Chống tham nhũng đã “không có ngoại lệ”, dính chàm đừng mong "hạ cánh an toàn"
Ngày 30/6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với mục tiêu đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với sự đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa trong công cuộc đấu tranh này.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhìn nhận: “Phải nói rằng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã được đặt ra ngay từ Đại hội VII, nhưng suốt từ đó đến Đại hội X, chuyển biến chưa được như kỳ vọng.
Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do chủ trương đã có, nhưng biện pháp còn ít và đặc biệt, quyết tâm chưa cao.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”, thì trong giai đoạn trước đó, biện pháp của chúng ta chưa nhiều, quyết tâm cũng chưa cao, nhất là ở cấp Trung ương.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: giaoduc.net.vn). |
Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, kể từ Đại hội XI đến nay, tình hình chuyển biến khác hẳn. Thành tích nổi bật là một loạt vụ việc.
Một mặt, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, gồm 16 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng chí Tổng Bí thư gương mẫu nên tiếng nói của Tổng Bí thư rất có trọng lượng. Từ đó, lan tỏa ra các đồng chí khác, làm cho cuộc chiến chống tham nhũng ở cấp Trung ương ngày càng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Mặt khác, theo báo cáo kết quả 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, số lượng cán bộ cao cấp bị kỷ luật lên đến 170 đồng chí, số Đảng viên bị kỷ luật lên đến 168.000 đồng chí, điều đó chứng tỏ, công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta ngày càng tiến triển theo hướng tích cực, ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy rằng, những con số ấy cũng làm cho chúng ta đau lòng, bởi, dường như những cán bộ cao cấp ở mọi ngành, mọi lĩnh vực đều có người dính chàm. Mặc dù rất đau lòng khi “khui ra”, nhưng phải làm, để làm trong sạch đội ngũ, tạo niềm tin trong nhân dân”.
Ông Nguyễn Túc cũng bày tỏ: “Trong 10 năm qua, các cơ quan của Đảng đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.
Ngoài ra, những con số vi phạm bị xử lý trong 10 năm qua cũng cho thấy, tham nhũng, tiêu cực không chỉ ở riêng trong một ngành, một lĩnh vực hay một địa phương nào đó, mà giống như một “vết dầu loang”, loang dần từ cơ sở lên đến Trung ương, và ở Trung ương cũng không loại trừ ngành nào...
Song, cũng chính những con số ấy đã cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta hiện nay đã không còn những điều khiến dư luận phải băn khoăn như trước đây, với “vùng cấm”, “ngoại lệ”, “tư duy nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn”… Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giờ đây đã thực sự “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai.
Tôi cho rằng, 10 năm qua, quan trọng nhất chính là tạo được sự nhất trí trong Đảng, sự nhất trí trong Bộ Chính trị, trong Trung ương, điều đó không phải dễ dàng.
Nhưng đến ngày hôm nay, mọi vụ trọng án được đưa ra đều được sự nhất trí cao của Trung ương. Như mới đây nhất, vụ Việt Á và những sai phạm của ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long chẳng hạn... Tạo sự nhất trí cao trong cơ quan Trung ương ấy chính là vai trò của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhấn mạnh: “10 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm, có kết quả. Cũng trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Chính trị đã đánh giá cơ bản về những đồng chí được trao chức trao quyền ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, bây giờ, thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chính là một bước phát triển trong công tác này.
Tuy nhiên, qua những vụ việc vừa rồi, chúng ta cũng thấy rằng, thực tiễn còn khiến người dân phải băn khoăn, khi trong những người đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng giao nhiệm vụ, lại có không ít người vướng vào lao lý. Như vậy, kèm theo niềm tin, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng phải giám sát chặt chẽ, trước hết là những người đứng đầu tại 63 tỉnh thành.
Đồng thời, phải xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trách nhiệm đến đâu khi để xảy ra những tiêu cực như vậy trong đội ngũ đã được “tuyển chọn”, không thể để các cơ quan tham mưu “bình chân như vại”.
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước không đủ sức để giám sát toàn bộ, mà phải huy động sức mạnh của nhân dân, làm sao để nhân dân giám sát quyền lực, những người do nhân dân bầu và cử ra. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Có dân là có tất cả”, bởi vì ở đâu cũng có tai mắt của nhân dân. Chính vì vậy, chúng ta dứt khoát phải huy động mạnh mẽ, khơi dậy trách nhiệm của nhân dân, để nhân dân thực sự làm chủ đất nước này”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Túc cũng chỉ ra: “Chúng ta cần lưu ý, trong phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường một mặt giúp phát triển kinh tế, nhưng mặt khác, nếu không được giáo dục đến nơi đến chốn, sẽ làm băng hoại đạo đức con người. Đặc biệt, khi đã hình thành được một đội ngũ doanh nhân nhưng lại không được giáo dục đến nơi đến chốn về tinh thần yêu nước thì dễ trở thành những nhà tư sản, lấy lợi nhuận làm đầu, sẵn sàng móc ngoặc với những cán bộ có chức, có quyền thoái hóa, biến chất, tạo ra những mất mát vô cùng to lớn. Vì vậy, phải xây dựng đội ngũ doanh nhân vững mạnh, nhưng phải có tinh thần yêu nước, nếu không sẽ rất nguy hiểm”. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét