Hà Nội và những thí điểm thất bại: Đèn cho người đi bộ trở nên vô hình
Năm 2017, Hà Nội đã cho thí điểm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ với nút bấm chủ động. Tuy nhiên, những chiếc đèn tín hiệu ấy vẫn luôn “vô hình” tại những nơi đã được lắp đặt.
Tại Hà Nội, việc sang đường luôn tiềm ẩn những nguy hiểm. Ở mọi tuyến đường, ngay cả trong những con ngõ nhỏ, các xe cộ luôn đông đúc, thậm chí còn di chuyển với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy vậy, không chỉ vạch kẻ đường mà đèn tín hiệu dành cho người đi bộ lại tương đối thưa thớt.
Nhằm khắc phục tồn tại này, thành phố đã cho thí điểm lắp đặt đèn tự bấm dành cho người đi bộ vào năm 2017. Chúng từng được đặt tại một số đoạn ngã ba, ngã tư trọng điểm như đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), ngã tư Kim Mã (Giang Văn Minh), ngã ba Hàng Trống (Lê Thái Tổ), đoạn trước cửa Bưu điện thành phố...
Cơ chế hoạt động của các nút bấm này vô cùng đơn giản. Nút bấm được lắp đặt ở cột đèn tín hiệu, nơi đường có vạch kẻ trắng ưu tiên. Khi người đi bộ tiến hành thao tác bấm, sau một lúc, đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển sang màu đỏ, đèn ưu tiên dành riêng cho người đi bộ sẽ chuyển thành màu xanh.
Hệ thống đèn được tính toán nếu càng có nhiều lượt bấm, đèn báo sẽ càng nhanh chóng chuyển xanh. Bên cạnh đó, chúng cũng được cài đặt sao cho thời gian đèn xanh ưu tiên hiện lên vừa đủ cho người đi bộ qua đường.
Tưởng chừng với thiết kế thông minh như vậy, hệ thống đèn tín hiệu sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Nhưng trong thực tế, những thiết bị này "có như không có”.
Sau một thời gian lắp đặt, gần như chẳng mấy ai để ý đến sự tồn tại của những chiếc đèn tín hiệu này dù đó là nơi có rất nhiều người qua lại.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do thói quen nhường đường cho người đi bộ chưa được hình thành trong ý thức của những người điều khiển phương tiện xe cơ giới. Ngoài ra còn do chúng được đặt ở vị trí quá thấp, không có biển chỉ dẫn nên khó thu hút được sự chú ý của người đi bộ.
Theo phản ánh của người dân, dù đã có đèn báo, các phương tiện giao thông vẫn lờ đi, khiến người đi bộ buộc phải sang đường với sự nguy hiểm khi lách người qua những dòng xe tấp nập.
Bên cạnh đó, lưu lượng phương tiện đông đúc, đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ vô hình trung lại trở thành điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Theo những người đã sử dụng đèn tín hiệu, do đèn báo hoạt động đồng bộ với các đèn báo giao thông trong khu vực nên người đi bộ bấm xin sang đường phải chờ đến vài phút mới có đèn xanh.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, nhiều đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ đã không còn sử dụng được. Tại rất nhiều nút giao thông có hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ, chúng tôi bấm vào nút đèn nhưng không có tác dụng do đèn đã hỏng. Có đèn tín hiệu đã bị hỏng nút bấm mà chưa thấy ai sửa chữa.
Ngay tại khu vực hồ Gươm, nhiều chiếc đèn dành cho người đi bộ đến nay đã không còn hoạt động. Những chiếc còn lại dù vẫn hoạt động nhưng người tham gia giao thông lại không chấp hành. Một số đèn tín hiệu dành cho người đi bộ ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự.
Hiện nay, người đi bộ vẫn giữ thói quen cũ khi sang đường. Những chiếc đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Hoặc có thể nói, chúng dường như không đọng lại trong ký ức của người dân.
Do đó, thí điểm đèn dành cho người đi bộ đã thất bại. Những đầu tư của Hà Nội không mang lại hiệu quả về mặt giao thông, đồng thời gây tốn kém kinh phí nhà nước.
Chị Nguyễn Thị Hoa Lệ, một người dân sống gần khu vực lắp đèn, cho biết, những khu vực đông người qua lại nếu xây dựng được cầu vượt dành cho người đi bộ thì sẽ hiệu quả hơn. "Còn đối với đèn tín hiệu dành cho người đi bộ, đến nay gần như không còn ai biết đến nữa" - chị Lệ nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét