Biến đổi khí hậu: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra sạt lở bờ biển, sạt lở nghĩa trang ở miền Trung. Thực tế cho thấy bão liên tiếp nối đuôi vào miền Trung, trong đó có những cơn bão rất mạnh trong khi bão ở miền Bắc và miền Nam thường có cường độ trung bình. Nguyên nhân là vì sao, thưa bà?
- Do đặc điểm về địa lý, miền Trung nước ta là khu vực chịu nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, xói mòn đường bờ… Các thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn (KTTV) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các thiên tai thường kết hợp với nhau thành đa thiên tai như bão-lũ-lũ quét- sạt lở đất… nên cộng hưởng gia tăng mức độ khắc nghiệt của thiên tai có nguồn gốc KTTV khi xảy ra.
Theo thống kê, mùa bão ở Việt Nam (Biển Đông) là từ tháng 6 đến tháng 11, thường đầu mùa bão thì các cơn bão/áp thấp nhiệt đới di chuyển lệch lên phía bắc như Nhật Bản, Trung Quốc, phía bắc nước ta, giữa mùa bão thường tập trung và dồn dập vào miền Trung với những con bão có cường độ mạnh và cuối mùa bão thường lệch hơn về phía nam. Bên cạnh đó, theo thống kê trong năm Lanina thì bão thường tập trung vào mùa thu trong tháng 9-10 và thường xuất hiện các cơn bão mạnh.
Năm nay các điều kiện thời tiết, khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên thời gian qua bão liên tiếp nối đuôi vào miền Trung trong đó có những cơn bão rất mạnh (con bão số 4/Noru, đạt cấp siêu bão trên Biển Đông), cùng với đó là sự kết hợp của các hình thế gây mưa lớn cho Trung bộ cùng một lúc như không khí lạnh+bão-ATNĐ+dải hội tụ nhiệt đới cùng tương tác với địa hình.
Do vậy nguyên nhân chính của đợt mưa lũ miền Trung vừa qua, gây mưa lũ lịch sử cho Đà Nẵng là do sự kết hợp của các hình thế gây mưa lớn cho Trung bộ cùng một lúc như không khí lạnh+bão-ATNĐ+dải hội tụ nhiệt đới cùng tương tác với địa hình trong điều kiện Lanina.
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến miền Trung như thế nào và đây có phải khu vực chịu tác động rõ rệt nhất từ biến đổi khí hậu hay không thưa bà?
- Theo các báo cáo gần đây của Ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) thấy rằng BĐKH đã đang xảy ra và không thể đảo ngược, BĐKH đã làm gia hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan, bất thường cả về cường độ và tần xuất. Các báo cáo cũng chỉ ra rằng: Nắng nóng, hạn hán, siêu hạn hán, bão mạnh, mưa lớn cực đoan, mức nước biên dâng sẽ ra tăng về cường độ, tần xuất và quy mô. Các báo cáo cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của BĐKH.
BĐKH hay nóng lên toàn cầu đa phần mang đến các tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội loài người và cụ thể là ảnh hướng đến đời sống người dân. Trong tương lai, các hiện tượng thiên tai sẽ xảy ra nhiều hơn về cả tần suất và cường độ và sẽ gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản hơn.
Kịch bản BĐKH năm 2020 cũng chỉ rằng trong tương lai Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng có khả năng sẽ xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan có nguồn gốc KTTV hơn. Do vậy, dưới tác động tiêu cực của BĐKH thì khu vực miền Trung sẽ chịu tác động rõ rệt nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu 1 hiện tượng thiên tai cụ thể mà cho rằng đó là hậu quả trực tiếp của BĐKH thì không hẳn, nhưng BĐKH làm gia tăng các thiên tai thì chắc chắn.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu lên các vùng đặc biệt như dải miền Trung thì giải pháp là gì thưa bà?
- Để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra cần có kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Cụ thể như sau:
- Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra. Trong đó, có việc giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng, định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản về tác động, tổn thất và thiệt hại, thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia và công cụ hỗ trợ quản lý, xây dựng các cơ chế, chính sách huy động và phân bổ nguồn lực về tài chính…
- Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
- Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu với 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có việc cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chú trọng giải pháp quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức địa phương trong phòng tránh thiên tai, triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…
Đây được xem là những giải pháp căn cơ, đồng bộ và mang tính chiến lược lâu dài, bền vững để thích nghi với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét