Nhiều học sinh lớp 12 tính ôn thi xuyên Tết
Nhiều học sinh lớp 12 năm nay - lứa cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo chương trình hiện hành - chọn Tết là dịp ôn luyện để tránh "lỡ chuyến đò" đại học, cao đẳng.
Hôm nay 5-2 (26 tháng chạp) là ngày nghỉ Tết Giáp Thìn chính thức đầu tiên của hàng triệu học sinh cả nước.
Sẽ sáng đèn suốt Tết
Được nghỉ Tết từ hôm nay (5-2) nhưng bạn Khánh Ngọc, học sinh Trường THPT Hùng Vương (Bình Thuận), tự nhủ sẽ không dừng việc học. Ngọc nói: "Đối diện với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đặc biệt sắp tới, mình thấy hơi lo lắng vì đây cũng là khóa cuối của chương trình hiện hành nên nếu không chú tâm thì sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thi lại vào năm sau".
Ngoài ra, năm nay được nghỉ Tết khá lâu (Bình Thuận cho nghỉ 14 ngày) nên Ngọc muốn tận dụng thời gian này để học bài. Xác định ôn tập cho tổ hợp khối D (toán - ngữ văn - tiếng Anh) và hiện tự cảm thấy khá yếu môn toán nên Ngọc hạ quyết tâm ôn thêm môn này suốt những ngày nghỉ Tết. Trước mắt, Ngọc lên kế hoạch nắm lại các kiến thức cơ bản rồi làm tiếp những bài tập nâng cao theo khả năng.
Tương tự, bạn Bùi Vĩnh An, học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre (Bến Tre), cảm thấy Tết là khoảng thời gian nghỉ hợp lý để có thể toàn tâm ôn tập nhiều hơn trước áp lực kỳ thi phải làm tốt nhất để không "lỡ chuyến đò" cuối cùng. Bạn sẽ ôn tập theo kiến thức thầy cô hệ thống để có thể vững những phần trọng yếu, sau đó sẽ tự tìm kiếm những bài tập mức độ cao phù hợp thường xuất hiện trong các bài thi gần đây.
"Mình thấy có rất nhiều bạn tranh thủ ôn thi trong dịp Tết vì ai cũng cố gắng để có thể xét nhiều phương thức, có nhiều cơ hội vào những trường top. Mình có nguyện vọng học ngành kỹ thuật máy tính của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)" - Vĩnh An chia sẻ.
Còn Phạm Thiên Phương, học sinh Trường THPT Pleiku (Gia Lai), cho biết không muốn lãng phí thời gian. Bên cạnh ôn thi các môn thi tốt nghiệp THPT, Thiên Phương sẽ chia những ngày nghỉ để dò các bài thi khác như đánh giá năng lực và IELTS. Phương muốn gia tăng cơ hội trúng tuyển bằng cách thêm các phương thức xét tuyển.
Phương quyết tâm: "Năm nay sẽ là mùa thi có một không hai nên mình nghĩ mình chỉ có thể thi một lần và không được phép rớt. Đối với mình kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 như một cuộc leo núi mạo hiểm và mình là người leo núi cần được trang bị đầy đủ hành trang".
Cân bằng ôn tập ra sao?
Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Nam), nhận thấy trong từ một đến hai tuần nghỉ Tết, nhiều bạn học sinh lớp 12 vẫn tự ôn tập hoặc học online xuyên Tết để nắm kiến thức và không gián đoạn cảm hứng học tập. Hầu hết những bạn này xác định cơ hội vào đại học khá nhiều, nhưng để đậu vào ngôi trường mơ ước thì bản thân phải nỗ lực rất cao.
"Để cân bằng giữa học và chơi Tết, mỗi học sinh nên tạo thời gian biểu phù hợp để vừa không ỷ lại vào sự rảnh rỗi nhưng cũng không quá nặng nề việc học. Tuy nhiên, có được sự thoải mái về tinh thần, chắc chắn học sinh sẽ có động lực học tập phù hợp với mục tiêu mình đề ra. "Chơi Tết" còn ý nghĩa khi học sinh 12 biết dành thời gian cho gia đình, người thân, bạn bè hoặc tham gia những hoạt động vui xuân thú vị" - cô Hiền nói.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho biết năm nay lịch nghỉ Tết ở một số địa phương khá dài, nếu tính cả hai ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật trước Tết thì có nơi học sinh được nghỉ đến 16 ngày. Với những học sinh lớp 12 lứa cuối cùng, nếu chỉ vui chơi thả ga trong suốt hai tuần này thì chưa ổn.
Nếu hoàn toàn không đụng đến sách vở, khi Tết vào, để bắt nhịp học sẽ mất không ít thời gian. "Thời điểm đó cũng đã là gần cuối tháng 2. Các kỳ thi học kỳ, đánh giá năng lực và tốt nghiệp THPT sẽ đến rất nhanh. Vì vậy, trách nhiệm với việc học của bản thân cũng là rất quan trọng với học sinh lớp 12 năm nay" - ông Phú nói.
Theo ông Phú, học sinh lớp 12 nên đưa ra thời gian biểu phù hợp cho việc ôn luyện trong những ngày Tết bên cạnh thời gian vui chơi với gia đình. Mỗi ngày có thể dành 1-2 tiếng xem lại bài vở, tập trung vào tổ hợp môn mà mình xác định sẽ thi. Tùy vào mục đích và năng lực của học sinh mà nội dung các bài ôn tập có thể khác nhau.
Học sinh cả nước nghỉ Tết ra sao?
Năm nay, thời gian nghỉ Tết phổ biến được các địa phương lựa chọn, bao gồm TP.HCM, là từ 5-2 (26 tháng chạp) đến 18-2 (mùng 9 tháng giêng), tức 14 ngày. Do ngày 3 và 4-2 (24 và 25 tháng chạp) rơi vào thứ bảy, chủ nhật nên trên thực tế học sinh một số địa phương có thể được nghỉ Tết ngay từ ngày 3-2 và kéo dài 16 ngày. Ngày đi học đầu tiên sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn được các địa phương lựa chọn nhiều nhất là 19-2 (mùng 10 tháng giêng).
Một số tỉnh thành cho học sinh nghỉ ngắn hơn, từ 10 đến 12 ngày, như Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam... Một số tỉnh thành cho học sinh nghỉ Tết ít nhất lần lượt là Nam Định, Thừa Thiên Huế (9 ngày), Hà Nội, Hải Phòng (8 ngày) và Bắc Giang (7 ngày).
Đồng hành cùng học sinh
Theo cô Nguyễn Thị Diệu Hiền, trong thời gian nghỉ Tết, giáo viên có thể động viên tinh thần và hỗ trợ các em trong việc học tập. Nếu học sinh có nhu cầu, giáo viên có thể giao cho học sinh tự ôn một vài đơn vị kiến thức hoặc đề thi thử nhưng số lượng không nên nhiều. Vì về cơ bản, thí sinh vẫn thi trong phạm vi kiến thức cấp THPT mà chủ yếu là lớp 12, cấu trúc, ma trận đề rõ ràng nên việc ôn tập không quá khó khăn. Học sinh nắm vững kiến thức, cấu trúc đề theo ma trận sẽ không quá lo lắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét