“Một phiên tòa chính trị, lịch sử và độc nhất!”
TTCT - Đây là lời của luật sư William Bourdon, một trong ba luật sư người Pháp (cùng Bertrand Repolt, Amélie Lefebvre), đã đồng hành cùng bà Trần Tố Nga trong 10 năm bà đi tìm công lý. Họ sẽ bảo vệ bà trong phiên tòa sắp tới (ngày 25-1-2021 tại Pháp), cáo buộc 26 công ty hóa chất Mỹ về hành vi diệt chủng môi trường (écocide) trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Vì đây là lần đầu tiên, nạn nhân duy nhất, đơn thương độc mã đối mặt với 26 công ty hùng mạnh, như Monsanto và Dow Chemical, thông qua một thiết chế luật pháp quốc tế.
Hành động đệ đơn kiện của một cá nhân này là trái pháo ném vào thành trì của những thiết chế chính trị, kinh tế, thương mại bảo hộ những “ông lớn” được sự hậu thuẫn của một chính phủ đã từng giội bom và xả gần 100 triệu lít thuốc diệt cỏ trong vòng 10 năm lên lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia.
Theo các nhà khoa học, đây là cuộc diệt chủng môi trường đầu tiên và là cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại, phá hủy cây cỏ, đất đai và thấm độc vào từng tế bào nạn nhân và di truyền đến 4-5 thế hệ sau, tức thời gian hủy diệt có thể kéo dài 100 năm.
Phiên tòa diễn ra vào một thời đại mà những mối quan ngại về sự xâm phạm và hủy hoại thiên nhiên vì mục tiêu tăng trưởng và năng suất trở nên rất lớn.
Bởi thế, phiên tòa còn là lời cảnh tỉnh cho giới chính trị, tài phiệt và công nghiệp về cán cân quá lệch giữa giá trị sống của con người và giá trị nhân văn của nhân loại với những lợi ích kinh tế, tài chính và công nghiệp, dẫn đến những bất công xã hội, chủng tộc và môi trường, đã và sẽ là mầm mống bất ổn chính trị.
“Tôi hiểu rằng tố cáo bất công không đủ mà cần phải dành cả cuộc đời để đấu tranh chống bất công” (Albert Camus) |
Một phiên tòa lịch sử
Đây là một phiên tòa lịch sử bởi lẽ nạn nhân phải quy tụ đủ ba điều kiện mới có thể đâm đơn kiện: có sự bảo trợ của luật pháp Pháp, mang quốc tịch Pháp và là nạn nhân chất độc da cam. Thông qua luật dân sự Pháp từ thời Napoléon, công dân Pháp có thể thông qua thẩm phán và quan tòa để đệ đơn cáo buộc một quốc gia khác. Trong cuộc chiến không cân sức về nhân lực và tài lực này, một nạn nhân với 3 luật sư Pháp chống lại 38 luật sư của 19 công ty.
Đây cũng sẽ là phiên tòa tranh tụng đầu tiên quy kết trách nhiệm và buộc các công ty phải thừa nhận thảm họa gây ra và hệ quả tàn phá của nó lên cơ thể và tinh thần cho nhiều thế hệ. Cuộc tranh đấu cuối cùng này của bà Trần Tố Nga là vì rất nhiều nạn nhân và hậu duệ các nạn nhân Việt, Úc, Mỹ, Hàn Quốc...
Bà Trần Tố Nga coi đây là điều bà phải làm, “nhân danh nghĩa vụ của một con người”. Vì vậy, phiên tòa mang tính biểu tượng như một vụ kiện đôi. Cuộc chiến pháp lý, đã bắt đầu cách đây 6 năm và sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa, mới là quan trọng nhất.
Nếu bên nguyên thắng kiện, sẽ có thể mở ra án lệ đầu tiên cho những phiên tòa trong tương lai, là niềm hi vọng cho rất nhiều nạn nhân của những cuộc diệt chủng môi trường nói chung.
Cuộc đời của bà là một sử thi, sử thi của dân tộc Việt Nam, những cuộc đấu tranh anh dũng và những nỗi khổ đau của người Việt. Bà là đại diện của nhiều chủ điểm tái tạo nên hai thế kỷ 19 và 20. Chúng tôi đã tổ chức các buổi họp mặt truyền thông dưới sự bảo trợ của các thị trưởng tại các thành phố Villejuif, Choisy-le-Roi… Sau phiên tòa, chúng tôi tiếp tục các hoạt động ủng hộ và đấu tranh, khuếch trương và nhân rộng. Hội Hữu nghị Pháp - Việt liên tục tổ chức các hội thảo và ra mắt sách của bà tại các chi hội trên toàn nước Pháp và ngoại quốc (New York, đảo Réunion) nhân các ngày hội sách hay lễ hội nhân đạo thường niên. Gần 20 số của tạp chí Perspectives của hội viết bài về bà. Tháng 5-2019, hội tham gia cuộc tuần hành quốc tế chống lại Monsanto - Bayer lần thứ 7. Chất độc da cam - dioxine là một trong các chủ đề của Tuần hành Paris. Chúng tôi tham gia tổ chức, hồi tháng 2-2020, sự kiện “8 tiếng vì nạn nhân chất da cam với Trần Tố Nga và Watermelon Slim” (W. Slim là một nhạc sĩ Mỹ danh tiếng dòng nhạc blues, cựu binh và nạn nhân chất da cam)” Jean-Pierre Archambault (tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt) |
Vì như bà Trần Tố Nga nói: “Nếu tôi chết, phiên tòa sẽ bị hủy bỏ và mọi thứ sẽ dừng lại”. Ngay cả các con gái của bà - những nạn nhân trực tiếp - cũng không thể tiếp tục kiện vì họ không mang quốc tịch Pháp. Bà là người duy nhất hội tụ ba điều kiện trên. Bà gần bát tuần và mang bệnh trọng, mỗi tháng mỗi năm đều là quỹ thời gian quý giá với bà. Các công ty Mỹ lợi dụng tình thế này để kéo dài thời gian phiên xử.
Họ đã thử thương lượng với bà vào cuối năm 2019 để ký vào một điều khoản kín nhằm chấm dứt kiện tụng. Nhưng bà đã từ chối vì bỏ dở hành trình kiện tụng đối với bà là chối bỏ hành vi tội ác, là làm ngơ trước nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Bà là hiện thân của một cựu chiến binh tiếp tục tranh đấu trong thời bình vì chính nghĩa và công lý.
Cuộc tranh đấu của bà là biểu tượng của tình đoàn kết nhân loại và vì môi trường - môi sinh, thông qua sự thừa nhận trên phương diện chính trị và pháp lý, cho các thế hệ từ quá khứ qua hiện tại hướng đến tương lai. Vì thế, sinh thời, bà đã là một nhân vật lịch sử nối liền hai thế kỷ 20 và 21. ■
Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều cuộc biểu tình, thu thập chữ ký, hội thảo, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, kêu gọi gây quỹ (để dịch các tài liệu cho vụ kiện)… Đặc biệt, chúng tôi tham gia tổ chức hai sự kiện quan trọng: Tòa án công luận quốc tế (vào năm 2009, nhằm ủng hộ các nạn nhân Việt Nam) và năm 2014, lệnh hầu tòa của các công ty hóa chất Mỹ trước Tòa đại hình Évry tại Pháp. Tháng 8-2020, chúng tôi tổ chức Ngày vì nạn nhân chất độc da cam - một chương trình nghệ thuật và đàm luận trực tuyến trên Facebook với sự tham gia của hơn 50 diễn giả và nghệ sĩ Pháp, Việt kiều và quốc tế kéo dài 36 tiếng, thu hút 161.800 người theo dõi”. (Nguyễn Văn Bổn và Nguyễn Đắc Hà - thành viên Hội người Việt Nam tại Pháp) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét