GS. Phạm Phụ qua đời là mất mát lớn đối với giáo dục đại học nước ta
Giáo sư Phạm Phụ sinh năm 1937, quê ở Quảng Ngãi. Giáo sư đã có gần 60 năm kinh nghiệm giảng dạy bậc đại học, là người sáng lập khoa quản lý công nghiệp Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Giáo sư Phạm Phụ còn được biết đến với vai trò là một chuyên gia tâm huyết với giáo dục đại học, có nhiều đóng góp quan trọng cho chính sách giáo dục đại học, đặc biệt là các vấn đề về tự chủ đại học, hội đồng trường.
Giáo sư Phạm Phụ là một trong những người đầu tiên kiến nghị xây dựng cơ chế hội đồng trường ở trường đại học. (Ảnh: Thuỳ Linh) |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ niềm xúc động: "Sự ra đi của Giáo sư Phụ để lại biết bao niềm thương tiếc và là mất mát rất lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam".
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, Giáo sư Phạm Phụ là một nhà giáo chân chính, một nhà khoa học có tiếng về khoa học thuỷ lợi, đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên trong lĩnh vực này.
Giáo sư đã dành trọn tâm huyết, công sức cho nghiên cứu giáo dục đại học. Ông đã viết rất nhiều sách, tìm hiểu, sưu tầm những tiến bộ của khoa học giáo dục đại học, những mô hình giáo dục đại học tiên tiến của các nước trên thế giới để góp phần xây dựng nền giáo dục đại học Việt Nam.
Trong những năm tháng cuối đời, Giáo sư Phạm Phụ vẫn luôn tâm huyết như vậy, luôn dày công nghiên cứu lĩnh vực khoa học giáo dục với mong muốn đóng góp, xây dựng và phát triển chính sách giáo dục nước nhà.
Những năm qua, Giáo sư Phạm Phụ cũng là một cộng tác viên tích cực của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ông là một trong những chuyên gia có nhiều phát biểu chất lượng, đóng góp, phản biện sắc sảo tại các hội thảo, diễn đàn do Hiệp hội tổ chức. Dù không phải là người trực tiếp và tham gia thường xuyên nhưng ông là một cộng tác viên vô cùng đắc lực của Hiệp hội.
“Thời gian Giáo sư Phụ lâm trọng bệnh, dù gặp khó khăn trong hoạt động giao tiếp nhưng ông chưa bao giờ nề hà việc gì, vẫn luôn là một nhà giáo mẫu mực, một nhà khoa học dành trọn tâm tư, hết lòng và tận tâm với giáo dục nước nhà.
Sự ra đi của Giáo sư Phạm Phụ là mất mát rất lớn đối với nền giáo dục đại học nói chung, và Hiệp hội cũng mất đi một cộng tác viên quan trọng”, Giáo sư Trần Hồng Quân nghẹn ngào.
Nhớ về những kỷ niệm cùng Giáo sư Phạm Phụ, Giáo sư Trần Hồng Quân xúc động chia sẻ: “Anh Phạm Phụ là một người hiền lành, rất gần gũi với tôi. Anh từ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vào với Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) - khi ấy tôi còn làm hiệu trưởng, sự có mặt của Giáo sư Phạm Phụ và một số nhà khoa học thời điểm ấy rất quan trọng.
Từ các trường đại học miền Bắc vào giúp các trường miền Nam, tạo được sự chuyển biến quan trọng cho giáo dục đại học miền Nam sau khi miền Nam được giải phóng. Tôi đánh giá rất cao và trân trọng biết bao những đóng góp của Giáo sư Phạm Phụ!
Giáo sư Phạm Phụ cũng từng nhận được nhiều lời mời tham gia lãnh đạo, quản lý các trường đại học nhưng anh đã từ chối tham gia, bởi anh rất coi trọng công tác nghiên cứu và muốn dành trọn thời gian, tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu giáo dục đại học”.
Sinh thời, Giáo sư Phạm Phụ đã có nhiều đóng góp quan trọng cho chính sách giáo dục đại học nói chung và chính sách tự chủ đại học nói riêng. Ông cũng là một trong những người đầu tiên kiến nghị xây dựng cơ chế hội đồng trường ở trường đại học.
Giáo sư Phạm Phụ sinh năm 1937, quê ở Quảng Ngãi.
Giáo sư đã có gần 60 năm kinh nghiệm giảng dạy bậc đại học, là chuyên gia về khoa học thuỷ lợi.
Ông lại là người sáng lập khoa quản lý công nghiệp Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Trước đó, từ năm 1985, Giáo sư Phạm Phụ mở lớp "sư phạm đại học" và trực tiếp giảng dạy cho giảng viên trẻ ở trường này. Từ lúc đó, ông đã mở ra các môn học mới "quản lý cho kỹ sư", "kinh tế kỹ thuật" cho toàn bộ sinh viên trường, trực tiếp dạy "thị trường chứng khoán".
Khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa IX và ủy viên, phó trưởng ban giáo dục đại học của Hội đồng quốc gia giáo dục, ông tập trung vào nghiên cứu về giáo dục đại học.
Hơn 10 năm ông đã có trên 120 bài báo về giáo dục rất sâu sắc và được xã hội đánh giá cao. Ông là một nhà giáo, nhà khoa học tận tâm cống hiến cho giáo dục đại học nước nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét