Hà Nội và những thí điểm thất bại: Phân làn đường nhưng tắc vẫn hoàn tắc
Sau 1 tháng thí điểm tách làn ôtô và xe máy trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm vẫn tiếp diễn, các phương tiện di chuyển khó khăn.
Tắc vẫn hoàn tắc
Từ ngày 6.8.2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện phương án thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) với kỳ vọng giảm ùn tắc trên tuyến đường này.
Tại đoạn thí điểm dài khoảng 1,5km này, 2 làn sát vỉa hè được dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động; 3-4 làn sát dải phân cách dành cho xe ô tô hoạt động. Thời gian thực hiện thí điểm trong 1 tháng (kéo dài đến ngày 6.9.2022).
Theo ghi nhận của Báo Lao Động vào giờ cao điểm sáng 22.9, sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm trên, tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn xảy ra ùn tắc kéo dài. Các phương tiện nối đuôi nhau, chật vật di chuyển từng chút một qua đây. Taxi và xe buýt bị bủa vây bởi hàng chục xe máy nên không thể chuyển làn, đành chấp nhận đi vào làn đường dành riêng cho xe máy. Người tham gia giao thông "phi" xe máy lên cả vỉa hè đi dàn hàng ngang. Lực lượng chức năng căng mình điều tiết, hướng dẫn, nhắc nhở các phương tiện đi đúng làn đường.
Nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm quay xe đi ngược chiều tại dải phân cách cứng khi không thấy lực lượng chức năng.
Tại nút giao Ngã Tư Sở, ôtô, xe máy xếp dài hàng trăm mét chờ lên, xuống cầu. Lối dẫn từ trên đường vành đai 2 xuống đường Trường Chinh cũng ùn ứ kéo dài.
Có thể thấy, dù phương án thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi được dư luận ủng hộ, tuy nhiên sau một thời gian thí điểm, việc triển khai vẫn thiếu quyết liệt, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến ùn tắc, xung đột các dòng phương tiện do có nhiều điểm giao cắt thì còn nguyên nhân từ chính ý thức người tham gia giao thông.
Tại đây, ở các điểm đầu - cuối dải phân cách, dù có biển báo phân làn bắt buộc và sự điều tiết, hướng dẫn của lực lượng chức năng như Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Cảnh sát giao thông, Công an khu vực… nhưng nhiều phương tiện vẫn cố tình đi ngược chiều, đi sai làn.
Tình trạng ô tô dừng, đỗ bất chấp biển cấm vẫn diễn ra phổ biến, làm ảnh hưởng đến luồng lưu thông của làn xe máy, xe thô sơ và xe buýt (2 làn này nằm bên trong, sát mép đường); tình trạng xe máy đi ngược chiều vẫn diễn ra phổ biến.
Báo cáo về kết quả 1 tháng thí điểm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, tình hình giao thông trên tuyến đường đã có cải thiện, đặc biệt vào khung giờ cao điểm từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại, giảm ùn ứ giao thông trên tuyến và các phương tiện lưu thông đã trật tự hơn. Một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức đi đúng làn đường. Xe buýt lưu thông ổn định hơn so với trước khi phân làn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thừa nhận, vẫn còn tình trạng ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm, đặc biệt là khu vực giao với đường Khương Đình (sau ga Thượng Đình của tuyến đường sắt đô thị) và đầu cầu vượt Ngã Tư Sở vào giờ cao điểm sáng. Vào giờ cao điểm chiều ùn ứ tại các khu vực như: Điểm quay đầu khu đô thị Royal City, nút giao Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Trãi, điểm quay đầu gần nút Nguyễn Tuân - Nguyễn Trãi. Cùng với đó là tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại.
Ngoài ra, trong 10 ngày đầu thực hiện thí điểm đã xảy ra 54 vụ va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên...
Khắc phục thế nào?
Để đánh giá chính xác hơn nữa phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại Thủ đô và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào thời điểm cuối năm 2022, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị tiếp tục triển khai thí điểm phương án trong thời gian 3 tháng (tiếp tục bắt đầu từ ngày 6.9 đến ngày 31.12.2022) và điều chỉnh phương án cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế trên tuyến đường Nguyễn Trãi.
Cụ thể, giải pháp Sở GTVT Hà Nội đưa ra để khắc phục những hạn chế là tiếp tục điều chỉnh thu ngắn các vị trí dải phân cách bằng trụ đảo mũi tên từ 6-8m cho phù hợp thực tế (thu ngắn dải phân cách tại đầu hầm chui Khuất Duy Tiến, gần khu vực tòa nhà Hoàng Huy; thu ngắn dải phân cách tại khu vực nút giao Vũ Trọng Phụng; thu ngắn dải phân cách tại đầu cầu vượt Ngã Tư Sở…).
Ngoài ra, tiếp tục bổ sung các biển báo hiệu lệnh kết hợp chỉ dẫn tại các đầu giải phân cách bằng trụ đảo mũi tên để các phương tiện nhận biết tốt hơn phương án tổ chức giao thông.
Quanh vấn đề này, ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, việc phân làn xe máy, ô tô trên đường Nguyễn Trãi có ý nghĩa lớn với giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, ý nghĩa của hoạt động này tốt nhưng cách thức triển khai lại chưa tốt, cần phải khắc phục ở nhiều điểm.
“Ý thức người tham gia giao thông còn kém. Với hoạt động này, tôi cho rằng cần tổ chức lâu dài và mở rộng đại trà hơn. Nói cách khác, ngoài kéo dài thời gian thí điểm thì nên thí điểm phân làn từ phía khu vực hầm chui Thanh Xuân đến hết tuyến. Việc kéo dài sẽ khắc phục được thói quen đi lại tự do của một bộ phận người tham gia giao thông” - ông Nghiêm Quốc Thắng góp ý.
Cũng theo ông Thắng, về lâu dài, Hà Nội cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm phương tiện giao thông cá nhân. Việc giảm phương tiện cá nhân có thể thông qua cách tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng. Chỉ khi xe buýt đi nhanh, thể hiện được ưu điểm trước các loại hình phương tiện khác thì mới có thể thu hút người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét