Test xét nghiệm COVID-19 giá rẻ, chất lượng cao chưa được quan tâm
Gần đây dư luận đang dấy lên nhiều lo ngại về việc tốn kém trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 mặc dù có những phương án tiết kiệm, hiệu quả hơn nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.
Đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 lần thứ 4 tại nước ta đang có một số tín hiệu khả quan. Góp phần không nhỏ vào thành công bước đầu này là việc mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng xét nghiệm tầm soát nhằm vét sạch F0 để cách ly điều trị, từng bước loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh khỏi cộng đồng, cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Sáng 14.9.21 tại phiên họp thứ ba Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tầm quan trọng của việc tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội huy động được. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều này, bởi gần đây trong dư luận đang lo ngại việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm chưa hiệu quả.
Hiện nay, giá công bố các loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 đang được lưu hành tại Việt Nam phổ biến ở mức 116.000 đồng – 200.000 đồng/1 test. Giá thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tối đa là 238.000 đồng/mẫu theo quy định của Bộ Y tế.
Tương tự, Bộ Y tế cũng đã cấp phép lưu hành cho gần 30 sản phẩm xét nghiệm RT-PCR trong nước và nhập khẩu, với giá công bố giao động từ 280.000 đồng – 600.000 đồng/1 test.
Theo hướng dẫn mới nhất về mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR, mức giá tối đa là 734.000 đồng/xét nghiệm. Hầu hết các địa phương và các cơ sở y tế đều đang áp dụng các mức giá này.
Để khắc phục tình trạng chất lượng không đồng đều giữa các loại xét nghiệm trên thị trường, đồng thời nhằm tiết kiệm chi phí và sẵn sàng về cơ số vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp nhu cầu dự kiến đến hết năm 2021 từ các địa phương trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã nhiều lần tổ chức họp trực tuyến và mời các nhà sản xuất uy tín trên thế giới trực tiếp báo giá ưu đãi cho Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã gửi văn bản mời các nhà cung cấp có sản phẩm test nhanh kháng nguyên và RT-PCR được cấp phép lưu hành tại Việt Nam (bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước) gửi báo giá kèm theo điều kiện thanh toán và số lượng tối đa có thể cung cấp, và đã tổng hợp được số liệu từ ngày 13/09/2021.
Tới nay, ít nhất đã có 2 tập đoàn trong nước đàm phán và mua sẵn được một lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm chất lượng cao (lên tới hàng chục triệu đơn vị) từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới với mức giá tốt hơn rất nhiều so với mặt bằng giá tại thị trường Việt Nam.
Sau khi đã tặng hàng chục triệu bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên và RT-PCR cho các địa phương, một trong hai tập đoàn nói trên hiện đang có sẵn trong kho một số lượng lớn sinh phẩm có thể đáp ứng đủ ngay cho nhu cầu trước mắt của cả nước với mức giá ưu đãi đã được trợ giá chỉ còn chưa tới 50.000 đồng /test nhanh kháng nguyên và dưới 100.000 đồng /bộ sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR. Rõ ràng, so với số tiền mà các đơn vị đang phải chi trả trong các chương trình mua sắm gần đây, đây là mức giá giúp tiết kiệm được số tiền cực lớn, chưa kể đến lợi ích không thể chối cãi của việc có sẵn sinh phẩm xét nghiệm để phục vụ nhu cầu cấp bách.
Trước đó, dù một số địa phương có dịch đã biết khá rõ việc này, song không hiểu vì sao tới nay nhiều nơi vẫn không hề có động thái “tiết kiệm” cho nguồn lực địa phương của mình. Ngay cả ở các nơi đang là điểm nóng về dịch bệnh, các Sở Y tế vẫn chưa hề có chiến lược mua sắm tập trung với mục tiêu vừa sẵn sàng về vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, vừa tiết kiệm chi phí ở mức tốt nhất.
Đấy là còn chưa nói tới việc thụ động có thể dẫn tới tình trạng thiếu thốn vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm như đã từng xảy ra, có thể sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường không những về kinh tế mà còn cả sức khoẻ, tính mạng của nhân dân trước đại dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét