Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Căng cáp dây văng đầu tiên cầu Rạch Miễu 2

 

Căng cáp dây văng đầu tiên cầu Rạch Miễu 2 

dvnien copy từ https://baodongkhoi.vn/..., trang web này đăng ngày 31/07/2024 - 15:37. Tác giả: Thạch Thảo.

BDK.VN - Ngày 31-7-2024, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận tổ chức sự kiện căng cáp dây văng đầu tiên tại trụ P20 thuộc gói thầu XL.02 (gói chính xây dựng cầu dây văng cầu Rạch Miễu 2) của Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre.

Ảnh 1: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (bìa phải) và các đại biểu chụp ảnh tại buổi căng cáp trên trụ tháp P20, cầu Rạch Miễu 2.

Đến dự có, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi; cùng sự có mặt của đội ngũ kỹ sư, công nhân thi công gói thầu XL.02 cầu Rạch Miễu 2.

Tại công trường cầu Rạch Miễu 2, bờ Thới Sơn, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đội ngũ kỹ sư, công nhân thi công đã thực hiện căng bó cáp văng số 1 trụ tháp P20 cầu Rạch Miễu 2.

Ảnh 2: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam bày tỏ sự phấn khởi trước tiến độ vượt kế hoạch của cầu Rạch Miễu 2.

Trên trụ tháp P20, chiếc vận thăng đưa mọi người lên độ cao vài chục mét so mặt nước để tham dự buổi căng cáp. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phấn khởi nói: “Hôm nay tôi rất vui mừng đến dự buổi căng cáp, đây là điều rất phấn khởi. Tôi đại diện lãnh đạo tỉnh và người dân tỉnh Bến Tre hoan nghênh tiến độ của cầu Rạch Miễu 2 và sự cống hiến hết mình của các đơn vị thi công. Với tiến độ này, tôi tin rằng ngày 2-9-2025, cầu Rạch Miễu 2 có thể thông xe kỹ thuật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Ảnh 3: Đội ngũ kỹ sư, công nhân thực hiện căng cáp đầu tiên.

Đến nay, tiến độ dự án đã hoàn thành được 55,9% tổng thể cơ bản đáp ứng theo kế hoạch; phần cầu chính - cầu Rạch Miễu 2 đang vượt tiến độ hơn 5%. Phần cầu đã hoàn thành 3/6 cầu (cầu Mỹ Tho, cầu Tam Sơn và cầu Ba Lai), còn lại 3 cầu đang triển khai (cầu Xoài Hột, cầu Rạch Miễu 2 và cầu Sông Mã). Trong đó, phần cầu chính (cầu Rạch Miễu 2), phần trụ Tháp (P19 và P20) đã hoàn thành 90%; đã thi công xong đốt K0 phần có cáp văng cho 2 trụ tháp; cầu chính đang vượt tiến độ hơn 5%. Phần đường, đã triển khai thi công trên toàn bộ tuyến khoảng 14km. Giải ngân kế hoạch vốn năm 2024: đến nay đã giải ngân 523,4 tỷ/900 tỷ đồng kế hoạch vốn đã được bố trí, đạt 58,16%.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết: “Công trình cầu Rạch Miễu 2 là công trình mà người dân 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang rất mong đợi. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án phải tập trung 3 ca 4 kíp để hoàn thành vào ngày 2-9-2025. Với sự kiện căng dây cáp đầu tiên hôm nay, dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 đã đáp ứng và vượt tiến độ gần 2 tháng so với kế hoạch đề ra. Sự kiện căng cáp đầu tiên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo bám sát tiến độ yêu cầu”.

Ảnh 4: Trụ tháp P20 cầu Rạch Miễu 2, nơi diễn ra buổi căng cáp đầu tiên.

Ông Nguyễn Hoàng Duy - đại diện đơn vị thực hiện căng cáp dây văng cầu Rạch Miễu 2 cho hay: “Chúng tôi là đơn vị thực hiện căng cáp dây văng cầu Rạch Miễu 1 (cầu hiện hữu), cầu Rạch Miễu sử dụng hệ dây bán rẻ quạt. Cầu Rạch Miễu 2 dùng hệ dây song song, về mặt kiến trúc, thẩm mỹ hệ dây song song sẽ đẹp hơn. Về kỹ thuật căng dây văng, cầu Rạch Miễu 2 sử dụng hệ thống căng kéo tự động, dữ liệu sẽ được tính toán bắng phần mềm và trút dữ liệu vào máy AMS. Giúp cho độ chính xác của việc căng kéo tốt hơn, thời gian căng cáp nhanh hơn, có khả năng rút ngắn khoảng phân nửa thời gian so với công nghệ căng cáp trước đây”.

Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL.02 (cầu chính dây văng Rạch Miễu 2) Cấn Mạnh Hùng chia sẻ: “Để đạt được việc căng cáp dây văng đầu tiên hôm nay, trước đó tất cả cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã nỗ lực làm cả ngày lẫn đêm để kịp căng cáp dây văng đầu tiên của dự án. Hiện tinh thần của đội ngũ kỹ sư và công nhân thi công rất phấn khởi, chúng tôi hiện tập trung tối đa nhân lực để hoàn thành việc căng bó cáp dây văng đầu tiên trong ngày nay và ngày mai”.

Tin, ảnh: Thạch Thảo

Thần đất được giải oan

 Thời sự Bút Bi

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 31/07/2024 10:49

Thần đất được giải oan

Mấy hôm nay thần đất thở phào nhẹ nhõm.

Số là bao năm qua cứ mỗi lần có động đất là người ta nói do thần đất nổi giận. Bà con khóc quá trời, nói thần đất giận ai thì cứ nhằm người đó mà phạt, chứ sao nổi giận đùng đùng gây ra động đất, khổ cho bà con quá thần đất ơi!

Thần đất kêu trời không thấu. Bà con mỗi lần khấn gì đều khấn cầu trời, cầu đất thì làm sao nỡ lòng hại bà con được chứ!

May quá, giờ có Viện Vật lý địa cầu nói mấy chục trận động đất vừa qua ở Kon Tum là do động đất kích thích, cụ thể là do các hồ chứa thủy điện nằm trong vùng. 

Việc tích nước của các hồ này có khả năng là nguyên nhân gây ra các trận động đất vừa qua.

Nghĩa là không phải do thần đất, cũng không phải do Thủy Tinh nổi sóng đánh Sơn Tinh để giành Mỵ Nương. Không do ông thần nào cả, mà là do mấy ông thần… người.

Nhà khoa học nói đó nhé, thần đất được giải oan rồi.

Rạng sáng nay, Kon Tum xảy ra thêm 7 trận động đấtRạng sáng nay, Kon Tum xảy ra thêm 7 trận động đất

Trong đêm qua đến sáng sớm nay 31-7, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) tiếp tục xảy ra 7 trận động đất.

Hồ chứa là nguyên nhân động đất: Tỉnh nói 'chưa có kết luận'

 Thời sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 31/07/2024 08:54

Hồ chứa là nguyên nhân động đất: Tỉnh nói 'chưa có kết luận'

tác giả
TẤN LỰC
và 3 tác giả khác 

Viện Vật lý địa cầu nhận định động đất liên tục ở Kon Tum là động đất kích thích gây ra bởi hồ chứa. Nhưng cơ quan chức năng tỉnh này nói tới nay vẫn chưa có kết luận cụ thể.

Hồ chứa là nguyên nhân động đất: Tỉnh nói 'chưa có kết luận'- Ảnh 1.

Từ sau trận động đất 5 độ trưa 28-7, gia đình chị Y Diên tại thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, bỏ căn nhà xây chuyển qua sống trong gian bếp gỗ vì lo sợ sập nhà - Ảnh: TẤN LỰC

Người dân huyện Kon Plông (Kon Tum), nơi xảy ra hàng chục vụ động đất lớn nhỏ trong mấy ngày qua, đang nóng lòng chờ làm rõ nguyên nhân động đất và các giải pháp xử lý triệt để từ chính quyền và các cơ quan chức năng để ổn định cuộc sống.

Không biết hồ nào gây ra động đất

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, vùng động đất huyện Kon Plông đang có 6 công trình thủy điện, trong đó 3 thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re.

Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220MW với 2 tổ máy, dung tích trữ 145,52 triệu m3. Thủy điện Đăk Đrinh có công suất 125MW với 2 tổ máy, dung tích trữ 248,51 triệu m3. Thủy điện Đăk Re có công suất 60MW với 2 tổ máy, dung tích trữ 10,35 triệu m3.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Nhất - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum - nói hiện tại chưa có kết luận nào về việc hồ chứa nước gây ra động đất tại Kon Tum. Tỉnh này đang đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu để ra kết luận cuối cùng.

"Giả định hiện nay là phương án tích nước của hệ thống hồ chứa gây ra động đất kích thích. Còn để nói hồ nào là nguyên nhân chính gây ra động đất ở Kon Plông thì chưa ai dám khẳng định. Các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, có bằng chứng khoa học và kết luận việc này", ông Nhất nói.

Theo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, phải xác định được đơn vị cụ thể gây ra động đất mới có cơ sở yêu cầu bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi xảy ra hậu quả động đất, đồng thời có giải pháp xử lý tình trạng động đất. Thời gian qua cơ quan này phải động viên các thủy điện phối hợp cùng địa phương hỗ trợ cho người dân trong vùng ảnh hưởng từ nguồn an sinh xã hội của doanh nghiệp.

Ông Nhất cho biết thêm qua rà soát các hồ thủy điện tại huyện Kon Plông tới nay vẫn an toàn, chưa phát hiện hư hại gì.

Hồ chứa là nguyên nhân động đất: Tỉnh nói 'chưa có kết luận'- Ảnh 2.

Nguồn: Viện Vật lý địa cầu - Đồ họa: TUẤN ANH

Các thủy điện nói gì?

Ông Lê Năng - phó giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh - cho hay những trận động đất vừa rồi không ảnh hưởng tới an toàn hồ đập công trình này. Sau động đất đơn vị đã kiểm tra tất cả các vị trí bằng thiết bị đo và bằng quan sát thực tế thì chưa thấy có gì bất thường.

Theo thông số thiết kế, hồ Đăk Đrinh chịu được động đất trên 7 độ với hệ số an toàn khoảng 1,3 - 1,5 lần. Thủy điện cũng đã lắp đặt nhiều loại thiết bị quan trắc động đất tại hồ chứa như thiết bị đo áp lực thấm, lưu lượng nước thấm...

Kết quả cho thấy các giá trị trong mức bình thường sau các trận động đất vừa qua. Thủy điện này xây dựng quy trình phòng chống bão lũ, thiên tai và có phương án ứng phó khi xảy ra sự cố.

Ông Năng nói hiện tại hồ đang mùa kiệt, lượng nước trong hồ chỉ đạt 40% dung tích thiết kế. Do đó, nói rằng động đất kích thích nguyên nhân là do thủy điện, theo ông là không phù hợp. Ông Năng dẫn chứng hiện nay động đất dày đặc dù các hồ đang ở mức nước thấp nhất, trong khi giai đoạn Tết nước đầy hồ thì không thấy động đất.

Trong khi đó, ông Trần Công Đàm - giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum - cho hay thủy điện này được thiết kế chống động đất 7 độ.

Theo ông Đàm, động đất kích thích luôn có cường độ nhỏ hơn những trận động đất tự nhiên. Khi thiết kế công trình thường áp dụng cường độ lớn nhất của động đất tự nhiên để đưa vào thiết kế.

Đại diện thủy điện này nói trước đây có được Viện Vật lý địa cầu đề nghị cho lắp đặt một số trạm quan trắc để nghiên cứu. Ngoài ra đến nay đơn vị chưa nhận được bất cứ kết luận gì về nguyên nhân gây ra động đất tại khu vực là do hồ chứa.

Nhìn từ thủy điện Sông Tranh 2

Năm 2011, hồ thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) bắt đầu tích nước cũng là lúc khu vực này xảy ra nhiều trận động đất kích thích. Tần suất động đất giảm dần theo thời gian và đến khoảng năm 2016 thì chấm dứt.

Một cán bộ nhiều năm công tác tại công trình này cho biết giai đoạn đó tần suất động đất nhiều nhất một ngày từ 2 - 3 trận, đa số là cường độ nhỏ, trận lớn nhất hơn 4 độ.

Theo cán bộ này, bản chất của động đất kích thích là sự sụt lún các cấu trúc hang động, khoang rỗng sâu dưới lòng hồ, là hiện tượng sắp xếp lại vị trí các kết cấu dưới lòng đất sau khi tích nước để làm ổn định lòng hồ.

Từ kinh nghiệm tại hồ Sông Tranh 2, cả khi nước hồ tích đầy và rút kiệt đều có khả năng xảy ra động đất nhiều hơn, không nhất thiết tích đầy hồ mới có động đất. Động đất kích thích sẽ giảm dần và chấm dứt theo thời gian, không ảnh hưởng nhiều tới an toàn công trình.

Yêu cầu các thủy điện đánh giá tình hình động đất

Sau những trận động đất liên tục những ngày qua, ông Lê Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - đã đề nghị Công ty thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty thủy điện Đăk Đrinh và Công ty thủy điện Thiên Tân theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, kịp thời thông tin tới chính quyền và người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Trong khi đó, ông Trần Phước Hiền - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cũng ký công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, yêu cầu chủ động ứng phó với động đất ở Kon Tum ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh này và có giải pháp hợp lý để bảo vệ người dân, tài sản nhà nước.

Cần đánh giá nghiêm túc tác động của dự án thủy điện

Lý giải về việc động đất xảy ra dồn dập tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) trong hai ngày 28 và 29-7, ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết thông thường sau các trận động đất lớn thì sẽ có những trận động đất có cường độ nhỏ hơn kèm theo.

Hiện tượng này kéo dài trong vài ngày, sau đó sẽ giảm dần. Sau đó tích tụ một thời gian (thời kỳ yên tĩnh) thì lại xảy ra những trận động đất liên tiếp như vậy. Do vậy dự báo thời gian tới động đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục xảy ra.

Theo ông Anh, các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích. Động đất xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.

"Việc phát sinh động đất kích thích phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoạt động địa chấn kiến tạo, thủy văn, cần có các nghiên cứu chuyên sâu mới đánh giá được.

Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Nhưng việc ảnh hưởng đó có thể là sau vài tháng, vài năm khi nước ngấm đủ xuống bên dưới mới gây ra động đất", ông Anh nói.

Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, động đất do hồ thủy điện tích nước gây ra vậy nên cần đánh giá một cách nghiêm túc về tác động của các dự án thủy điện tại đây. Phải cân nhắc về hiệu quả kinh tế so với tác động của nó đối với sinh thái môi trường, sinh thái địa chất, phản ứng xã hội khu vực.

Trường hợp hiệu quả kinh tế không đạt, không đáp ứng phát triển kinh tế xanh của Chính phủ thì nên xả đập hồ thủy điện và trả lại rừng tự nhiên vốn có của Tây Nguyên. Với những thủy điện nhỏ công suất không nhiều nhưng diện tích để làm cũng rất lớn đã làm mất đi độ che phủ của rừng. Việc đánh đổi này không cân xứng và cần thiết.

Đối với các công trình thủy điện tại huyện Kon Plông cũng cần có khảo sát, đánh giá xem trận động đất vừa qua có gây các khiếm khuyết gì không. Với cường độ 5 độ làm rung chuyển nhà cửa, công trình ở những địa phương rất xa thì các công trình tại chỗ không thể nào không bị tác động. Cần phải kiểm tra gấp để tránh các thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

"Nếu xét về nhu cầu thiếu điện thì Kon Plông có địa hình đón gió gần như quanh năm. Do đó có thể phát triển điện gió thì tốt hơn. Chúng ta nên ưu tiên phát triển những năng lượng xanh chứ không nên cấp phép thủy điện vô tội vạ", ông Thuận nhận định.

Sống trong vùng động đất: Bình yên trở lại, dân vẫn nơm nớp loSống trong vùng động đất: Bình yên trở lại, dân vẫn nơm nớp lo

Sau những ngày động đất liên tiếp, cuộc sống của người dân trong các buôn làng tại Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã trở lại nhịp thường ngày, nhưng ai cũng nơm nớp lo...

Mùa hè xanh đáng nhớ của sinh viên Malaysia

 Nhịp sống trẻ

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 31/07/2024 08:54

Mùa hè xanh đáng nhớ của sinh viên Malaysia

Những ngày hè tình nguyện thoáng đó mà trôi nhanh với các bạn sinh viên đến từ Malaysia khi cùng có mặt và đang đi đến những ngày cuối của Mùa hè xanh 2024 cùng sinh viên nhiều trường tại TP.HCM.

Các bạn sinh viên Malaysia với sự hỗ trợ của sinh viên TP.HCM tương tác cùng các bạn nhỏ trong lớp học tiếng Anh tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: BÌNH MINH

Các bạn sinh viên Malaysia với sự hỗ trợ của sinh viên TP.HCM tương tác cùng các bạn nhỏ trong lớp học tiếng Anh tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: BÌNH MINH

Tôi hạnh phúc nhất chính là khi nhìn thấy nụ cười trên gương mặt của những người mình đã giúp đỡ bởi biết rằng mình có thể đóng góp cho xã hội bằng nỗ lực cho đi.

FAIRUS (sinh viên Malaysia)

Không dừng ở việc đóng góp cho cộng đồng, Mùa hè xanh còn tạo cơ hội để các bạn trẻ hai nước kết bạn, giao lưu văn hóa và học hỏi lẫn nhau.

Được tình nguyện là hạnh phúc

Có mặt tại Trường tiểu học Tân Nhựt (huyện Bình Chánh, TP.HCM) từ sớm, nhóm sinh viên Malaysia chuẩn bị sẵn sàng cho lớp học tiếng Anh. Đây là lớp vào thứ hai - tư - sáu hằng tuần trong cả tháng qua dành cho trẻ em.

Không dạy theo cách truyền thống, các tình nguyện viên quốc tế lồng ghép ngoại ngữ vào hoạt động trải nghiệm terrarium (tiểu cảnh trong bình thủy tinh) từ đất, cây xanh, vỏ sò... do các bạn thu thập từ môi trường xung quanh, rồi thực hiện bài thuyết trình bằng ứng dụng Microsoft Powerpoint.

Cách dạy sáng tạo này cùng năng lượng, sự nhiệt tình của sinh viên Malaysia khiến không gian lớp học thật vui nhộn. Họ tương tác với học trò bằng ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt kết hợp với sự hỗ trợ của các bạn sinh viên TP.HCM. Nên dù bắt đầu từ 8h sáng và kéo dài đến trưa song vẫn giữ chân được các bạn nhỏ đến cuối giờ.

Bạn George Ningkan Anak Surang kể dù không ít khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, cộng với thời tiết, sinh hoạt mới lạ nhưng nhóm tình nguyện viên Malaysia đã có khoảng thời gian đầy ý nghĩa ở huyện Bình Chánh.

Hôm làm công viên tại xã Tân Nhựt, trời mưa tầm tã, nhóm bạn phải làm việc với bộ quần áo ướt sũng. Nhưng khi nghĩ đến sẽ tạo ra một không gian vui chơi tươm tất, chỉn chu cho người dân địa phương, George nói không gì vui hơn.

"Ngắm thành quả, chúng tôi quên hết mọi vất vả, mệt nhọc. Tôi chắc sẽ nhớ mãi cảm giác khi cùng các bạn thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Tôi cảm nhận được ý nghĩa của hoạt động này khi biết rằng họ là những người đã bảo vệ và giữ gìn hòa bình cho Việt Nam" - George bày tỏ.

Trong khi đó, cô bạn Fairus Noor Balqis Binti Mohamad Fauzi không giấu được cảm xúc khi nói về cơ hội được tham gia các hoạt động tình nguyện. Là chủ tịch câu lạc bộ tình nguyện tại trường đại học ở Malaysia, Fairus nói mình yêu thích các hoạt động này vì cảm giác trọn vẹn khi giúp đỡ người khác mà không mong cầu được đền đáp.

Giao lưu và trải nghiệm văn hóa

Buổi trưa, sinh viên hai nước tập trung tại nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng cùng nấu nướng. Bữa cơm năm món, trong đó Fairus làm món canh và cà tím chiên.

Vừa thêm rau vào nồi nước đang sôi sùng sục, Fairus vừa giới thiệu về món ăn đặc trưng của Malaysia. Đó là món canh truyền thống và rất quen thuộc ở quê nhà với nguyên liệu chủ yếu gồm bắp cải và nước cốt dừa. Rồi cô bạn nêm thêm chút gia vị mang theo từ Malaysia cho vừa ăn.

Muhammad Daniel Bin Abdul Rahman - sinh viên ĐH Pendidikan Sultan Idris - cho biết chuyến đi này giúp bạn nhận ra nhiều điểm thú vị giữa văn hóa Việt Nam và Malaysia. Cạnh những nét tương đồng về không gian, cảnh vật, Muhammad nói người Việt Nam nghỉ trưa dài hơn so với Malaysia.

"Chúng tôi có những đợt cầu nguyện trong ngày và thời gian ấy khiến chúng tôi không còn nhiều thời gian nghỉ trưa như bạn bè Việt Nam" - anh giải thích.

Còn George lại ấn tượng với món nước mía được pha thêm tắc để hương vị thơm ngon hơn mà qua Việt Nam đợt này mới biết. "Chúng tôi chỉ uống nguyên chất nên hương vị nước mía ở Việt Nam với tôi là rất thơm ngon và lạ. Chưa kể cùng một lượng nước mà ở Việt Nam giá có 10.000 đồng là rẻ lắm" - George cười.

Muhammad kể thích nhất buổi giao lưu ẩm thực giữa hai quốc gia và lần đầu tiên đã được thưởng thức món bánh xèo ngon lành của Việt Nam. "Nước chấm món bánh xèo cực kỳ hấp dẫn. Chúng tôi làm và giới thiệu món gà luộc của Malaysia với các bạn Việt Nam. Đó là ngày hạnh phúc nhất của tôi suốt chuyến đi này" - anh hào hứng.

Cùng làm và hỗ trợ các bạn Malaysia, bạn Mai Quang Thành Nhân (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết năm cuối đời sinh viên mới có trải nghiệm đầu tiên cùng Mùa hè xanh sau khi lỡ hẹn ở mùa chiến dịch năm ngoái. Dù mỗi ngày phải chạy đi về giữa nhà thuê tại Bình Dương và nơi đội hình đóng quân ở huyện Bình Chánh khá xa song Nhân luôn sắp xếp để có thể túc trực với các hoạt động đã được sinh viên hai bên xác lập.

Nhân kể dù chưa đi song được nghe không ít bạn kể về đội hình và cơ hội tham gia tình nguyện cùng các bạn Malaysia rằng đây là đội hình thường trực có thời gian đi chiến dịch dài, cộng với nhiều điều thú vị cũng như cơ hội học hỏi lẫn nhau nên khá háo hức. "Mình quyết định dành mùa hè cuối trong đời sinh viên đăng ký tham gia và đó là lý do mình đang có mặt ở đây. May mắn là mình đã không bỏ lỡ trải nghiệm tươi đẹp của thời tuổi trẻ" - Nhân trải lòng.

Cực kỳ trách nhiệm và nghiêm túc

Nhiệt huyết, cống hiến hết mình có lẽ là tinh thần chung được các bạn sinh viên Malaysia mang đến Mùa hè xanh TP.HCM 2024. Sinh viên Trương Thiên Trang (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: "Cảm nhận rõ ràng nhất là các bạn nhiệt huyết đến nỗi bất chấp mưa nắng. Và khi đã được phân công bất cứ nhiệm vụ nào, họ đều làm hết sức mình".

Thiên Trang nói dầm mưa dãi nắng ai cũng mệt nhưng các bạn ấy chưa bao giờ để cho mọi người lo lắng mà luôn cho thấy nỗ lực hòa nhập và thích nghi. "Cuối mỗi ngày, các bạn tập trung viết báo cáo về các hoạt động trong ngày rồi mới làm việc riêng. Tôi thấy họ cực kỳ trách nhiệm và nghiêm túc" - Thiên Trang bày tỏ.

Chiến sĩ tình nguyện uống nước nhớ nguồn: Trách nhiệm nối bước truyền thốngChiến sĩ tình nguyện uống nước nhớ nguồn: Trách nhiệm nối bước truyền thống

Nhiều công trình, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được các chiến sĩ tình nguyện góp tay tại khắp các mặt trận tình nguyện hè của TP.HCM ngày 27-7.

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

Miền Bắc mưa lớn kéo dài tới ngày 2-8

 Thời sự Thời tiết

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 30/07/2024 17:38

Miền Bắc mưa lớn kéo dài tới ngày 2-8

Dự báo mưa lớn ở miền Bắc kéo dài từ nay tới 2-8-24, tức kéo dài thêm 2 ngày so với dự báo trước đó. Tinh hình này tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt ở các tỉnh, thành Bắc Bộ.

Mưa lớn gây ngập lụt thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn chiều 30-7 - Ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN

Mưa lớn gây ngập lụt thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn chiều 30-7 - Ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 30-7 khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.

Dự báo từ chiều tối nay (30-7) đến ngày 31-7, vùng núi và trung du Bắc Bộ, Hải Phòng có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Từ chiều tối 31-7 đến ngày 1-8, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 30-70mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Ngoài ra, đêm 30-7 và ngày 31-7 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Mưa lớn ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 2-8 với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp và khu đô thị.

Theo báo cáo nhanh của một số tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lớn từ ngày 29 đến 30-7 đã gây thiệt hại về người, tài sản, ngập lụt ở một số địa phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên...

Cụ thể, tại Thái Nguyên có 1 người chết do lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn. Còn tại Điện Biên có 1 người chết do sạt lở đất và 1 người bị lũ cuốn mất tích. Tại Sơn La có 1 người bị lũ cuốn trôi mất tích. Tại Bắc Kạn có 2 người dân đi đường bị thương do đất đá từ ta luy dương sạt lở xuống.

Còn tại Hạ Long (Quảng Ninh) và TP Lạng Sơn, mưa lớn cũng gây ngập sâu một số khu vực, tuyến đường.

Trước đó, mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 gây ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt ở Sơn La, Điện Biên làm 13 người chết, 4 người mất tích.

Mưa dồn dập gây sạt lở tại Hạ Long, chính quyền xuyên đêm khắc phụcMưa dồn dập gây sạt lở tại Hạ Long, chính quyền xuyên đêm khắc phục

Mưa lớn kéo dài từ chiều 29 đến rạng sáng 30-7-24 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh gây sạt lở và ngập úng tại một số điểm. Chính quyền địa phương xuyên đêm khắc phục hậu quả.