Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Chuyên gia tâm lý 'tự xưng'

 ***

  • Góc nhìn
  • Y tế & sức khỏe
  • dvnien copy từ https://vnexpress.net/..., trang web này đăng ngày 13/5/2022, 01:09

    Chuyên gia tâm lý 'tự xưng'

    Dương Hương Trà

    Dương Hương Trà

    Tác giả sách

    Cuối năm 2018, tôi lên những cơn trầm cảm nặng và phải đi khám bác sĩ tâm thần ở một bệnh viện lớn.

    Bác sĩ kê đơn thuốc nhưng tình trạng của tôi không tiến triển nhiều. Tôi tái khám và được ông gợi ý liên lạc với một chuyên gia tâm lý, cùng lời dặn dò "nên gặp càng sớm càng tốt".

    Tôi được chuyên gia tâm lý hẹn gặp ở một quán cà phê trung tâm Hà Nội. Chị giới thiệu là thạc sĩ, tác giả sách về tâm lý. Trong cuộc gặp, chị hỏi về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân dẫn tới bệnh tật.

    Khi tôi bày tỏ lo ngại bệnh trầm cảm của mình có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các con, chị khuyên nên đưa bọn trẻ đi trị liệu luôn. Chị hỏi về nguồn tài chính hỗ trợ tôi duy trì cuộc sống, đề nghị được nói chuyện với nhà chồng tôi để thay tôi trình bày về bệnh tật của mình và xin họ hỗ trợ chi phí điều trị.

    Thấy thiếu tin tưởng, tôi từ chối với lý do chưa cần hỗ trợ xin tiền chữa bệnh. Sau cuộc gặp, chị nhắn tin số tài khoản để yêu cầu chuyển tiền buổi trị liệu thứ nhất. Chi phí cho một buổi điều trị là sáu trăm nghìn đồng. Không đủ niềm tin, tôi từ chối buổi trị liệu thứ hai.

    Cuộc gặp gỡ với "chuyên gia" không cho tôi thấy sự đồng cảm và chia sẻ. Điều đọng lại sau cuộc gặp là sự nỗ lực gợi ý tìm nguồn tài chính chữa bệnh thay vì sự quan tâm tới căn bệnh. Sau này, tiếp xúc thêm một vài chuyên gia tâm lý khác, tôi nhận ra nhiều bác sĩ tâm lý hoàn toàn không hiểu về bệnh lý học tâm thần.

    Giải pháp trị liệu tâm lý có tác dụng rất lớn với bệnh nhân ở mức độ nhẹ và tác dụng không kém gì dùng thuốc đối với bệnh nhân ở mức độ trung bình và nặng. Kết hợp cả thuốc và trị liệu tâm lý đang được áp dụng để chữa bệnh tâm thần ở nhiều nước trên thế giới.

    Tại Việt Nam, một số bệnh viện tâm thần có quan tâm trị liệu tâm lý, nhưng mức độ chú trọng thường rất thấp. Theo số liệu của WHO 2015, tỷ lệ chuyên gia tâm lý trên một trăm nghìn dân của Việt Nam là 0,03; trong khi ở Anh là 9 và ở Mỹ là 31.

    Trị liệu tâm lý cũng không được bảo hiểm y tế chi trả. Đầu năm 2019, Hội tâm lý trị liệu Việt Nam mới được thành lập. Cuối năm 2020, danh mục nghề nghiệp của Việt Nam mới có mã số nghề "nhà tâm lý học". Trong khi đó, thế giới đã phát triển hàng chục trường phái trị liệu tâm lý, nhiều trường phái đã được đánh giá hiệu quả không kém gì thuốc.

    Chính vì quá mới mẻ và không được quan tâm nên trị liệu tâm lý tại Việt Nam vẫn là một ngành thiếu chuyên nghiệp, bệnh nhân dễ bị phó mặc cho các nhà tâm lý học "tự xưng".

    Trong khi nhà tâm lý được đào tạo bài bản tìm cách phá vỡ mặc cảm của người bệnh, giúp người bệnh nhận ra suy nghĩ tiêu cực, đi sâu vào vô thức để nhận diện các suy nghĩ sai lạc; các nhà tâm lý thiếu chuyên môn thường tìm cách phán xét và giảng bài với mục đích cuối cùng là tài chính. Điều này góp phần khiến người bệnh nghĩ rằng trị liệu tâm lý là tốn tiền và tốn cả thời gian.

    Để trở thành nhà tâm lý học lâm sàng được hành nghề ở các nước phát triển, bác sĩ thường phải mất ít nhất 8 tới 12 năm học. Không chỉ cần chuyên môn sâu về y khoa, họ còn rất cần sự thấu cảm. Trị liệu tâm lý là để thay đổi nhận thức người bệnh bằng đối thoại chân thành thay vì phán bảo bệnh nhân.

    Việt Nam đang thiếu một ngành trị liệu tâm lý hoạt động dựa trên sự chuyên nghiệp và khoa học. Một chương trình y tế chuyên nghiệp hóa ngành này là cần thiết, để người mang tâm bệnh không còn phải chống chọi trong cô đơn.

    Dương Hương Trà

    Không có nhận xét nào: