Con một thời nay: sướng hay khổ? - Kỳ 3: Cô đơn đi qua biến cố trong đời
Là con một được chăm bẵm, lo lắng như đứa trẻ cho đến tận đôi mươi nhưng biến cố ập đến khiến Thành Vũ bỗng nhiên phải trở thành trụ cột, chỗ dựa của cha mẹ chỉ trong một ngày.
"Lớn lên" sau biến cố
"Suốt 25 năm từ khi được sinh ra, tôi chưa từng phải lo lắng cho cha mẹ vì họ đều có công việc kinh doanh riêng, có của ăn của để. Tới khi ra trường đi làm hai năm thì cha mẹ vẫn còn chu cấp. Tôi đi làm cũng có tiền nhưng chi tiêu thoải mái, cũng chưa từng nghĩ đến việc tích cóp" - Thành Vũ (27 tuổi, đã đổi tên), nhân vật đã được đề cập ở kỳ trước, kể.
Và sự vô tư vô lo cho đến tận khi đã ra trường đi làm hai năm có lẽ sẽ chưa kết thúc nếu gia đình Vũ không may rơi vào biến cố.
Đó là ngày anh nhận được điện thoại cha báo tin mẹ làm ăn bị lừa, phải ôm khoản nợ hơn 5 tỉ đồng. "Thử tưởng tượng bạn là đứa con 25 tuổi chưa từng gánh vác bất cứ trách nhiệm nào trước đó. Lúc ấy tôi đã rất hoảng sợ, không biết phải làm gì.
Cha mẹ không còn cách nào khác ngoài bán nhà, bán cả chiếc xe ô tô cha đang dùng để làm ăn. Nhưng nhà quê rộng vẫn chỉ bán được chưa tới 2 tỉ đồng. Khoản nợ vẫn còn hơn 3 tỉ là một số tiền quá lớn", Vũ nhớ lại giai đoạn khó khăn nhất của gia đình.
Gãy gánh ở thời điểm tuổi đã ngoài 60 rất khó vực dậy nữa, nhất là khi kinh tế những năm sau dịch quá khó khăn, cha mẹ Vũ không còn chỗ nào bấu víu ngoài đứa con trai duy nhất.
Tiền bán nhà, bán xe trả bớt những khoản vay nóng, song vẫn còn món nợ khá lớn đang chờ. "Đang không phải lo lắng tiền bạc thì giờ phải lo chạy tiền mỗi tháng trả nợ, gửi tiền cho cha mẹ thuê trọ...
Tôi quá áp lực nên làm mọi thứ có thể, thậm chí lao vào kinh doanh liều lĩnh để có tiền lo gia đình. Nhưng cũng may là sau thời gian tôi đã tỉnh táo để không lún sâu vào những việc làm ăn không lương thiện", Vũ bộc bạch.
Hơn hai năm bươn chải, đứa con một luôn trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ như Vũ đã thay đổi rất nhiều. Du học ngành đầu tư tài chính, Vũ định khởi nghiệp kinh doanh riêng, nhưng giữa lúc hàng quán, công ty nhỏ đóng cửa hàng loạt, anh xin làm quản lý nhà hàng Nhật để có tiền "gồng" lo cho cha mẹ.
"Nhiều lúc nằm nghĩ thấy áp lực khủng khiếp. Nếu là một người yếu đuối chắc không thể nào đứng vững được. Một khoản nợ phải trả và nỗi lo khi cha mẹ đang ngày càng già đi. Giờ cả hai vẫn còn khỏe mạnh, nhưng đến lúc đau yếu mà tôi chưa ổn định được thì cũng sẽ khó vô cùng", Vũ lo lắng.
Với Lý Gia Hân (nhân vật cũng đã được đề cập ở kỳ trước), cô gái quê Đồng Tháp vẫn chưa phải lo lắng khi cha mẹ còn mạnh khỏe, quán tạp hóa nhỏ vẫn nuôi sống gia đình. Nhưng sự kiện xảy ra với người chị họ cũng là con một khiến Hân phải nghĩ đến việc lo cho cha mẹ ngay từ giờ.
"Mẹ của chị họ tôi mắc ung thư và điều trị rất tốn kém. Chị cũng còn trẻ nên chưa đi làm gì nhiều để có tiền lo cho mẹ. Nhưng may mà gia đình bên nội khá giả nên họ lo được. Lúc đó tôi thấy sợ khi nghĩ tới câu hỏi nếu cha hay mẹ mình bị vậy thì phải làm sao", Hân kể.
Từ giây phút đó, cô con gái 24 tuổi nghĩ đến việc mua bảo hiểm nhân thọ cho cha mẹ mình ngay khi vẫn còn đang học đại học. Tiền cha mẹ chu cấp, Hân chi tiêu tiết kiệm để dành ra một khoản rồi tìm hiểu các kênh đầu tư sinh lời.
"Làm được điều đó cũng khiến tôi an tâm nhiều. Nếu sau này chẳng may ba mẹ có đau bệnh thì có một mình tôi vẫn cố gắng xoay xở được", Hân chia sẻ thêm.
Nuông chiều quý tử, "bay" hai căn nhà
Không may mắn như cha mẹ của Vũ và Hân khi con cái biết nghĩ cho gia đình, bà Trần Thị Chín (ở An Giang) đến nay dù đã bệnh nằm một chỗ vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo cho "quý tử".
Chỉ có một đứa con trai duy nhất, lại là cháu đích tôn bên nội nên Hoàng Lân (đã đổi tên) từ nhỏ muốn gì được nấy dù nhà chỉ khá giả đôi chút. Được cưng chiều, Lân sớm lao vào ăn chơi và nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp hai.
Bà Chín suốt mấy mươi năm bận bán buôn ở chợ, chồng làm tự do, hầu như ít có thời gian dạy dỗ con, chỉ cần con xin tiền là đưa. Tuổi thơ của Lân gắn liền với những trò ăn chơi với suy nghĩ "hết tiền thì xin mẹ".
Cách đây 5 năm, Lân (hiện 28 tuổi) theo bạn sang casino ở Campuchia đánh bạc. Thua bài, anh vay nóng lãi cao tại chỗ từ người bạn để gỡ, song càng gỡ càng thua.
Nghe "quý tử" về khai báo, vợ chồng bà Chín phải bán gấp, bán lỗ căn nhà để trả số nợ hơn 300 triệu đồng cho con rồi mua một căn nhà nhỏ khác song thua xa căn cũ.
Tuy nhiên cậu con trai vẫn không thức tỉnh sau biến cố. Bà kể Lân sống ở Sài Gòn tiếp tục ăn chơi, nghề nào cũng chỉ làm được hai - ba tháng, bị chủ mắng là nghỉ. Bà thường xuyên gửi tiền lên cho con mặc dù đã được cảnh báo con nói dối để xin tiền.
Căn nhà thứ nhất mới "bay" chưa đầy hai năm thì căn thứ hai Lân cũng không tha. "Nó nói làm ăn thua lỗ mà tui cũng không biết nó làm cái gì, tháng nào cũng xin tiền. Lúc đó tiếp tục bán nhà gấp để trả nợ cho nó.
Ổng (cha Lân) biết tin lên cơn đau tim tưởng đâu chết rồi. Ổng đòi ra chính quyền làm giấy từ nó (xóa quan hệ cha con - PV) mà tui cản", bà Chín nghẹn ngào nhớ lại.
Căn trước tệ hơn căn sau, từ nhà tường rộng rãi, vợ chồng bà Chín giờ phải sống trong ngôi nhà nhỏ xíu lợp thiếc nằm ở cuối hẻm sâu. Hai năm trước, sau thời gian lao lực buôn bán ở chợ, cộng với vết mổ thoát vị đĩa đệm bị biến chứng không được tái khám, bà Chín phải nằm một chỗ đến cuối đời với kết luận mắc lao màng não và lệch cột sống nặng.
"May là có người thân với mấy nhà hảo tâm thương tới cho tiền, mỗi tháng ở địa phương có hỗ trợ thêm 1,5 triệu, hai vợ chồng già lay lắt qua ngày, chứ nó (ý nói Lân - PV) có gửi đồng nào đâu, lo thân nó còn chưa xong", bà nói. "Có lần nửa đêm nó gây lộn với vợ mà cũng gọi về méc tui", cha Lân kể.
Ở phía Lân, anh đến nay vẫn không có nghề nghiệp ổn định, ít khi về quê, hiếm hoi lắm mới báo hiếu cha mẹ được vài triệu bạc. Lân vừa ly hôn vì vợ không chịu nổi cảnh ăn chơi lêu lổng của chồng. Hai con gửi cho nhà ngoại, Lân lâu lâu mới chu cấp bởi đến bản thân mình còn "đói lên đói xuống".
Giờ đây khi đã nằm một chỗ, bà Chín vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm con, dặn dò đủ thứ. Trách con bất hiếu, nhưng tấm lòng của người mẹ sao nỡ bỏ con.
Nằm trên giường với thân hình gầy gò, bà thừa nhận mình có lỗi khi luôn tìm cách đáp ứng mọi yêu cầu của con dù có ngoài khả năng.
Bà tâm sự phải chi đừng đau bệnh, còn sức khỏe kiếm tiền đã chẳng cần con cái nuôi. "Hồi đó mà đẻ hai đứa, có khi bây giờ không nhờ được thằng Lân thì cũng còn đứa còn lại báo hiếu cho mình", người mẹ nay đã gần 70 tuổi quẹt nước mắt nói.
Hội chứng "ông trời con"
Theo bác sĩ, giảng viên Nguyễn Lan Hải - chuyên gia về giáo dục giới tính, tâm sinh lý: nhiều bậc cha mẹ nuôi dạy con theo công thức "cho những gì con cần và thiếu", chấp nhận yêu cầu vô lý của con mà không ý thức rằng làm thế không những làm hại con mà còn hại cả mình.
Việc bao bọc quá đà có thể tạo ra hội chứng "ông trời con" cho đứa trẻ, khiến chúng sống ích kỷ, muốn gì phải đòi cho bằng được mà chẳng cần nghĩ cho người khác, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.
------------------------
Nếu trước đây các gia đình có con một thường là do không thể sinh thêm vì tuổi tác thì trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người chỉ sinh một con, đa phần do "kinh tế khó khăn", nhất là những gia đình lao động có thu nhập bấp bênh.
Kỳ tới: Áp lực bủa vây, chờ hết nợ mới… sinh con
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét