Đừng để tấm hình đẹp trở thành vô duyên
Trong một lần đi công tác ở Hội An (Quảng Nam), tôi ghé vào một quán cà phê ở trung tâm TP. Đó là ngôi nhà lầu và hàng hiên rộng rãi, đặc biệt có một sân thượng nhỏ, hàng lan can bao quanh xây bằng gạch chắc chắn.
Vì công việc nên tôi xin phép được lên sân thượng để có thể nhìn toàn cảnh khu phố cổ. Anh chị chủ quán vui vẻ hướng dẫn tôi lên một cầu thang hẹp và "chui" ra sân thượng.
Quả thật khi nhìn từ trên cao, phố cổ Hội An càng đẹp bội phần. Đó là sự hòa hợp đến kỳ lạ của những con đường nhỏ nhắn điểm giàn bông giấy rực rỡ, những mảng xanh dịu mát, hai bên là dãy nhà cao thấp khác nhau nhưng đều có mái ngói cổ xưa, những khung cửa gỗ in dấu thời gian và màu tường vàng đậm màu ký ức...
Không lạ là nhiều du khách, trong đó có những người nổi tiếng, đã muốn được check-in một cách độc đáo để có những tấm hình đẹp do sự tương phản giữa nhân vật và "mái ngói rêu phong cổ kính".
Không ai phủ nhận trong những tấm hình đó phố cổ nhà xưa rất đẹp, xem hình càng làm cho nhiều người mong muốn được đến Hội An. Nhưng Hội An là di sản văn hóa, mỗi con đường, ngôi nhà, ô cửa, mái ngói... là một bộ phận của đô thị di sản, bất cứ ai cũng không thể ứng xử tùy tiện.
Những đô thị cổ như Hội An đã trải qua hàng trăm năm, cùng với hoàn cảnh chiến tranh nên việc gìn giữ không hề dễ dàng. Rồi cùng với sự phát triển của đời sống, nhu cầu "hiện đại hóa" của người dân... hiện nay việc bảo tồn công trình di sản lại càng gặp vô vàn khó khăn.
Mặc dù chính quyền và người dân Hội An đã có những nỗ lực to lớn nhưng các công trình cổ luôn chịu tác động mạnh mẽ của thời gian, khí hậu, thời tiết...
Vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, gạch, ngói nên hiện tượng rêu phong cổ kính luôn đi kèm với sự xuống cấp của công trình, lâu ngày sẽ biến dạng và không an toàn cho người sử dụng.
Do đó nếu ai cũng muốn có những bức hình đẹp bằng cách trèo lên mái ngói cổ - một hình thức xâm hại di tích - thì chẳng mấy chốc nhà cổ bị hư hại, phố cổ trở nên xập xệ, việc sửa chữa chắp vá, không đúng phương pháp kỹ thuật, không có vật liệu thay thế phù hợp... sẽ làm đô thị di sản biến dạng, giá trị lịch sử, văn hóa sẽ không còn nữa.
Giá trị nhiều mặt của các công trình cổ xứng đáng được du khách chiêm ngưỡng và có trải nghiệm phù hợp.
Đó là các hình thức như tham quan nhà cổ, mua hàng hóa, đồ lưu niệm tại cửa hàng ở đó, thưởng thức cà phê, món ăn ngon trong quán ăn, quán cà phê ở phố cổ, lưu trú trong khách sạn, homestay là nhà cổ...
Đó thực sự là những trải nghiệm đáng nhớ vì du khách như được "sống" và trở về một thời đã qua.
Rất nhiều tấm hình đẹp được chụp trong không gian quán cà phê, quán ăn, cửa hàng, hội quán, chùa, nhà cổ... đã để lại cảm xúc lâu dài với ai đã từng đến Hội An.
Không thể phủ nhận "giá trị truyền thông" cho di sản từ những tấm hình đẹp. Tính truyền thông là một trong những phương thức để nâng cao "thương hiệu" của di sản, lan tỏa giá trị di sản văn hóa một cách nhanh chóng và rộng rãi.
Nhu cầu check-in của du khách là chính đáng, tuy nhiên nhu cầu đó cần được thực hiện một cách phù hợp, đúng chỗ và đúng lúc.
Đừng để sự vô tình leo lên mái nhà xưa chụp hình, hay sự vô tâm selfie cản trở người khác tham quan di tích... làm cho một tấm hình đẹp bỗng trở thành vô duyên, bị phê bình.
Những đô thị di sản như Hội An, Huế, Hà Nội hay những "khu vực di sản" ở TP.HCM (khu trung tâm TP, khu vực Chợ Lớn) luôn gặp khó khăn trong công tác bảo tồn, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Việc này trước hết thuộc chức năng của các ngành quản lý và chính quyền đô thị, nhưng quan trọng hơn là cần có sự đồng thuận về ý thức và hành động của cả cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét