Tết nhưng nhiều học sinh vẫn phải miệt mài luyện đề thi học sinh giỏi
Trước khi kết thúc học kỳ I, có nhiều địa phương đã tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 nhưng cũng còn nhiều địa phương để sau Tết Nguyên đán mới tổ chức kỳ thi này vì học sinh vừa kiểm tra học kỳ I.
Vậy nên, nhiều giáo viên ôn thi học sinh giỏi xem quãng thời gian nghỉ Tết là “thời gian vàng” để học sinh bổ sung thêm kiến thức nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tới đây.
Đa phần giáo viên ôn thi học sinh giỏi không quên giao bài tập, đề thi cho học trò để học sinh tự học, tự giải đề trong những ngày nghỉ Tết và học sinh cũng xem đây là nhiệm vụ quan trọng mà thầy cô đã giao cho mình nên phải hoàn thành bởi những em tham gia đội tuyển đều là những học sinh siêng năng, chăm học.
Cũng chính vì vậy, khi đa phần học sinh khác đều đã được nghỉ Tết một cách thảnh thơi, thoải mái bên gia đình thì những em nằm trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi vẫn phải miệt mài với những bài tập, đề luyện thi mà thầy cô giao cho. Ngày Tết nhưng các em vẫn canh cánh nỗi lo cho kỳ thi sắp tới.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN |
Lịch thi bị kẹt… ngày Tết
Năm học 2022-2023, học sinh trên cả nước đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9 và sau đó mới tiến hành thực học. Trong khi, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán lại chỉ cách nhau có 3 tuần nên nhiều địa phương chưa thể tổ chức được kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 như mọi năm.
Nếu như trước đây, sau khi kết thúc tuần 18 của năm học - thời điểm kết thúc học kỳ I thì nhiều địa phương sẽ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi vào tuần 20 hoặc 21 bởi các em học sinh vừa trải qua kiểm tra học kỳ mà tổ chức ngay kỳ thi học sinh giỏi sẽ khiến các em rất áp lực.
Sau đó, các em đón Tết Nguyên đán và chờ đợi kết quả kỳ thi nên không phải lo lắng chuyện ôn thi trong những ngày được nghỉ.
Thế nhưng, năm nay đa phần các địa phương cho học sinh nghỉ Tết khi kết thúc tuần 19 nên nhiều tỉnh chưa thể tổ chức kỳ thi học sinh giỏi được mà phải tổ chức sau Tết Nguyên đán.
Cũng chính vì vậy mà những em nằm trong đội tuyển không thể không ôn thi trong những ngày nghỉ như những năm trước đây bởi kỳ thi cũng đang cận kề mà các em đã ôn thi suốt nhiều tháng vừa qua nên việc cố gắng thêm trong những ngày nghỉ Tết cũng là điều dễ hiểu.
Một phụ huynh có con ôn thi học sinh giỏi văn hóa ở một tỉnh phía Nam tâm sự với chúng tôi rằng, mặc dù con mình đang trong những ngày nghỉ Tết theo lịch của nhà trường nhưng ngày nào cũng phải cắm cúi vào những tệp bài tập, đề thi các năm trước mà giáo viên đưa cho trước khi nghỉ.
Bởi vì theo lịch của Phòng Giáo dục, kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện sẽ được tổ chức vào giữa tháng 2 tới đây nên thầy và trò phải vất vả thêm những ngày Tết cổ truyền. Thầy cô động viên học trò, học trò lẽ nào lại không cố gắng.
Chính vì vậy, sau khi làm xong bài tập hay giải xong một đề thi nào thì học sinh sẽ chuyển cho giáo viên hướng dẫn xem xét, góp ý. Thành thử, ngày nghỉ mà cả thầy và trò vẫn bị chi phối bởi công việc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi cấp huyện.
Giáo viên giao bài tập, đề thi cho học trò tự luyện cũng là chuyện…phải làm
Học sinh thi học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở rất áp lực và thiệt thòi |
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh M.- một giáo viên môn Sinh học đang dạy tại một trường Trung học cơ sở cho biết: thực tâm, giáo viên chúng tôi cũng không muốn giao bài tập hay đề thi cho học trò tự luyện trong dịp Tết.
Bởi vì học sinh làm xong sẽ gửi qua zalo hoặc email cho giáo viên sửa, chấm bài và góp ý cũng rất mất thời gian. Ngày Tết, ai mà chẳng muốn được nghỉ ngơi, đi đây đó với gia đình, người thân của mình.
Thế nhưng, sau kỳ nghỉ Tết 2 tuần là những em tham gia đội tuyển học sinh giỏi sẽ bước vào kỳ thi. Nếu như không giao bài cho các em, chỉ sợ các em mải chơi sẽ quên đi kiến thức và mất đi sự nhạy bén khi tiếp cận đề thi.
Trong khi, tỉ lệ học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện hay cấp tỉnh đều lấy rất ít, dao động 20-30%/ tổng số thí sinh dự thi. Vì thế, mình không ôn, trường khác họ ôn, sau này lỡ các em có kết quả không tốt thì tội nghiệp học trò của mình.
Hơn nữa, trước khi nghỉ Tết, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã gửi gắm niềm tin, cũng đã nhắc khéo trước hội đồng sư phạm rằng những giáo viên ôn thi học sinh giỏi tranh thủ thời gian học sinh nghỉ 2 tuần để bổ sung thêm kiến thức cho các em.
Có thể giáo viên giao bài tập, có thể tranh thủ dạy online cho các em được thì càng tốt bởi đây là thời điểm nước rút, mình nên tận dụng thời gian này để bồi dưỡng thêm cho các em trong đội tuyển.
Vì thế, nhiều giáo viên biết dạy, hoặc giao bài tập cho học trò vào dịp Tết là điều không nên nhưng vì muốn các em có kết quả tốt trong kỳ thi nên cả thầy-trò cùng thu xếp thời gian để “chinh chiến” trong những ngày nghỉ với hy vọng sẽ gặt hái được thành quả cao nhất có thể.
Bởi vì, nếu các em thi học sinh giỏi mà rớt thì tội vô cùng và giáo viên cũng không tránh được sự áy náy, buồn theo cái buồn, thất vọng của học trò.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở có thực sự cần thiết không?
Thực ra, nếu nói kỳ thi học sinh giỏi không cần thiết, không có tác dụng, giá trị cho đại đa số giáo viên, học sinh tham thì có phần khiên cưỡng. Nhưng, thực tế đa số giáo viên và học sinh tham gia hướng dẫn và ôn tập kỳ thi này thường là… công cốc.
Bởi lẽ, số lượng học sinh đạt giải trong kỳ thi này quá ít. Mỗi trường loại II, loại III chỉ được tham gia tối đa mỗi môn khoảng 3-4 em. Trường loại I thì khoảng 7-8 học sinh tham dự. Và, tỉ lệ học sinh đạt giải chỉ chiếm khoảng ¼ đến 1/5 tổng số thí sinh tham dự.
Luyện thi học sinh giỏi như thế nào để học sinh không bị biến thành “gà chọi” |
Trong khi, một số địa phương đang để xảy ra tình trạng giáo viên vừa ôn thi, vừa ra đề, vừa đi chấm thi cho cấp huyện. Thành ra, tính trung thực, khách quan bị mai một khá nhiều.
Đối với những học sinh trường nhỏ phải là những em thực sự giỏi mới có cơ hội đậu, mới vượt qua được các em ở trường loại I- nơi có rất nhiều “lợi thế” trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.
Vì thế, phần nhiều học sinh các trường nhỏ tham dự kỳ thi học sinh giỏi rất khó để đạt giải cao, có cơ hội tiếp tục được tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh - đó là một thực tế đang xảy ra ở một số địa phương.
Phần nhiều giáo viên hướng dẫn, học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi phải xác định ngay từ đầu là khả năng rớt nhiều hơn khả năng đậu. Phần vì cấp tổ chức lấy tỉ lệ ít, phần vì tính khách quan, công tâm của kỳ thi ở một số nơi chưa thực sự được chú trọng.;">Bởi vậy, nhiều giáo viên xem đây là trách nhiệm mà Ban giám hiệu nhà trường phân công thì họ thực hiện và làm hết khả năng, tâm huyết của mình. Còn việc học sinh tham dự kỳ thi có đậu được hay không còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa.
Khi đã hướng dẫn ôn thi cho học trò, tất nhiên giáo viên phải làm tròn bổn phận và đầu tư rất nhiều thời gian, công sức cùng học trò. Vì thế, việc giáo viên giao bài tập, giao đề cho học sinh tự học, tự giải trong dịp Tết dù không muốn nhưng nhiều giáo viên vẫn phải làm.
Bởi họ hiểu, cứ làm hết khả năng của mình và động viên, khích lệ học trò của mình ôn tập tốt nhất có thể, biết đâu các em sẽ gặt hái được thành quả để bù đắp cho nhiều tháng trời ôn tập vất vả và hy vọng của học trò.
Riêng đối với phần nhiều giáo viên đã và đang làm công tác ôn thi học sinh giỏi họ thừa hiểu kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở từ lâu đã không thực sự cần thiết bởi cho dù các em có đậu cấp tỉnh thì cũng chỉ được vài trăm ngàn tiền thưởng và việc cộng điểm ưu tiên cho kỳ thi tuyển 10 thì đã bỏ từ nhiều năm nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét