Bất ngờ về lí do nhiều người cân nhắc bỏ dùng mạng xã hội
Ở thời đại mà cuộc sống của chúng ta gần như gắn hoàn toàn với mạng xã hội thì không ít người chỉ đơn giản là muốn tránh xa nó.
Xuất hiện thái độ tiêu cực với mạng xã hội
Thầy Trương, một giáo viên đại học tại Trung Quốc năm nay vừa tròn 30 tuổi. Khi mới vào trường học dạy cách đây vài năm, mỗi cuối buổi học, luôn có rất nhiều học sinh đến trao đổi với anh, nhưng có một điều khiến anh rất lúng túng: “Kết thúc cuộc nói chuyện luôn luôn là “Thưa thầy, thầy có thể cho em xin tài khoản WeChat không ạ? Sau này nếu có thắc mắc gì, em sẽ nhắn tin hỏi thầy”. Những lúc như vậy anh thường từ chối, và đề nghị sinh viên gửi email nếu có bất kỳ câu hỏi nào.
Trong cuộc sống hằng ngày, anh Trương chỉ sử dụng WeChat để quét mã QR phục vụ phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ và thanh toán điện tử.
Cũng như anh Trương và nhiều người tại Trung Quốc, việc tránh xa điện thoại di động đã mang lại cho họ nhiều thời gian tập trung cho công việc cũng như chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Mới năm ngoái, Amanda Lenhart, một nhà nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc khảo sát về tần suất sử dụng mạng xã hội của các thanh thiếu niên Mỹ.
Kết quả khảo sát cho thấy 58% thanh thiếu niên công khai rằng họ đã đăng xuất ít nhất một lần trên nền tảng mạng xã hội. Có rất nhiều lý do cho việc đăng xuất này, trong đó quan trọng nhất là họ bận học hoặc đi làm và không có quá nhiều thời gian để cập nhật tin tức. Lý do thứ hai là họ cảm thấy rất mệt mỏi và phiền phức với những thông tin tràn lan trên mạng xã hội.
Thật trùng hợp, những kết quả khảo sát tương tự đã thực sự xuất hiện từ bốn năm trước tại một trường học ở Anh. 63% trẻ em tin rằng nếu không có những thứ như mạng xã hội trên hành tinh này, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn.
Không những vậy, một cuộc khảo sát khác trên 9.000 người dùng Internet tại một công ty tư vấn chỉ ra nhóm thanh niên tuổi từ 18-24 ngày càng có thái độ tiêu cực với mạng xã hội. Năm 2016, 66% người đồng ý với lựa chọn “mạng xã hội quan trọng với tôi”, tuy nhiên sau hai năm, con số này giảm xuống còn 57%.
Khảo sát tại thị trường nước ngoài, 50% thanh niên sinh sau năm 1995 cho biết họ cân nhắc tới việc bỏ mạng xã hội ít nhất một lần. Các nhà nghiên cứu tham gia cuộc khảo sát này cho rằng “thái độ của giới trẻ với mạng xã hội có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn”.
Một nỗ lực không sử dụng mạng xã hội
Khẩu hiệu của các nền tảng mạng xã hội thường được thể hiện như “chia sẻ một cuộc sống tươi đẹp”, tuy nhiên khi cuộc sống của bạn không mấy đặc biệt thì những “điều tươi đẹp” của người khác đôi khi sẽ trở thành khủng bố tinh thần.
Ngay cả khi bạn biết rằng những bức ảnh đăng lên đều được lựa cẩn thận từ cả trăm bức ảnh trước đó, nhưng đôi khi bạn không thể thoát khỏi cảm giác hụt hẫng, lo lắng, thậm chí là ghen tị.
Không có gì ngạc nhiên khi nghĩ rằng “mạng xã hội gây nghiện”. Thực tế, con người xem mạng xã hội như chơi đánh bạc. Bạn không biết rằng những thông tin, hình ảnh tiếp theo sẽ mang lại sự kích thích giác quan nào, vì vậy bạn không thể ngừng vuốt xuống.
Trên Douban (một trang web của Trung Quốc), có một nhóm được gọi là “Hội người theo chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số”. Nhóm được lấy khái niệm từ Carl Newport, phó giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Georgetown và là tiến sĩ MIT vào năm 2019.
Trong nhóm này, nhiều người chia sẻ cách sử dụng thời gian rảnh của họ thông qua các kênh khác nhau. Một số người còn mua hẳn những chiếc máy tính và điện thoại đời thấp để hạn chế bản thân.
Hiện nay, các nền tảng video ngắn như tiktok đã ra mắt chức năng “quản lý thời gian”, hỗ trợ và hiển thị thời gian sử dụng hằng ngày của người dùng trong vòng một tuần, đồng thời có thể đặt “lời nhắc nghỉ ngơi” hoặc “lời nhắc giấc ngủ”. Nếu người dùng sử dụng điện thoại quá khuya, ứng dụng cũng tự đề xuất các video theo chủ đề thuyết phục người dùng đặt điện thoại xuống và đi ngủ sớm.
Tuy nhiên, các phương tiện kỹ thuật chỉ có thể được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ. Việc “cai nghiện” được mạng xã hội hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người sử dụng. Mỗi người đều là một chiến hào độc lập.
Cứ ngắt kết nối một thời gian thử xem sao? Có thể bạn sẽ tìm thấy bình yên và tập trung vào cuộc sống trở lại.
SONG ANH (THEO SINA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét