Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

​Bí thư thị trấn Lăng Cô làm hai nhân viên có bầu

​Bí thư thị trấn Lăng Cô làm hai nhân viên có bầu
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150731/bi-thu-thi-tran-lang-co-lam-hai-nhan-vien-co-bau/786144.html ,đăng ngày 31/07/15, mục Pháp luật.
TTO - Bí thư thị trấn Lăng Cô Huỳnh Đức Hải thừa nhận có quan hệ với hai nhân viên đang làm việc ở bộ phận kế toán và tư pháp UBND thị trấn Lăng Cô làm hai người này có bầu.
Ngày 31-7-15, ông Nguyễn Chí Quang, bí thư Huyện ủy Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) cho biết đang xem xét kỷ luật cách chức đối với ông Huỳnh Đức Hải, bí thư đảng ủy thị trấn Lăng Cô vì vi phạm đạo đức lối sống.
Ông Quang cho biết sau khi có thông tin dư luận về việc ông Hải có quan hệ bất chính làm hai nhân viên đang làm việc tại UBND thị trấn Lăng Cô có bầu, Ban kiểm tra huyện ủy Phú Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh và kết quả thông tin này là có thật.
Tại các buổi làm việc với huyện ủy Phú Lộc, ông Huỳnh Đức Hải cũng đã thừa nhận có quan hệ với hai nhân viên đang làm việc ở bộ phận kế toán và tư pháp UBND thị trấn Lăng Cô làm hai người này có bầu.
Hiện hai nhân viên này đang mang bầu tháng thứ ba, tháng thứ tám.
Sau khi phát hiện sự việc, huyện ủy Phú Lộc bước đầu quyết định gạch tên ông Hải khỏi danh sách đề cử bầu Ban chấp hành đảng bộ huyện Phú Lộc, đồng thời ông Hải cũng đã có đơn xin không tham gia đại hội đảng bộ huyện Phú Lộc (dự kiến tổ chức vào ngày 19-8-15) và đã được huyện chấp nhận.
Tiếp đó, Đảng ủy thị trấn Lăng Cô đã quyết định kỷ luật Đảng đối với ông Hải với hình thức khiển trách.
Ông Quang nói: “Sự việc chưa có tiền lệ ở tỉnh này, chúng tôi cũng chưa biết phải xử lý thế nào. Đây là vi phạm rất nghiêm trọng về đạo đức, lối sống của người đảng viên. Ông Hải không đủ tư cách của người đảng viên, không đủ uy tín làm lãnh đạo; sẽ bị kỷ luật cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng. Sau đại hội đảng bộ huyện, chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật”.
Được biết, ông Hải và cả hai cô nhân viên liên quan đều chưa lập gia đình.
Nguyên Linh

Ca sĩ Duy Khánh

Ca sĩ Duy Khánh
Copy từ http://flikr.com , bên dưới ảnh của nam ca sĩ Duy Khánh.
Duy Khánh (1936-2003), tên thật Nguyễn Văn Diệp
Duy Khánh (1936-2003), tên thật Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh Tăng Hồng, Hoàng Thanh, là một nam ca sĩ người Việt. Ông nổi danh từ thập niên 1960, ban đầu với những bài hát mang âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của Phạm Duy, nhạc về quê hương, về sau ông được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng thời kỳ đầu ("tứ trụ nhạc vàng"), ba người còn lại là: Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh [1][2]. Ông còn được biết đến như một nhạc sĩ tài năng với hơn 30 ca khúc, nổi tiếng phải kể đến Thương về miền Trung, Lối về đất mẹ, Ai ra xứ Huế, Xin anh giữ trọn tình quê...
Duy Khánh (tên rửa tội là Micae Nguyễn Văn Diệp) sinh năm 1936 tại Làng An Cư - Xã Triệu Phước - Huyện Triệu Phong - Quảng Trị, là con áp út trong một gia đình vọng tộc gốc thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn. Dòng họ Nguyễn này có vợ của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm.
Năm 1964 ông thành hôn với Âu Phùng, một phụ nữ gốc Hoa, sinh ra 2 người con. Về sau hai người đã ly dị.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại Việt Nam.
Giữa thập niên 1980 ông cưới bà Thúy Hoa rồi sống tại Vũng Tàu.
Đến 1988, ông được bảo lãnh sang Hoa Kỳ, tại đây ông tiếp tục ca hát và sáng tác.
Ông mất vào 12 giờ trưa ngày 12 tháng 2 năm 2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, thọ 68 tuổi
Năm 1952, Duy Khánh đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế với bài hát Trăng thanh bình. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn để theo đuổi nghề ca hát.
Vào Sài Gòn, ông bắt đầu ghi âm đĩa nhựa và đi diễn khắp nơi, dần nổi tiếng với tên Hoàng Thanh. Ông trở thành một trong ba giọng nam được yêu thích nhất, cùng với Duy Trác, Anh Ngọc. Thời kỳ này tên tuổi của ông gắn liền với những bài có âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của Phạm Duy: Vợ chồng quê, Ngày trở về, Nhớ người thương binh, Tình nghèo, Quê nghèo, Về miền trung... rồi đổi nghệ danh là Duy Khánh. Chữ "Duy" trong Phạm Duy, còn "Khánh" là tên một người bạn thân của ông.
Năm 1965, ông cùng với nữ danh ca Thái Thanh thu thanh bản trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy. Sau đó cả hai người cùng hát trường ca Mẹ Việt Nam. Cho đến nay, hai bản trường ca này vẫn gắn liền với giọng hát Thái Thanh, Duy Khánh.
Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1959, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay từ hai sáng tác đầu tay: Ai ra xứ huế, Thương về miền trung. Ngoài ra, từ những năm cuối thập niên 1960 cho đến năm 1975, Duy Khánh còn lập nhóm chủ trương xuất bản tờ nhạc mang tên 1001 Bài Ca Hay quy tụ được nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Trịnh Lâm Ngân, Đỗ Kim Bảng, Duy Khánh, Trúc Phương... Tờ nhạc do nhóm xuất bản được giới mộ nhạc đánh giá cao vì in ronéo bản đẹp và minh họa công phu do chính Duy Khánh chỉ đạo thực hiện.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông bị cấm hát một thời gian dài, sau đó thành lập đoàn nhạc Quê Hương, quy tụ các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân, các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến... Sau khi sang Mỹ vào năm 1988, ông hát độc quyền cho trung tâm Làng Văn, sau đó tách ra, thành lập trung tâm Trường Sơn tiếp tục ca hát và dạy nhạc cho đến cuối đời.
Nghe ca sĩ Như Mai hát "Nhớ người thương binh" của Phạm Duy, thời lượng 06'13" tại đây: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/nho-nguoi-thuong-binh-nhu-mai.TkXRidztW4.html
Điệp vàng
Nghe hòa tấu "Hận Đồ Bàn" của nhạc sĩ Xuân Tiên:

Hải Phòng: 30 hộ dân xã đảo Việt Hải chìm trong biển nước

Hải Phòng: 30 hộ dân xã đảo Việt Hải chìm trong biển nước
Copy từ http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/hai-phong-30-ho-dan-xa-dao-viet-hai-chim-trong-bien-nuoc-20150731161133203.htm ,đăng ngày , mục .
Đã 5 ngày nay, xã đảo Việt Hải, huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng vẫn ngập chìm trong nước, bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với đất liền.
Việt Hải nằm trong khu chuyển tiếp sinh quyển của vườn quốc gia Cát Bà, cách trung tâm thị xã Cát Hải khoảng 13 km, bị cô lập từ ngày 26/7 do mưa lớn nhiều ngày qua.
Mọi sinh hoạt của các hộ dân bị tê liệt hoàn toàn. Khu dân cư trong xã ngập sâu từ 1,5 đến 3m. Tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã bị ngập dài hơn 3km, có những điểm ngập sâu tới 7m, khiến người dân xã không thể đi lại và giao thương với bên ngoài.
Xã đảo Việt Hải biến thành biển nước, nhiều căn nhà bị nhấn chìm. (ảnh: Báo Tiền Phong)
Hiện nay, huyện Cát Hải đã di dời 30 hộ dân lên những khu vực cao, đồng thời hỗ trợ 2 tấn gạo và 100 thùng mỳ tôm giúp người dân địa phương. Công tác cứu hộ cũng đang được huyện đặt lên hàng đầu với 50 cán bộ, chiến sỹ biên phòng, quân sự, công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy cùng nhiều phương tiện vật tư hỗ trợ nhân dân xã đảo Việt Hải phòng chống ngập lụt.
Việt Hải là xã đảo duy nhất của Miền Bắc không có đường giao thông nối với đất liền. Phương tiện duy nhất để di chuyển ra đảo là tàu máy. Hiện nay nước biển vẫn dâng cao, cùng lượng mưa lớn vẫn tiếp tục gây khó cho công tác cứu hộ.
Ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết: "Do địa hình của Việt Hải là thung lũng, ở thời điểm này nước biển đang dâng cao 2,7 m đến 3m, kết hợp với mưa rất lớn, nước cũng không thể thoát ra được, chỉ chờ thoát nước của thủy triều.
Ngoài xã Việt Hải, xã Gia Luận, khu vực đồng cỏ của Vườn quốc gia Cát Bà của huyện Cát Hải Thành phố Hải Phòng cũng bị ngập sâu trong những ngày mưa vừa qua. Tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 50 tỷ đồng.
Xã đảo Việt Hải biến thành biển nước, nhiều căn nhà bị nhấn chìm. (ảnh: Báo Tiền Phong)
Ảnh cũ: Đã từ lâu, Việt Hải là điểm du lịch sinh thái cộng đồng thu hút khá nhiều lữ khách nước ngoài yêu thích sự tìm tòi khám phá những vùng đất mới.
Theo VOV

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Nữ sinh 13 tuổi bị giết trong khách sạn

Nữ sinh 13 tuổi bị giết trong khách sạn
Copy từ http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/nu-sinh-13-tuoi-bi-giet-trong-khach-san-588735.html,đăng ngày 23/07/15, mục Chính trị - Xã hội .
(TNO) Tối nay 23.7.15, lực lượng công an của TP.HCM và tỉnh Quảng Bình vẫn đang phối hợp truy tìm tung tích Nguyễn Văn Thiên (17 tuổi, ở tổ 8, P.Nam Lý, TP.Đồng Hới, Quảng Bình), nghi phạm bị cho đã sát hại nữ sinh 13 tuổi tại một khách sạn trên đường Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình.
Thông tin ban đầu cho biết, Thiên học tại một trường dân lập đào tạo 3 cấp phổ thông ở TP. Đồng Hới, Quảng Bình, có trong đoàn của trường đi tham quan Singapore.
Tối 21.7, đoàn về tới TP.HCM và thuê một khách sạn nghỉ qua đêm trên đường Cộng Hòa để chiều hôm sau về lại Quảng Bình. Khoảng 13 giờ 15 ngày 22.7, các thầy cô trong đoàn xuống quầy làm thủ tục trả phòng thì Thiên nói bị thất lạc hộ chiếu và nhờ nữ sinh lớp 7 (13 tuổi, ở tổ 11, P.Nam Lý, TP.Đồng Hới) đi cùng đoàn lên phòng tìm giúp.
Khoảng 15 phút sau vẫn không thấy hai học sinh xuống, các thầy cô chạy lên gọi cửa nhưng không được nên nhờ nhân viên khách sạn lên mở cửa phòng. Khi vào phòng, mọi người tìm thấy nữ sinh nằm bất động trong bồn tắm. Lập tức mọi người đưa nữ sinh đi cấp cứu nhưng không qua khỏi; trong lúc đó, Thiên lợi dụng bỏ trốn khỏi khách sạn.
Thi thể nữ sinh đã được gia đình đưa về quê mai táng. Trong khi đó, lực lượng công an thuộc các đơn vị nghiệp vụ ở TP.HCM đã có mặt tại TP.Đồng Hới sáng nay 23.7, để phối hợp với Công an TP.Đồng Hới, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Bình để truy tìm tung tích Thiên.
Một cán bộ điều tra thuộc Công an tỉnh Quảng Bình cho hay, nhiệm vụ của lực lượng địa phương là xác minh lai lịch tên tuổi của Thiên và nạn nhân, xem Thiên đã về Quảng Bình chưa; vận động gia đình liên lạc với Thiên và thuyết phục Thiên ra trình diện.
Có thông tin rằng, Thiên có tình cảm với nạn nhân 13 tuổi và đã nhiều lần tỏ tình nhưng đều bị nữ sinh lớp 7 khước từ.
Huệ Minh-Ngọc Thọ-Đàm Huy
Tin liên quan
Copy từ http://congan.com.vn/vu-an/khoi-to-nam-sinh-lop-11-hiep-dam-giet-chet-nu-sinh-lop-7_4737.html, đăng ngày 29/07/15.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thiên (17 tuổi, quê Quảng Bình) về hành vi "hiếp dâm trẻ em" và "giết người".
Như Báo Công an TP.HCM đã đưa tin, tối ngày 21-7-15, đoàn giáo viên, học sinh Trường Chu Văn An (TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) về đến TP.HCM sau chuyến du lịch Singapore.
Trưa ngày 22-7, thầy cô và các bạn trong lớp làm thủ tục trả phòng khách sạn để về lại Quảng Bình. Trong lúc các thầy cô đang làm thủ tục trả phòng thì Nguyễn Văn Thiên (học sinh lớp 11) thông báo mất hộ chiếu và nhờ em N.M.H. (13 tuổi, học sinh lớp 7 Trường Chu Văn An, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cùng đi lên phòng để tìm giùm.
Sau một lúc chờ đợi không thấy hai em học sinh nêu trên đi xuống, các thầy cô trong đoàn quay lên phòng gọi cửa nhiều lần nhưng không thấy ai trả lời. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, các thầy cô nhờ nhân viên khách sạn mở cửa.
Khi cánh cửa mở ra, mọi người chỉ thấy Thiên với nhiều biểu hiện khác thường. Còn em H. không thấy đâu nên tỏa ra tìm. Khi vào phòng tắm, mọi người tá hỏa thấy em H. đang nằm bất tỉnh trong bồn tắm.
Dù được các thầy cô đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong vào sáng ngày 23-7. Lợi dung lúc hỗn loạn mọi người đưa em học sinh H. đi cấp cứu thì Thiên đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Kết quả khám nghiệm tử thi xác định em H. bị hiếp dâm và bóp cổ đến chết. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Thiên chính là hung thủ nên ra lệnh bắt khẩn cấp. Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực truy bắt hung thủ đã gây ra vụ án đau lòng này.
Buồn! Buồn!

Biểu hiện khi bị rắn độc cắn

Biểu hiện khi bị rắn độc cắn
Copy từ http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/bieu-hien-khi-bi-ran-doc-can-20150709105739541.htm ,đăng ngày 29/07/15 , mục Bạn cần biết về y học.
Tùy loại rắn cắn mà nạn nhân có những biểu hiện đặc trưng. Vết cắn do nhóm rắn hổ: tại vết cắn nạn nhân bị đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm khuẩn, sưng đỏ, sốt, có mủ.
Da vùng bị cắn có màu đen (da bị chết do nọc độc)
Nhưng nếu rắn cạp nia, cạp nong cắn thì ở vết rắn cắn không có gì đặc biệt.
Triệu chứng toàn thân: bệnh nhân bị đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,… dễ tàn phế hoặc tử vong do liệt các cơ hô hấp.
Nhóm rắn lục cắn: tại vết cắn có triệu chứng nhiễm độc là sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Bệnh nhân tử vong do chảy máu, mất máu.
Do mỗi loại rắn cắn có những đặc điểm khác nhau, nên để giúp bác sĩ xác định rắn độc cắn là loại rắn nào, nạn nhân và người nhà cần cung cấp thông tin về nơi bị rắn cắn, đặc điểm của con rắn (nếu nhìn thấy), các biện pháp sơ cứu đã áp dụng. Trường hợp đánh chết được con rắn thì mang rắn đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng. Nếu chụp ảnh được con rắn thì gửi qua email, hoặc rửa ảnh mang đến bệnh viện
BS. Phạm Văn Thân
Cấp cứu người bị rắn độc cắn
Khi gặp người bị rắn độc cắn, người cấp cứu cần động viện bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Không để bệnh nhân tự đi lại nếu vết cắn ở chân, vì vận động vùng bị rắn cắn sẽ làm nọc độc ngấm vào cơ thể nhanh hơn.
Tháo các đồ trang sức như nhẫn, vòng ở chi bị rắn cắn. Dùng nẹp bất động chân, tay bị cắn. Giữ vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim so với mặt đất. Nếu biết chắc là rắn hổ cắn có thể gây liệt thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động.
Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện cơ giới. Nếu có điều kiện thì gọi điện đến bệnh viện báo trước để được bác sĩ tư vấn cách cấp cứu bệnh nhân.
Đối với vết cắn ở đầu, mặt, cổ cần khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay, vì để lâu nọc độc dễ tác hại đến não gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân khó thở cần hô hấp nhân tạo: hà hơi thổi ngạt.
Những việc người cấp cứu không nên làm là: không mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc; không để bệnh nhân phải đợi ở nhà vì đến muộn sẽ mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện; không chích rạch vết cắn nếu rắn lục cắn vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch; không làm các biện pháp như: chườm đá, nặn máu vết cắn…bệnh nhân không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên vì đường xa, có thể bị nguy hiểm trên đường đi mà không được cứu chữa.
Cách băng ép bất động chân tay khi bị rắn cắn:
Dùng băng rộng khoảng 5-10 cm, dài vài mét, có thể là băng chun, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Nên tháo đồ trang sức ở chi bị cắn vì dễ gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Không cố cởi quần áo vì dễ làm vùng bị cắn cử động, có thể băng đè lên quần áo. Băng từ ngọn chi về gốc chi, quấn băng tương đối chặt nhưng không quá chặt, vẫn còn sờ thấy mạch đập, đủ để luồn một ngón tay qua giữa các nếp băng. Dùng nẹp cố định chi vừa băng.
Nếu vết cắn ở ngón, bàn, cẳng tay: cũng băng ép từ ngón tay về phía nách. Vết cắn ở thân mình: băng ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực. Không băng ép khi biết rõ hay nghi là rắn lục cắn, kể cả rắn lục đuôi đỏ.
Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim. Nếu vết cắn ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.
Trong sinh hoạt và lao động mọi người, nhất là trẻ em, nên chú ý phòng ngừa rắn độc cắn.
Những điều nên làm :
Khi tình cờ gặp rắn, nên chủ động tránh, không nên làm những cử động đe dọa rắn. Khi đi lại ban đêm nên đi ủng hoặc giầy cao cổ để phòng khi giẫm phải rắn bị rắn cắn. Đi đêm nên có cây gậy khua rắn rồi mới bước tới, phải có đuốc hoặc đèn pin soi đường. Mặc quần áo vải dày, đội mũ nón rộng vành khi phải đi vào rừng, làm nương rẫy.
Những việc không nên làm:
khi đi lại hay làm việc ở trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà mắt chưa quan sát được. Không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đất, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối. Không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần, mà nên dùng gậy hay chân có đeo giầy. Cẩn thận khi kiểm tra chuồng gà, ổ gà vào ban đêm. Không dùng tay bẻ cành cây, lấy củi trong đêm. Không đi chân đất vào rừng, vào nương, rẫy, nhất là ban đêm. Không trêu chọc rắn độc. Không bao giờ sờ vào miệng rắn, ngay cả khi con rắn đã chết, đã chặt đầu hoặc giả vờ chết. Không nên ngủ dưới đất vì rắn hay bò vào những chỗ ấm…Không nên nằm lên trên đống rơm đống rạ vì rắn thường hay ẩn nấp bên trong rơm rạ…

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Danh sách hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm chứa Paraben bị thu hồi

Danh sách hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm chứa Paraben bị thu hồi
Copy từ http://baochinhphu.vn/Doi-song/Danh-sach-hon-2000-san-pham-my-pham-chua-Paraben-bi-thu-hoi/232765.vgp ,đăng ngày 29/07/15 , mục Đời sống.
(Chinhphu.vn) - Từ ngày 31/7/15, 2.091 sản phẩm mỹ phẩm có 5 dẫn chất Paraben đang lưu hành tại Việt Nam sẽ bị thu hồi trên toàn quốc theo quyết định mới nhất của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).
Lý do thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm trên là do trong thành phần công thức đã công bố có chứa Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben là các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm theo quy định mới cập nhật của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN.
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này. Tiến hành thu hồi tất cả các số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben do Sở Y tế đã cấp cho các tổ chức, cá nhân đứng tên công bố tại Sở Y tế theo quy định, báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/8/2015.
Đồng thời Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben theo danh mục các sản phẩm mỹ phẩm và 231 tổ chức, cá nhân đứng tên công bố chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Sau ngày 31/7/2015, các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc việc thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben, Pentylparaben, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thúy Hà
DS sản phẩm mỹ phẩm trong nước bị thu hồi
(Trong 1 file dạng xlsx, size 43,9 KN.)
Thúy Hà

Bức tường cát cao 100 mét ở Nội Mông

Bức tường cát cao 100 mét ở Nội Mông
Copy từ http://suckhoedoisong.vn/dien-dan/buc-tuong-cat-cao-100-met-o-noi-mong-20150729161850228.htm ,đăng ngày 29/07/15, mục Diễn đàn.
Bão cát tấn công một huyện của vùng Tích Lâm Quách Lặc, thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc tạo nên bức tường cát cao khoảng 100 m.
Bức tường cát khổng lồ xuất hiện khiến bầu trời tối sầm. Ảnh: QQ
Theo Shanghaiist, bão cát quét qua huyện Tô Ni Đặc Hữu chiều 28/7/15. Hơn 20.000 tham dự lễ hội truyền thống Naadam đã chứng kiến bức tường cát cao 100 m như lao xuống mặt đất.
Hiện tượng thời tiết bất thường khiến bầu trời chuyển sang màu tối sầm. Trong khoảng 10 phút, bức tường cát khổng lồ như nhấn chìm mọi thứ trong một lớp bụi mù màu vàng cam.
Cảnh sát và nhân viên an ninh đã nhanh chóng sơ tán đám đông tại lễ hội. Hiện chưa có trường hợp thiệt mạng hoặc bị thương nào được ghi nhận. Bão cát kéo dài khoảng 30 phút và kết thúc khi trời bất chợt đổ mưa. Khi trời quang, mọi người bắt đầu lại các hoạt động của lễ hội.
Hôm 16/5/15, một cơn bão cát lớn cũng quét qua vùng A Lạp Thiện ở Nội Mông.
Bão tan khi trời đổ mưa. Ảnh: QQ
Theo VNExpress

Một thanh niên tử vong khi chạy trốn kiểm lâm

Một thanh niên tử vong khi chạy trốn kiểm lâm
Copy từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/mot-thanh-nien-tu-vong-khi-chay-tron-kiem-lam-20150729090501897.htm ,đăng ngày 29/07/15, mục Thời sự trong nước.
Chiều 28-7-15, thượng tá Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết đã có kết luận ban đầu vụ tai nạn giao thông tại địa bàn xã Chư Đrăng, xảy ra vào ngày 25-7, làm anh Phạm Văn Trọng (SN 1994) tử vong.
Theo thượng tá Tuấn, vào ngày 25-7, Phạm Văn Trọng và Lê Duy Thân, Lê Văn Tới, Vũ Văn Tuân (cùng trú xã Uar) khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng thuộc xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, Trọng và Thân đều chở một khúc gỗ đường kính 42 cm, dài 1,6 m, khi đến đoạn đường liên thôn giữa buôn Ung, xã Chư Đrăng cả hai phát hiện 2 kiểm lâm (sau này xác định là anh Phạm Văn Hưng và Ksro Ti, cán bộ kiểm lâm huyện Krông Pa, phụ trách địa bàn xã Chư Đrăng) nên bỏ chạy.
Chạy được khoảng 300 m, xe Thân hỏng và bị lực lượng kiểm lâm ập đến làm việc, riêng Trọng vẫn chạy rồi sau đó tự ngã và bị gỗ đè tử vong. Khi lực lượng công an tới hiện trường thì lực lượng kiểm lâm đã về, xe Trọng vẫn còn ở hiện trường, xe của Thân đã được đưa đi.
“Chúng tôi cũng nghe người dân nói kiểm lâm rượt đuổi dẫn đến tai nạn chết người. Tuy nhiên, chưa có căn cứ và hiện tại người nhà nạn nhân chưa khiếu nại gì”- thượng tá Tuấn nói.
Một xe công nông chở gỗ trên địa bàn xã Chư Đrăng chiều ngày 27-7-15.
Là người có liên quan, anh Lê Duy Thân kể, khi nhóm đang trên đường chở gỗ về thì gặp 2 cán bộ kiểm lâm từ xưởng gỗ của người tên K. đi ra nên bỏ chạy. 2 kiểm lâm đuổi theo xe anh và anh Trọng; được khoảng hơn 2 km xe anh bị hỏng nên dừng lại. Xe Trọng tiếp tục chạy khoảng 200 m thì gặp tai nạn. Trong lúc rượt đuổi 2 kiểm lâm dùng bình xịt hơi cay khống chế.
Thấy Trọng gặp tai nạn, anh Thân và những người trong nhóm vội đưa đi cấp cứu nhưng Trọng đã tử vong. Riêng 2 kiểm lâm khi thấy Trọng gặp tai nạn đã vội vã bỏ đi, không tham gia đưa đi cấp cứu.
Chiều cùng ngày, gia đình ông Phạm Văn Sang (bố Trọng) đã tổ chức tang lễ cho con. “Trọng ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Tôi không được chứng kiến sự việc nhưng nghe người dân nói rằng 2 cán bộ kiểm lâm truy đuổi rất gắt gao trên đoạn đường dài mới dẫn đến sự việc. Vậy mà từ đó đến giờ không thấy bất cứ cán bộ kiểm lâm nào xuống thăm hỏi lấy một câu”- ông Sang bức xúc nói.
Chiều 28-7, ông Trương Thanh Hà, Hạt Phó Hạt kiểm lâm huyện Prông Pa từ chối trả lời báo chí về sự việc. Tuy nhiên, ông Hà cho biết không có chuyện kiểm lâm rượt đuổi rồi dẫn tới tai nạn. Sau khi nghe thông tin nạn nhân bị chết nên hạt quyết định rút 2 cán bộ phụ trách địa bàn về vì sợ người dân bức xúc sẽ gây chuyện.
Khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao thấy hai khúc gỗ mà không tiến hành các thủ tục để bắt giữ, ông Hà biện minh: “Việc thấy gỗ mà không lập biên bản là do lúc đó gặp tai nạn, dân bức xúc ùa tới đánh cho chết. Thà bỏ, gỗ bắt không được bữa này bữa sau bắt”. Ông Hà cho biết thêm huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo làm dịu tình hình, không để người dân bức xúc.
Về việc hạt kiểm lâm chưa tới thăm hỏi gia đình nạn nhân, ông Hà giải thích: “Giờ tới đó tự nhiên mình trở thành thủ phạm. Về góc độ tình người sau này sẽ tới thăm hỏi gia đình nạn nhân sau”.
Bài-ảnh: Hoàng Thanh
Có thể do cuộc sống còn thiếu thốn quá mà ra chuyện chẳng lành.
Bài-ảnh: Hoàng Thanh

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Việt Nam đã làm việc với Singapore về thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt

Việt Nam đã làm việc với Singapore về thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt
Copy từ http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/viet-nam-da-lam-viec-voi-singapore-ve-thu-hoi-tai-san-cua-giang-kim-dat-3252704.html ,đăng ngày 23/07/15, mục Pháp luật.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định, với cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, việc thu hồi số tài sản Giang Kim Đạt chiếm đoạt và tẩu tán sẽ thuận lợi.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng việc thu hồi tài sản tẩu tán của Giang Kim Đạt ở nước ngoài sẽ diễn ra thuận lợi. Ảnh: Bá Đô
Liên quan đến vụ án Giang Kim Đạt, nguyên trưởng phòng thuộc một công ty của Tập đoàn Vinashin tham nhũng đến gần 19 triệu USD và tẩu tán nhiều tài sản ra nước ngoài, tại cuộc họp báo sáng 23/7, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong cuộc thanh tra tại Tập đoàn Vinashin năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện Giang Kim Đạt có hành vi tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Lúc đó cơ quan công an đã vào cuộc điều tra để làm rõ.
Trả lời câu hỏi liệu có thu hồi được số tài sản này, ông Khánh thông tin: "Với cơ chế hợp tác với Singapore về tương trợ tư pháp, phòng chống tham nhũng, tôi nghĩ việc thu hồi sẽ diễn ra thuận lợi".
Ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết thêm, trên nền tảng cơ chế phối hợp tương trợ tư pháp đã được ký kết, Việt Nam và Singapore có quyền lợi song song và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
"Mới đây đại diện lãnh đạo cơ quan phòng chống tham nhũng của Singapore đã sang Việt Nam và làm việc với Thanh tra Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, trong đó có đặt vấn đề đến việc phối hợp theo dõi và hợp tác, xử lý, thu hồi số tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt", ông Hùng nói.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, vụ việc này là một bài học cho Thanh tra Chính phủ rút kinh nghiệm, hoàn thiện hơn trong việc xây dựng những cơ chế ngăn chặn, đẩy lùi hành vi tham nhũng, tẩu tán tài sản và hợp tác tốt hơn với các nước trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Trước đó vào ngày 14/7, Tổng cục An ninh cho biết, Giang Kim Đạt (nguyên trưởng phòng của Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương thuộc Vinashin), nghi can trốn truy nã suốt 5 năm bị bắt tại Singapore vì đã cấu kết với người nước ngoài trong một số thương vụ mua tàu biển, chiếm đoạt tổng cộng khoảng 18,6 triệu USD.
Trong thương vụ Vinashin mua tàu Hoa Sen cũ, thủng vỏ với giá 1.200 tỷ đồng, Giang Kim Đạt với vai trò quan trọng trong giao kết hợp đồng đã chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhà nước. Sau đó Đạt dùng số tiền này mua khoảng 40 căn biệt thự, căn hộ cao cấp trên khắp cả nước và đều đứng tên người thân. Hiện, bố Đạt bị điều tra về hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Bá Đô

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Sự sống trên nóc nhà của trái đất

Sự sống trên nóc nhà của trái đất
Copy từ http://www.vietdongtam.net/showthread.php?t=72343 ,đăng ngày 21/06/15, mục . 13 ảnh.
Đỉnh Everest
Sống trên đỉnh những ngọn núi cao nhất thế giới là một thách thức lớn. Càng lên cao thì ánh sáng mặt trời càng gay gắt, gió lạnh thổi mạnh từ mọi phía và ngay cả việc thở cũng khó vì trong không khí có ít ôxy.
Nhưng bất chấp những điều kiện khắc nghiệt như thế, sự sống vẫn tồn tại. Nếu bạn leo lên đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, bạn sẽ tìm thấy sự sống ở khắp nơi. Những cánh rừng rậm bị thay thế bằng những đồng cỏ và cuối cùng là những lớp đá phủ tuyết. Tuy nhiên vẫn có sự sống ở những nơi này nếu chúng ta biết tìm chúng ở đâu.
Chân núi Himalaya
Chúng tôi bắt đầu hành trình ở chân núi dãy Himalaya nằm cách mặt nước biển khoảng 610 mét. Đây là nơi từng có rừng rậm bao phủ nhưng nhiều cây cối đã bị đốn hạ để lấy đất làm nông trại. Những cánh rừng còn lại là nơi trú ẩn của loài voi châu Á và loài tê giác. Đây còn là môi trường sinh sống của loài gấu đen, báo đốm và hơn 340 loài chim.
Đỉnh Everest
Loài hổ cũng sống ở vùng chân núi ở Bhutan và vào năm 2010 người ta phát hiện ra rằng loài sinh vật này sinh sống ở độ cao hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Nhà sinh vật học Alan Rabinowitz đã nghe những dân làng sợ hãi kể lại họ đã gặp hổ như thế nào. Sau một hành trình leo đến độ cao 4.000 mét, ông đã đặt máy quay kín.
Máy quay của ông đã quay lại hình ảnh của rất nhiều sinh vật, trong đó có cáo đỏ, mèo rừng, khỉ, báo, gấu đen Himalaya, hươu xạ và thậm chí cả gấu trúc đỏ. Địa điểm này, vốn là một bí mật được bảo vệ cẩn mật để phòng ngừa săn trộm, là nơi duy nhất mà hổ và báo tuyết sống cùng với nhau.
Đến độ cao hơn thì không còn những cánh rừng hay những nông trang nữa mà là những khu rừng cây quả nón xen lẫn với những thác nước.
Nơi đây cũng có nhiều sinh vật đa dạng như loài voọc vàng. Bộ lông dày giúp chúng chống chọi lại cái lạnh. Cũng giống như nhiều loài sinh vật khác ở vùng này, vào mùa đông loài voọc vàng sống ở những thung lũng thấp và vào mùa xuân thì leo những triền núi cao hơn.
Tuy nhiên, loài khỉ sống ở nơi cao nhất là loài khỉ mũi hếch Vân Nam. Bộ lông dày của chúng giúp chúng sống ở độ cao cao hơn bất kỳ loài linh trưởng nào khác.
Gấu trúc đỏ
Những cánh rừng rụng lá vào mùa đông trên những triền núi cao là nơi sinh sống lý tưởng của một trong những loài sinh vật đáng yêu nhất trong thế giới tự nhiên – loài gấu trúc đỏ.
Vốn là một loài cực kỳ nhút nhát, gấu trúc đỏ tránh thú săn mồi bằng cách sống ở những cánh rừng ở độ cao từ 2.000 cho đến hơn 4.000 mét. Bàn chân được phủ lông giúp chúng giữ ấm chân và không bị trượt trên tuyết.
Không giống như những sinh vật núi khác vốn tránh mùa đông khắc nghiệt bằng cách di chuyển xuống vùng thấp hơn, gấu trúc đỏ không đi đâu cả. Chúng dựa vào tre làm nguồn thức ăn cho nên chúng chỉ có thể sống được ở những nơi có rừng tre.
Gấu trúc đỏ có thể dành đến 13 tiếng mỗi ngày để tìm thức ăn mặc dù tre chủ yếu cấu tạo từ chất xơ vốn rất khó tiêu hóa trong khi ruột của chúng không thể tiêu hóa được cây cỏ.
Vào mùa hè chúng cũng có thể ăn hoa quả và côn trùng và thậm chí ăn trộm cả trứng chim. Nhưng vào mùa đông chúng có thể giảm đến 15% trọng lượng cơ thể. Do tình trạng khan hiếm thức ăn và thời tiết lạnh chúng sẽ tự làm chậm lại quá trình trao đổi chất.
Cao hơn nữa thì không còn những cánh rừng mà chỉ còn những lùm bụi khô. Cao hơn là những loài cây cỏ có hoa.
Các loài cây cỏ ở độ cao này chỉ mọc thấp nhưng mạnh mẽ và là chuyên gia trong việc giữ nước để bảo vệ mình trước những cơn gió khô. Những loài thú ăn cỏ sinh sống trên những triền núi này vào mùa hè. Chúng ta có thể tìm thấy loài dê, cừu và sói.
Nơi chỉ có đá
Trong khi đó, những mặt hồ đóng băng ở vùng Kashmir vẫn có cá, chẳng hạn như loài cá trắm núi và cá hồi nâu. Những loài cá này có sự thích nghi với những dòng nước chảy xiết bằng cách có cấu tạo cơ thể hình trụ với cấu tạo cơ có sức mạnh để giúp chúng có thể vượt qua được những dòng chảy xiết trong khi một số loài cá khác thì ẩn nấp trong đá sỏi để tránh dòng chảy. Để tránh nhiệt độ gần như xuống đến 0 trong mùa đông, loài cá trắm núi di cư xuống vùng núi thấp hơn.
Lên cao nữa thì chỉ còn những cấu trúc đá nơi có gió thổi lồng lộng. Loài báo tuyết sống ở đây, ở độ cao từ 3.300 mét đến gần 6.000 mét so với mặt nước biển.
Những loài này có bộ lông dày để giữ ấm trong thời tiết lạnh và bộ móng to để giúp chúng bám trên địa hình núi đá. Chúng giấu mình sau những phiến đá, khe hay vách núi cao để rình con mồi.
Ở phía bên kia của dãy núi nhấp nhô, trên vùng bình nguyên Tây Tạng có độ cao gần 5.000 mét so với mặt nước biển là nơi sinh sống của loài rắn suối nước nóng. Vốn là loài có máu lạnh nên không thể giữ nhiệt trong cơ thể, loài rắn này chịu nhiều sự đe dọa từ cái lạnh. Chúng sinh tồn bằng cách nấp mình trong những dòng suối nước nóng được tạo ra từ những hoạt động núi lửa trong lòng đất.
Bình nguyên Tây Tạng còn là nơi sinh sống của loài cáo cằm vuông. Chúng cư trú ở những triền đồi cằn cỗi ở độ cao từ 3.000 đến 4.000 mét. Chúng làm hang trong những góc khuất.
Ở độ cao này cũng có con người sinh sống. Và cũng như các loài động vật khác, con người đã học cách thích nghi với điều kiện khắc nghiệt. Nhưng cách thích nghi của họ không chỉ đơn thuần là trong lối sống mà còn trong sự tiến hóa.
Đột biến gien ở con người
Vấn đề lớn nhất khi sinh sống ở vùng cao là áp suất khí quyển thấp. Điều này khiến cho khí ôxy khó vào phổi hơn.
Con người thường gặp những vấn đề vầ sức khỏe ở độ cao hơn 2.700 mét. Chúng ta sẽ cảm thấy ăn mất ngon, nôn mửa, nhức đầu và khó ngủ. Nghiêm trọng hơn thì trong não và tim sẽ tích tụ dịch, phổi bị xuất huyết và tim ngừng đập.
Tuy nhiên, người Tây Tạng dường như không gặp những vấn đề này do sự đột biến gien.
Khoảng 8.000 năm trước, một gien có tên gọi là EGLN1 đã thay đổi. Giờ đây, có 88% người Tây Tạng có gien đột biến này.
Sự thay đổi ở gien EGLN1 giúp cho cơ thể của con người không phản ứng quá mức trước nồng độ ôxy loãng trong không khí. Ở những người không có sự đột biến gien này, không khí loãng sẽ khiến cho các tế bào hồng cầu của họ phồng lên và dẫn đến tim ngừng đập.
Sự thích nghi của người Tây Tạng còn ở một gien khác có tên gọi là EPAS1 vốn liên quan đến phản ứng của cơ thể trước tình trạng nồng độ ôxy thấp.
Các tế bào hồng cầu của con người vận chuyển ôxy bằng một phân tử có tên là haemoglobin. Khi người có gien EPAS1 bình thường di chuyển đến vùng cao, nồng độ haemoglobin của họ bị gia tăng quá mức, theo ông Ramus Nielsen ở Đại học California. Điều này khiến máu trở nên đậm đặc dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và đau tim.

Tuy nhiên, người dân Tây Tạng lại không gặp tình trạng này. Nồng độ haemoglobin và hồng cầu trong máu họ chỉ tăng nhẹ khi họ ở vùng cao, theo Nielsen.

Bò Yack
Ở độ cao trên 4.800 mét, vùng lãnh nguyên đá không còn nữa mà thay vào đó là núi tuyết. Không có nhiều sinh vật có thể sống nổi ở độ cao này ngoại trừ loài bò yak vốn có thể leo đến độ cao 6.100 mét.
Loài bò yak có hai lớp lông dày để giúp chúng giữ ấm cơ thể. Tim và phổi của chúng có kích thước lớn giúp chúng có được lượng ôxy cần thiết. Loài bò yak thích nghi với độ cao đến nỗi thông thường chúng không thể sống được ở độ cao dưới 3.300 mét và hay nhiệt độ cao hơn 15°C.
Hồi năm 2012, các nhà khoa học đã đọc được bản đồ gien của loài yak và nhận thấy rằng một số gien của chúng đã tiến hóa nhanh chóng kể từ khi loài này tách ra các loài gia súc khác 4,9 triệu năm trước đây. Có ba gien đột biến có liên quan đến việc điều khiển phản ứng của cơ thể trước tình trạng mất ôxy. Năm gien khác giúp loài bò yak tối ưu hóa năng lượng chúng có được từ thức ăn, nhất là trong mùa đông khi mà thức ăn khan hiếm.

Cơ thể to của chúng còn có một lợi thế: giúp cho chúng giữ nhiệt tốt. Nhưng cũng có những sinh vật bé nhỏ vẫn sinh tồn được ở độ cao này.
Hồi năm 2008, một loài ong đã được tìm thấy trên Núi Everest. Sống ở độ cao từ 6.000 mét trở lên, đây là loài ong sống ở độ cao nhất thế giới từng biết.
Nhện cũng sống ở nơi rất cao. Loài nhện nhảy Himalaya là loài sinh vật sống ở độ cao nhất trên thế giới với độ cao trên 7.000 mét trên Núi Everest.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Earth.

Trở về với Việt Nam ta

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Người Bình Dương là ai?

Người Bình Dương là ai?
Copy từ https://www.flickr.com/photos/binh_duong-ben_the/2961112111/in/photolist-5vEtt6-aeqvyV-9iQ6sY-sfiT3w-bqXZ27-9xKDgQ-bBmHGy-bQgkMK-78GVVo-bVMCpX-7kL8y4-bRN9eT-7S18We-bBxHP3-o3Cx1u-8GQi9i-8U6KRc-cUJDLQ-dc8nRA-8PNN4Q-b1TsmB-7FaacR-eJBrg3-6yMrzy-9NMp8h-91NhVs-834viU-7TtkDY-dH6EA6-9iLXDT-bvqBvS-bHZXCe-czkZ4C-8DSMZC-6fKqXH-a1GXWY-a1n3LS-bBQNZ1-bDaZ6C-9H8jwq-bQKvSD-vMwcDZ-bPd2yg-9pCrRc-9XgsKq-eX9TuX-cpwvQS-eBc4D8-aituQp-4ygS51 ,đăng ngày (hay viết xong?) 08/2009 .
I. Người Bình Dương, họ là những ai?
Khi nói về con người của đất Bình Dương, đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn. Vài thí dụ đơn giản như:
Bà Hồ Thị Hoa, quê quán Bình An, vợ vua Minh Mạng, mẹ sinh ra vua Thiệu Trị.
Ông Võ Trường Toản và ba người trong Bình Dương Thi Xã là Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Định.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sinh tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương.
Diễn viên điện ảnh Thẫm thúy Hằng từng nổi danh là một “Người Đẹp Bình Dương”.
Những nhân vật kể trên có phải là người Bình Dương?
Nguoi Binh Duong la ai? xin doc bai cua Huynh Hoang Anh-Xin nhan vao giua hinh duoi day
Ảnh trên được chụp vào 21 tháng 10, 2008
Ba tiếng “người Bình Dương” khá đơn giản và dễ hiểu. Thế nhưng để trả lời được thế nào là người Bình Dương thì không dễ dàng chút nào.
Ở đây có hai việc cần làm rõ, thứ nhất, Bình Dương mà chúng ta nói đến là Bình Dương nào, vị trí và địa giới ra sao? Thứ hai, để xác định một cá nhân thuộc dân tộc nào, người ta không thể chỉ căn cứ vào sinh quán hay quốc tịch, vậy xác định một cá nhân thuộc địa phương nào trong một nước, chúng ta sẽ căn cứ vào những tiêu chí nào?
Trước tiên, hãy bắt đầu từ địa danh Bình Dương.
Bình Dương xuất hiện sớm nhất như một đơn vị hành chánh cấp tổng, điều này được ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí “Năm Canh Tuất (1790) bắt đầu đắp thành Bát Quái ở trên gò cao thôn Tân Khai, tổng Bình Dương gọi là dinh Gia Ðịnh Kinh”. Tổng Bình Dương sau đổi thành huyện của phủ Tân Bình, trấn Phiên An (năm 1808), thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Các danh nhân như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu… là người ở huyện Bình Dương vừa kể.
Như vậy Bình Dương mà chúng ta muốn nói đến ắt nhiên không phải là huyện này, mà là vùng đất thời xa xưa có tên là Bình An. Bình An lúc đầu là tổng (1698) thuộc huyện Phước Long. Địa phận tổng này khá lớn, gồm gần cả Bình Dương, Bình Long, Phước Long và quận Thủ Đức (trước khi tách quận) ngày nay.
Từ 1808, đổi tên tổng Bình An thành huyện Bình An, thuộc phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Đến năm 1834, sau khi vua Minh Mạng chia miền Nam ra làm sáu tỉnh, thì miền Nam thường được gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bình An lúc này thuộc về tỉnh Biên Hòa.
Đến 1837, huyện Bình An lại chia ra làm hai huyện nhỏ hơn là Bình An và Nghĩa An. Ông Hồ Văn Bôi, làm đến chức Chưởng Cơ và con gái là Bà Hồ Thị Hoa (1792) sinh ra tại Long Chiểu, thuộc huyện Nghĩa An này. Vào năm 1841, phủ Tân Bình cũng tách ra làm hai huyện là Bình Dương (vùng Sài Gòn) và Bình Long (vùng Hốc Môn và Củ Chi…). Một phần đất của huyện Bình Long (Phú Hòa, Dầu Tiếng), sau thuộc về tỉnh Bình Dương.
Từ 1862 triều đình Huế nhượng ba tỉnh miền đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp (Định Tường lúc này thuộc miền Tây.Vậy việc phân chia đông tây chỉ có tính tương đối, mà chia thế giới thành phương đông và phương tây cũng vậy). Với nghị định 47 ngày 14/03/1866, Pháp tách huyện Nghĩa An (Thủ Đức) ra khỏi huyện Bình An. Từ đây quê hương của bà Hồ Thị Hoa không còn liên hệ chi với tỉnh Bình Dương ngày nay. Sự kiện này, tính đến nay đã là một thế kỷ rưởi.
Năm 1869 tên Thủ Dầu Một thay thế cho Bình An và nhận quản trị thêm tổng Dương Hòa Hạ (huyện Dầu Tiếng sau này) từ trước thuộc Gia Định.
Từ ngày 20-12-1889, tiểu khu hành chánh Thủ Dầu Một được đổi thành tỉnh. Đến 1953, địa giới bao gồm cả tổng Lộc Ninh, Chơn Thành, Sông Bé, Bù Đốp…
Từ tháng 08 năm 1957, tỉnh Bình Dương được chính thức thành lập. Các phần đất từ Chơn Thành trở lên được tách ra để thành lập hai tỉnh mới là Bình Long và Phước Long. Bù lại, Bình Dương nhận thêm được 14 xã thuộc huyện Củ Chi. Đến ngày 15/10/1963, 6 xã của huyện Củ Chi được tách ra để lập nên tỉnh Hậu Nghĩa. Bình Dương còn lại 8 xã, lập thành quận Phú Hòa. Đến tháng 07-1965, Bình Dương lại nhận thêm quận Phú Giáo, thuộc tỉnh Phước Thành vừa bị xóa sổ.
Đến năm 1976, Bình Dương được sát nhập với Bình Long, Phước Long làm thành tỉnh Sông Bé. Hai huyện Tân Uyên, Dĩ An trước thuộc Biên Hòa, từ lúc này thuộc về Sông Bé. Quận Phú Hòa nay thuộc về thành phố Hồ Chí Minh.
Đến 01/01/1997, Tỉnh Sông Bé lại chia thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước. Bình Phước gồm hai tỉnh trước 1975 là Bình Long và Phước Long. Phần đất còn lại thuộc Bình Dương.
Như vậy, ta nhận thấy rằng phần đất có tên Bình An đã trải qua khá nhiều thay đổi từ tên gọi đến diện tích, do vậy nếu truy nguyên các nhân vật lịch sử tại đây là điều rất khó xác định chính xác. Chỉ tính riêng diện tích của Thủ Dầu Một vào năm 1954 là 4.723 km2 và tỉnh Bình Dương năm 1975 là 2.031 km2, ta đã thấy sự sai lệch rất là đáng kể.
Từ những lý do đó, chúng tôi nghĩ rằng, khi đề cập đến người Bình Dương, có lẽ chúng ta chỉ nên giới hạn người ở vùng đất trên phạm vi từ khi có tên gọi chính thức là Bình Dương và Bình Dương hôm nay. Bởi lẽ nếu trở lại với vùng Thủ Dầu Một và Bình An thì diện tích quá rộng lớn, nhiều nơi không còn liên hệ chi với tỉnh Bình Dương nữa, việc truy tìm gốc gác các nhân vật trên phạm vi bao la như vậy là điều bất khả và thiết nghĩ cũng không hợp lý khi gọi tất cả nhân vật trên vùng đất đó là người Bình Dương.
Bình Dương hiện nay, và Bình Dương lúc ban đầu có diện tích và ranh giới gần tương tự nhau. Hiện nay, thêm được hai huyện là Tân Uyên và Dĩ An, nhưng lại mất đi tám xã của Phú Hòa. Người sinh ra và sống trên vùng đất Phú Hòa trong khoảng thời gian 20 năm trước 75, nay tuy thuộc Sài Gòn, gốc gác họ vẫn là Bình Dương.
Tám xã ấy là:
1/ An Nhơn Tây 2/ Bình Mỹ 3/ Nhuận Đức 4/ Phú Hòa Đông
5/ Phú Mỹ Hưng 6/ Tân Hòa 7/ Tân Thạnh Đông 8/ Trung An.
Như vậy, có một người rất quen thuộc với dân Bình Dương và thường được gọi là thầy Sáu (Hòa thượng Đạt Phẩm), chuyên hốt thuốc trị bệnh tại chùa Thái Sơn, (cũng chỉ thường gọi là chùa thầy Sáu), nay dù thuộc thành phố Hồ Chí Minh nhưng khi nói về người Bình Dương, vẫn phải kể đến tên ông.
Các danh nhân của Tân Uyên, Dĩ An trước đây là niềm tự hào của người dân Biên Hòa, thì nay dân Bình Dương cũng có thể kể về họ như Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, thi sĩ Đằng Phương … Ngược lại, một vài người như Lê Văn Siêu, Hoàng Văn Bổn… huyện Vĩnh Cửu, tuy cũng có nhiều gắn bó với mảnh đất Tân Uyên, vẫn thuộc về Biên Hòa, là người Biên Hòa thôi.Còn các vị như Hồ Văn Bôi, Hồ Thị Hoa… có lẽ chúng ta nên “nhường” vinh quang ấy cho dân Thủ Đức thì hợp lý hơn.
Điều thứ hai mà bài viết này muốn xác định tiếp là khi nói “Người Bình Dương”, ta sẽ dựa vào các tiêu chuẩn nào?
Nơi sinh là yếu tố quan trọng nhất, tuy nhiên, cũng như vấn đề dân tộc, không phải là yếu tố duy nhất. Có những người tình cờ sinh ra ở một nơi nào đó, sau di chuyển đi nơi khác, vậy không thể kể họ là người dân của vùng đất đó được. Ví dụ trường hợp một diễn viên điện ảnh khá nổi tiếng hiện nay là Johnny Trí Nguyễn, tuy sinh ra ở Bình Dương năm 1974, nhưng khó tin là trong tâm tư, anh nghĩ Bình Dương là quê hương của anh.
Lại có những người tuy sinh một nơi nào đó, nhưng sau trở về Bình Dương nguyên quán gốc hoặc ngụ cư, làm việc hay có những sự nghiệp tạo tiếng vang lớn, hoặc ảnh hưởng đến vùng đất mới này, thì người đó cũng nên liệt kê vào quyển Bình Dương nhân vật chí, nếu có ai đó viết một quyển sách như thế.
Nếu chấp nhận quan điểm này, danh sách người Bình Dương sẽ có những cái tên như Thẩm Thúy Hằng (kịch sĩ, minh tinh), Lệ Thủy, Hồng Nga, Thanh Sang (nghệ sĩ cải lương), Huỳnh Phi Dũng (gốc Bình Định, đang xây dựng khu du lịch Đại Nam), bác sĩ Trương Kế An, tướng Nguyễn Bình… Nhất là Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư đoàn 5 của quân đội miền Nam trước đây, người đã chiến đấu gần trọn binh nghiệp của mình và đã tự sát chết trên chính vùng đất này, sao ta lại có thể bỏ qua không nhắc đến?
Về phương diện …dâu rể của Bình Dương. Truyền thống gia đình của người Việt xem dâu rể như con, hay ít nhất, cũng đối xử ngang hàng với con. Tùy vào cách cư xử, các mối quan hệ, đôi khi dâu rể được thương yêu, qúy trọng hơn con ruột. Dâu rể của một địa phương, vì vậy không nên phân biệt đối xử, mà cũng không nên thấy người ta sang mà vội bắt quàng làm họ. Họ là rể của mình, mà con gái mình họ đánh đập mặt mũi bầm tím, sau lại bỏ vợ con nheo nhóc đi lấy vợ khác mà. Nay vì họ nổi danh quá, đi đâu mình cũng khoe khoang rằng đó là con rể của mình thì có hơi bị kỳ. Ngược lại thì quá tốt, nếu dâu rể làm rạng danh cho họ tộc, thì đáng xem như là người trong gia đình, nói về người của một địa phương thiết nghĩ ta cũng nên đối xử như thế.
Vậy danh sách người Bình Dương có thể kể thêm rất nhiều nhân vật chẳng hạn như ông Lê Đức Anh (cựu Chủ tịch nước), bà Khúc Minh Thơ (hoạt động xã hội hải ngoại), Nguyễn Đức Sơn (thi sĩ), Nguyễn Hiếu Học (nhà nghiên cứu)…
Thêm một điều quan trọng nữa cần làm rõ, là vấn đề chính trị. Do bối cảnh đặc biệt của nước ta ngày nay, nói chuyện gì thì hình như cũng khó tránh được lãnh vực này, một lãnh vực vô cùng tế nhị, rối rắm. Giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi nhận định đơn giản là con cái của anh, anh sanh ra mấy đứa, thì anh có mấy đứa con, không thể gì thương ghét mà có quyền thêm bớt. Nó có làm du đảng, hay tên trùm lừa đảo, hay là một anh hùng, thì chúng nó cũng vẫn là con của anh. Hơn nữa, lịch sử luôn cần sự khách quan, công bằng, chính xác, do vậy khi đã viết về Bình Dương, từ đất đai cho đến con người, cần có sự công tâm. Vã lại lịch sử nhân loại không thể chỉ ghi tên và công trạng của những người anh hùng. Không thể chỉ có Trần Hưng Đạo mà cần có cả Trần Ích Tắc, không chỉ Quang Trung mà có cả Lê Chiêu Thống. Bỏ qua kẻ mà bằng cái nhìn cá nhân của mình, mình cho là xấu thì lịch sử sẽ giống như chiếc xe đạp chỉ chạy một bánh, chắc chắn sẽ xiêu vẹo, lắc lư.
Vậy nói đến những người Bình Dương về chính trị và quân sự, ta có nhiều tên tuổi để kể như Hồ Văn Mên, Nguyễn Văn Bé, Lê Quang Lưỡng, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Quốc Phú, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Ngọc Huy, Lâm Hòa Hiệp, Nguyễn Văn Hào, Lâm Phương…(những tên tuổi này nhớ đâu kể đó, không theo một trật tự và dụng ý nào. Xin thứ lỗi)
II. Người Bình Dương xưa:
Đã xác định được phạm vi trình bày, tức ranh giới, dù tương đối, của địa danh Bình Dương và các tiêu chí để có thể tạm gọi một người nào đó là người Bình Dương, thế thì người Bình Dương xưa và nay có điều gì đáng nói không? Bây giờ xin nói về người Bình Dương xưa. Gọi là xưa, những người sanh trước thế kỷ 20, từng có mặt, để lại công trình, sự nghiệp trên mãnh đất này..
Trước hết xin bắt đầu từ lịch sử. Người xưa nhất là ông Trần Thượng Xuyên, mà nay mộ phần còn ở huyện Tân Uyên. Công trạng của ông với miền Nam là điều đã được khẳng định, tuy nhiên thân thế của ông có vài điều không được rõ ràng nhưng xưa nay giới nghiên cứu sử ít quan tâm. Ông sang Việt Nam vào năm 1679, sau khi nhà Minh đã bị mất ngôi bởi Mãn Thanh vào năm 1644, tức gần 35 năm sau. Ông mất vào năm 1720, so với khi nhà Minh mất nước là 76 năm, vậy với chức vụ tổng trấn của nhà Minh, khi đó ông bao nhiêu tuổi? Sử ta lại ghi vào năm 1699 ông còn cầm quân ra biên giới. Một người già như thế, chúng ta không hiểu ông còn đủ sức lực ra đi chiến đấu hay không? Có lẽ chính vì những nghi vấn trên, sử gia Tạ Chí Đại Trường cho rằng có thể nhóm người này chỉ là một nhóm hải tặc mà thôi.
Người thứ hai vẫn còn mộ phần ở phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một là Đỗ Hiệp Trấn. Thân thế ông không biết rõ, nhưng suy luận từ chức vụ của ông, có thể đoán ông sinh ra khoảng hậu bán thế kỷ 18, khi đơn vị Trấn bắt đầu được thành lập, và chức Hiệp Trấn được đặt ra để phụ việc cai quản cho Tổng trấn là võ quan, dưới triều Quang Trung, hoặc nhà Nguyễn.
Bá hộ Quới (Hạ Quang Quới), ngôi mộ rất xưa nằm trong khuôn viên ủy ban tỉnh, đã bị khai quật (khởi sự từ ngày 27-12-1985 đến 13-01-1986). Dù không biết chi về ông, có thể đoán là người rất giàu có của thời xưa. Xin lưu ý thêm, dòng họ Hạ ở tỉnh BD còn có Hạ Quang Biện, tức Đốc phủ Biện, giàu có nổi tiếng ở chợ Thủ (ông là nhạc gia của luật sư tiến sĩ Trần Văn Trai).
Nếu căn cứ vào mộ, còn có vài vị khác:
1.Trương Công Cẩn, tương truyền là vị tướng tài ba thời nhà Nguyễn. Mộ nằm trong khuôn viên đình Bình An, huyện Dĩ An.
2.Huỳnh Công Nhẫn, lăng nằm trong khuôn viên chùa Thiên Phước, Lái Thiêu. Nhân dân phong tặng ông là “Thành Hoàng bổn cảnh”
3.Hồ Văn Vui, Trung võ tướng quân, danh tướng triều Nguyễn, lăng được xây từ năm 1818, thuộc ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, Lái Thiêu. Hồ Văn Vui này, và Hồ Văn Bôi, Hồ Thị Hoa, rất có thể có liên hệ huyết thống với nhau.
4.Trần Văn Lân, mộ ông gọi là Mã ông Lân, nằm tại phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, khoảng trăm năm nay. Ông là cha của ông Trần Văn Hổ, thường gọi đốc phủ Đẩu. Các ngôi nhà cổ của Phú Cường đều có chủ nhân là người họ Trần và một số người giàu hay nổi tiếng khác: Trần Văn Hổ, Trần Công Vàng, Trần Văn Tề, Trần Thị Liên (Bà bảy Lìn), Trần Công Vị (bác sĩ), Trần Văn Trai (tiến sĩ)…Ở Bình Dương gọi là múa cù mà không nói múa lân như những nơi khác, có nhiều người cho rằng vì xưa kỵ húy tên của ông Lân này.
5.Mộ công chúa chùa Ông Mõ: hai ngôi mộ này nằm trong khuôn viên chùa Long Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên. Tương truyền vào khoảng năm 1867, một vị quan họ Dư phò công chúa nhà Nguyễn cùng người cháu ruột là Dư Quốc Đống (1869-1941, ghi rõ để tránh hiểu lầm với tướng Dư Quốc Đống của quân đội miền Nam vì sự trùng hợp tên khá kỳ lạ này) chạy lánh nạn tại ngôi chùa Long Sơn. Họ xuất gia và khi chết được mai táng tại đây. Năm 1977, hai ngôi mộ của vị đại thần họ Dư và công chúa được khai quật. Ngôi mộ của nhà sư có một xâu chuỗi. Ngôi mộ của công chúa còn lưu lại bộ đồ tẩn liệm của triều đình và thanh kiếm có chạm rồng. Các cổ vật này nay được giữ tại viện bảo tàng thành phố HCM.
Dòng dõi quan lại triều Nguyễn lưu lạc vào Bình Dương còn có câu chuyện đuợc kể bởi Huỳnh Văn Nghệ, trong bài “Mất đồn Mỹ Lộc”.
Tổng đốc Hoàng Lễ, cùng với vợ là Huyền Cơ và con là Hoàng Hồ chỉ huy nghĩa quân trấn thủ đồn Mỹ Lộc, giữa rừng, thuộc Mỹ Lộc, Tân Tịch, cách không xa thị trấn Tân Uyên, xưa gọi Thủ Đồn Sứ.
Hoàng Lễ có ý hàng giặc bỏ đồn ra đi, vợ can ngăn không được nên quyên sinh. Hoàng Hồ ở lại đồn cầm quân kháng giặc Pháp cho đến lúc tử trận cùng 100 nghĩa quân anh hùng. Hoàng Lễ đi giữa đường thì bị bệnh chết trên lưng ngựa. Dân địa phương có lập một cái miếu thờ chung hai ông bà, gọi là miếu Bà Cơ, theo tác giả nay thuộc xã Tân Định, đúng tại bến đò Thường Lang cũ.
Một vị làm quan lớn khác nữa có con cháu ở Bình Dương là cụ Nguyễn Văn Hội, từng giữ chức Thượng Biện tỉnh An Giang rồi Án Sát tỉnh Vĩnh Long với hàm Hàn Lâm Viện Thị Giảng. Con cháu ông còn lưu giữ tờ sắc của vua Tự Đức ban cho ông (1866) tại ngôi nhà cổ ở xã Tân An, Thủ Dầu Một.
Người phụ nữ xưa mà đến nay được nhiều người biết tên nhất là bà Trà. Nhà thờ tại xã Bình Chuẩn được gọi là nhà thờ bà Trà, do cha Robert Keller xây dựng năm 1941. Tương truyền bà là người đã truyền môn võ có tên là võ Tân Khánh Bà Trà nổi danh ở điạ phương.
Thân thế bà không được ghi chép trong sách sử, giai thoại thì kể rằng bà là con gái nuôi của hai vợ chồng danh tiếng của quân Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.
Tháng giêng năm Tân Dậu (1861), Pháp tiến quân đánh chiếm đồn Kỳ Hòa ở Gia Định. Phá được đồn rồi, họ liền cho tàu theo dòng sông Sài Gòn về tấn công đồn Thủ Dầu Một. Tại đây, dân quân ta chiến đấu rất quyết liệt nhưng cũng như nhiều nơi khác, vũ khí thô sơ không thể kháng cự lại địch. Báo Trắng Đen trước năm 1975 có loạt bài viết về Bình Dương, kể rằng vị quan chỉ huy là Bố Chánh Đức tử trận, nhiều binh sĩ khác hy sinh. Vị võ quan này là ai không biết rõ, và trận đánh đó ngày nay gần như không mấy ai nhắc đến hay cố công tìm hiểu. Một trang sử oai hùng và bi thương của quê hương đã bị đời sau hờ hững. Như vậy đồn Thủ Dầu Một đã mất vào tay Pháp trước huyện Bình An và tỉnh Biên Hòa gần cả năm trời.
Cũng nên đọc lại ít dòng sử cũ, trong cuộc thương lượng giữa triều đình ta và Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam kỳ : “Ông Aubaret đưa bản thảo tờ hòa ước, đại lược nói rằng: nước Pháp trả lại ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường cho nước Nam, chỉ giữ Sài Gòn, Mỹ Tho và Thủ Dầu Một để đóng quân.” (Trần Trọng Kim,Việt Nam Sử Lược, nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1968, tr.498)
Điều này cho thấy ngay từ buổi đầu người pháp đã nhận ra vị thế chiến lược quan trọng của Thủ Dầu Một, như vậy cuộc chiến để giành giựt phần đất này giữa ta và địch diễn ra ắt là phải vô cùng quyết liệt.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, trong quyển “Mười một tháng ở một huyện tại Nam kỳ”, dày gần 500 trang, của Lucien Grammont, là một viên đại úy đã tham gia đánh phá đồn Chí Hòa, sau làm Tham biện ở Thủ Dầu Một, có bản ghi chép điều tra khẩu cung của những nhân vật kiệt xuất kháng Pháp. Những người anh hùng này là ai, tiếc rằng mãi cho đến hôm nay, tài liệu đó, lạ thay, vẫn là một cổ thư quý hiếm khó tìm gặp, nên chúng ta không trả lời được câu hỏi này. Chúng ta tự cảm thấy có lỗi với người xưa quá nhiều vậy.
Những nhân vật của Bình Dương trong lịch sử nay còn lưu tên tuổi có lẽ chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 19.
Len Studio - Hoa đào ngày xuân
Tác giả Huỳnh Ngọc Đáng, tiến sĩ Sử Học, trong bài viết : “ Những người Bình Dương thi cử đỗ đạt cao dưới triều Nguyễn”, có nêu danh sách 12 người thi đỗ cao mà ông cho là người Bình Dương. Đọc kỹ, ta nhận thấy hầu hết họ là người ở thôn Linh Chiểu, huyện Nghĩa An, đã thuộc về Thủ Đức cách nay khỏang 150 năm.
Tác giả lý luận: “Thôn Linh Chiểu xưa, qua địa bạ lập thời Minh Mạng cho thấy phần lớn diện tích thuộc xã Đông Hòa ngày nay chứ không thuộc Thủ Đức.” ( tạp san Khoa Học Lịch Sử Bình Dương số một). Xem lại địa bạ trên cũng như so sánh với vị trí của phường Linh Chiểu ngày nay ở chợ Thủ Đức, cách rất xa Bình Dương, ta thấy lập luận của tác giả chưa thuyết phục lắm.
Đặc biệt, khi đối chiếu với công trình của một tác giả khác, Phan Đình Dũng, trong tác phẩm “Các nhà khoa bảng xứ Biên Hòa-Đồng Nai”, ta nhận thấy các vị khoa bảng mà Huỳnh Ngọc Đáng nêu ra đều có mặt. Trong đó có vài vị cả hai tác giả trùng hợp nhau khi xác định là người thuộc Bình Dương ngày nay. Chúng tôi xin nêu tên các vị này :
1.Huỳnh Văn Tú, thôn Tân Hội, Tân Uyên, làm quan đến chức Bố Chánh đứng đầu tỉnh Cao Bằng.
2.Phạm Tuấn, xã Bạch Đằng, Tân Uyên, đỗ năm 1821.
3.Nguyễn Duy Doãn, thôn Tân An, nay là Tân An, làm quan tới chức Biện lý bộ Hộ.
4.Nguyễn Khiêm Hanh, thôn Tân Uyên, làm quan Án Sát.
5.Nguyễn Khiêm Trinh, thôn Tân Uyên, đỗ cùng khoa với anh ruột là Nguyễn Khiêm Hanh, làm Đốc học.
Trong bảng liệt kê của tác giả Phan Đình Dũng, có thêm nhân vật mà trong bảng của Huỳnh Ngọc đáng không có, chúng tôi cũng xin nêu ra đây để tiện việc tham khảo cho những ai quan tâm:
-Tống Đức Hưng, người thôn Long Đức, huyện Bình An, đỗ khoa thi Tân Tỵ, năm 1812, có lẽ là người thi đỗ đầu tiên ở Bình Dương.
Những nhân vật mà hai tác giả xác định nguyên quán gốc so với ngày nay không thống nhất với nhau gồm có:
1.Nguyễn Văn Trị, thôn Linh Chiểu. /2.Nguyễn Văn Toại, thôn Linh Chiểu Đông. /3.Nguyễn Quang Khuê, thôn Bình Phú.
4.Phạm Văn Trung, thôn Linh Chiểu. /5.Trần Văn Học, thôn Linh Chiểu. / 6.Võ Xuân, thôn Tân Thuận.
7.Hồ Văn Phong, thi đỗ năm Đinh Mùi (1847), Thiệu Trị năm thứ 07, làm quan tới chức Tri Phủ (không ghi rõ điạ phương làm quan).
Những vị chưa có sự thống nhất, sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu
Trong công trình nghiên cứu về Bình Dương do Sở Học Chánh Bình Dương chủ trì trước 75, có liệt kê 10 danh nhân. Hầu hết gốc người Bình An, nhưng có nhiều vị không ghi thôn, do đó chưa thể xác định chắc chắn có phải là người Bình Dương hay không. Danh sách đó bao gồm:
1.Hồ Văn Bôi, chức Chưởng Cơ, cha của Hồ Thị Hoa.
2.Lê Văn Tú, Chưởng Cơ.
3.Nguyễn Văn Quyền, Thống Chế.
4.Hai Chánh tổng Chinh và Lai, đóng quân kháng Pháp tại An Thạnh, sau ông Chinh tự sát vì mộng lớn không thành.
5.Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý, sinh tại Búng, tử vì đạo, được phong Thánh.
6.Phan Văn Hùm, người xã An Thạnh, Lái Thiêu, nhà trí thức yêu nước.
7.Trần Văn Sĩ, sanh 1907 tại Phú Cường, hoạt động cách mạng chống Pháp, chết trong nhà giam Côn Đảo.
8.Nguyễn Hòa Hiệp, sinh 1904, tại xã Phú Long, Lái Thiêu, từng tranh cử Tổng Thống.
9.Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Hoàng Hạo, ông Hội Đồng Khôi và con là Hạo người Tương Bình Hiệp, tham gia chống Pháp. Ông Khôi bị giặc bắt và mất tích. Ông Hạo chết vì bom Pháp tại Quéo Ba (1947).
Nếu như các nhân vật chính trị, văn hóa có tên tuổi đã không được ghi chép đầy đủ thì về tôn giáo, chúng ta còn biết được khá nhiều, như, bên Phật giáo, một vài vị nổi bật có:
1.Thiền sư Khánh Long, xây cất chùa Hội Sơn trên núi Châu Thới khoảng giữa thế kỷ 17, một trong những ngôi chùa xưa nhất Nam bộ.
2.Thiền sư Đại Ngạn (1667-1742) xây chùa Hội Khánh (1741)
3.Hòa thượng Từ Văn (1877-1931) năm 1920 được thỉnh sang Pháp làm lễ cầu siêu cho người Việt bị bắt đi lính cho Pháp tử trận…
4.Nhẫn Tế thiền sư (1888-1951), sanh tại làng An Thạnh, Lái Thiêu, người Việt Nam đầu tiên đến và tu tập tại Tây Tạng.
Ngoài ra Bình Dương còn rất nhiều ngôi chùa cổ như Thiên Tôn, Long Thọ, Long Hưng, Đức Sơn, Hội Sơn… được xây dựng trong thế kỷ 18, mà tên tuổi của vị sáng lập và các đời kế tiếp nay vẫn còn ghi chép đầy đủ.
Một vài nhân vật khác bên đạo Công Giáo hiện diện tại địa phương khá sớm và có nhiều hoạt động nơi đây như:
1. Cha Pigneau de Be’haine (Bá Đa Lộc), thụ phong Giám mục năm 1774 tại Madras, xây dựng nhà thờ đầu tiên của tổng Bình An tại chợ Cây Me, Bình Nhâm.
2. Cha Jean Taberd cử làm cha sở Lái Thiêu từ năm 1821.
3. Cha sở Henri Aze’ma, năm 1894, khởi công xây dựng nhà thờ Lái Thiêu. Ông cũng là người đã sáng lập ra trường Câm Điếc Lái Thiêu (1886).
4. Thánh Quý. Cha Phêrô Đoàn Công Quý sinh năm 1826, tại ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, Lái Thiêu. Tử vì đạo và được phong Thánh.
5. Lê Bá Đảnh, nhà văn Sơn Nam kể về nhân vật này như sau: “Từ năm 1879, tên phiêu lưu chính trị Lê Bá Đảnh đã ngấm ngầm đóng vai con bài để cho bọn thực dân Anh đánh sau lưng thực dân Pháp. Lê Bá Đảnh quê ở Nghệ An, vào Thủ Dầu Một làm ăn trở thành thầy dòng Thiên Chúa, xưng dòng dõi nhà Lê, lúc đầu hắn được thực dân Pháp tin cậy phong chức huyện hàm, xưng là huyện Thi hoặc Po-lux Thi.” (Sơn Nam, Đất Gia Định, Bến Nghé Xưa, và Người Sài Gòn, tr.366, nxb Trẻ, 2007)
Ngoài ra, một số người Pháp đã có mặt tại Bình Dương, giữ chức vụ cao, có nhiều tội lỗi hay công trình đóng góp cho sự phát triển của tỉnh như xây cất chợ búa, đường xá, trường học, trung tâm giáo dục, cũng nên ghi nhận để có thể có cái nhìn đầy đủ về những nhân vật lịch sử trên đất Bình Dương. Như ông Lucien Grammont, lưu lại một quyển hồi ký là tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về Bình Dương thời người Pháp mới đặt chân qua đây.
Chúng tôi vừa trình bày một cách khái quát và sơ lược về các nhân vật Bình Dương thưở xưa nay còn lưu danh, hy vọng sẽ là cơ sở cho những công trình nghiên cứu toàn diện và chi tiết hơn nhằm phục dựng lại bức chân dung lịch sử của đất và người Bình Dương-một bức tranh nay đã mờ phai theo lớp bụi phủ của thời gian và có thể mất hẵn, nếu thiếu sự quan tâm của chúng ta, thế hệ cháu con của những người đi mở cõi trên vùng đất này.
Chủ đề Người Bình Dương viết như thế chắc là chưa làm thỏa mãn quan điểm riêng của nhiều người. Một công trình về người Bình Dương đầy đủ, khoa học, cần nhiều nỗ lực hơn nữa, với sự công tâm, với quan điểm sử luận đúng đắn của người thực hiện và một tinh thần rộng mở, bao dung về phía người đọc./.
Tháng 8 năm 2009

30 năm hoạn lộ của cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Xuân Sơn

Chuyện làm ăn
30 năm hoạn lộ của cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Xuân Sơn
Copy từ http://vnmoney.nld.com.vn/chuyen-lam-an/30-nam-hoan-lo-cua-cuu-chu-tich-tap-doan-dau-khi-nguyen-xuan-son-20150720140807778.htm ,đăng ngày 20/07/15, mục Chuyện làm ăn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn có thời gian công tác 30 năm gắn bó với ngành dầu khí.
Ngày 19-7-15, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1105/QĐ-TTg về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đối với ông Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn từng có thời gian giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank.
Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Thủ tướng quyết định ông Nguyễn Xuân Sơn thôi giữ chức Chủ tịch HĐTV PVN để nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương phân công. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký (19-7-2015). Ông Nguyễn Xuân Sơn được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV PVN vào ngày 8-7-2014. Trước khi giữ chức chủ tịch PVN, ông Nguyễn Xuân Sơn từng giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank. Phó Tổng giám đốc PVN.
Ông Nguyễn Xuân Sơn đã trở thành cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản số 5625/VPCP-TCCV, cho biết Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ về việc giao ông Nguyễn Quốc Khánh - Tổng Giám đốc PVN - tạm thời kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV PVN. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện quy trình bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV PVN theo quy định.
Tân Chủ tịch Nguyễn Quốc Khánh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ tháng 11-2014. Trước đó, ông cũng là Phó TGĐ PVN. Ông Khánh sinh năm 1960 tại Hà Tĩnh, từng là TGĐ TCty Dầu Việt Nam (PV Oil) trước khi làm Phó TGĐ PVN.
Cách đây đúng 1 năm, ngày 8-7-2014, ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để thay cho người tiền nhiệm là ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu trước đó. Ông Sơn được cho là thế hệ lãnh đạo trẻ của PVN.
Ông Nguyễn Xuân Sơn sinh ngày 20-11-1962 tại Đức La - Đức Thọ - Hà Tĩnh, là thạc sĩ chuyên ngành kinh doanh. Ông tốt nghiệp các trường ĐH Nam Carolina (Hoa Kỳ), chuyên ngành Quản trị kinh doanh, cấp đào tạo trên đại học; ĐH Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Vật giá và Trường Đào tạo cán bộ dầu khí, cấp đào tạo đại học
Ông Nguyễn Xuân Sơn có thời gian công tác 30 năm gắn bó với ngành dầu khí. Từ 1984 là cán bộ Vụ Tài chính Kế toán Tổng cục Dầu khí sau đó là TCty Dầu khí Việt Nam. Từ năm 2003 đến tháng 10-2006 giữ chức Phó TGĐ Cty Tài chính Dầu khí (PVFC) rồi TGĐ PVFC đến tháng 5-2007, sau đó được bổ nhiệm chức vụ TGĐ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) vào tháng 12-2008.
Làm việc ở Ocean Bank được khoảng 2 năm, đầu năm 2011, Ocean Bank thông báo ông Sơn thôi chức TGĐ và thay vào đó là bà Nguyễn Minh Thu. Tháng 1-2015, bà Nguyễn Minh Thu bị bắt vì hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Việc ông Nguyễn Xuân Sơn vừa bị thôi chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN có liên quan đến việc ông này phải chịu trách nhiệm về số vốn đầu tư của PVN tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương.
Theo một nguồn tin, việc ông Sơn trong thời gian làm TGĐ Ocean Bank đã phải chịu trách nhiệm liên đới về khoản đầu tư 800 tỉ đồng của PVN tại ngân hàng này do có nguy cơ mất trắng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây tuyên bố mua lại bắt buộc Ocean Bank với giá 0 đồng để trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
PVN là cổ đông lớn của Ocean Bank nhưng việc mua lại này chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu. Nếu NHNN áp dụng cách đã làm với Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thì các cổ đông (không phân biệt cổ đông lớn, cổ đông nhà nước, cổ đông cá nhân hay đối tác chiến lược) đều mất hết quyền sở hữu.
Vào năm 2014, PVN đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi Ocean Bank song chưa thể thực hiện. Trong khi đó việc NHNN quyết định mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng thì khả năng PVN không kịp thoái vốn, nghĩa là PVN đang đứng trước nguy cơ mất khoản đầu tư 800 tỉ đồng tại Ocean Bank.
Theo quy định, nếu để mất vốn nhà nước thì tùy mức độ vi phạm, chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và TGĐ PVN không được thưởng, không nâng lương, thậm chí bị xử lý kỷ luật.
Theo báo Lao Động