Thụy Điển tìm ra mỏ tài nguyên lớn, giúp EU hết phụ thuộc Trung Quốc
Fox News đưa tin, ngày 12.1, công ty khai thác quặng sắt LKAB của Thụy Điển cho biết đã xác định được "trầm tích đáng kể" chứa các nguyên tố đất hiếm ở Lapland - phía bắc Thụy Điển, phía trên Vòng Bắc Cực. Đất hiếm là vật liệu quan trọng để sản xuất điện thoại thông minh, xe điện và tuabin gió.
Công ty thuộc sở hữu của chính phủ khai thác quặng sắt tại Kiruna, cách Stockholm gần 1.000 km về phía bắc, cho biết có hơn 1 triệu tấn oxit đất hiếm.
Theo LKAB, đây là trữ lượng đất hiếm lớn ở Châu Âu, nhưng có thể mất ít nhất một thập kỷ trước khi bắt đầu khai thác.
Bộ trưởng Công nghiệp Thụy Điển Ebba Busch gọi Thụy Điển là "một mỏ vàng" sau phát hiện này. Thông báo của bà được đưa ra khi lãnh đạo Liên minh Châu Âu, Ủy ban Châu Âu đang hoàn thiện đề xuất về Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng nhằm phát triển chuỗi cung ứng đáng tin cậy và vững chắc.
Đất hiếm đã đi vào cuộc sống của hầu hết mọi người trên hành tinh, xuất hiện trong mọi thứ, từ ổ cứng đến thang máy và tàu hỏa. Chúng đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực năng lượng xanh đang phát triển nhanh chóng, được sử dụng để sản xuất tuabin gió và động cơ ô tô điện.
Nhưng EU đang tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, nhập khẩu khoảng 98% đất hiếm từ Trung Quốc và không có hoạt động khai thác nào ở Châu Âu.
Theo Ủy ban Châu Âu, nhu cầu đất hiếm ở EU sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030 do quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh của nền kinh tế châu lục.
Ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton cảnh báo, tham vọng trở thành lục địa trung lập về khí hậu đầu tiên của EU có nguy cơ bị đe dọa nếu không có quyền tiếp cận an toàn và bền vững đối với nguyên liệu thô.
Ông nói: “Quá trình chuyển đổi số và xanh song sinh của chúng ta sống hay chết phụ thuộc vào hoạt động của các chuỗi cung ứng. Hãy lấy ví dụ về Trung Quốc, với vị thế gần như độc quyền về đất hiếm và nam châm vĩnh cửu và giá tăng 50-90% chỉ trong một năm qua. Việc cung cấp nguyên liệu thô đã trở thành một công cụ địa chính trị thực sự".
EU cũng mong muốn học hỏi từ quá khứ và giảm bớt sự phụ thuộc một bên như sự phụ thuộc vào dầu khí Nga.
"Điều này phải thay đổi. Trong ngắn hạn, chúng ta cần đa dạng hóa thương mại, nhưng về lâu dài, chúng ta không thể chỉ dựa vào các hiệp định thương mại. Điện khí hóa, khả năng tự túc và độc lập của EU khỏi Nga và Trung Quốc sẽ bắt đầu từ mỏ" - ông Busch nói.
LKAB - công ty cũng phát triển các dự án quặng sắt không carbon - cho biết các mỏ đất hiếm được tìm thấy gần mỏ quặng sắt ngầm lớn nhất thế giới mà công ty này điều hành ở Kiruna. Việc thăm dò sẽ không thể bắt đầu sớm ngay cả khi giấy phép được cấp rất nhanh.
“Nếu xem xét các quy trình cấp phép khác trong ngành, thì sẽ mất ít nhất 10-15 năm trước khi có thể bắt đầu thực sự khai thác và cung cấp nguyên liệu thô cho thị trường. Chúng ta phải thay đổi các quy trình cấp phép để đảm bảo tăng cường khai thác loại nguyên liệu thô này ở Châu Âu" - giám đốc điều hành của LKAB, Jan Moström nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét