Copy từ http://sgtt.vn/Quoc-te/163635/Elysee-nhu-co-loi-nguyen.html;tin ngayf07/05/12,mục Quốc tế
Élysée, như có lời nguyền
SGTT.VN - Đằng sau vẻ tráng lệ và những trang trí tuyệt đẹp của nơi chốn quyền lực này, còn ẩn giấu những bóng ma và những cái chết…
Bi kịch của nữ công tước Pompadour
Người đầu tiên trải nghiệm là bà Pompadour. Năm 1753, bà được cấp một nhà nghỉ nằm giữa Paris và Versailles, gần nhà dòng Đức bà Mông Triệu, nơi con gái cục cưng của bà, Alexandrine, theo học. Bà công tước – bà được phong hầu cách đây mấy tháng – lao vào những sắm sửa tốn kém để xây cái nhà nghỉ thành một cung điện xứng với địa vị của mình. Gần 100.000 livre bị nhấn chìm vào việc sửa sang và trang trí, nội những bức màn cũng đã ngốn hết 6.000 livre (0,2268kg vàng = 740 livre 8 sol).
Sân danh dự của cung Élysée. Ảnh: TL
Các khu vườn cũng được nhắm đến, bà Pompadour mơ ước biến chúng thành nơi giải trí cho cô con gái vàng… Nhưng chừng sáu tháng sau khi khởi công, con gái bà qua đời. Mọi mộng ước đổ vỡ. Bà giam mình trong phòng, nghĩ về những hứa hẹn hạnh phúc bay xa, bị la ó không thương xót bởi thần dân Paris. Bà trải qua những ngày mửa ra máu, một nhân chứng kể lại. Bà không còn dám đi ra khỏi dinh thự Évreux, nếu ra ngoài phải ngồi trong xe kín, chỉ để đi cầu nguyện ở dòng Phanxicô, nơi con gái bà an nghỉ. Rồi bà bỏ đi, giao khách sạn lại cho người em là Abel de Marigny.
Những nhát dao găm
Năm 1816, những kỷ niệm xấu dường như đã phai lãng. Bonaparte và Mura bỏ đi khỏi nơi đó. Élysée bỏ trống. Rồi nó thuộc về vị bá tước trẻ de Berry theo lệnh vua Louis XVIII. Đến lượt mình, bá tước và phu nhân cải tiến và bài trí thêm thật lộng lẫy. Ngày 13.2.1820, trong khi xem kịch tại nhà hát Opera, ông bị một người thợ đâm chết bằng nhiều nhát dao. Phu nhân của ông đau đớn trở về điện Élysée trong chiếc áo váy đầy những vết máu, sờ soạng những kỷ vật của người chồng bạc mệnh, khóc than, rồi cắt hai lọn tóc bỏ vào quan tài chồng, không chịu ở lại cái cung điện bất hạnh thêm một ngày, nơi cái gì cũng nhắc nhớ đến người quá cố.
Sau những ông hoàng, đến lượt những tổng thống. Những con dao găm luôn luôn được mài nhọn và nhắm vào cái biểu tượng còn non trẻ của nền đệ tam cộng hoà này và những người cư ngụ ở đó. Người thứ tư, Sadi Carnot ngã xuống như một kẻ “tuẫn đời” vào một ngày tháng 6.1894, trong một chuyến đi thăm chính thức Lyon. Một kẻ vô chính phủ, tai hoạ mới của chế độ, trèo lên xe ngựa tổng thống và, cũng như Ravaillac với Henri IV, đâm vị nguyên thủ quốc gia xấu số đến chết. Thi hài của ông được đưa về Paris, quàn bốn ngày trong phòng khách bán nguyệt của Élysée cho thần dân Paris viếng.
Năm năm sau, một cái chết mới tại Élysée: nước Pháp nghe hung tin thình lình về cái chết của Félix Faure đang chói sáng. Ông mất tại bàn làm việc vì căng thẳng trong công việc. Nhưng đó chỉ là tin chính thức, thực ra, vị tổng thống bị gục ngã vì chấn thương não trong phòng khách Argent vào lúc mà cô tình nhân của ông, mà báo chí đặt cho biệt danh sau này là “nhà đòn”, chăm sóc ông bằng liệu pháp đặc biệt. Nhưng không có việc làm nhơ danh, thi hài Tổng thống Faure được quàn ở Élysée, và tang lễ theo nghi thức quốc gia được cử hành tại nhà thờ Đức Bà Paris.
Mitterrand và những lực lượng vô hình
Hơn 30 năm sau, chuỗi “chuyện đen” vẫn tiếp diễn. Tổng thống Paul Doumer bị hạ bằng hai viên đạn của một kẻ cuồng tưởng vào tháng 5.1932 trong một buổi lễ chính thức giữa Paris. Như được thúc đẩy bởi linh tính khủng khiếp, vị nguyên thủ quốc gia vừa đắc cử chừng một năm, dường như chiêm tinh về định mệnh của mình: “Tôi sẽ chết vì bị ám sát!”, ông tâm sự với những người thân cận. Lần thứ ba một thi hài được quàn trong Élysée, gần 150.000 dân Paris đến viếng. Vị tổng thống không vào Panthéon (nơi an nghỉ của các vĩ nhân), vì vợ của ông không uỷ quyền xác ông cho nước cộng hoà. “Tôi muốn có ông ấy suốt đời, tôi muốn ít ra là được chết cùng ông”, bà quả phụ nói với các viên chức.
Một câu nói tương tự mà bà Pompidou có thể đã nói ra khi đối diện với sự hy sinh của chồng bà đang chống lại ung thư máu giữa những bức tường của cung điện. Sự đau đớn hầu như thường nhật đối vị tổng thống hấp hối, phải ngốn cortisone để giảm đau. Năm 1974, ông thổ lộ cùng các bộ trưởng là đã qua những lúc khó khăn để rồi vài hôm sau ông về lại nhà cũ ở bờ kè Béthune và chết trong bình an.
Bệnh tật cũng không tha François Mitterrand tại Élysée. Vừa đắc cử, vị tổng thống được phát hiện ung thư, và không được cho công chúng biết. “Tôi tiếp tục công việc…”, ông nói. Và ông chống chọi với bệnh tật 14 năm, nhờ sự chạy chữa bí mật của BS Gubler. Trong những năm cuối đời, ông phải đảm đương nhiệm vụ đầy can trường, vì đau đớn gặm nhấm ông. Giữa lúc xế chiều ấy, người bạn thân của ông François de Grossouvre bị tai tiếng, tự sát trong phòng làm việc nằm ngay giữa cung điện hôm 7.4.1994, bằng một phát súng ngắn vào đầu… Vị tổng thống từng phát biểu: “Tôi tin vào những lực lượng vô hình, tôi sẽ không từ bỏ các người”. Những cư dân tương lai của Élysée được cảnh báo…
Khởi Thức (theo Le Point.fr)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét