Hà Nội và những thí điểm thất bại - Xe buýt dành riêng cho phụ nữ: "Chưa khai sinh đã khai tử"
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Công ty vận tải Hà Nội thí điểm xe buýt dành riêng phụ nữ và trẻ em từ ngày 5.1.2015.
Xung quanh việc triển khai thí điểm này, có nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối thí điểm trên, cho rằng việc làm này không thực sự phù hợp.
UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội chủ trì triển khai công tác thí điểm.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội thời kỳ đó cho biết, theo kế hoạch, xe buýt dành riêng cho phụ nữ sẽ được bố trí trên 3 trục chính bao gồm: Trục đường số 1 đi về phía Nam của thành phố (khu vực trục đường Giải Phóng).
Trục số 2 là hướng về Quốc lộ 6 (đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân) và trục số 3 là hướng Quốc lộ 32 (Cầu Giấy – Xuân Thủy).
Những tuyến xe buýt này chủ yếu được bố trí tại các trục đường đi qua nhiều trường đại học, nhiều trẻ em và phụ nữ có nhu cầu đi lại.
Trước đó, liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và đơn vị liên quan nghiên cứu thí điểm một số tuyến xe buýt phục vụ riêng nữ công nhân, học sinh, sinh viên nữ đi lại vào giờ cao điểm để hạn chế tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt.
Việc nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ là dựa vào kết quả khảo sát tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường.
Có tới 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.
Ngay sau khi thí điểm được đưa ra, đã có nhiều ý phản đối vì cho rằng việc này là thừa. Vẫn biết phương án này để tránh tình trạng phụ nữ bị quấy rối, xâm hại tình dục trên xe buýt. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp nhỏ, không phải là phổ biến và cũng không phải là tệ nạn.
Liệu chúng ta có đi ngược lại với thế giới? Trong khi hầu hết quốc gia phát triển, đến các nước trong khu vực, những phương tiện vận tải công cộng như tàu điện ngầm, tàu trên cao, xe buýt đều chung cho mọi hành khách.
Từ những điều mắt thấy, tai nghe khi tham gia giao thông bằng xe buýt, cùng với những phân tích trên, có thể khẳng định thêm một lần nữa người dân lại phải lắc đầu ngao ngán khi những thí điểm phi thực tế được áp dụng vào cuộc sống.
Sự thất bại của việc thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em cũng cho thấy, một bộ phận cán bộ ngồi “phòng lạnh” nghĩ việc, thiếu thực tế, làm việc cảm tính.
Thay vì đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi thiết thực của phụ nữ và trẻ em cũng như nâng cao ý thức của hành khách đi xe buýt, thì Hà Nội lại “thừa giấy vẽ voi”, tạo ra tranh cãi, để chính sách thí điểm chết yếu, tốn công, tốn sức, tốn tiền của nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét