Lập nhiều kỳ tích, nâng tầm y học Việt nhờ kỹ thuật cao trong can thiệp điện quang
SKĐS - Mạnh dạn áp dụng phương pháp mới trong điều trị u xương, năm 2021 đánh dấu những kỳ tích của Trung tâm Điện quang Bạch Mai khi nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiếm được cứu ngoạn mục nhờ việc thầy thuốc áp dụng kỹ thuật cao.
NÂNG TẦM Y TẾ VIỆT NAM GIỮA MUÔN TRÙNG GIAN KHÓ (3)
Mạnh dạn áp dụng phương pháp mới trong điều trị u xương
Đốt sóng cao tần (Radiofrequency ablation - RFA) là phương pháp xâm lấn tối thiểu trong điều trị các khối u ở nhiều cơ quan bộ phận khác nhau như u gan, u thận, u phổi, u xương và phần mềm… dựa trên nguyên lý dùng nhiệt độ để gây chết các tế bào u.
Tại Việt Nam, RFA chủ yếu được dùng trong điều trị các khối u gan và nhân tuyến giáp lành tính. Ứng dụng RFA trong điều trị các khối u xương, các tổn thương di căn xương gây đau ở nước ta còn ít được nói đến trong khi ở các nước phát triển, phương pháp này đã chứng minh hiệu quả cao.
Cuối năm 2021, Trung tâm Điện quang thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã mạnh dạn áp dụng điều trị u xương bằng đốt sóng cao tần qua da dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính.
Thông tin mới nhất vừa được cập nhật, cả 3 nam bệnh nhân sau 2 tháng được can thiệp bằng phương pháp này đều khỏe mạnh, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Họ hoàn toàn không tái phát triệu chứng bệnh hay các di chứng sau can thiệp.
Trường hợp thứ 1 và 2 đều có chẩn đoán u xương dạng xương. Ca đầu tiên là bệnh nhi 14 tuổi vào viện vì đau cẳng chân trái, đã điều trị mổ hai lần với chẩn đoán viêm xương tủy nhưng không đỡ. Ca thứ hai 31 tuổi, xuất hiện đau xương đùi bên trái từ giữa năm 2021, thường đau nhiều về đêm. Trước khi vào viện 1 tháng, bệnh nhân đau nhiều lên.
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân nam 17 tuổi, bị đau xương lan tỏa và yếu cơ, được chẩn đoán nhuyễn xương cách 2 năm. Bệnh nhân được chẩn đoán có khối u trung mô gây thoát photpho qua nước tiểu ở phần mềm mặt sau lồi cầu trong xương đùi và đầu dưới xương đùi bên trái. Theo các bác sĩ, nhuyễn xương do khối u là một hội chứng cận u hiếm gặp.
Bệnh nhân 17 tuổi này từng được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u nhưng chỉ lấy được khối phần mềm mặt sau lồi cầu trong xương đùi. Dù được phẫu thuật lại lần 2 nhưng kết quả chụp kiểm tra lại phát hiện còn tồn dư u vị trí đầu dưới xương đùi.
Không đồng ý mổ để lấy bỏ u, cả ba bệnh nhân được tư vấn phương pháp đốt sóng cao tần qua da dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính. Quá trình can thiệp bệnh nhân không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ và dùng thêm giảm đau đường tĩnh mạch. Sau can thiệp 1 ngày, bệnh nhân hết hoàn toàn triệu chứng, không có biến chứng. Họ được ra viện sau 1 – 2 ngày.
U xương dạng xương (osteoid osteoma) là một u xương lành tính thường xảy ra ở trẻ em với triệu chứng phổ biến là đau nhiều về đêm và đáp ứng với thuốc giảm đau NSAID (không steroid).
Để điều trị u xương dạng xương, y khoa thường cắt bỏ nidus bằng phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật các khối u nhỏ nhiều khi gặp khó khăn, hơn nữa đòi hỏi thêm các phương pháp hỗ trợ khác như vật liệu cố định xương hoặc ghép xương. Bệnh nhân mất thời gian dài để hồi phục sau can thiệp.
Với đốt sóng cao tần trong điều trị u xương dạng xương, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng phương pháp này đem lại hiệu quả cao với tỷ lệ tái phát và còn tồn tại các triệu chứng sau can thiệp thấp.
Thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân thường được ra về trong ngày và gần như không có biến chứng.
Với chứng nhuyễn xương do khối u, bên cạnh phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u, RFA cũng là một phương pháp hiệu quả và an toàn. Đặc biệt, biện pháp này phù hợp với những trường hợp mà phẫu thuật gây biến chứng nghiêm trọng do tổn thương ở các vị trí khó tiếp cận, hay thể trạng kém hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật.
Cân não "mở lối" điều trị mới, cứu sống ngoạn mục nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm
Năm 2021, dù ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch COVID-19 nhưng tại Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều kỹ thuật cao được triển khai thường quy, phối hợp nhiều chuyên khoa cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch.
Đơn cử tại Trung tâm Điện quang, ngoài can thiệp cầm máu cấp cứu, các bác sĩ còn thực hiện kỹ thuật can thiệp nút mạch khối u, điều trị phình động mạch não phức tạp bằng đặt stent đổi dòng chảy, chụp Xquang tuyến vú phát hiện ung thư vú sớm và kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú…
Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam lập nhiều kỳ tích, đưa lĩnh vực điện quang ở nước ta lên tầm cao mới. Điển hình là việc can thiệp thành công ca chảy máu sau đẻ do tổn thương động mạch trực tràng hiếm gặp vào tháng 6/2021.
Bệnh nhân là chị B.A (33 tuổi). Sau khi sinh con bằng phương pháp thường, tử cung chị đột ngột không co hồi, gây chảy máu liên tục (còn gọi là băng huyết). Dù đã được cắt tử cung để cứu sống mẹ, nhưng máu vẫn chảy không ngừng qua đường âm đạo, ổ bụng có nhiều dịch máu.
Sau khi hội chẩn qua Telehealth, các bác sĩ tuyến dưới quyết định chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Điện quang. Nhập viện trong tình trạng mất máu nghiêm trọng, chỉ số hồng cầu của người bệnh chỉ còn 1,4 triệu (bình thường là 4,5-5,5 triệu).
Kết quả chụp MSCT cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương chảy máu từ mạch máu quanh trực tràng. Những quyết định, phác đồ xử trí được hoạch định chớp nhoáng. Nếu muộn hơn chỉ vài phút, bệnh nhân có nguy cơ rối loạn đông máu, suy gan, suy thận và tổn thương não,…
BSCKII Phan Hoàng Giang – người trực tiếp thực hiện ca can thiệp – vẫn nhớ như in khoảnh khắc đấu trí với tử thần trong ca lâm sàng rất hiếm gặp trên thế giới này.
"Với những bệnh nhân đã cắt tử cung càng khó khăn trong quá trình tìm động mạch tử cung nhằm cầm máu và gây tắc" – vị bác sĩ nói thêm. Hơn thế, ca bệnh sản phụ này khá phức tạp và mất nhiều thời gian hơn so với ca chảy máu sau đẻ thông thường.
Bình thường, các bác sĩ chỉ gây tắc nhánh mạch tổn thương và cầm máu tạm thời động mạch chậu trong hai bên. Với bệnh nhân này, ekip phẫu thuật cần tìm thêm các nhánh chảy máu quanh trực tràng, gồm 6 nhánh mạch 2 bên: động mạch trực tràng trên, động mạch trực tràng giữa và động mạch trực tràng dưới.
Hình ảnh sau nút mạch quanh động mạch trực tràng dưới cho sản phụ 33 tuổi.
Xác định được nhánh chảy máu rồi, các bác sĩ phải lựa chọn vật liệu gây tắc mạch cũng như vị trí can thiệp để không bị hoại tử trực tràng. Sau 90 phút cân não, ca can thiệp thành công. 36 tiếng theo dõi an toàn, sản phụ đã bình an, xuất viện.
Một kỳ tích khác được thiết lập tại đây vào tháng 7/2021, đó là lần đầu tiên trong lịch sử y học, các thầy thuốc Trung tâm Điện quang thực hiện can thiệp nút tắc động mạch tuyến tiền liệt trong nhu mô bằng hạt thông thường, kết hợp sử dụng keo sinh học để điều trị khối u xơ tiền liệt tuyến. Đáng nói, khối u này có trọng lượng "khủng", lên tới 130 gam.
Dù đã can thiệp tới hơn 1.000 ca phì đại tuyến tiền liệt bằng nút động mạch dù khó mấy cũng thành công, nhưng với ông N.V.T, bác sĩ Trung tâm Điện quang lại xác định đây là ca bệnh có nhiều thách thức lớn.
Bệnh nhân nhiều tuổi, tiền sử cao huyết áp nhiều năm nên mạch máu giãn ngoằn ngoèo, kết hợp với bệnh tiểu đường nên rất nhiều xơ vữa vôi hóa gây hẹp tắc mạch máu.
BS Giang chia sẻ, gốc xuất phát của động mạch tuyến tiền liệt, động mạch bàng quang trên, động mạch bàng quang dưới và động mạch chậu tạo thành ngã tư rất khó chọn lọc vào nhánh nuôi tuyến tiền liệt. Ngoài ra ngay vị trí xuất phát, động mạch tuyến tiền liệt xoắn đúng 1,5 vòng nhỏ (do bệnh nhân cao huyết áp).
Sau khi hoàn thành tốt việc nút mạch 1 bên cho bệnh nhân, các bác sĩ lại gặp khó khăn với bên còn lại. Đó là do 3 gốc động mạch tuyến tiền liệt, động mạch bàng quang dưới, động mạch bàng quang trên được tách ra cùng vị trí của động mạch chậu trong, tạo thành ngã tư rất khó chọn lọc vào động mạch tuyến tiền liệt.
Sau những phút nỗ lực cực điểm để tiếp cận được nhánh này thì động mạch tuyến tiền liệt rất bé, ngắn, lại còn xoắn đúng 1,5 vòng càng khiến các can thiệp viên còn ngỡ ngàng hơn.
Thành thạo trong thao tác, khéo léo sử dụng các vi ống thông và vi dây dẫn siêu nhỏ cỡ dưới 0.010, kíp can thiệp đã thành công để có thể đi qua được "vòng xoắn" đó và tiếp cận siêu chọn lọc động mạch tuyến tiền liệt. Bệnh nhân khỏi tình trạng bệnh bí tiểu cấp.
Để điều trị triệt để, giúp bệnh nhân không tái phát, ngoài cách nút tắc động mạch tuyến tiền liệt trong nhu mô bằng hạt thông thường, các bác sĩ còn sử dụng keo sinh học để gây tắc hoàn toàn gốc động mạch tuyến tiền liệt hai bên, tránh tái thông nhánh nuôi.
Keo sinh học là vật liệt khá rẻ, sẵn có, hiệu quả điều trị rất cao nhưng quan trọng khi sử dụng cần bác sĩ rất thành thạo, có kỹ thuật thật tốt để kiểm soát không bị biến chứng cho bệnh nhân, đặc biệt là biến chứng trào ngược gây nhồi máu hoại tử tạng lành như bàng quang và trực tràng.
Kỹ thuật gây tắc "kép" lần đầu tiên được sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam, BS Giang cho hay y văn thế giới cũng chưa thấy ghi nhận cách kết hợp độc đáo như vậy...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét