Sống 1 mình trong ngôi nhà nhỏ suốt 5 năm, Thiên Hương nay là sinh viên Đại học Quảng Nam
Ba mất sớm vì ung thư, mẹ bị tai biến cũng rời xa trần thế, Hà Thị Thiên Hương sống cảnh mồ côi, lủi thủi một mình ở căn nhà cũ kỹ của ông bà nội để lại.
Bằng nghị lực vượt khó và tình thương của người thân, cộng đồng xã hội, giờ đây cô trở thành tân sinh viên Trường đại học Quảng Nam, nuôi ước mơ thành cô giáo.
Lớp 8 đã chăm mẹ tai biến, nhưng mẹ cũng ra đi
Chiều, trong căn nhà cấp bốn xập xệ ở khối phố Phong Ngũ, phường Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, Thiên Hương nhóm bếp lửa nấu bữa cơm tối.
Cô gái mồ côi ấy dường như đã quen với cảnh một mình. "Lúc trước ở một mình, mình thấy cô đơn, lâu rồi thành quen. Nhiều lúc thèm bữa cơm mẹ nấu, cùng ba mẹ ngồi ăn trong căn nhà ấm áp, nhưng mà…", Hương nghẹn lại bỏ dở lời nói, đôi mắt đỏ hoe.
Khi Hương 5 tuổi, cha của Hương qua đời sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Lúc cô bé học lớp 8, người mẹ bị tai biến, nằm liệt giường.
Hương một buổi đi học, một buổi về lo việc nhà, chăm sóc mẹ nằm một chỗ. Cô cơm nước, giặt giũ, tắm rửa, làm vệ sinh cho mẹ, đút cơm cho mẹ ăn, nhiều tháng trôi qua rồi người mẹ cũng khuất núi bởi bệnh nặng.
"Mẹ cũng ra đi sau tháng ngày chống chọi bệnh tật, mình trở thành trẻ mồ côi", Hương nghẹn ngào.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn quá nhỏ, cô bé ấy chưa cảm nhận hết được quãng đường chông chênh ở phía trước sẽ đối mặt.
"Những ngày đầu ở một mình trong căn nhà buồn lắm, khóc hoài. Bạn bè có ba mẹ, được dạy bảo, tâm sự, khoe thành tích học tập. Còn mình khi thành tích học tốt, cầm tấm giấy khen rồi đứng trước di ảnh ba mẹ trên bàn thờ, nước mắt cứ vậy chảy ra", Hương thổ lộ.
Cô bé phải tự lo cho mình. Ai ở trong cảnh ấy mới cảm nhận được sự tủi thân và đắng cay của mồ côi. Nguồn sống của Hương là từ trợ cấp xã hội của nhà nước, gạo và thức ăn được các bác, chú, cô thay nhau hỗ trợ cháu mình.
Ông Hà Đức Diệp (63 tuổi, bác ruột của Hương) nói rằng sau khi mất mẹ, con bé tự lập, sống một mình ở căn nhà ông bà nội để lại, tự lo cho mình.
"Sợ nó buồn, chúng tôi bảo nó lên ở chung nhà của mấy bác cho vui, nhưng con bé bảo ở một mình vậy để lo hương khói cho ba mẹ. Cháu quá nghị lực, tự lo cho mình rồi tự học, vả lại còn học giỏi. Giờ đây cháu đậu đại học, chúng tôi mừng lắm", ông Diệp tâm sự. "Tui chỉ mong con bé học tốt để sau này ra trường có việc ổn định, tự lo cho bản thân mình. Nhiều năm nay thấy nó sống cảnh côi cút, tụi tui nhìn xót quá", ông Diệp thổ lộ.
Chọn sư phạm - con đường duy nhất
"Mồ côi cha, ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm". Còn Hương mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cô hiểu rằng chỉ có học mới giúp mình có một tương lai tươi sáng hơn, thoát khỏi cái nghèo triền miên.
"Trước lúc mất, mẹ dặn tôi phải tự lo cho bản thân khi không còn mẹ, nỗ lực học tập dù cho khó đến dường nào", Hương nhớ lại. Hương thực hiện lời hứa với mẹ, nỗ lực học tập. 12 năm liền cô là học sinh khá, giỏi, năm lớp 12 điểm trung bình các môn học là 8,6.
Những năm THPT, để có thêm trang trải cuộc sống, lúc rảnh Hương làm thuê phụ việc ở quán trà sữa, ăn vặt. Rồi cuối tuần, cô tất tả làm thêm phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới. Cứ thế, cô bé mồ côi sống qua ngày bằng nỗ lực không biết mệt mỏi.
Cô nhận thông báo trúng tuyển vào ngành sư phạm toán Trường đại học Quảng Nam với tổ hợp môn C14, tổng điểm 25,07, đến nay đã nhập học.
Nhìn lại hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, Hương đăng ký xét tuyển ngành sư phạm để đỡ tiền học phí suốt bốn năm ở giảng đường. "Mình không còn sự chọn lựa, học sư phạm sẽ đỡ tiền học phí", Hương bảo.
Thấy hoàn cảnh của Hương quá đáng thương, một mình côi cút giữa đời, năm 2019, sau khi mẹ mất, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Điện Thắng Nam đã nhận đỡ đầu, giúp sức cho Hương ăn học.
Bà Hà Nguyễn Phương Hòa - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường - bảo rằng trong hai năm lớp 8 và 9, hội đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ Hương mỗi năm 2 triệu đồng bằng nguồn kinh phí gây quỹ của hội từ việc bán hàng.
Rồi những năm cô học THPT, hội đề xuất lên Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Điện Bàn nhận đỡ đầu Hương với kinh phí 5 triệu đồng mỗi năm, để Hương có nguồn trang trải việc học, chi phí sinh hoạt hằng ngày.
"Dù gia cảnh ngặt nghèo, cô bé rất cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập mặc dù mồ côi. Giờ đây em đỗ đại học, chúng tôi mừng lắm", bà Hòa tâm sự.
Theo bà, chương trình mẹ đỡ đầu đến khi Hương đủ 18 tuổi thì hết. Hội sẽ tiếp tục vận động, kết nối mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ Hương trong những tháng ngày ở giảng đường.
Hương nói trước mắt nhập học, khi đến thành phố cô sẽ kiếm cho mình một công việc làm thêm như gia sư, phụ việc ở nhà hàng, quán ăn để trang trải những tháng ngày ở giảng đường.
"Tôi cảm thấy may mắn khi được các cô ở Hội phụ nữ đỡ đầu, động viên, xem như con ruột, hỗ trợ tiền trong những năm qua cho tôi ăn học. Tôi thực sự cảm thấy rất biết ơn các cô. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa, nỗ lực học thật tốt, sau này trở thành một giáo viên giỏi để ba mẹ yên lòng", Hương bộc bạch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét