Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Có những giọt nước mắt trong viện, ngay lúc này

 Có những giọt nước mắt trong viện, ngay lúc này

Uyên Vũ
Uyên Vũ     
https://baogiaothong.vn/... đăng ngày 16/05/2021 19:27

Hãy thấu hiểu và cộng tác để các nhân viên y tế vững vàng tiếp bước trong cuộc chiến với Covid-19 đầy cam go này.

Có những giọt nước mắt trong viện, ngay lúc này 1

Ngày đêm túc trực điều trị bệnh nhân nặng Covid-19 ở BV Bệnh nhiệt đới

Từ tâm dịch - giữa những ngày gồng mình chống chọi dịch bệnh, một bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chua xót viết: “Nhận được tin mẹ của 1 đồng nghiệp vừa qua đời đêm qua, mà cả 2 vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các con sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng…

Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin 1 điều dưỡng bị một bệnh nhân Covid lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu bạn ý cung cấp số điện thoại của Giám đốc bệnh viện trong khi bạn ấy đang cố giải thích không có và chờ gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo khoa. Nghĩ đến 1 nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân đó bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được…

Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân khi nhận điện có diễn biến xấu… Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng lầm lũi đẩy xe đi phát cơm cho các bệnh nhân cho cả người vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…”.

Khó ai không nhói lòng, xót xa khi đọc những dòng chia sẻ ấy.

Ở nơi đó, sau khi có bác sĩ nhiễm SARS-CoV-2, toàn thể thầy thuốc bỗng chốc đều trở thành F1. Nhưng với lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính phải điều trị bệnh, còn lại các F1 là thầy thuốc vẫn phải tham gia phòng chống dịch theo các cách khác nhau.

Suốt gần 2 năm qua chống chọi với dịch bệnh, chưa lúc nào các anh chị ngưng, nghỉ.

Ở nơi đây, tính đến trưa 15/5, có 318 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Trong đó có nhiều ca bệnh nặng, có trường hợp ngày đêm y bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Đó là ca bệnh nền phức tạp, suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận chu kỳ, suy tim độ IV, tăng huyết áp, đái tháo đường, sốt kéo dài - viêm hạch. Trước khi phát hiện mắc Covid-19, bệnh nhân từng có 1,5 tháng điều trị tại Bệnh viện Việt Đức... và giờ buộc phải chạy ecmo để giành lại sự sống. Mà với mỗi ca ecmo, xung quanh bệnh nhân là 20 máy móc, thiết bị hỗ trợ cùng ê kíp y bác sĩ không phút giây nào lơ là.

Đó là ca bệnh vừa mang trong mình căn bệnh ung thư mắc Covid-19 bị vỡ lá lách được các bác sĩ ở đây mổ cấp cứu xuyên đêm...

Ở nơi này, mật độ bệnh nhân đông và chưa ngừng tăng, đặc biệt là các bệnh nhân nặng.

Họ chưa một lời ca thán dù từng giây, từng phút đối mặt với nguy cơ của dịch bệnh Covid-19.

Và họ cũng như tất cả những con người bình thường khác có mái ấm gia đình, có con thơ và cha mẹ già cần chăm sóc.

Nhưng, trong trận chiến này, họ bỏ lại sau lưng tổ ấm của mình mà ở đó có những đứa con thơ đêm đêm chập chờn giấc mộng ngóng mẹ về, có mẹ già đau đáu nỗi nhớ con… để không nề hà bất kỳ việc gì vì sức khỏe bệnh nhân.

Không thấu cảm, đã có bệnh nhân bất chấp ra tay hành hung chính những người đang ngày đêm chăm sóc, điều trị cho họ.

Đừng lấy lý do stress vì Covid-19 mà biện minh cho hành vi xấu xí đó. Bệnh nhân có thể chỉ ở viện 2-3 tuần nhưng với những nhân viên y tế, thời gian là 3-4 tháng, thậm chí còn chưa biết ngày nào, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Hãy thấu hiểu và cộng tác để các nhân viên y tế vững vàng tiếp bước trong cuộc chiến với Covid-19 đầy cam go này. Họ không khóc vì mỏi mệt, mà khóc vì những hành vi như thế.

Uyên Vũ

Không có nhận xét nào: