Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 3: Gái quê lên phố làm dâu hiếu thảo

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 30/07/2024 09:11

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 3: Gái quê lên phố làm dâu hiếu thảo

Cô gái ở tỉnh lẻ lên Hà Nội làm dâu. Trải qua sự bất hòa hợp lối sống, cô đã xoay chuyển được tình thế để gia đình ba thế hệ yên vui, đầm ấm bằng trí tuệ, tình yêu thương và đạo hiếu làm con.

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 3: Gái quê lên phố làm dâu hiếu thảo- Ảnh 1.

Mẹ chồng (bìa trái) và mẹ đẻ Hằng chụp ảnh cùng nhau - Ảnh: TÂM LÊ

Cô gái ở tỉnh lẻ lên Hà Nội làm dâu. Trải qua sự bất hòa hợp lối sống, cô đã xoay chuyển được tình thế để gia đình ba thế hệ yên vui, đầm ấm bằng trí tuệ, tình yêu thương và đạo hiếu làm con.

Mỗi người một hoàn cảnh, làm dâu phải giữ được cốt lõi đạo hiếu làm con, điều này không chỉ cho mình mà còn thế hệ con cháu.

LÊ THỊ HẰNG

Hai năm đầu lặng im

Bước chân về nhà chồng, nàng dâu mới bao giờ cũng "lạ cái lạ nước". Có người bắt nhịp được ngay, nhưng có người phải mất một thời gian dài và có người không bao giờ hòa nhập được.

Lê Thị Hằng (sinh năm 1989, quê ở Duy Tiên - Hà Nam) là người mà chúng tôi muốn kể lại câu chuyện ly kỳ, nhiều xúc cảm trong hành trình làm dâu trên phố của cô.

Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Hằng là sự năng động, tươi vui, luôn suy xét trước mỗi lời nói. Trong câu chuyện với người đồng nghiệp lâu năm, Hằng là người trong những hoàn cảnh đặc biệt sẽ tìm cách bảo vệ người khác, giành phần khó về mình.

Gần 10 năm rời quê lên phố, cũng là bước ngoặt cuộc đời đi làm dâu nhà người, nhìn lại hành trình ấy, Hằng đúc kết: "Có thể chia thành những giai đoạn khác nhau. Ban đầu là thoả hiệp và mở lòng, sau đó buông bỏ và bao dung, cuối cùng là nâng cao giá trị cuộc sống".

Mới nghe thôi đã thấy tò mò, có lẽ làm dâu là một hành hình mà ai cũng có điều để kể?

Hằng sống cùng bố mẹ chồng từ ngày về làm dâu, có mâu thuẫn khác biệt cũng dễ hiểu, nhưng cô không nghĩ nó lớn thế: "Hai năm đầu làm dâu, thật khó để hòa nhập vào cuộc sống của gia đình chồng.

Từ sinh hoạt hằng ngày tới quan điểm, tính cách có nhiều thứ trái ngược nhau", Hằng cho biết. Giai đoạn này cô không chống đối cũng không thay đổi điều gì, chỉ im lặng nhìn nó diễn ra.

Hằng sinh ra ở làng quê, lối sống có phần xuề xòa, vui vẻ. Khi đi lấy chồng, cô dặn lòng phải luôn bật chế độ mở để hòa nhập và học hỏi điều hay nhưng không chấp nhận đòi hỏi thái quá làm cho mối quan hệ trong gia đình căng thẳng.

"Ở quê nói mời xơi cơm, nhà chồng lại nói mời ăn cơm. Nhà chồng ăn cay, mình không ăn được. Mẹ chồng thích ăn bắp ngô già, mình thích loại non nên mua cả hai loại về nhưng vẫn bị trách.

Trong bữa ăn đứng lên ngồi xuống không biết bao nhiêu lần, hôm lấy cốc uống bia thì bố chồng lại chuyển sang cốc uống rượu.

Mâm cơm 4 người ăn 4 món khác nhau, tiền ai người nấy tiêu" - Hằng nhớ những lúc như thế, cô nhìn sang chồng chờ lời phân xử nhưng chỉ nhận được câu trả lời "em cứ gặp bố mẹ nói chuyện".

"Toàn những điều nhỏ nhặt hằng ngày thôi nhưng nó làm cho mình rất mệt mỏi", Hằng thở dài. Đỉnh điểm, cô đặt ấm nước chếch góc 45 độ thì bố chồng yêu cầu đặt đúng 90 độ.

Và đặc thù công việc của cô làm ngoài giờ hành chính, nhưng đúng 5 giờ chiều bố mẹ chồng điện thoại liên tục giục về với đủ lý do.

"Lý trí mách bảo tôi nếu cứ tiếp tục sẽ không tốt cho cả gia đình và thế hệ con cháu", Hồng lo lắng và không muốn im lặng nữa.

Gia đình Hằng bên nội, ngoại hay có những chuyến đi chơi vui vẻ cùng nhau - Ảnh: TÂM LÊ

Gia đình Hằng bên nội, ngoại hay có những chuyến đi chơi vui vẻ cùng nhau - Ảnh: TÂM LÊ

Mặt đối mặt, chờ điều tốt đến

Khi tới ngưỡng chịu đựng, Hằng mời bố mẹ cùng ngồi nói chuyện. Ngồi đối diện nhau (face to face) để nói ra quan điểm của mình và lắng nghe ý kiến bố mẹ, với mong muốn mọi người trong gia đình hiểu nhau và cùng tốt lên.

Chồng của Hằng là công tử Hà Thành đúng nghĩa, anh được bao bọc từ bé. Hằng có một người chồng yêu vợ thương con, làm việc đưa lương về nhà, không chơi bời hút sách bên ngoài. "Nhưng trong nhà, vai trò của người chồng cần phải biết điều hướng để gia đình yên vui", Hằng bày tỏ.

Buổi trò chuyện mặt đối mặt với bố mẹ chồng, Hằng dự tính hai khả năng sẽ xảy ra. Một là sự phân biệt đối xử sẽ nặng nề hơn trước, mối quan hệ trong gia đình xấu hơn; hai là sẽ thay đổi hiện trạng theo hướng tốt hơn.

Bữa đó Hằng yêu cầu chồng bế con đứng ở bên ngoài, chỉ có con dâu một bên bố mẹ chồng một bên. "Con xin lỗi bố mẹ, nhưng con cần nói ra những quan điểm 1, 2, 3… điều bố mẹ nói con sẽ luôn tôn trọng, con cũng mong bố mẹ hiểu mong muốn của con", Hằng chia sẻ.

Những việc trong nhà, ông bà muốn đồ đạc gọn gàng ngăn nắp thì trước hết ông bà cần để đồ đúng chỗ. Muốn vệ sinh sạch sẽ thì không thể sạch trong nhà, còn rác lại đổ ra đường là vô lý. Còn về chăm sóc con, vợ chồng Hằng sẽ chăm các ngày trong tuần, ông bà sẽ chăm cháu hai ngày cuối tuần thoải mái, vợ chồng không can thiệp.

Sau buổi trò chuyện, bố mẹ chồng im lặng. Không ai phản đối cũng không can thiệp vào việc Hằng làm, khác với điều cô suy nghĩ ban đầu.

"Có lẽ ông bà vẫn cho rằng con dâu phải theo những nguyên tắc cũ của gia đình và theo ý ông bà. Thấy con dâu có ý kiến thì nghĩ là chống đối", Hằng bày tỏ.

Tiếp đến theo Hằng là vấn đề tài chính, điều mà ai lập gia đình cũng hiểu rõ. Bố mẹ chồng có điều kiện hơn, không đòi hỏi quá về tiền bạc nhưng bố mẹ chi 10 đồng thì Hằng cũng khéo léo góp 5 đồng.

Hằng tập trung vào công việc nhiều hơn, tiền kiếm được cô góp mua sắm vật dụng đắt tiền trong gia đình, cách làm cách nói làm sao để không ai chê trách được. Bố mẹ chồng cũng nhìn ra những điều con dâu làm tạo cho không khí gia đình tốt lên chứ không phải xấu đi.

Buông bỏ và yêu thương

Sang năm thứ 6 làm dâu, Hằng gặp duyên tu theo đạo pháp nhà Phật và thấy bản thân cũng thay đổi. Cô không sân hận về những chuyện buồn xảy ra để tâm an lạc, dành lời ái ngữ với mọi người.

Mỗi ngày, Hằng dậy sớm ngồi thiền nghe giảng pháp, bố chồng tập thể dục ở tầng trên, cả nhà cùng nghe kinh Phật. Ăn sáng xong thì ai làm việc người đó, Hằng đi làm, ông bà đón đưa cháu đi học.

"Chị thấy đấy, tôi có thể gặp gỡ bạn bè, yên tâm ngồi đây đến chiều muộn. Hôm nào vợ chồng không đón con được thì ông bà sẽ đón, trước đây không như vậy đâu", Hằng cười nói. Suốt buổi gặp, Hằng nhận một cuộc gọi từ nhà của con trai, cô dặn dò: "Con làm toán để cho ông vui, tối về làm bài tập tiếng Anh nhé!".

Hằng nhận định: "Thực ra người khó tính là bố chồng chứ không phải mẹ, sau này ông bà có kể về hoàn cảnh sống ngày bé của bố. Chịu khổ cực nên ông đã bị tư tưởng sống hà khắc với bản thân và con cháu".

Bố đẻ Hằng cũng mất sớm, lúc cô chưa có điều kiện báo đáp ơn sinh thành. "Mỗi lần bê cốc nước cho bố chồng, tôi cảm thấy như đang bê cho bố đẻ.

Ông ảnh hưởng tới tính cách tôi rất nhiều", Hằng kể. Khi đó, cô là chỗ dựa cho mẹ và em trai nên tính cách mạnh mẽ, biết lo toan mọi việc từ trước khi lấy chồng.

Dấu mốc thay đổi lớn nhất theo Hằng đến từ sau bài viết mà cô được giải khi trong cuộc thi tri ân người sinh thành của hãng bánh ngọt Danisa Tết năm 2020. Bố mẹ chồng đã rơi nước mắt khi đọc:

"Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ". Hằng mở đầu bài viết bằng lời bài hát Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến, rồi tiếp tục giãi bày tình cảm:

"Con đứng trong tâm trạng là con gái đi lấy chồng khi xa mẹ Vinh và là con dâu khi ở cùng mẹ Sự. Khi thấy hai mẹ nói chuyện với nhau vui vẻ, thỉnh thoảng là các cuộc điện thoại hỏi han tình hình của nhau và là những lời dặn hay nhắc nhở… Con thật sự xúc động và biết ơn khi có hai mẹ song hành cùng con".

Mẹ chồng Hằng vui vẻ trả lời chúng tôi qua điện thoại vì bà đang bận buôn bán: "Tôi và con dâu thường rủ nhau đi bộ thể dục mỗi tối, tình cảm trong gia đình tốt hơn nhiều. Tôi mừng vì có cô con dâu biết chăm lo gia đình".

Hằng cho biết cô cảm phục những người phụ nữ làm dâu ở phố cổ Hà Nội. Họ chịu nhiều phép tắc, lễ nghi hơn nhiều. Giai đoạn ba, Hằng mong muốn nâng cao giá trị sống của gia đình. Ai cũng có đời sống tinh thần tốt, công việc thuận lợi, có dịp cả nhà đi du lịch cùng nhau...

--------------------

Nàng dâu ở chung mẹ chồng, hai bên bất hòa và ráng chịu đựng nhau. Sau khi vợ chồng ra riêng, hai bên có hơi buồn nhưng mối quan hệ dần cải thiện.

Kỳ tới: Xin ba mẹ cho phép gia đình con ra riêng

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 2: Người con dâu yêu thương chăm mẹ chồng 106 tuổiMẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 2: Người con dâu yêu thương chăm mẹ chồng 106 tuổi

Chăm và ở bên mẹ chồng 106 tuổi mãi không thấy về, bà Lê Thị Nhi (69 tuổi, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) bị mẹ ruột 103 tuổi hỏi khó: "Sao mẹ đẻ con ra mà con không thương bằng mẹ chồng?".

Không có nhận xét nào: