Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

TP Hồ Chí Minh: Không cấp giấy đi đường sau ngày 30/9

 

TP Hồ Chí Minh: Không cấp giấy đi đường sau ngày 30/9/21

LÊ ANH

TP HCM đã ban hành chỉ thị mới chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn và phục hồi kinh tế, trong đó cho phép mở cửa trở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Sáng nay (30/9), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM đã họp báo công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Chủ trì buổi họp báo có ông Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện lãnh đạo UBND TP HCM và một số Sở ban ngành thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình.

Công bố chỉ thị mới của TP HCM, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố đã trải qua hơn 4 tuần giãn cách xã hội và chuẩn bị kết thúc đợt giãn cách gần nhất. Do đó, UBND TP quyết định ban hành Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Các nội dung chính của chỉ thị này dự báo có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, vốn phải tạm ngưng hoạt động nhiều tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Không phải ngay sau 30/9, TP HCM sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động mà mở cửa từng bước và có lộ trình", ông Lê Hòa Bình cho biết, đồng thời nhấn mạnh, chỉ thị mới ưu tiên cho mở cửa các hoạt động kinh doanh, sản xuất để giải quyết vấn đề lao động việc làm. Người dân, doanh nghiệp đã chờ đợi thời điểm này từ rất lâu rồi.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng khẳng định, gần như 100% công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp của TP HCM được ưu tiên tiêm vaccine và đến nay đã tiêm tiêm đủ 2 mũi, nếu các hoạt động trở lại thì người dân sẽ được tiếp cận việc làm, ổn định cuộc sống.

Cụ thể, theo chỉ thị mới, sau 30/9 TP HCM vẫn kiểm soát chặt chẽ người ra/vào thành phố. Tuy nhiên, trong nội thành, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ được mở trở lại với điều kiện người tham gia có "thẻ xanh Covid-19" và cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh đảm bảo chấp hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trên các lĩnh vực.

Điều kiện hoạt động: Tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/. Đến ngày 15/10, các cơ quan, tổ chức thực hiện quét mã QR của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Hoạt động đi lại: Người dân TP HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vaccine. Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và sau 14 ngày.

Theo chỉ thị mới, sau 30/9 người dân từ TP HCM về quê phải được sự hướng dẫn và cho phép từ Sở GTVT TP HCM.
Theo chỉ thị mới, sau 30/9 người dân từ TP HCM về quê phải được sự hướng dẫn và cho phép từ Sở GTVT TP HCM.

Về "Giấy đi đường", sau ngày 30/9 TP HCM sẽ không cấp "Giấy đi đường", thay vào đó sẽ dùng công nghệ thông tin để kiềm soát, từ đó giảm phiền hà cho người dân.

TP HCM đặc biệt lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì phải được sự cho phép của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM.

Ở chiều ngược lại, TP HCM sẵn sàng đón công nhân, người lao động trở lại thành phố để tham gia hoạt động sản xuất, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh với thành phố như Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. TP HCM sẽ phối hợp quy trình để đưa công nhân ở các nơi này về TP HCM bằng phương tiện chung.

Theo ông Lê Hòa Bình, hiện TP HCM đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành về quy trình phối hợp đón công nhân trở lại TP HCM. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP HCM cũng sẽ khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế để trở lại thành phố.

Tới đây, Sở GTVT TPHCM sẽ hướng dẫn việc đi lại giữa các tỉnh trong vùng của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố; lưu thông liên tỉnh trong trường hợp cấp thiết.

Hỗ trợ người dân: Trong tháng 10, TP HCM triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Thành phố sẽ hướng dẫn các quận huyện và TP Thủ Đức đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp. 

"Người dân ở lại với TP HCM sẽ nhận gói hỗ trợ và tiếp tục tham gia sản xuất để cùng thành phố xây dựng và phát triển", ông Lê Hòa Bình cho biết.

Khám chữa bệnh: TP HCM thực hiện phục hồi công năng cho các bệnh viện khám chữa bệnh khác ngoài bệnh Covid-19. Đáng chú ý, thành phố sẽ nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh, nghiên cứu thành lập "khoa COVID" tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. 

Từ tháng 10, TP HCM cũng sẽ sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19 TP HCM để triển khai cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân.

Lưu thông hàng hóa: TP HCM làm việc với các địa phương để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Hoạt động giao hàng Shipper vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công thương TP HCM. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, hiện nay Bộ GTVT đã có kế hoạch mở lại các hoạt động vận tải, đường bay. Các hoạt động nếu được sự cho phép của nơi đi và nơi đến vẫn có thể thực hiện được.

Theo nội dung chỉ thị mới, sau ngày 30/9 TP HCM sẽ loại bỏ hết các chốt chặn trước đây nhưng Công an TP HCM vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Một số hoạt động tiêu biểu mở cửa trở lại từ 1/10:

- Đơn vị nhà nước được hoạt động trở lại, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định số lượng lao động đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

- Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế chủ động quyết định phương án làm việc phù hợp với quy định phòng chống dịch.

- Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, cơ sở dịch vụ y tế, cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

- Một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao.

- Hoạt động giáo dục và đào tạo; tiếp tục dạy học gián tiếp; các hình thức đào tạo cho người đã được tiêm đủ vaccine có thể dạy học trực tiếp...

Như đã thông tin, TP HCM đến nay đã trải qua gần 5 tháng giãn cách xã hội các mức độ, trong đó có hơn một tháng giãn cách nghiêm ngặt (từ 23/8) "Ai ở đâu, ở yên đó". Tính đến sáng nay (30/9), TP HCM ghi nhận hơn 380.000 ca nhiễm Covid-19.

Không có nhận xét nào: