dvnien copy từ https://vnexpress.net/..., báo này đăng ngày 26/6/2016, 17:30
Chính quyền có nghe dân?
Ngô Nguyệt Hữu
Nhà báo
Con hẻm nhỏ nối liền Quốc lộ 13 và đường Nguyễn Xí, Quận Bình Thạnh (TP HCM) là một con hẻm đẹp và tươm tất. Hẻm xe ôtô, như cách gọi của người dân thành phố. Sáng nào, tôi cũng đi làm qua con hẻm này, lòng thấy vui vẻ vì bắt đầu ngày mới trên một con đường tinh tươm.
Đang yên đang lành, con hẻm biến thành một tiểu công trường, với những đường rãnh xương cá, lầy nhầy bùn đất. Trước hẻm, một ụ đất trồi lên án ngữ như một thứ rào chắn ngang ngược. Dĩ nhiên, bất cứ ai lưu thông qua con hẻm đều bức xúc. Và cũng dĩ nhiên không kém, vào mỗi cuối tuần để mặc mọi thứ ngổn ngang, các công nhân thi công công trình đều vắng bặt. Dân cáu là chuyện của riêng dân. Giờ thì chúng tôi phải đi đường vòng, xa hơn, kẹt xe hơn, và sự ức chế trên những con đường khói bụi càng khiến tôi nhớ đến con hẻm sạch sẽ của mình trước kia.
"David Cameron", "Từ chức", "Brexit", "Vương quốc Anh", "Liên minh châu Âu (EU)", "Trưng cầu dân ý lần hai"... là những cụm từ khuấy đảo thông tin vào cuối tuần rồi. Nhiều người Anh sau cơn hồ hởi ném lá phiếu trưng cầu dân ý vào thùng, phút chốc lại lâm vào trạng thái hoang mang với câu hỏi: "Mình vừa làm xong việc gì ấy nhỉ?". Và khi ý thức được việc vừa thực hiện, 3 triệu công dân Anh lâm vào trình trạng hoảng hốt, đòi bỏ phiếu lại.
Tính hợp lý của cuộc trưng cầu dân ý ở Vương quốc Anh vừa rồi, là điều tôi không bàn tới. Tôi chỉ muốn nói về cái cách mà người Anh được tham gia vào câu chuyện của hệ thống chính quyền tại nước này. Ít ra, đến cuối cùng, sau khi lá phiếu được bỏ, họ có hoảng hốt, thì cũng được quyền tự hỏi là “mình vừa làm gì ấy nhỉ?” - chứ không phải là “họ vừa làm gì ấy nhỉ?”.
Khác với cuộc trưng cầu dân ý ở Anh vừa qua, không có tính bắt buộc về mặt pháp lý đối với chính phủ (cho dù chính phủ Anh chắc cũng sẽ thuận lòng dân), thì Luật trưng cầu dân ý vừa được thông qua ở nước ta cuối năm vừa rồi, khẳng định rằng nếu có trưng cầu dân ý, thì kết quả đó buộc phải được thực hiện. Tức là Luật của ta rất mạnh, ý chí chính trị của Việt Nam trong việc lấy ý kiến nhân dân rất cương quyết.
Nhưng đấy là lý thuyết. Còn nhu cầu lắng nghe ý kiến của người dân trong cuộc sống thường ngày được thể hiện như thế nào?
Từ con hẻm đến con đường nhỏ, nơi nào cũng thấy người dân bị bất ngờ vì những quyết định của chính quyền. Mấy năm trước, các công nhân xây dựng công trình công cộng bỗng đào một rãnh sâu trước cửa trụ sở của một doanh nghiệp nọ. Nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Ông chủ doanh nghiệp cáu lắm, truy vấn. Họ lặng im. Ông chủ doanh nghiệp kể cho tôi nghe, muốn được làm nhanh phải biết điều biếu họ ít tiền. Ông chủ doanh nghiệp không muốn thực hiện điều này, thứ mà ông muốn chỉ là thoả mãn được câu hỏi, "Sao không thông báo cho ông biết lịch trình thi công?". Hẳn là, chẳng ai trả lời cho ông câu hỏi đó.
Năm 2013, ông Nguyễn Văn Lang, một công dân của thành phố từng khởi kiện Sở Giao thông Vận tải vì để nhà thầu dựng lô cốt án ngữ trước quán cơm của ông quá lâu. Tòa án Nhân dân TP HCM đã tuyên cho Sở Giao thông Vận tải phải bồi thường cho ông Lang một khoản tiền. Một lần “lắng nghe” vô cùng hiếm, và phải qua hình thức lá đơn kiện.
Điển hình nhất cho câu chuyện dân làm việc của dân, chính quyền làm việc của chính quyền là câu chuyện nâng đường lẫn xây tường chống ngập trên đường Kinh Dương Vương, Quận 6 vừa qua. Chính quyền muốn làm cứ làm, dân chịu cứ cố chịu cho đến lúc may mắn được báo giới phản ánh và lãnh đạo thành phố xét lại.
“Trưng cầu dân ý” không phải là khái niệm để nói về một cuộc bỏ phiếu cả nước như chuyện vừa diễn ra ở Vương quốc Anh. Ở nghĩa rộng, nó là việc lắng nghe ý kiến của người dân ở mọi cấp độ, trong những quyết định có thể gây ảnh hưởng mạnh đến đời sống nhân dân và có khả năng người dân có ý kiến khác. Vẫn biết là đã có cơ quan dân cử để giám sát, nhưng không phải là vì thế mà người dân còn mỗi quyền… im lặng đứng nhìn.
Dĩ nhiên, mỗi thể chế có những lề luật riêng phù hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ ấy. Có điều, nhìn cái cách của người dân Anh đang bỏ phiếu về con đường của cả dân tộc, tôi lại nghĩ đến con hẻm mình đi làm mỗi sáng. Chỉ một con hẻm nhỏ xíu mà ý dân cũng không được lắng nghe, thì dân sẽ rất ngại khi bàn đến chuyện con đường lớn của dân tộc.
Ngô Nguyệt Hữu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét