Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Cần quan tâm điều trị tâm lý cho người mắc Covid-19

 

Cần quan tâm điều trị tâm lý cho người mắc Covid-19

SGGP 

Bên cạnh chống chọi lại bệnh tật, nhiều người mắc Covid-19 còn phải đối diện với các rối loạn về tâm lý, cảm xúc nảy sinh trong quá trình điều trị.

Cùng với phục hồi chức năng cơ thể như vận động, hô hấp, việc phục hồi chức năng về tâm lý, cảm xúc cũng là một phần quan trọng trong liệu pháp điều trị bệnh nhân. Thầy thuốc cần hiểu rõ về bản chất tâm lý, cảm xúc của người bệnh và cơ chế dẫn đến các rối loạn này. Người mắc Covid-19 không chỉ chiến đấu chống lại bệnh tật, mà còn đối diện với thử thách lớn từ môi trường xã hội, đó là sự hoang mang, lo lắng và sợ hãi, đặc biệt là trong trạng thái cô đơn. 

Chúng ta đã biết, đa số người bệnh là người cao tuổi, có bệnh nền. Bản thân họ trước khi mắc Covid-19 đã phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của người thân, nay ở trong khu điều trị, họ tự chống chọi cùng sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ nhân viên y tế. Mặt khác, họ nhận thức được sự nguy hiểm của dịch Covid-19 nên có phần hoang mang, sợ hãi. Trên một cơ thể yếu đuối khi nhiễm bệnh, họ có thể dễ dẫn đến trạng thái ám thị hoặc hoang tưởng. 

 Giống như các rối loạn khác, rối loạn về tâm lý, cảm xúc nếu không được điều trị đúng, đủ và kịp thời cũng sẽ để lại những di chứng đau lòng kéo dài đến suốt đời, không những với người bệnh, mà còn với cả người thân. Trên thực tế, không ít người bệnh đã rơi vào trạng thái dễ cáu giận, không hợp tác thậm chí không muốn sống. Vì vậy, bên cạnh điều trị theo đúng phác đồ, đội ngũ nhân viên y tế còn đảm nhiệm một trọng trách to lớn đó là điều chỉnh các rối loạn tâm lý, cảm xúc, mục đích tạo cho người bệnh có được trạng thái vui vẻ, phấn khởi, thoải mái và có niềm tin. 

Ngoài điều trị chuyên môn, việc được chăm sóc tốt về tâm lý sẽ giúp người bệnh Covid-19 phục hồi tốt hơn, giảm nhẹ tác động đến bệnh nền (nếu có), hạn chế các biến chứng và sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước. Do vậy, nhân viên y tế phải có kỹ năng tư vấn tốt, nắm được các kiến thức cơ bản về tâm lý liệu pháp; lồng ghép điều trị phục hồi chức năng với điều trị tâm lý; chú trọng tương tác về lời nói, ánh mắt với người bệnh.

Đối với các cơ sở y tế, cần có một đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành tâm lý trị liệu (khoa tâm thần) túc trực thường xuyên; xây dựng đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp để chăm sóc người bệnh Covid-19 ngay tại giường bệnh, chăm sóc, vệ sinh cá nhân, vật lý trị liệu… Đối với người nhà cần thường xuyên tâm sự, an ủi, động viên bệnh nhân Covid-19, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ sớm vượt qua bệnh tật, sớm hồi phục trở lại.

BS DƯƠNG CHÍ LỰC, Đoàn công tác BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ chống dịch tại TPHCM

Không có nhận xét nào: