Hạnh phúc nhân dân, cái gốc của một đất nước hùng cường
Hạnh phúc của nhân dân luôn là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta - từ khi thành lập cho đến khi đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng của ngày hôm nay. Và trong tương lai, mục tiêu này tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển đất nước. Càng những lúc khó khăn, gian khổ, tinh thần “lấy dân làm gốc” của Đảng càng được thể hiện nhất quán thông qua những việc làm thiết thực để góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân”.
Hạnh phúc của nhân dân
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã minh chứng “dân là gốc”, trọng dân, gần dân, sát dân và thấu hiểu dân sẽ quy tụ được nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn. Mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân là cái gốc vững bền cho một đất nước hưng thịnh. Với sự nỗ lực của Đảng, sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân, hạnh phúc ấm no của nhân dân ngày càng được hoàn thiện. Kể từ khi thành lập, Đảng ta luôn lấy hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu cao cả và xuyên suốt các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đó.
Đại hội XIII của Đảng đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá về sự tiến bộ, ưu việt của quốc gia. Các yếu tố “dân hạnh phúc”, “chỉ số hạnh phúc”, “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” là những điểm mới quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) - cho biết, hơn 92 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua những chặng đường rất vẻ vang và lớn mạnh cùng đất nước. Lấy độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu, động lực phấn đấu, Đảng đã đưa đất nước tiến lên, giành được thành quả rất to lớn, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nếu coi hạnh phúc đối với mỗi người trước hết là những quyền dân sinh cơ bản như ăn, mặc, ở, học hành thì ngay từ khi thành lập, hạnh phúc của nhân dân đã trở thành lý tưởng phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hạnh phúc của nhân dân cũng là những chính sách đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay khi ra đời. Từ những quyết sách quan trọng và quyết tâm to lớn đó, nhân dân Việt Nam không chỉ được sống trong bầu không khí của độc lập và tự do mà còn được thụ hưởng hạnh phúc thật sự.
Theo PGS.TS Đào Duy Quát, trong xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội không chỉ có mục tiêu tăng trưởng, mà bên cạnh đó, chúng ta còn đặt ra một loạt mục tiêu khác để giải quyết như: Thất nghiệp, công ăn việc làm, hay mục tiêu về y tế, về giáo dục, bảo vệ môi trường... Bây giờ chúng ta khái quát lên và đưa thành mục tiêu hạnh phúc của nhân dân. Khi đó, hạnh phúc gắn liền với các thỏa mãn về vật chất lẫn tinh thần của con người; hạnh phúc là một trong những mục tiêu và động lực của xã hội loài người; đồng thời, hạnh phúc của cá nhân nhìn chung gắn liền với hạnh phúc của cộng đồng, xã hội, cũng như hạnh phúc của cộng đồng, xã hội, đất nước là tiền đề và cơ sở quan trọng để tạo ra hạnh phúc cá nhân.
“Suy cho cùng thì hướng tới một nền kinh tế bảo đảm cho hạnh phúc của con người tức là theo định hướng phát triển bền vững. Khi hoạch định đường lối, chính sách phải hướng đến sự hài lòng của người dân” - ông Quát phân tích.
Để mang lại ấm no, hạnh phúc thực chất cho nhân dân, ông Quát cho rằng, phải “đánh thức” khát vọng Việt Nam, thực hiện cho được mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra với ba mốc quan trọng: Đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Mục tiêu tối thượng của chủ nghĩa xã hội
GS, TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - phân tích, dấu mốc Cách mạng Tháng Tám không chỉ hồi sinh số phận vốn có của nhân dân trong lịch sử của nhà nước Việt Nam độc lập, mà còn đưa nhân dân lên vị thế chủ nhân thật sự của đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng các quyền con người, quyền tự do, công bằng như bất kỳ một dân tộc văn minh, tiến bộ nào khác. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một thời kỳ mới của đất nước, thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Đảng, Nhà nước ta đã cụ thể hóa thành các chủ trương, xây dựng nhiều chính sách, thúc đẩy công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Quá trình thực hiện đường lối đổi mới cũng là quá trình Đảng ta nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn, dành sự quan tâm ngày càng đầy đủ hơn đến lĩnh vực con người và xã hội.
Con người được xác định “là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Hệ thống các chính sách xã hội lấy mục tiêu vì con người làm thước đo sự đúng đắn và công bằng. Quyền con người được tôn trọng và bảo vệ trong mối quan hệ chặt chẽ với quyền và lợi ích dân tộc, của đất nước, vai trò làm chủ của nhân dân, theo nguyên tắc mọi quyền lực trong đất nước đều thuộc về nhân dân. Mọi công dân được hưởng quyền bình đẳng cả về quyền lợi và nghĩa vụ.
Những thành tựu kinh tế - xã hội vì con người, vì hạnh phúc nhân dân đã đạt được trong hơn 35 năm qua là to lớn, đánh dấu một bước tiến chưa từng thấy trên con đường xây dựng, phát triển đất nước, minh chứng thuyết phục cho tính chất ưu việt của chế độ xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng. Đó cũng là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của nhân dân ta về một xã hội XHCN phồn vinh, hạnh phúc, một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài vì mục tiêu tối thượng là hạnh phúc của nhân dân.
Tạo dựng hạnh phúc cho nhân dân
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh, hạnh phúc là một giá trị văn hóa - xã hội mang tính phổ quát toàn nhân loại. Ở bất cứ quốc gia - dân tộc nào, cũng như bất kỳ thời đại lịch sử nào, hạnh phúc vẫn luôn là khát vọng vươn tới của con người. Hạnh phúc là một khái niệm với nội hàm vô cùng rộng lớn; mỗi con người ở mỗi thời điểm khác nhau, có quan niệm và cảm nhận khác nhau về hạnh phúc.
Từ những phân tích trên, ông Vĩ cho rằng, hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh mỗi người, ở trong mỗi người. Nội hàm của hạnh phúc có thể biến đổi, bổ sung, phát triển qua từng thời kỳ; hạnh phúc có thể là những điều lớn lao như hòa bình cho thế giới, con người trên khắp hành tinh không lo đói khát; hạnh phúc cũng có thể là những điều nhỏ bé, dung dị hàng ngày. Vì vậy, mỗi người có quan niệm riêng và cách cảm nhận hạnh phúc riêng của mình.
Ông Vĩ cũng cho biết, “hạnh phúc” của nhân dân là hiện thân của 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Đảng và Nhà nước ta không ngừng nỗ lực để đạt được. Mục tiêu này đã được nước ta xác định từ năm 1945 để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân. Mỗi người dân sẽ có suy nghĩ và sự hài lòng khác nhau về hạnh phúc. Dưới góc nhìn từ tâm lý học, hạnh phúc gắn liền với cảm xúc cá nhân về cuộc sống hiện tại.
Trước hết, để mỗi người dân được khỏe mạnh thì vấn đề đầu tiên là đất nước hòa bình, kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo đời sống vật chất. Đất nước nghèo đói không thể giúp người dân khỏe mạnh, hạnh phúc. Đặc biệt, khi bệnh tật, ốm đau người dân được chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Đồng thời, chúng ta phải giữ được môi trường trong lành để hưởng thụ chính những vật chất, những sản phẩm do mình làm ra. Việc này rất sát với những tiêu chí mà Đảng, Nhà nước ta hướng đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét