Vén màn bí mật khiến tòa nhà chọc trời Trung Quốc rung lắc bí ẩn
Điều tra sơ bộ đã chỉ ra các nguyên nhân có khả năng gây ra sự cố tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc rung lắc gây hoảng loạn.
Tòa nhà chọc trời SEG Plaza hơn 70 tầng ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc được biết đến như một trung tâm sầm uất hội tụ các thương gia phần cứng điện tử trên khắp cả nước. Nơi này hiện đã bị đóng cửa để kiểm tra toàn diện sau khi xảy ra sự cố rung lắc, chao đảo dữ dội hôm 18.5 khiến hàng nghìn người hoảng loạn, tháo chạy.
Một cuộc điều tra sơ bộ chỉ ra rằng sự kết hợp của ba yếu tố gồm gió, đường tàu điện ngầm bên dưới tòa SEG Plaza, và sự chênh lệch nhiệt độ bên trong và bên ngoài tòa nhà, có khả năng góp phần tạo ra một hiện tượng khí động học được các chuyên gia gọi là “đường xoáy Karman” gây ra sự cố nêu trên, theo một báo cáo từ Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn chưa có lời giải thích chính thức nào về vụ rung chuyển chấn động này. Tập đoàn điện tử Thâm Quyến - chủ sở hữu tòa SEG Plaza - chưa đưa ra bình luận trong khi Cục Quản lý Khẩn cấp Quảng Châu cũng từ chối suy đoán về nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, quản lý tòa nhà đã đưa ra một thông báo nội bộ yêu cầu kể từ sáng 21.5, không ai được phép ra vào tòa nhà cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất và không có mốc thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, đến chiều 21.5, các thương gia đã tiến hành di dời hàng hóa ra khỏi tòa nhà.
Công việc kinh doanh ở khu vực xung quanh tòa SEG Plaza và giao thông đã quay trở lại như bình thường và tòa nhà hiện là một địa điểm thu hút nhiều người tìm đến chụp ảnh tự sướng.
Đường xoáy Karman là một mô hình lặp lại của các đường xoáy gây ra bởi sự phân tách của chất lỏng hoặc gió xung quanh một cấu trúc nhất định. Đây được coi là nguyên nhân gây sự cố đổ sập đột ngột vào năm 1940 của cây cầu Tacoma Narrows ở tiểu bang Washington, đông bắc nước Mỹ.
Năm 1965, nhà máy điện than Ferrybridge ở Anh cũng bốc cháy sau khi 3 trong số 8 tháp làm mát của nó bắt đầu rung chuyển trước khi sụp đổ.
Một bài báo năm 2001 của nghiên cứu sinh Jin Dianqi - hiện là kỹ sư cao cấp - đã thu hút sự chú ý của công chúng sau khi phát hiện ra rằng các bản vẽ kỹ thuật của tòa nhà SEG Plaza thực sự bị tụt hậu về mặt xây dựng, theo một báo cáo của hãng truyền thông Trung Quốc - The Securities Times. Tác giả cho rằng thiết kế của tòa nhà đã được sửa đổi trong khi đang xây dựng, và một ăng-ten trên nóc tòa nhà phải được thay thế do một sai lầm trong giai đoạn thiết kế.
Theo hội đồng về các tòa cao ốc và môi trường sống đô thị (CTBUH) - một tổ chức có trụ sở tại Chicago chuyên về thiết kế và xây dựng nhà cao tầng - Trung Quốc có tổng cộng 2.395 tòa nhà cao hơn 150m, chiếm số lượng nhiều nhất trên thế giới, tiếp theo là Mỹ với 825 tòa.
Cho đến nay, Trung Quốc sở hữu một nửa trong số 10 tòa nhà chọc trời hàng đầu thế giới và chiếm 44 trong số 100 tòa nhà cao nhất thế giới. Trong đó có Tháp Thượng Hải cao 128 tầng, 632m - cao thứ hai trên thế giới. SEG Plaza là tòa nhà cao thứ 18 ở Thâm Quyến và thứ 212 trên thế giới, dữ liệu của CTBUH cho hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét