến năm 1991, thỉnh thoảng ông vẫn có bài đăng ở các báo, tạp chí. |
* * *
|
Miền Nam gạo trắng nước trong, đã bồi đắp cho đời được ba nhà văn hóa lớn, họ như ba cây đại thụ sừng sững giữa đồng bằng Nam bộ, đó là Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê và Sơn Nam. Cả ba cùng vừa là nhà biên khảo vừa là nhà văn, nhưng cái duyên của văn mỗi vị mỗi khác. Nếu Nguyễn Hiến Lê có giọng nghiêm cẩn của nhà mô phạm, ngay cả khi ông gây cười, ta cũng thấy đó là cái cười mỉm, nụ cười hiền lành khoan hòa của một triết gia; thì Sơn Nam lại có giọng thật thà chơn phác đặc sệt Nam bộ, và cái duyên của ông ở chỗ đậm đà hương quê. Còn Vương Hồng Sển, tính về tuổi tác là bậc anh bậc chú của hai người kia, nhưng văn lại hóm hỉnh trẻ trung, đọc đến là bắt cười. Văn Vương Hồng Sển là thứ văn khẩu ngữ bình dân của nhà bác học, lại pha trộn cổ kim nhuần nhuyễn, ý vị như chén muối tiêu được vắt miếng chanh, vừa mặn vừa chua đặc sắc, hễ đọc qua là ghiền, và nhớ mãi. |
Nhân ngày sinh Vương Hồng Sển (27/9/0902), tôi post lên đây một bài báo của ông, như thắp nén nhang tưởng nhớ bậc thái sư thúc. Đây là bài ông trên báo Sóc Trăng, được viết vào cuối năm 1994, khi ông đã 92 tuổi. |
Viết bài kỵ nhất lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia, người ta có ráng đọc xong cũng như lạc vào cõi sa mù, hoang mang chẳng nhớ và cũng chẳng biết tác giả muốn nói quỷ gì. Nhưng bài nào của Vương Hồng Sển cũng lan man kiểu đó, lạ cái đọc qua là bắt nhớ kỹ hết thảy những gì ông đề cập. Văn Vương Hồng Sển là “văn ba lan”, ông thẩy xuống mặt hồ viên sỏi kêu cái tõm, từ đó, những gợn sóng đồng tâm lan ra, ai đọc câu trước là phải dõi tiếp câu sau, đọc hết bài vẫn thấy thòm thèm, trách ông già sao đã dứt câu chuyện, vội đi đâu vậy chớ! |
Một bài báo thôi, mà tác giả cung cấp nhiều thông tin thú vị, lại giúp hiệu đính nhiều địa danh bổ ích: Cơ-Me, Sốc-Trăng, bắc Cái-Vồn, cho đến Cần-Thơ, Chắc-Cà-Đao… Những cái tên đất ông tra ra lại gợi bao nhiêu là hình ảnh và tình tự của tổ tiên Chệt-Kinh-Miên thời mở cõi. Ngay cả lối viết có gạch nối của ông, lối viết cũ xưa trào thuộc Pháp khi mới có chữ Quốc ngữ, cũng cho ta thấy được nét văn hóa đặc thù một thời, nên tôi cố gõ theo ông để giữ lại… |
Nào! Ta hãy theo ông, nhẩn nha du hý từ cõi Hán Sở bên Tàu rồi đáo về Cù lao Dung ăn tô bún nước lèo Sóc Trăng, vít cành điên điển nếm thử bột chiên, xong nhảy tàu qua cả bên Miên để theo dõi trai gái Khmer họ hẹn thề cho biết. |
_______ |
Nhắn với bạn Nguyễn-Tử-Quang(1) và xin nói về hoa điên điển |
(Viết ngày 1 tháng XI năm 1994 cho báo Xuân ở Sốc-Trăng để xin cáo không viết nữa) |
– Vương-Hồng-Sển |
Chú Nguyễn-Tử-Quang mến. Tôi đã có thơ cho chú xin không viết cho báo Sốc-Trăng được vì quá già và đang bịnh, bỗng nay tôi lại được cháu gọi tôi là bác, mời mọc nữa. Cái câu “tửu bất khả ép” tôi nghi là do mấy cha nhậu bịa ra, chớ nào câu gì toàn chữ Hán, lại ghép chữ “ép” rất nôm vào mà nghe cho được. Sở dĩ tôi nói làm vậy để mở đầu bài này là bài tôi viết cho báo Sốc-Trăng đây. |
Ngày nay, tại thành phố có tên của Bác nầy, báo chí mọc tua-tủa, báo ngày, báo tuần đủ thứ, không đủ tiền mua mà đọc, với tuổi như tôi, nằm võng đọc chẳng sướng hơn hay sao? Bấy lâu, tôi thích văn của chú viết, chú phê-bình truyện Tàu, nghe thâm-thúy, vậy tôi ra cho chú một vế đối chưa ai đối được, thử chú đối coi, và đối xứng, tôi sẽ viết bài, bằng chú không trả lời, thì xin cho tôi khỏi viết nữa. Câu đối cũ, chớ không phải của tôi, là như vầy: “Hạng-Võ khóc Ngu-Cơ, ngơ cu Hạng-Võ”. Ngày nay lắm người mới, khuyên đừng nhắc Tam-quốc-chí, Hán-Sở tranh hùng, nhưng bọn mình già, biết người biết ta, bọn mình cứ biết gì nói nấy. |
Hiện thời, nước dâng lên quá mức, làm cho vùng Đồng-Tháp bị ngập lụt, tôi dốt nát, không từng học chữ nho, nên viết câu “nước dâng lên quá mức” và không viết như người mới, nào “triều-cường”, nào lũ lụt. Tôi dám chắc người dân củi-lục làm ăn vùng Sốc-Trăng không hiểu được đâu. Nhưng họ cứ dùng chữ Hán, họ cứ viết theo họ muốn, tôi nào phải lột da sống đời đời, và rốt lại chú sẽ chứng-kiến, gái Sốc-Trăng bỏ áo tầm-vông bỏ chăn tơ dệt chỉ màu, mặc vận theo tân-thời, áo dài theo kiểu áo Nam, học chung trường Việt, hoặc y phục theo gái Tây gái Mỹ, nhưng tôi dám chắc và chú trẻ hơn tôi, chú sẽ thấy họ không bỏ được tô bún nước lèo của Sốc-Trăng nhau rún của tôi đâu! |
Như đã nói, Sốc-Trăng là đất nhau rún của tôi, làm sao tôi dám quên nguồn gốc mà bỏ cho được, nhưng tôi buồn lòng, họ không giải nghĩa vì sao họ viết Sóc-trăng, không có cái nón đội đầu, là không có dấu mũ? Tôi thuở nay biết Sốc-Trăng viết có dấu mũ luôn luôn, vì dựa theo tiếng gốc là tiếng Miên (Khmer), Srock-khléang, Hán-tự viết “Khác-lằng”, phiên-dịch ra tiếng Việt là Sốc-Trăng(2), hay là họ dựa theo tiếng Tây đời Pháp-thuộc, viết Soc-trang, không chấm dấu, và nếu họ cứ viết Sóc-trăng (không dấu mũ) thì cho tôi hỏi: ngày sóc, tức ngày mồng một làm sao có trăng? Nhưng họ viết theo lối mới như vậy, nên tôi xin chịu thua. |
Tôi nhắc lại đây cho Tử-Quang nghe, sông Hậu chảy ra biển, chia làm hai nhánh. Tôi tóm tắt, chính giữa sông có một cù-lao thật lớn, tên gọi Cù-lao Dung, Dung tức là khoan-dung, tha thứ; nhánh sông bên tả (kể từ trên kể xuống), nhánh ấy đặt là cửa Định-An, tức trấn an người bản xứ là người Miên (Khmer) phía Trà-Vinh; còn nhánh bên hữu, tên đặt là cửa Trấn-Di, tức trấn trị người Di, người Miên (Khmer) phía Sốc-Trăng, nhưng ác hại thay, trên địa-đồ do Tây để lại, vì nhà trắc-địa hay nhà kỷ-hà học Pháp (géomètre) ấy viết chữ Trấn-Di quá nhỏ và không chấm dấu, khiến nên người vẽ địa-đồ vẽ lại, đã tự ý chấm dấu và đọc Trần-đề (thật là vô nghĩa) hoặc đọc Tranh-đề (cũng vô nghĩa), nhưng cái gì là vô nghĩa lại tồn tại, còn cái gọi đúng nghĩa thì người mới vẫn không chịu nghe, (xem sách géographie của Alinot nay khó kiếm), và bởi các lý lẽ duyên do ấy, cho nên tôi cáo thối, nhường đường cho người khác viết để mình đọc là phải hơn. |
Tôi từng đọc trên tờ tuần báo Văn-Nghệ số 165, trong một bài, họ viết chữ “đéo” lặp đi lặp lại ba bốn lần, và một chỗ khác, họ viết câu “làm dở như con c…” mà vẫn được thông qua, lại họ dùng nào “dỏm”, nào “xịn” là những chữ tôi không thấy trong tự-điển, rồi họ viết “chôm chỉa”, đều chạy tuốt-tuột vì họ là người đời mới, họ có công đi đánh đuổi giặc, tôi vô công thêm bất tài, tôi rút lui là phải. |
Một tuần báo khác, tôi không nhớ báo nào (tôi cố lục mà không thấy, không kể ra được), có bài của một nhà văn khét tiếng ở đây. Nhà văn này đi viếng vùng Đồng-Tháp bị nạn lụt lớn, nhà trôi hoặc trổ nóc chịu đựng, có viết rằng nhà thiếu gạo nhưng nhờ có xuồng ba-lá còn lại, nên dùng xuồng ấy chèo ra vùng ngập và hái bông điên-điển về luộc ăn đỡ đói thế cho cơm (buổi túng ngặt như vậy, bông điên-điển quí hơn vàng). Trong bài có nói bông hái buổi trưa độ bảy giờ mặt trời đã lên cao, thì bông luộc ăn có vị đắng, cho hay chi tiết nhỏ ấy khiến tôi nhớ lại chuyện cũ năm xưa mẹ tôi đã kể lại và tôi xin thuật như vầy, thiết tưởng người Cơ-me Sốc-Trăng ắt thành thạo biết rõ hơn tôi, nhưng tôi xin cứ kể: |
“Vào đời xửa đời xưa, chuyện không nhớ vào đời nào mà nói, thuở ấy có bà chúa các loài sâu chuyên ăn bông điên-điển, đến gặp bà tiên của hoa điên-điển, hai bà tiên tranh luận với nhau, và bà chúa hoa xin hẹn với bà chúa sâu, xin sâu hãy chờ mặt trời mọc sẽ đến ăn, thì hoa sẽ mãn-khai và lớn, tức ngon hơn… Bà chúa sâu ưng lời, nhưng trong khi ấy bà chúa hoa đã báo mộng thông tin cho phụ-nữ, gái Cơ-me (Khmer) biết và dặn hãy mau đến hái hoa lúc tờ-mờ sáng, mặt trời chưa mọc, thì hoa đương hé nhụy, và nhờ vậy sâu bị lừa-phỉnh, nên tức giận, và hái từ sáng sớm có mặt trời mọc thì bướm sâu có kịp thời giờ trả hận, khiến trong hoa có tửa, nhưng các cô gái Miên dè dặt đã hái từ còn khuya và được hoa ngon”. |
Câu chuyện mẹ tôi kể đến đây đủ thấy người Miên không kém phần và không thiếu chi nhà thơ giàu tưởng-tượng, nhưng mẹ tôi còn kể thêm chuyện sau nầy, khiến tôi luyến tiếc buổi mẹ còn, tôi không học hỏi thêm những gì của mẹ, nay mẹ đã mất mà ba tôi cũng mãn phần, tôi biết làm chi những rườm-rà vô bổ ích? |
Mẹ tôi dạy rằng: người Miên cũng có tục thanh-minh, cũng tụng kinh cho vong người đã khuất, và tục ấy bảo rằng người sư sãi ở chùa (tỷ như gần làng Đại-Tâm thì có chùa Xà-Lôn), sư sãi ấy có phận-sự vào tiết thanh-minh, các sãi ấy ban ngày thường đi ra đồng tìm những mồ mả hoang không cúng kiếng, thì họ bẻ nhánh lau nhánh sậy cắm làm dấu, để chờ vào đêm, họ tìm lại những mồ xiêu mả loạn ấy mà tụng một thời kinh cứu-độ, tụng suốt đêm từ mả nầy qua mộ kia cho đến xế chiều bữa hôm sau, và không được trở về chùa thời cơm. Trong lúc ấy, các cô gái trinh nữ Miên chưa chồng, lại có thâm ý dùng xuồng nhẹ chở hai cô gái mỗi một xuồng, đem theo nào chảo đựng mỡ thắng mới, nào bột gạo có trộn lộn sẵn đường và hột vịt cho vừa sệt-sệt, rồi ban mai sáng thật sớm, chị em chèo xuồng ấy ra ngoài đồng nước xấp-xấp, hễ gặp cây điên-điển nào trổ bông nhiều, thì một cô kềm xuồng cho vững, cô kia sẽ vói kéo nhánh hoa tươi tốt trên cành, nhúng nhánh ấy vào vịm bột cho thấm hoa rồi nhúng cũng nhánh hoa ấy vào chảo mỡ nóng, chờ khi bánh chín sẽ trả bánh chiên vào chỗ trước trên cành, để bơi qua chỗ khác. Ôi! Còn bánh nào ngon lành hơn bánh linh động trên cành tươi như vậy! Nhưng thú thật, cái tội lỗi của tôi, và cái hư từ ấu-xuân của tôi, là tôi đã từng cướp bánh ngon của sư sãi và đã từng xực trước những bánh của các cô dành cho sư sãi kia, tuy hữu công về đạo nhưng vẫn kém duyên thua kẻ nầy! (3) |
Câu chuyện về bông điên-điển đến đây vẫn chưa chấm dứt, và khi đã nói, tôi vẫn nói không ngừng. Nay tôi đã quá già và vẫn là con mọt sách, xin thưa: Trong quyển Pháp-văn “Khảo về hoa-mộc Đông-Dương”, do tấn-sĩ khoa-học kiêm nông-lâm Alfred Petelot (cuốn nầy trọn bộ gồm bốn quyển dày, nay không đâu còn bán), có kể rằng điên-điển cây cao đến bốn thước, nhờ vậy không chết trong vùng nước lụt như Đồng-Tháp, lá trên xanh dưới tim-tím, bông thì vàng, cây thì bộng ruột, dùng làm nút chai hay độn bên trong chiếc mũ chầu xưa thường thấy, nhưng nay đã ít dùng. Cây không cần trồng và vẫn tự nhiên mọc nhiều từ Ấn-Độ qua Thái-Lan, đến Cao-Miên và mọc khắp miền Nam nước Việt, bông người mình chỉ làm dưa chua chấm với nước thịt cá kho, thế cho dưa giá dưa sen, nhưng người Miên đã có sáng kiến trộn với bột-đường làm một món bánh ngon-lành, bánh mới ăn giòn và thơm, bánh để lâu ngày, vẫn ít mốc-meo và khi ăn lại dai dẻo, bùi bùi, có một vẻ ngon đặc biệt, theo tôi, ít có bánh nào của ta bì được. Tôi viết đến đây xin tạm chấm dứt vì cơn bịnh “viêm về dây thần kinh” đang hành hạ tôi nhức nửa phần da mặt bên trái, và xin chào các bạn Sốc-Trăng. Vừa chào vừa cáo lỗi. Tôi quên nói, người Miên gọi bông điên-điển là snor, nên ở Cần-Thơ, lấy tên theo Miên nầy làm làng gọi Xà-No. |