Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Yêu chó dữ, quên tình đồng loại

 

Yêu chó dữ, quên tình đồng loại

https://tuoitre.vn/... đăng ngày 30/05/2021 10:43

TTO - Chưa hết hoang mang với chuyện chó cắn chết người đang uống cà phê ở Long An, mọi người lại bàng hoàng hay tin cháu bé (28 tháng tuổi) bị một con pitbull cắn suýt chết tại Khánh Hòa.

Mọi người bỗng tự hỏi từ bao giờ chúng ta trở thành nạn nhân của chó dữ? Từ bao giờ, chúng ta đang uống cà phê vỉa hè, dạo phố, tập thể dục ở công viên... đều có thể bị một con chó dữ không biết từ đâu lao đến gầm ghè?

Phải chăng từ khi xuất hiện một nhóm người rủng rỉnh tiền bạc, lấy việc nuôi chó dữ làm thú vui mà bất chấp các quy định của pháp luật. Họ xem việc vỗ béo những con ngao Tạng, becgie, pitbull... làm thú tiêu khiển, mà quên mất quy định phải báo với chính quyền địa phương, phải cam kết nuôi nhốt (hoặc xích chó) trong khuôn viên gia đình. Vậy là không ít kẻ thản nhiên dắt chó dữ nhe răng nhọn hoắt ra đường, trước ánh mắt nem nép của người khác, bất chấp luôn quy định phải đeo rọ mõm chó và phải tiêm ngừa dại.

Trong mắt nhiều người chủ, chó là thú cưng nhưng với mọi người nó là thú dữ (con pitbull ở Long An chẳng phải cắn chủ nó suýt mất mạng đó sao).

Nếu hỏi những người yêu môn chạy bộ ở VN nỗi ám ảnh nhất trên đường chạy của họ là gì, có lẽ đều nhận được câu trả lời: chó dữ. Chó dữ được thả ra đường nhan nhản khắp nơi mỗi sáng, mỗi chiều... sẵn sàng nhảy xổ vào chân người đi dạo. Nguy hiểm hơn, chúng xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ trên đường phố, công viên, bãi biển... mà có thể ở cả sân ga, bến tàu, bến xe... trong một cuộc tiễn đưa cậu ấm, cô chiêu nào đó.

Giờ thì nạn chó dữ thả rông đã trở thành một nỗi lo quá lớn, bởi nó đã thành một "khoảng trống mênh mông" thiếu sự quản lý trong đời sống hiện nay, bởi thiếu đội ngũ thực thi các quy định của pháp luật.

Pháp luật đã quy định việc nuôi chó khá rõ ràng: phải đăng ký với UBND cấp xã (theo quyết định 193/QĐ-TTg 2017); phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại (theo thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT); phải đeo rọ mõm cho chó khi ra đường (theo nghị định 90/2017/NĐ-CP). Thế nhưng trên thực tế, hầu như vắng bóng lực lượng đi kiểm tra, giám sát việc này. Các đội săn bắt chó hoạt động khá hiệu quả một thời, hình như cũng đã giải thể?

Tình trạng bức xúc đến mức, có cử tri nhắn gửi tới các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, trước đợt bầu cử vừa rồi: "Nếu trúng cử, nhớ đem giùm chuyện quản lý chó dữ thả rông vào nội dung chương trình nghị sự của Quốc hội sắp đến"(?!)

Trong khi đợi hành vi của người nuôi chó dữ được điều chỉnh bởi việc thực thi pháp luật đầy đủ, mọi người mong rằng các chủ chó cần có ý thức tốt hơn. Bởi nuôi chó dữ (mà không tuân thủ các quy định) thì không phải yêu thương động vật mà là nuông chiều thói hợm hĩnh. Mang chó dữ ra đường không phải để thể hiện sức mạnh hơn người mà nó cho thấy sự kém cỏi bởi thiếu hụt lòng nhân ái và sự tôn trọng những người xung quanh. Đó không phải là đẳng cấp của sang trọng mà là sự xuống cấp của lối sống ô trọc.

Cuối cùng, ai cũng có thú vui nhưng đừng để thú vui của mình thành nỗi đau của người khác. Xin đừng yêu chó dữ mà quên tình đồng loại. Và hãy nhớ giùm để chó dữ cắn người đó là tội ác.

Phát hoảng với chó thả rông trong đô thịPhát hoảng với chó thả rông trong đô thị

TTO - Té xe, lăn trên đường vì chó. Trẻ con bị chó rượt hoảng sợ tái mặt. Đi làm về giẫm phải "mìn" phân chó. Hỏi ai không giận, nhưng nói mãi cũng như không.

HUỲNH HIẾU

Không có nhận xét nào: