Dịch giả đích thực của bài thơ "Hình tam giác muôn đời" là ai?
Bài thơ có mặt ở rất nhiều trang web hay blog cá nhân với những lời bình vừa triết lý, vừa dễ thương, kiểu như: "Tôi đã thuộc lòng bài này từ khi tôi còn học lớp 5 hay 6. Đứng giữa trời mưa đầm đìa, mặc dầu rất lạnh nhưng tôi đã cố gắng và cuối cùng cũng thuộc hết bài thơ đầy ý nghĩa" hay "Bài thơ này hay quá! Tình yêu như trò chơi đuổi bắt, vì thế ta hãy trân trọng giữ gìn những gì mà mình đang có"…
Bởi một điều đơn giản là, ít có ai trong đời không gặp cảnh "tréo ngoe" như thế, nên soi vào trong đó, người nào cũng như thấy chính mình. Tuy nhiên, trong sự phổ biến này đã tạo nên một vài sự không chính xác về dịch giả.
Lại chuyện "râu ông nọ cắm cằm bà kia"
Đây là bài thơ của nữ thi sĩ T.Ditlevxen (người Đan Mạch), do nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt từ hơn 20 năm trước. "Hình tam giác muôn đời" đã được đăng trên Báo Văn nghệ số Tết tròn 2 thập kỷ, sau đó lại được đưa vào một số cuốn tuyển thơ. Tuy nhiên, trên các trang web, blog đăng bài "Hình tam giác muôn đời", hiện xảy ra 3 trường hợp: nhiều website ghi đúng người dịch là Hồng Thanh Quang, có một số website không ghi dịch giả và một số lại ghi không đúng tên người dịch. Trong số này, có Thivien.net ghi người dịch là Hoàng Trung Thông.
Đề cập đến Thivien.net, bởi đây là một website có số lượt người truy cập khá lớn bởi nội dung phong phú và nhiều tư liệu bổ ích, nên chúng tôi mong muốn bạn đọc của website này tránh được sự nhầm lẫn không đáng có. Hơn nữa, chúng tôi làm điều này còn vì, Thivien.net có ghi rõ: "Nếu bạn có bất cứ một ý kiến gì, cũng như thấy bất kỳ một sai sót, lỗi nào, hãy vui lòng thông báo cho chúng tôi".
Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với đại diện của Thivien.net qua email, để tìm hiểu vì sao mà "Hình tam giác muôn đời" lại được "trao" cho nhà thơ Hoàng Trung Thông như đang có và đã nhận được câu trả lời từ admin Đào Trung Kiên, hiện tại đang làm luận án tiến sĩ tại Đài Loan: "Thivien luôn cố gắng đảm bảo cho thông tin đăng tải được chính xác nhất, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều nguồn khác nhau. Cũng có những mảng thông tin chúng tôi kiểm chứng bằng văn bản chặt chẽ, cũng có mảng chưa có điều kiện tiếp cận với nguồn thông tin chính xác nhất. Trường hợp thông tin dịch giả bài "Hình tam giác muôn đời" bị sai cũng là một trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ đính chính lại ngay".
Việc đưa thông tin chính xác cho phần tư liệu của Thivien.net là rất cần thiết, khi không chỉ bởi Hồng Thanh Quang là một nhà thơ đã được khẳng định và bản thân bài thơ "Hình tam giác muôn đời" có sức lan tỏa rất rộng qua bản dịch tiếng Việt, mà còn giúp Thivien gìn giữ uy tín đang có. Điều này còn có ích cho những người sử dụng bài thơ làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu hoặc giảng dạy.
Hơn nữa, nếu để việc ghi không đúng người dịch như hiện nay, còn dễ gây hiểu lầm cho cả 2 phía - người dịch đích thực và người "bị coi" là dịch giả. Trong trường hợp bài thơ "Hình tam giác muôn đời", nhà thơ Hoàng Trung Thông đã mất, nên ông không thể có ý kiến phản hồi, nhưng cũng dễ tạo sự phiền toái cho tác giả "Bài ca vỡ đất" là ông ngộ nhận trước một bài thơ nổi tiếng, trong khi sự nghiệp văn chương của ông đã đủ để nghiêng mình.
Bên cạnh đó, khi thấy ở một website có thương hiệu như Thivien ghi người dịch là Hoàng Trung Thông, trong khi một số website khác ghi người dịch là nhà thơ Hồng Thanh Quang, cũng sẽ khó tránh khỏi có người nghĩ rằng, nhà thơ Hồng Thanh Quang "vơ vào". Một điều đáng nói là, vẫn còn rất nhiều người cầm bút có uy tín biết rõ ai là dịch giả đích thực của bài thơ, sẽ dễ nghi ngờ sự tin cậy của Thivien.net chỉ bởi một sai sót này. Bởi chứng minh bản dịch "Hình tam giác muôn đời" là của nhà thơ Hồng Thanh Quang thật quá dễ khi trong tập báo lưu của Báo Văn nghệ còn lưu số báo có bài thơ này từ cách đây 20 năm.
Chúng tôi muốn đi sâu vào điều này, bởi hiện nay, tình trạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia" không hề hiếm trong dịch thuật, thậm chí là phổ biến, chỉ bởi người biên tập thiếu cẩn trọng, hoặc không tìm hiểu kỹ hay thẩm định qua trao đổi với các nhà chuyên môn trước khi đưa tác phẩm đến với công chúng. Đây cũng không phải là lần đầu nhà thơ Hồng Thanh Quang bị rơi vào cảnh này.
Từ năm 1986, bài thơ khá nổi tiếng "Cậu bé và cô bé" của thi sĩ người Bỉ Môrít Carem cũng do anh dịch, đã đăng trên Báo Văn nghệ số ra ngày 13/9/1986, vậy mà vào năm 2005, khi đăng bản dịch bài thơ trên, "Tiền phong cuối tháng" số 11 lại ghi người dịch là Tế Hanh với nguồn dẫn từ một "Tuyển tập thơ tình thế giới".
Không may là nhà thơ Tế Hanh bị trọng bệnh, nên ông không thể phản ứng trước sự nhầm lẫn tai hại này. Song may thay, dịch giả Thúy Toàn - người được nhà thơ Tế Hanh tin cậy trao toàn bộ các tác phẩm thơ dịch từ trước khi nhà thơ bị bệnh, vẫn giữ nguyên vẹn gần 60 tác phẩm chọn lọc của Tế Hanh, đã chứng minh giùm ông rằng, việc đưa tên ông làm dịch giả bài thơ chỉ là sự cẩu thả của người biên tập mà thôi, vì trong toàn bộ các tác phẩm dịch của nhà thơ Tế Hanh không có bài thơ "Cậu bé và cô bé". Đến tận năm 2006, nỗi oan của cả nhà thơ Tế Hanh lẫn nhà thơ Hồng Thanh Quang mới chính thức được cởi bỏ từ sự khẳng định này.
Không phải tác giả nào cũng được tạo trên Thivien
Hình tam giác muôn đời Tove Ditlevxen (Đan Mạch) Trên con đường tôi đi Có hai người đã tới Một người rất yêu tôi Còn tôi yêu người khác
Người sống trong khao khát Trong những giấc tôi mơ Người kia đứng sững sờ Trước cửa lòng khép chặt
Người cho tôi hạnh phúc Luôn như gió vội bay Người dâng tôi cả đời Không được gì đền đáp
Người bắt máu tôi hát Tình phóng khoáng trắng trong Người như cuộc đời thường Bóp mộng lòng tôi nát
Hai người đó trên đường Phụ nữ nào cũng gặp Trăm năm chỉ một lần Họ được trùng làm một… Hồng Thanh Quang |
Dù có đôi chút chưa chính xác trong tư liệu lưu trữ phục vụ độc giả yêu thơ như đã nói, song vẫn phải thừa nhận, Thivien vẫn là một website đáng để người yêu thơ tìm đọc và tra cứu, khi có thể tìm thấy ở đây nhiều tư liệu quý từ 19.382 bài thơ, trong đó 10.819 bài tiếng Việt, 4.389 bài chữ Hán và 4.174 bài thuộc ngôn ngữ khác với khoảng 1.200 tác giả được lưu trữ.
Ngoài hơn 500 nhà thơ Việt Nam, Thivien.net còn có các tác giả thuộc 70 nước như Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Hàn Quốc, Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v… Những gì mà Thivien.net đã có, đủ để tạo sự tin cậy về mặt chuyên môn, nên trang web http://vi.wikipedia.org đã có đường linh từ dẫn tới đây khi giới thiệu một số tác giả.
Anh Đào Trung Kiên tự hào: Về quy mô hiện nay thì Thivien có thể tự hào là trang web về thơ bằng tiếng Việt hàng đầu về cả số lượng và chất lượng. Thivien được lập ra nhằm chia sẻ văn bản các bài thơ và tập thơ, giúp mọi người dễ dàng tra cứu. Mục đích ban đầu của nó chỉ chủ yếu tập trung vào cổ thi của Việt Nam và Trung Quốc, với ý tưởng chỉ là chia sẻ những gì mình có và nhận được người khác sự chia sẻ những gì họ có, nhưng về sau ngày càng nhiều người tham gia nên phạm vi đã được mở rộng hơn nhiều. Việt Nam là một nước văn hiến có truyền thống thơ ca lâu đời, nhưng đến nay việc biên soạn, sưu tầm và tuyển chọn thơ công phu vẫn chưa được chú trọng.
Những người xây dựng nên Thivien, đều là những người nghiệp dư, tất nhiên không có tham vọng làm được một việc như thế hay trở thành một thư viện điện tử với những văn bản chính xác tuyệt đối mang tính chất hàn lâm, nhưng luôn cố gắng trong khả năng, để giúp cho những áng thơ ca của Việt Nam nói riêng, của nhân loại nói chung đến được với mọi người. Tuy nhiên, cũng vì thế mà những thông tin trên TV không thể tránh khỏi những sai sót, và chắc chắn đây đó trên Thivien vẫn còn những thông tin cần được chỉnh lý.
Quả thực, Thivien.net phản ánh sự lao động nghiêm cẩn của những người sáng lập khi đã tạo được sự phong phú về thi ca trong thời buổi "cơm áo không đùa với khách thơ". Ngay từ tuyên ngôn của những người quản trị mạng đã thấy tính tri thức cao: "Thi viện được lập ra không ngoài mục đích trao đổi giữa những người yêu thích thơ. Mọi bài gửi liên quan đến các vấn đề pháp luật hay chính trị nhạy cảm sẽ bị xoá ngay không cần báo trước".
Thivien.net còn thường xuyên giới thiệu những gương mặt mới và những tác phẩm mới trong làng thơ với cộng đồng và tạo nên một diễn đàn vừa sôi động, vừa nghiêm túc. Nội dung phong phú, thiết thực đã thu hút một lượng người truy cập Thivien.net không hề nhỏ: 8.228.490 chỉ sau 4 năm hoạt động.
Anh Đào Trung Kiên cho biết thêm: "Hiện nay Thivien có được đội ngũ ban quản trị có thể kiểm duyệt được cả các ngôn ngữ chính như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung, Hán Văn. Vì vậy, chất lượng các bài thơ nước ngoài luôn cố gắng được đảm bảo. Các tác giả được tạo trên Thivien bắt buộc phải là những tác giả đã có thơ xuất bản".
Mong rằng, Thivien.net sẽ ngày càng phát triển, để trở thành một ngôi nhà chung của những người yêu thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét