Nhộn nhịp chợ cát Campuchia ở thượng nguồn sông Tiền
Chỉ một đoạn trên sông Tiền với chiều dài khoảng 300m nhưng có khoảng 60 chiếc sà lan, xáng cạp neo đậu đã biến nơi đây trở thành "chợ" hoạt động mua bán cát vàng được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam.
Nhộn nhịp chợ cát
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, chỉ một đoạn dài khoảng 300m nơi thượng nguồn sông Tiền thuộc địa bàn xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) giáp ranh với Vương quốc Campuchia, nhưng có khoảng 60 chiếc sà lan, xáng cạp mang biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành Nam Bộ neo đậu tại đây để chờ sang cát từ Campuchia về.
Hằng giờ, từ phía bên kia biên giới, những chiếc sà lan chở cát vàng từ phía nước bạn Campuchia di chuyển xuôi dòng sông Mê Kông vào địa phận Việt Nam.
Sau khi làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, những chiếc sà lan chở cát vàng Campuchia di chuyển neo đậu trên sông Tiền tại khu vực xã Vĩnh Xương để thực hiện hoạt động mua bán cát. Sau khi sang hàng, các sà lan Việt Nam chở cát vàng đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành ĐBSCL hoặc đưa lên TPHCM để phục vụ các công trình giao thông, xây dựng nhà ở,...
Trong vai người đi mua cát, PV Báo Lao Động dò hỏi những người ở đây được biết, cát vàng tại đây bán với giá dao động từ khoảng 170.000 đến 280.000 đồng/m3, tùy theo kích thước của cát.
Là quản lý 3 chiếc xáng cạp của một doanh nghiệp múc cát từ Campuchia sang sà lan Việt Nam, anh B.V.H cho biết, anh từ Hải Phòng vào đây được hơn 2 năm. Sau khi khách hàng thỏa thuận xong giá cả sẽ thuê xáng cạp múc cát sang các sà lan. Giá sang mỗi khối cát tùy theo thỏa thuận với khách hàng, nhưng ở đây, ngay cả tiền công giờ cũng phải cạnh tranh mới có khách.
“Vì cát vàng ở các mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu tại ĐBSCL còn rất hạn chế. Khan hiếm nên các doanh nghiệp phải đổ xô mua cát vàng từ Campuchia nhập về Việt Nam để bán, phục vụ cho các công trình, dự án xây dựng trong nước”, anh H thông tin thêm.
Theo anh H, mỗi ngày lượng cát do các sà lan từ phía nước bạn đưa về Việt Nam rất nhiều biến một đoạn sông Tiền chỉ khoảng 300m trở nên nhộn nhịp khi thường xuyên có khoảng 60 chiếc sà lan, xáng cáp neo đậu để sang cát.
Ngày càng khan hiếm
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, những năm gần đây, trữ lượng khoáng sản (trầm tích cát sông) trên sông Tiền, sông Hậu ngày càng giảm dần. Các khu mỏ được cấp giấy phép khai thác đến nay trữ lượng còn lại rất ít và thực tế một số giấy phép (mỏ cát) đã hết trữ lượng. Nguồn cung cấp cát ngày càng không đáp ứng đủ nhu cầu cho việc san lắp, xây dựng các công trình, dự án giao thông, nhà ở,... đặc biệt là cát vàng (loại cát để phục vụ cho việc xây dựng) càng khan hiếm.
Đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (Cục Hải quan tỉnh An Giang) thông tin thêm, đến nay, đã có 11 doanh nghiệp nhập khẩu cát qua đường cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Số lượng cát vàng từ Campuchia nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ cao hơn nhiều.
“Nhu cầu cát xây dựng mỗi năm càng nhiều, do đó số lượng cát vàng từ Campuchia nhập về Việt Nam thông quan qua Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cũng tăng so với mỗi năm”, đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cho hay.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu cát của tỉnh sẽ rất lớn, bao gồm nhu cầu sử dụng cát cho các công trình sử dụng vốn đầu tư công; nhu cầu sử dụng của người dân; nhu cầu của các dự án đầu tư tư nhân quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phần lớn nhu cầu cát phục vụ cho công trình sử dụng vốn đầu tư công.
Cụ thể, năm 2022 nhu cầu cát sẽ là 13,41 triệu m3, năm 2023 nhu cầu cát là 14,78 triệu m3, năm 2024 nhu cầu cát sẽ là 10,4 triệu m3, năm 2025 nhu cầu cát sẽ là 4,6 triệu m3.
Liên quan đến dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sắp triển khai thi công, các tỉnh, thành như: Đồng Tháp, Sóc Trăng và Cần Thơ kiến nghị Trung ương chỉ đạo chia sẻ nguồn cát, công bố các mỏ cát và giá cát. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHCN sớm chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp. Đồng thời, rà soát, giảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu san lấp, nhằm giảm áp lực phải cung cấp cát nước ngọt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét