'Những chân trời đau xót, nơi đây nếm đủ cả một đời'
TTO - Đó là chia sẻ của TS.BS Đoàn Thu Trà - phó giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai - sau khi thắp hương cho những người không may đã khuất vì COVID-19, trước khi đoàn y bác sĩ chi viện rời về Hà Nội.
Sáng 15-10, lễ tổng kết bàn giao giữa Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhân dân Gia Định diễn ra tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 số 16 (phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM).
Đoàn y tế Bệnh viện Bạch Mai chính thức rời TP.HCM sau hơn 2 tháng thực hiện công tác chi viện.
Sự vào cuộc nghĩa tình
Trong thời gian hơn 2 tháng, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 số 16 đã tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, trong đó có 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 số 16 - cho biết để chuyển từ một trung tâm thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ sang một trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng là cả vấn đề lớn.
Ta có thể đếm được số nhân viên y tế đến chi viện, nhưng không đếm được bao giọt mồ hôi bên trong lớp áo bảo hộ. Chúng ta ước lượng được bao nhiêu tấn hàng đã chuyển đến TP.HCM, nhưng chúng ta không thể đong đếm bao yêu thương và tận tụy đã chuyển đến TP thân thương này.
Sự vào cuộc nghĩa tình của hàng nghìn cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã giúp triển khai đúng tiêu chuẩn và đưa trung tâm vào hoạt động sớm nhất.
“Tôi còn nhớ thời khắc lịch sử, sau khi hoàn thiện máy móc chạy thử và khử khuẩn, ngay đêm đó, đúng 23h, chúng tôi đã bắt đầu nhận bệnh. Và chỉ trong đêm đầu tiên đã có 60 bệnh nhân nhập viện. Sau 1 ngày lên đến hơn 100 ca.
Trong lịch sử, ngay cả Bệnh viện Bạch Mai quy mô 3.500 giường cũng chưa bao giờ chứng kiến việc cấp cứu và hồi sức cho số lượng bệnh nhân lớn và nặng như vậy”, BS Tuấn xúc động chia sẻ.
Dù đã chuẩn bị tâm lý và khí thế khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, nhưng khi bắt tay vào việc, ngay cả những đầu tàu lãnh đạo như GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cũng thấy choáng ngợp.
"Đêm đầu tiên, sau khi tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nặng và có ca tử vong, hết ca hầu hết kíp trực đều ôm nhau khóc. Các chuyến xe lặng lẽ đưa nhân viên y tế về khách sạn nghỉ ngơi rồi chở nhóm mới đến bệnh viện không ai nói với ai lời nào. Tất cả như người tự kỷ.
Sau hơn 1 tháng, việc điều trị bệnh nhân đã có dấu hiệu tích cực, khi đó tâm lý anh em mới ổn định trở lại”, BS Tuấn bộc bạch.
Thành quả từ sự cộng hưởng, đoàn kết
Thay mặt ngành y tế TP.HCM, PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế - đã có những chia sẻ thân tình thay lời cảm ơn đến đội ngũ y tế Bệnh viện Bạch Mai.
“Ngày từ thời điểm đầu triển khai, tôi cũng chưa hình dung hết được mô hình, vậy mà chỉ trong vài ngày trung tâm đã hình thành với quy mô 360 giường, đúng nghĩa công trình thế kỷ. Cảm ơn Bệnh viện Bạch Mai đã huy động một nguồn nhân lực y tế tinh nhuệ nhất để cùng TP chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân”, ông Thượng nói.
Chia sẻ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP hiện nay, ông Thượng cho biết hai tuần qua, số ca mắc trên địa bàn TP tiếp tục có xu hướng giảm, số ca xuất viện tiếp tục tăng. Ngày 14-10 vừa qua, với 61 ca tử vong, là con số thấp nhất trong quá trình chống dịch đến hiện nay. Đó là công sức của rất nhiều nỗ lực, sự cộng hưởng, đoàn kết của đội ngũ y bác sĩ khắp cả nước.
“Rất cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã đưa ra 1 thuật ngữ mà tôi nhớ mãi, đó là mô hình “Chị - Em”, để thấy rõ ngoài chuyển giao kỹ thuật còn có sự gắn kết tình cảm giữa bệnh viện đầu ngành với các bệnh viện trong TP.
Một quá trình chống dịch, ban đầu là sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương để nâng cao năng lực của các bệnh viện tầng 2, 3. Sau đó, triển khai gọng kìm thứ 2, đó là chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng, rõ ràng chúng ta sử dụng cả 2 gọng kìm cùng một lúc mới có được hiệu quả như hôm nay”, ông Thượng chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết bộ luôn theo dõi sâu sát tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và rất vui mừng khi số ca nhiễm và số ca tử vong giảm đi rất nhiều.
"Chúng ta đã có được rất nhiều bài học từ làn sóng dịch thứ 4 này. Tôi đánh giá rất cao khả năng đáp ứng của y tế TP.HCM trong thời điểm hiện tại khi các nguồn lực hỗ trợ dần rút đi.
Trong thời gian qua, đã có lúc dịch bùng phát rất mạnh, nhưng y tế TP.HCM đã hết sức nỗ lực, sát cánh cùng các lực lượng khác để đưa cuộc sống của người dân nhanh chóng trở lại bình thường mới", ông Sơn chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét