Tăng vốn ảo: Chiêu trò có thể giúp nhiều doanh nghiệp “chui lọt lỗ kim"
Thông tin ban đầu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, FLC Faros đã được Trịnh Văn Quyết tăng vốn ảo trước khi được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, đúng hơn là qua các lần thay đổi tăng vốn điều lệ, từ đó lừa đảo chiếm đoạt hơn 6.400 tỉ đồng.
Thực tế lỗ hổng vốn ảo không phải chỉ xảy ra với trường hợp Faros mà trước đó, dư luận đã từng biết đến các doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Điển hình nhất, “siêu doanh nghiệp” có mức vốn điều lệ đăng ký tới 525.000 tỉ đồng gây xôn xao dư luận cách đây 2 năm, cuối cùng đến hạn phải chứng minh vốn trong tài khoản thì doanh nghiệp này giải thể.
Lỗ hổng ở đây có thể giúp nhiều “con voi chui lọt lỗ kim”, nằm ở quy định luật, cho phép doanh nghiệp khai vốn bao nhiêu thì tùy, và có đến 90 ngày để thanh toán vốn cổ phần đã đăng ký mua để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Chính vì thế mới xảy ra một số trường hợp đăng ký doanh nghiệp như trò đùa với mức vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng chủ doanh nghiệp thì ở nhà cấp 4 hay chỉ là bà bán nước…
Tuy nhiên trong trường hợp Trịnh Văn Quyết tăng vốn ảo (tăng vốn khống) lên hàng ngàn tỉ đồng tại FLC Faros thì lại thêm một lổ hổng nữa, không mới nhưng trầm trọng, đó là khâu kiểm soát và thanh kiểm tra nguồn vốn tăng, bổ sung tại doanh nghiệp có thực sự được thực hiện hay không.
Đây chính là cánh cửa đã không được kiểm soát chặt, để cho Trịnh Văn Quyết có cơ hội tăng vốn ảo và lừa đảo các nhà đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Cũng cần nói ngay rằng, nếu khâu thanh kiểm tra và kiểm soát dòng tiền tăng vốn, bổ sung vốn cứ bỏ ngỏ như hiện nay, thì không chỉ một mà nhiều Trịnh Văn Quyết nữa cũng có thể “chui lọt lỗ kim” thực hiện các phi vụ lừa đảo.
Một khi Faros nằm trong sự thao túng hoàn toàn của cá nhân Trịnh Văn Quyết và nhóm lợi ích, ban kiểm soát cũng chỉ mang tính bù nhìn hoặc cùng phe cánh, cơ quan có chức năng quản lý không đủ sâu sát nắm bắt được, thì các nhà đầu tư có giỏi giang, thông minh, tinh thông cách mấy cũng khó tránh được bẫy lừa này.
Sự giàu lên quá nhanh của Trịnh Văn Quyết từng được dư luận đặt vấn đề nhưng không thể nắm bắt, rõ tường. Bây giờ, một góc khuất của sự giàu lên nhanh chóng đó đã được phơi bày, chính là từ hành vi lừa đảo bằng cách tăng vốn ảo rồi sau đó bán ra cổ phần để thu lợi bất chính.
Với 2 trường hợp đăng ký doanh nghiệp vốn ảo hơn 144.000 tỉ đồng và hơn 500.000 tỉ đồng dù gây ngạc nhiên dư luận nhưng chưa gây ra hệ lụy lớn.
Song với trường hợp tăng vốn ảo để lừa đảo của Trịnh Văn Quyết, hậu quả lớn đã xảy ra, và cũng qua đó thể hiện rõ hơn những lỗ hổng, sự bất cập từ trong quy định luật cho đến khâu quản lý, kiểm soát dòng vốn đăng ký của doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét