Thứ Hai, 12 tháng 2, 2024

Lão nghệ nhân bền chí với du lịch xanh

 Du lịch

Lão nghệ nhân bền chí với du lịch xanh

Hồ Quân  dvnien copy từ https://baoquangnam.vn/..., trang web này đăng ngày 12/02/2024 07:21

(QNO) - Du lịch xanh, trải nghiệm về những vùng nông thôn trở thành xu hướng trong thời gian gần đây. Còn với nghệ nhân Trần Văn Hùng (64 tuổi) đã duy trì cách làm du lịch này gần 30 năm nay, khi ông đã kéo khách Tây về làng Trà Nhiêu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) mỗi ngày thêm đông. Sự hài lòng sau chuyến trải nghiệm của du khách là thước đo chính xác cho sức hấp dẫn mà các sản phẩm du lịch “made in ông Hùng” mang lại.

16.jpg
14.jpg
2(2).jpg
1.jpg
13.jpg
28.jpg

Kiến tạo không gian xanh

Chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Hùng, khi một nhóm khách Tây vừa đạp xe rời đi trong tiếng cười nói rôm rả. Ông Hùng chưa kịp ngơi nghỉ sau mấy tiếng đồng hồ phục vụ du khách, đã xắn tay áo hoàn thiện mấy sản phẩm lưu niệm bằng tre còn dang dở. Trong không gian Bamboo house độc đáo, cảm nhận được sự tài hoa ở ông trong thiết kế, trang trí chỉ với 2 vật liệu tre và lá dừa.

Ông Hùng là đời thứ 3 trong gia đình nối nghề làm tre, lá dừa. Qua không ít thăng trầm, ông tự cứu rỗi nghề truyền thống này bằng cách đưa các thiết kế nhà tre, mái lá vào các resort, nhà hàng, khu du lịch, quán xá ở Hội An, Đà Nẵng từ những năm 1990. Dù không qua trường lớp đào tạo bài bản nào, song thiết kế không gian xanh của ông luôn làm nhiều người hài lòng, kể cả những vị khách nước ngoài khó tính.

Với tre, từ thân, cho đến gốc, rễ qua đôi tay ông đều trở thành những sản phẩm sống động, có tính thẩm mỹ cao. Nhà cửa, vật dụng, đồ trang trí, hàng lưu niệm đều có thể tre hóa. Tiếng tăm tạo dựng qua các dự án lớn trong khu vực đã khẳng định uy tín tay nghề của ông Hùng. Đến nay ông đã thi công không gian xanh cho hàng nghìn nhà hàng, khách sạn, reort…

4.jpg
Không gian bamboo house do ông Hùng tự thiết kế với nguyên liệu là tre và lá dừa. Ảnh: H.Q
5.jpg
Chiếc lồng đèn hình con cá độc đáo. Ảnh: H.Q
6.jpg
Đồ lưu niệm bằng rễ tre. Ảnh: H.Q
9.jpg
Trò chơi bập bênh bằng tre khiến du khách thích thú. Ảnh: H.Q
10.jpg
Các sản phẩm lưu niệm làm từ thân, gốc tre. Ảnh: H.Q

Năm 2022, ông Hùng được UBND tỉnh công nhận là nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công truyền thống.

Thường xuyên làm việc với các resort giúp ông Hùng gặp gỡ nhiều đối tác trong ngành du lịch. Đôi lần, họ nhận lời mời của ông Hùng về thăm Trà Nhiêu. Lắng nghe cảm nhận của những người bạn này sau chuyến trải nghiệm nghề truyền thống và nếp sống làng chài, ông Hùng nghĩ ngay đến chuyện làm du lịch của miền đất này. Những chộn rộn về con đường đón khách về làng đã nhen nhóm trong ông Hùng từ thuở ấy…

“Gần 30 năm trước, khách Tây đã quan tâm đến du lịch xanh. Họ luôn ấn tượng với những điểm đến có không gian xanh, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với làng nghề và các giá trị văn hóa bản địa. Và vùng đất Trà Nhiêu hoàn toàn có thể đáp ứng tốt tiêu chí này, không kém những “vệ tinh” khác của vùng lõi du lịch Hội An.

Ông Trần Văn Hùng – Thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên

Đưa Tây về làng trải nghiệm

Đặt câu chuyện du lịch trong bối cảnh những năm 90 thế kỷ trước ở vùng quê Duy Vinh dường như là chuyện không tưởng. Ngày ông Hùng dựng lại mấy chòi tranh đón mấy anh bạn Tây sang chơi, đã có không ít lời ra tiếng vào.

hinh.png
Du khách trải nghiệm tour của ông Hùng. Ảnh: H.Q

Ông Hùng nói, thời điểm đó đón khách chẳng nghĩ tiền nong. Xem họ là bạn, đến nhà phải trà nước tử tế. Ở quê có gì hay thì dẫn họ đi thăm. Từ rừng dừa đến ghé thăm hộ làm nghề chiếu cói, đan lưới, nghe hát hò khoan…, rồi lội bùn bắt ngao, kéo rớ, quăng lưới bắt cá, mò cua. Về nhà thì đổ bánh xèo, nấu nướng mấy món dân dã. Vậy mà khách thích. Cứ cuối tuần, họ lại kéo theo nhóm bạn vào thăm, rồi thành điểm đến.

“Tôi mù tịt tiếng Anh. Hồi đó làm gì có hướng dẫn viên, chỉ hiểu họ qua thái độ, cử chỉ hoặc thông qua nhân viên các nhà hàng, resort trong những dịp đi cùng. Qua nhiều lần tiếp xúc, tôi hiểu hơn về sở thích, nhu cầu người Tây khi tham quan du lịch tại Việt Nam” – ông Hùng cho biết.

21.jpg
Ông Hùng liên kết với các hộ dân làm du lịch. Ảnh: H.Q

Và đến mười mấy năm sau, thông qua vài vị khách nước ngoài kết nối với các đơn vị lữ hành, ông Hùng mới có những nguồn thu đầu tiên từ khách du lịch, chủ yếu trả cho chi phí ăn uống, sinh hoạt. Chu đáo tiếp đón, tích góp sự hài lòng của khách, vùng đất Trà Nhiêu dần định vị trên bản đồ du lịch. Thu nhập từ hoạt động du lịch cũng tăng lên.

Không có kinh nghiệm làm tour hay dẫn khách, vốn tiếng Anh thì chỉ bập bẹ vài ba chữ “yes, no, oke”… song những điều này không làm khó ông Hùng. Ông bảo, không phải lúc nào đưa khách đến một địa điểm cũng giới thiệu bằng một tràn tiếng Anh. Với người Tây, họ thích tự khám phá, trải nghiệm nên đôi khi chỉ cần hành động, cử chỉ thì họ đã hiểu, làm theo được. Những gì cần thông tin rộng hơn thì nhờ thông dịch viên hỗ trợ. Đó là trải nghiệm chân thật, gần gũi mà khách Tây luôn muốn có.

[VIDEO] - Trải nghiệm tour du lịch của ông Hùng:

Khách đến ngày càng đông buộc ông Hùng phải “chuyên nghiệp” hơn trong cách phục vụ. Ông Hùng chủ động sửa san nhà cửa, bố trí lại các không gian phòng khách, nhà bếp, nơi lưu trú, rồi làm thêm các sản phẩm lưu niệm độc đáo để khách mua về làm quà. Một chuỗi liên kết với 5 hộ làm chiếu, 4 hộ kéo rớ, 3 hộ chèo thuyền bắt cá trên sông, 3 chủ thuyền thúng cùng một vài nhóm ngành nghề khác cũng đã hình thành. Nay, ở tuổi 64, ông Hùng chỉ cần ở nhà, nhận khách qua điện thoại, nắm lịch trình và lên kế hoạch tiếp đón.

12.jpg

Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng

Trà Nhiêu hẳn là điểm đến khó quên trong chuyến du lịch ngắn ngày tại Việt Nam của gia đình ông Kimberley Rigoll (người Úc) dịp đầu năm 2024. Cả nhà 5 người đã trải nghiệm kéo rớ trên sông, dệt chiếu và trổ tài tráng mỳ, làm bánh xèo tại Bamboo house. Sự hài lòng hiện rõ trên gương mặt từ thành viên gia đình ông sau mỗi lượt trải nghiệm.

Chúng tôi như trở thành người dân bản địa thực thụ. Cả nhà sau một buổi làm việc thì trở về, quay quần bên bếp, tự tay chế biến các món ăn Việt Nam và cùng dọn lên để thưởng thức. Không gian xanh, yên bình cùng người dân thân thiện, mến khách là kỷ niệm đáng nhớ về miền đất này.

Ông Kimberley Rigoll du khách người Úc

Du lịch trải nghiệm theo gia đình, nhóm nhỏ đang trở thành dòng khách chủ đạo của ông Hùng. Ông cho biết, thời điểm trước dịch COVID-19, có những ngày “Bamboo house” đón hơn 300 khách. Còn nay, lượng khách giảm sâu, song vẫn có tour đều đặn mỗi ngày. Dù ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng bù lại chất lượng trải nghiệm của từng vị khách được nâng lên.

Để phục vụ khách du lịch nước ngoài tốt hơn, ông Hùng cẩn trọng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân đã liên kết trong tour của mình. Từ chỗ bỡ ngỡ, các hộ dân này đã bắt nhịp sự hiện diện của khách Tây trong đời sống thường ngày. Với họ, mang đến niềm vui, đảm bảo an toàn cho khách trải nghiệm là đang vun vén hình ảnh du lịch Trà Nhiêu.

Trước khi đón khách, ông Hùng cẩn thận dặn dò tôi chỉ dẫn khách chậm rãi từng thao tác, đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhất là trên sông nước. Mấy năm qua,
tôi đứng điểm trải nghiệm kéo rớ cho hàng trăm lượt khách, có thêm nguồn thu nhập thường xuyên, phù hợp với tuổi tác.

Ông Nguyễn Văn Bá – thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên

Ban đầu cũng bỡ ngỡ, không biết khách hiểu ý mình hướng dẫn hay không. Những dần thành quen, chỉ cần thực hiện vài lượt là khách bắt chước làm theo được. Vài khách còn mua sản phẩm mang về làm kỷ niệm

Bà Trần Thị Phải – thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên

22.jpg
Ông Kimberley Rigoll – du khách người Úc trải nghiệm tráng mỳ
26.jpg
25(1).jpg
29-1-.jpg
30(1).jpg

* * *

Du lịch đang giúp người dân trong thôn Trà Nhiêu có thêm thu nhập, một số ngành nghề truyền thống được gìn giữ, phát huy được giá trị. Ông Hùng đang ấp ủ những định hướng du lịch cộng đồng tại vùng quê này, với hy vọng có thêm nhiều người hưởng lợi và giữ chân người trẻ ở lại làng lập nghiệp. Những lớp dạy chế tác tre sẽ được mở ra để đa dạng sản phẩm du lịch và giữ nghề truyền thống cho địa phương.

Không có nhận xét nào: