Xác định nguyên nhân cháy quán karaoke Sky ở Bến Tre
ĐÔNG HÀ
(PLO)- Quán karaoke Sky ở thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre xảy ra sự cố trong thời gian quán này đang bị tạm đình chỉ hoạt động.
Lúc 8 giờ 30 phút sáng 31-10, tại quán karaoke gia đình Sky ở khu phố 1, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre xảy ra vụ cháy lớn.
Quán karaoke này do ông Nguyễn Thành Long (ngụ thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách) làm chủ, quán có tất cả bảy phòng hát.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện.
Cháy tại quán karaoke Sky. Ảnh: PV
Cụ thể, trong khoảng thời gian trên, người quản lý quán vào một phòng hát đóng cầu dao điện để kiểm tra các thiết bị điện thì trần la phông phòng hát bất ngờ bốc cháy.
Ngay lúc này người quản lý quán đã sử dụng bình chữa cháy để dập lửa nhưng bất thành, ngọn lửa tiếp tục cháy lan sang các phòng khác.
Lực lượng chữa cháy Công an huyện Chợ Lách đến hiện trường triển khai chữa cháy, đồng thời báo cho Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bến Tre huy động phương tiện hỗ trợ chữa cháy.
Đến 10 giờ 35 phút cùng ngày đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Một góc hiện trường vụ cháy. Ảnh: PV
Một nguồn tin của PLO cho biết trước đó trong hai ngày 12 và 13-9, Công an thị trấn Chợ Lách và công an tỉnh đã kiểm tra PCCC tại quán karaoke này. Quán karaoke này bị tạm chỉ hoạt động 30 ngày kể từ 11-10.
(PLO)- Một quán karaoke ở thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bất ngờ bốc cháy, lực lượng chữa cháy mất 2 giờ đồng hồ mới dập tắt được hỏa hoạn.
Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Phan Thanh Hữu khai về việc "bôi trơn"
dvnien copy từ https://nld.com.vn/... , trang web này đăng ngày 31-10-2022 - 13:52Pháp luật
(NLĐO) – Trả lời tại toà, bị cáo Phan Thanh Hữu, "ông trùm" đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu, khai rằng tháng nào cũng có chi phí "bôi trôi" đều đặn, có khi phải chi đột xuất.
Ngày 31-10, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục phần xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm xét xử 74 bị cáo trong đường dây xăng lậu liên tỉnh (giai đoạn 1 chuyên án 920G) về tội "Buôn lậu" và "Nhận nhối lộ".
Tại toà, các luật sư đã hỏi bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) và Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) xung quanh cách thức góp vốn, buôn lậu, dòng tiền, phí "bôi trơn" từ hoạt động buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam.
Luật sư đặt câu hỏi về con số lợi nhuận trên mỗi lít xăng có đúng 2.000 đồng/lít mà cáo trạng truy tố không, bị cáo Hữu khai: "Không thể đồng đều 2.000 đồng/lít vì mỗi chuyến có con số khác nhau". Luật sư cũng đặt câu hỏi chi phí thực tế cho mỗi chuyến vận chuyển, bị cáo Hữu khai chỉ nhớ được như phí hoa tiêu, phí neo đậu, phí đại lý...
Khi được luật sư hỏi tiếp: "Thế còn phí "bôi trơn"?". Bị cáo Hữu trả lời: "Phí "bôi trơn" thì chi theo hàng tháng nhưng không nhớ cụ thể vì thường xuyên chuyển tiền cho Phạm Hùng Cường để chi. Còn Cường đưa cho ai bị cáo không biết" .
Bị cáo Hữu khai thêm khi có chi đột xuất, Cường bảo chuyển là chuyển nhưng không nhớ chính xác bao nhiêu. Còn chi thường xuyên hàng tháng thì có ghi vào sổ sách, cơ quan điều tra đã thu giữ.
Liên quan phí "bôi trơn" này, tại phiên xét hỏi ngày 28-10, Hữu khai trước khi đưa xăng lậu vào Việt Nam phải báo, gọi điện cho cảnh sát biển, biên phòng. Khi họ cho phép thì tàu chở xăng lậu mới được vào.
Trong khi đó, về việc góp vốn nhập xăng, điều động tàu, bị cáo Đào Ngọc Viễn khai sau khi góp vốn với bị cáo Phan Thanh Hữu thì việc điều động thuyền trưởng 2 tàu này đưa xăng về Việt Nam đều do Hữu đảm nhận. Tiếp đó, Hữu dùng điện thoại vệ tinh để thông báo cho thuyền trưởng khi đưa xăng lậu vào Việt Nam.
Theo cáo trạng, tháng 5-2019, bị cáo Phan Thanh Hữu cùng nhóm của Đào Ngọc Viễn thỏa thuận góp vốn để nhập lậu xăng dầu với tổng số vốn hai đợt 53,4 tỉ đồng.
Trong số đó, Hữu góp 40%, nhóm của Viễn góp 60% (Viễn góp 10%, ba người khác góp 50%), ăn chia theo tỉ lệ 4-6.
Viễn là người giới thiệu và đưa danh thiếp chủ hàng ở Singapore cho Hữu liên hệ mua hàng. Hữu có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng để bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ.
Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu cùng đồng phạm đã vận chuyển 48 chuyến với hơn 198 triệu lít xăng, tổng giá trị hơn 2.596 tỉ đồng. Riêng bị cáo Hữu hưởng lợi hơn 156,2 tỉ đồng.
Phụ huynh than tốn gần 12 triệu đồng tiền sách, nhà trường nói gì?
HUYÊN NGUYỄN - dvnien copy từ https://laodong.vn/..., trang web này đăng ngày 31/10/2022 11:48
TPHCM - Nhận phiếu thông báo tiền sách giáo khoa, tài liệu học tập của con, một phụ huynh Trường THPT Quốc tế Việt Úc bức xúc khi số tiền tới gần 12 triệu đồng. Theo lý giải của đại diện nhà trường, số tiền mua sách phụ thuộc vào thực tế sử dụng của học sinh.
Tốn tiền triệu mua sách
Phản ánh tới Lao Động, một phụ huynh học sinh có con đang theo học lớp 11 tại Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC) TPHCM chia sẻ bức xúc về tiền sách giáo khoa tại trường.
Theo vị phụ huynh này, đầu năm, trường thông báo thu mỗi học sinh 5 triệu đồng tiền sách, tuy nhiên cuối năm, nhà trường thông báo về tiền sách phải đóng trong năm học. Phụ huynh bất ngờ khi nhận được phiếu thu lên tới gần 12 triệu đồng.
“Thực tế, sách giáo khoa chỉ là sách photo và có những loại sách giáo viên không hề dạy nhưng vẫn bắt học sinh ký nhận.
Các cuốn vở A5 tôi có đầy ở nhà nhưng nhà trường bắt học sinh phải mua với lý do là vở này các thầy mới dạy được”, phụ huynh bức xúc.
Trường THPT Quốc tế Việt Úc là trường công lập trực thuộc Sở GDĐT TPHCM, do UBND TPHCM thành lập, dựa trên sự liên kết với Hội đồng học thuật Bang Tây Úc (SCSA), nước Úc.
Trường hoạt động từ tháng 11.2005. Toàn bộ chương trình giảng dạy tại SIC tuân theo chương trình giảng dạy của Bang Tây Úc.
Ngoài ra, học sinh được học thêm môn Việt Nam học (gồm kiến thức 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) theo yêu cầu của Bộ GDĐT để đảm bảo bản sắc của dân tộc.
Tiền sách tùy thuộc nhu cầu sử dụng
Để làm rõ nội dung phụ huynh phản ánh, PV Báo Lao Động đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường.
Theo bà Tô Hạ Uyên – Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, đầu năm học, nhà trường sẽ tạm thu tiền sách giáo khoa và học liệu là 5 triệu đồng/học sinh, đến cuối năm học, nhà trường sẽ thông báo số tiền chính xác học sinh đã ký nhận sử dụng trong năm học.
Số tiền thực tế phải đóng sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi học sinh khác nhau chứ không đánh đồng.
Tại Trường THPT Quốc tế Việt – Úc, học sinh sử dụng sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho các môn học Ngữ văn – Lịch sử - Địa lí.
Chương trình THPT của Bang Tây Úc sử dụng danh sách tài liệu do Hội đồng học thuật Bang Tây Úc quy định.
Theo đó, giáo viên sẽ xây dựng nội dung bài học trên khung chương trình và đề nghị nhà trường đặt mua, in ấn tài liệu để phục vụ cho dạy và học.
“Sách và tài liệu mua từ nước ngoài về có giá rất cao, một cuốn sách có thể lên đến khoảng 2 đến 3 triệu đồng/cuốn, phụ thuộc vào thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan,...
Mỗi học sinh học 5 môn thì nhân lên số tiền đến hàng chục triệu đồng. Chính vì thế, để đáp ứng nội dung, kịp thời gian với chương trình dạy học, đồng thời tiết kiệm kinh phí cho phụ huynh thì một số môn học sẽ sử dụng giáo trình được giáo viên biên soạn lại, nhà trường đặt đơn vị in ấn trên tinh thần thu hộ, chi hộ thì sẽ đỡ tốn kém hơn”, bà Uyên cho hay.
Tuy vậy, đại diện nhà trường cho rằng, không phải học sinh nào cũng tốn cả chục triệu đồng tiền mua sách. Số tiền sách học sinh phải đóng từ hơn 2 triệu đến hơn chục triệu đồng, trong đó, số lượng em phải đóng hơn chục triệu rất ít, mỗi lớp khoảng 3-4 em.
Lý do học sinh phải đóng lên đến cả chục triệu đồng có 3 trường hợp: Thứ nhất là môn học có nhiều sách in màu, số lượng nhiều; Thứ hai là các em đổi môn học ở học kỳ 2 lớp 11.
Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Anh văn, học sinh sẽ chọn thêm 3 môn học khác nhưng học hết học kỳ I, sang học kỳ II, các em thấy không phù hợp với 3 môn đã chọn thì sẽ đổi sang 3 môn học khác. Lúc đó, học sinh sẽ phải sử dụng thêm các tài liệu học tập của môn học mới.
Trường hợp còn lại là học sinh đánh mất sách nên xuống thư viện mua lại sách mới.
Đại diện nhà trường nói rõ thêm, tất cả các tài liệu học tập được giáo viên biên soạn thì đều là các bản in màu, đóng thành cuốn sách để giúp học sinh dễ dàng hình dung, tiếp cận chứ không phải bản photo.
Về nội dung phụ huynh phản ánh có những loại sách giáo viên không hề dạy nhưng vẫn bắt học sinh ký nhận, lãnh đạo trường cho hay, có những tài liệu tham khảo, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh đọc, tự nghiên cứu nội dung chứ không phải là không học đến.
Với những note A5 thì đây là tài liệu do các giáo viên biên soạn để học sinh dễ dàng ghi chú các thông tin, các cuốn này cũng đều được đóng quyển, đầy đủ ngay ngắn.
“Chúng tôi thu tiền sách trên tinh thần thu hộ, chi hộ, nhu cầu bao nhiêu thì nhà trường sẽ dựa trên số lượng học sinh đăng ký môn học để thực hiện.
Để tìm mua, đặt sách ở nước ngoài về Việt Nam cũng không phải dễ dàng. Nhà trường hoàn toàn thực hiện hỗ trợ phụ huynh, học sinh”, bà Tô Hạ Uyên – Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt thông tin.
Nhộn nhịp chợ cát Campuchia ở thượng nguồn sông Tiền
THÀNH NHÂN - dvnien copy từ https://laodong.vn/..., trang web này đăng ngày 31/10/2022 07:00
Chỉ một đoạn trên sông Tiền với chiều dài khoảng 300m nhưng có khoảng 60 chiếc sà lan, xáng cạp neo đậu đã biến nơi đây trở thành "chợ" hoạt động mua bán cát vàng được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam.
Nhộn nhịp chợ cát
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, chỉ một đoạn dài khoảng 300m nơi thượng nguồn sông Tiền thuộc địa bàn xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) giáp ranh với Vương quốc Campuchia, nhưng có khoảng 60 chiếc sà lan, xáng cạp mang biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành Nam Bộ neo đậu tại đây để chờ sang cát từ Campuchia về.
Hằng giờ, từ phía bên kia biên giới, những chiếc sà lan chở cát vàng từ phía nước bạn Campuchia di chuyển xuôi dòng sông Mê Kông vào địa phận Việt Nam.
Sau khi làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, những chiếc sà lan chở cát vàng Campuchia di chuyển neo đậu trên sông Tiền tại khu vực xã Vĩnh Xương để thực hiện hoạt động mua bán cát. Sau khi sang hàng, các sà lan Việt Nam chở cát vàng đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành ĐBSCL hoặc đưa lên TPHCM để phục vụ các công trình giao thông, xây dựng nhà ở,...
Trong vai người đi mua cát, PV Báo Lao Động dò hỏi những người ở đây được biết, cát vàng tại đây bán với giá dao động từ khoảng 170.000 đến 280.000 đồng/m3, tùy theo kích thước của cát.
Là quản lý 3 chiếc xáng cạp của một doanh nghiệp múc cát từ Campuchia sang sà lan Việt Nam, anh B.V.H cho biết, anh từ Hải Phòng vào đây được hơn 2 năm. Sau khi khách hàng thỏa thuận xong giá cả sẽ thuê xáng cạp múc cát sang các sà lan. Giá sang mỗi khối cát tùy theo thỏa thuận với khách hàng, nhưng ở đây, ngay cả tiền công giờ cũng phải cạnh tranh mới có khách.
“Vì cát vàng ở các mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu tại ĐBSCL còn rất hạn chế. Khan hiếm nên các doanh nghiệp phải đổ xô mua cát vàng từ Campuchia nhập về Việt Nam để bán, phục vụ cho các công trình, dự án xây dựng trong nước”, anh H thông tin thêm.
Theo anh H, mỗi ngày lượng cát do các sà lan từ phía nước bạn đưa về Việt Nam rất nhiều biến một đoạn sông Tiền chỉ khoảng 300m trở nên nhộn nhịp khi thường xuyên có khoảng 60 chiếc sà lan, xáng cáp neo đậu để sang cát.
Ngày càng khan hiếm
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, những năm gần đây, trữ lượng khoáng sản (trầm tích cát sông) trên sông Tiền, sông Hậu ngày càng giảm dần. Các khu mỏ được cấp giấy phép khai thác đến nay trữ lượng còn lại rất ít và thực tế một số giấy phép (mỏ cát) đã hết trữ lượng. Nguồn cung cấp cát ngày càng không đáp ứng đủ nhu cầu cho việc san lắp, xây dựng các công trình, dự án giao thông, nhà ở,... đặc biệt là cát vàng (loại cát để phục vụ cho việc xây dựng) càng khan hiếm.
Đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (Cục Hải quan tỉnh An Giang) thông tin thêm, đến nay, đã có 11 doanh nghiệp nhập khẩu cát qua đường cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Số lượng cát vàng từ Campuchia nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ cao hơn nhiều.
“Nhu cầu cát xây dựng mỗi năm càng nhiều, do đó số lượng cát vàng từ Campuchia nhập về Việt Nam thông quan qua Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cũng tăng so với mỗi năm”, đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cho hay.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu cát của tỉnh sẽ rất lớn, bao gồm nhu cầu sử dụng cát cho các công trình sử dụng vốn đầu tư công; nhu cầu sử dụng của người dân; nhu cầu của các dự án đầu tư tư nhân quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phần lớn nhu cầu cát phục vụ cho công trình sử dụng vốn đầu tư công.
Cụ thể, năm 2022 nhu cầu cát sẽ là 13,41 triệu m3, năm 2023 nhu cầu cát là 14,78 triệu m3, năm 2024 nhu cầu cát sẽ là 10,4 triệu m3, năm 2025 nhu cầu cát sẽ là 4,6 triệu m3.
Liên quan đến dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sắp triển khai thi công, các tỉnh, thành như: Đồng Tháp, Sóc Trăng và Cần Thơ kiến nghị Trung ương chỉ đạo chia sẻ nguồn cát, công bố các mỏ cát và giá cát. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHCN sớm chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp. Đồng thời, rà soát, giảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu san lấp, nhằm giảm áp lực phải cung cấp cát nước ngọt.
dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 28/10/2022 09:17
TTO - Bộ Công an vừa khẳng định thông tin về việc xử lý một số tập đoàn lớn, lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày nay là sai sự thật. Một diễn viên nổi tiếng và giàu có lên tiếng phủ nhận thông tin về việc mình bị bắt, cũng lan truyền trên mạng.
Những phản ứng như thế là cần thiết để xóa tan sự nghi ngại của dư luận về tính thực hư của các thông tin không rõ nguồn gốc và không được kiểm chứng.
Công việc tiếp theo hẳn là truy tìm những người đã tung, phát tán thông tin và có biện pháp chế tài thật nghiêm nhằm răn đe chung.
Có điều, qua các phản ứng này, ai cũng thấy sự bị động của người bảo vệ lợi ích bị xâm hại do các thông tin sai sự thật: thông tin lan ra trước, đã ít nhiều thẩm thấu trong dư luận xã hội và đã gây xôn xao, hoang mang, nói chung là tác động tiêu cực đối với trật tự công cộng, đặc biệt là đối với quyền lợi của những người có liên quan; rồi người có thẩm quyền hoặc có liên quan mới có động thái để ngăn chặn, hạn chế tác hại và khắc phục hậu quả.
Bởi vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khỏi phải cứ lẽo đẽo chạy theo thông tin xấu, độc nhằm xóa những vết ố, bẩn mà nó gây ra cho bức tranh đời sống xã hội, cho danh dự, nhân phẩm của con người?
Nói cách khác, cần phải có cách ngăn chặn hoặc ít nhất là hạn chế thông tin xấu, độc ngay từ mầm mống phát sinh, để xã hội không phải mất thời gian, công sức, tiền bạc giải quyết những hậu quả thiệt hại mà nó gây ra.
Có hai nguyên nhân chính khiến cho thông tin xấu, độc có điều kiện thuận lợi để phát sinh và lan truyền. Thứ nhất là do con người, theo bản năng sinh tồn, có thói tò mò, mong muốn tìm hiểu tường tận những gì đang diễn ra xung quanh. Thứ hai, mang ý nghĩa quyết định, là do con người bị "đói" thông tin từ những nguồn đáng tin cậy và do đó không đủ để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết.
Không thể cấm người ta tò mò. Luật tiếp cận thông tin tại điều 4 khoản 1 có quy định "công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của luật này". Quyền tự do tiếp cận thông tin được xác nhận tại điều 5 của luật, theo đó, "công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận được quy định tại điều 6 của luật này; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin được quy định tại điều 7 của luật này".
Với quy định như thế, người làm luật Việt Nam khẳng định quan điểm xây dựng quyền tiếp cận thông tin tương đồng với quan điểm phổ biến trong thế giới tiến bộ: trên nguyên tắc, công dân có quyền tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ; một cách ngoại lệ, yêu cầu tiếp cận thông tin có thể bị từ chối hoặc bị hạn chế hoặc chỉ được đáp ứng một cách có điều kiện trong các trường hợp luật định.
Rõ hơn, trừ trường hợp cần thiết bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức xã hội, đời sống riêng tư của con người, thông tin phải được cung cấp một cách đầy đủ, chính xác để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của người dân.
Luật hiện hành về quyền tiếp cận thông tin tương đối chặt chẽ và dung hòa hợp lý các lợi ích trái ngược liên quan đến thông tin về đời sống xã hội. Cần thi hành nghiêm chỉnh các quy định đó để có thể ngăn chặn, hạn chế thông tin xấu, độc.
TTO - Trước sức ép của tài xế, trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) phải xả trạm và trong ngày 16-8, Bộ Giao thông vận tải phải yêu cầu nhà đầu tư giảm giá thu phí. Nhưng vì sao giới tài xế lại phản ứng như vậy?
Vụ ‘trùm buôn lậu’ Mười Tường: Nguyên phó Phòng Cảnh sát kinh tế An Giang bị bắt vì thông cung
dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 26/10/2022 11:25
TTO - Kết quả điều tra ban đầu xác định nguyên phó Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang chỉ đạo điều tra viên tạo điều kiện cho các bị can trong vụ “trùm buôn lậu” Mười Tường thông cung, thống nhất khai báo gian dối, bỏ lọt hành vi.
Ngày 26-10-22, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an tỉnh An Giang, liên quan đến quá trình điều tra vụ "trùm buôn lậu" Mười Tường.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với ông Lê Tấn Tài, nguyên phó trưởng phòng PC03, Công an tỉnh An Giang, để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tài liệu điều tra thể hiện, tháng 12-2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác lập chuyên án đấu tranh với đường dây buôn lậu trên địa bàn tỉnh An Giang do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu.
Khi đã bắt được một số hàng buôn lậu, C03 Bộ Công an chuyển vụ án về PC03 Công an tỉnh An Giang để điều tra theo thẩm quyền. Ông Lê Tấn Tài khi ấy là phó trưởng phòng PC03 được phân công chỉ huy hoạt động điều tra vụ án.
Tuy nhiên kết quả điều tra ban đầu xác định, do có mối quan hệ anh em họ hàng với Mười Tường, ông Lê Tấn Tài đã chỉ đạo điều tra viên thực hiện quy trình điều tra không đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các nghi phạm thông cung, thống nhất khai báo gian dối...
Hành vi của nguyên phó phòng PC03 đã dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội và bỏ lọt các nghi phạm chủ mưu, cầm đầu trong vụ án không bị xử lý trước pháp luật.
Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) được biết đến là "trùm buôn lậu" vàng ở An Giang. Bà Hạnh bị điều tra trong sáu vụ án với cáo buộc có hành vi buôn lậu đối với ít nhất 51kg vàng, một lượng lớn đường cát, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (200.000 USD năm 2020), tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và rửa tiền…
Đầu tháng 2, bà Hạnh bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, với cáo buộc vận chuyển 470.000 USD (gần 11 tỉ đồng) từ Campuchia về Việt Nam.
Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Hạnh 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; hình phạt bổ sung đối với bị cáo là phạt tiền 50 triệu đồng.
TTO - Ngày 16-8, TAND cấp cao tại TP.HCM tổ chức xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” liên quan đến 470.000 USD do Nguyễn Thị Kim Hạnh (53 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) cầm đầu và 4 đồng phạm.
Ai hưởng lợi nhiều nhất trong đường dây buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam
dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 26/10/2022 12:11
TTO - Với việc góp 40% số vốn và ba tàu thủy vận chuyển gần 200 triệu lít xăng nhập lậu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ, bị cáo Phan Thanh Hữu thu lợi bất chính hơn 156,2 tỉ đồng.
Ngày 26-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu liên tỉnh (giai đoạn 1 chuyên án 920G) bước qua ngày thứ hai.
Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã công bố cáo trạng vụ án Đào Ngọc Viễn, Phan Thanh Hữu cùng đồng phạm vi phạm các tội "buôn lậu" và "nhận hối lộ".
Theo cáo trạng, tháng 5-2019, Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) cùng nhóm của Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) thỏa thuận góp vốn để nhập lậu xăng dầu với tổng số vốn hai đợt là 53,4 tỉ đồng.
Trong số đó, Hữu góp 40%, nhóm của Viễn góp 60% (Viễn góp 10%, ba người khác góp 50%), ăn chia theo tỉ lệ 4-6.
Viễn là người giới thiệu và đưa danh thiếp chủ hàng ở Singapore cho Hữu liên hệ mua hàng. Hữu có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng để bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ.
Về việc vận chuyển xăng nhập lậu, Viễn sử dụng hai tàu biển đăng ký quốc tịch Panama gồm Pacific Ocean (3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) vào cảng Vopak (Singapore) lấy hàng rồi chở về vùng biển Việt Nam. Tiếp đó, Hữu điều ba tàu thủy Nhật Minh 07, 08, 09 của mình đến nhận hàng, chở về nội địa bán cho khách.
Theo thỏa thuận, mỗi chuyến tàu Pacific Ocean, Viễn hưởng phí vận chuyển 1,6 tỉ đồng, Hữu hưởng 1 tỉ đồng (cho ba tàu Nhật Minh 07, 08, 09). Mỗi chuyến tàu Western Sea, Viễn hưởng 2,6 tỉ đồng, Hữu hưởng 1,8 tỉ đồng.
Một bị cáo trình bày tại phiên tòa - Ảnh: AN BÌNH
Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu cùng đồng phạm đã vận chuyển 48 chuyến với hơn 198 triệu lít xăng, tổng giá trị gần 2.600 tỉ đồng. Trong đó, Hữu hưởng lợi hơn 156,2 tỉ đồng.
Cùng thủ đoạn trên, ngoài hợp tác với Hữu, Viễn còn góp vốn với một số người khác mua hai tàu thủy lấy xăng từ tàu Pacific Ocean đưa về cảng Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) tiêu thụ. Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4-2021, nhóm của Viễn đã buôn lậu ba chuyến với trên 5,7 triệu lít xăng.
Tính cả hai giai đoạn, Viễn cùng các đồng phạm đã buôn lậu gần 204 triệu lít xăng với tổng giá trị hơn 2.690 tỉ đồng. Cá nhân Viễn thu lợi bất chính trên 46,7 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng, hai bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Huỳnh, Vĩnh Long) và Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Vân Trúc, Bình Dương) là hai đầu mối tiêu thụ xăng nhập lậu lớn nhất của Hữu.
Cụ thể, Tứ mua của Hữu 161 triệu lít xăng (trị giá trên 2.172 tỉ đồng) với giá thấp hơn thị trường 4.000 đồng/lít rồi bán lại cho các "chân rết" với giá cao hơn, thu lợi bất chính hơn 79,3 tỉ đồng. Còn Vân nhập của Hữu hơn 35,6 triệu lít (trị giá trên 467 tỉ đồng) về tiêu thụ, thu lợi bất chính gần 18 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam 01 S.W.P.) cũng là một trong những người hưởng lợi nhiều nhất trong đường dây buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam.
Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Trung giúp Nguyễn Hữu Tứ quản lý, mua bán hơn 101 triệu lít xăng với tổng giá trị hơn 1.368 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 44 tỉ đồng.
TTO - Sáng 25-10, tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu liên tỉnh (giai đoạn 1 chuyên án 920G). Công tác an ninh, trật tự được siết chặt.
Ông Bùi Xuân Cường được Thủ tướng phê chuẩn làm Phó Chủ tịch UBND TP HCM
dvnien copy từ https://nld.vn/..., trang web này đăng ngày 24-10-2022 - 15:27|Trong nước
(NLĐO)- UBND TP sẽ phân công lại nhiệm vụ cho Thường trực UBND TP, trong đó ông Bùi Xuân Cường sẽ phụ trách mảng đô thị
Chiều 24-10-22, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã trao quyết định của Thủ tướng về phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã bầu ông Bùi Xuân Cường làm Phó Chủ tịch UBND TP.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Hiếu chúc mừng ông Bùi Xuân Cường
Chúc mừng tân Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tin tưởng ông Bùi Xuân Cường với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của mình sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Theo ông Phan Văn Mãi, sắp tới, UBND TP sẽ phân công lại nhiệm vụ cho Thường trực UBND TP, trong đó ông Bùi Xuân Cường sẽ phụ trách mảng đô thị.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường sẽ phụ trách mảng đô thị
Do đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị trước mắt ông Bùi Xuân Cường tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực đô thị.
"Đây là những nhóm việc rất lớn, quan trọng và cấp bách, cũng là tiền đề cho sự phát triển lâu dài của TP"- Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Văn phòng UBND TP HCM chúc mừng ông Bùi Xuân Cường
Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn ông Bùi Xuân Cường cùng tập thể lãnh đạo UBND TP xem việc TP là việc của nhà mình, của chính mình để dấn thân, đoàn kết cùng đưa địa phương phát triển. Tuyệt đối không để bị lợi ích cá nhân cám dỗ khi thực hiện chức trách nhiệm vụ.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường bày tỏ vinh dự khi được các cấp lãnh đạo tin tưởng, giao nhiệm vụ mới.
Ông Bùi Xuân Cường cam kết thực hiện các chương trình hành động đã trình bày trước HĐND TP và thực hiện các nhóm việc mà Chủ tịch UBND TP dặn dò. Đó là tập trung tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực đô thị, ưu tiên phát triển hạ tầng, hoàn thành các dự án trọng điểm để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước...
Bên cạnh đó, ông cho biết bản thân sẽ tuân thủ các quy định, khiêm tốn, cầu thị, tích cực học hỏi để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.
Ông Bùi Xuân Cường sinh năm 1975, quê quán: Ninh Bình. Trình độ chuyên môn: TS Xây dựng công trình, kỹ sư Xây dựng cầu đường, thạc sĩ Kỹ thuật, thạc sĩ Hành chính công. Trình độ lý luận: Cao cấp lý luận chính trị.
Ông Bùi Xuân Cường từng là Trưởng phòng Phòng Quản lý giao thông (sau này tách ra thành Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông và Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM).
Cuối năm 2009, ông Bùi Xuân Cường được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.
Đến năm 2014, ông Bùi Xuân Cường đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM.
Một năm sau, ông Bùi Xuân Cường được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM.
Đến đầu năm 2019, ông Bùi Xuân Cường được điều trở lại giữ chức vụ Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM.