Quấy rối tình dục
https://thoimoi.vn/... đăng ngày 29-02-20 10:51.
Nơi tôi làm việc, lâu lâu lại có một nhân viên tự dưng biến mất. Như năm vừa rồi, T. - đồng nghiệp nam khoảng 30 tuổi - một ngày bỗng không tới văn phòng.
Mọi người xôn xao hỏi nhau, "T. đâu rồi", "sao lại nghỉ đột ngột thế", "mới tuần trước còn thấy đi làm". Hai tuần sau, chúng tôi mới biết T. bị một số đồng nghiệp nữ tố cáo về việc liên tục rủ rê họ đi ăn, đi chơi, nhắn tin bỡn cợt, dùng lời lẽ khiêu khích, khơi gợi chuyện tình dục. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi T. cố ý đụng chạm vào cơ thể một em khi đi cùng thang máy. T. bị tố cáo. Công ty đã điều tra và sa thải theo đúng nội quy lao động của tổ chức.
"Thiệt luôn hả chị?", K. tròn xoe mắt khi nghe tôi kể lại chuyện trên lúc chúng tôi ngồi cạnh nhau tại một phòng khám tâm lý. K. bị rối loạn giấc ngủ. Em hay mơ thấy ác mộng, la hét. "Người ta nói em bê đê, đồng nghiệp luôn coi thường, hạn chế giao tiếp", K. kể. Em bị cô lập, bị kỳ thị bằng những từ như "thằng bóng", "đàn bà thân xác đàn ông", em không hòa nhập được nơi làm việc nên phải nghỉ. Giờ K. ở nhà làm thêm nghề may, "cực quá trời chị ơi".
"Rồi có báo với công ty không?" tôi hỏi. K. cười lớn, "có mấy lần em báo nhưng ông chủ không nói gì, dần em hiểu mình không làm gì được đâu, mình chịu thôi". Thấy tôi nhăn mặt, K. lại cười phá lên. Em kể có người chị cũng hay bị ông này ông kia bỡn cợt, nhìn ngó, đẩy đưa, có khi còn tự ý chạm vào người. Hay như bạn em làm công nhân băng chuyền, cán bộ quản lý xuống cố tình đụng chạm, rủ đi nhà nghỉ. Nếu kêu lên hoặc phản ứng gay gắt thì mất việc, mà việc làm thời buổi khó kiếm nên phải chịu đựng cho qua. Chẳng những lao động nữ mà ngay cả nam giới như thằng M., bạn em cũng bị ông sếp sờ mó, rủ đi chơi xa các kiểu.
Chưa có thống kê đầy đủ và cập nhật về tình trạng quấy rối nơi làm việc tại Việt Nam. Nhưng theo khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động quốc tế công bố năm 2018, có đến 17% người được hỏi cho rằng chính họ hoặc một số người họ biết từng "nhận được đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc". Quấy rối tình dục trong lĩnh vực truyền thông là một vấn nạn phổ biến toàn cầu. Một cuộc khảo sát năm 2013 và 2014 cho thấy, 48% nhà báo nữ đã từng trải qua một hình thức bị quấy rối tình dục trong công việc, 83% thừa nhận rằng họ không tố cáo những hành vi này. Theo nghiên cứu "Phụ nữ và báo chí ở Việt Nam" do Viện Đào tạo báo chí Thuỵ Điển thực hiện năm 2018, tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27% phóng viên nữ được khảo sát cho biết đã từng bị quấy rối tình dục.
Một khảo sát do ActionAid tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường trong phát triển thực hiện với những nhóm đối tượng khác nhau cho thấy: có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; có 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần; có 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. Bên cạnh đó, 40% người tham gia khảo sát đã từng chứng kiến các hành vi quấy rối các em gái vị thành niên, 47% trong số đó chứng kiến hành vi này lặp lại nhiều lần.
Bộ Luật Lao động quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc là "một hành vi bị nghiêm cấm". Song, tuy đã được ban hành từ năm 2012, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về cách thức xử lý, xử phạt người vi phạm ngoài việc "người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động". Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào năm 2015. Tuy nhiên, theo bộ quy tắc trên, các hình thức quấy rối tình dục chỉ giới hạn trong việc: một người cố tình dùng lời nói, hành vi mang tính chất thể chất và hành vi phi lời nói để tác động lên một người nào đó. Nó không nhắc đến nhiều biểu hiện khác nếu người này cố tình thực hiện các hành động không được mong muốn với người kia: dùng ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt, huýt sáo, các cử chỉ của ngón tay thể hiện sự thiếu tôn trọng hay chú ý quá mức về giới tính, cơ thể, thái độ miệt thị hoặc phân biệt đối xử với giới tính, vẻ bề ngoài hoặc định hướng tính dục của người khác với nhiều biểu hiện từ tinh vi đến lộ liễu. Và tất cả đều không có các thiết chế xử phạt, thực thi.
Ngoài ra, một nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác quy định phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng cho hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự người khác". Nhưng, chỉ với một quy định đơn sơ như vậy, liệu có giải quyết hết được sự đa diện của vấn đề? Đó là lý do, lâu lâu công chúng lại bức xúc khi những kẻ sàm sỡ, đụng chạm, ép hôn phụ nữ trong thang máy... thậm chí nhiều hình thức quấy rối tình dục và xâm hại bị bỏ qua hoặc xử như không xử. Thực trạng này để lại tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho nạn nhân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu lành mạnh với văn hóa trong doanh nghiệp, tổ chức.
Một nghiên cứu của tổ chức CARE cho biết, quấy rối tình dục khiến ngành công nghiệp may mặc của Campuchia mất gần 89 triệu USD mỗi năm, tương đương 0,5 % giá trị GDP; 13,5% nữ công nhân nước này cho biết họ giảm năng suất nặng nề khi bị quấy rối tình dục. Ở Việt Nam, những vụ nghỉ việc do bị quấy rối tình dục mà tôi biết, đa phần là nạn nhân tự nghỉ do không được bảo vệ chứ không phải kẻ gây rối. Quấy rối làm tăng tỷ lệ thôi việc, ảnh hưởng đến việc tuyển mới, đào tạo, tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm tính gắn kết và sự lành mạnh trong môi trường lao động, giảm hiệu quả của tổ chức.
Ngày nay, chính sách chống quấy rối tình dục ngày càng được nhiều quốc gia, tập đoàn, tổ chức công khai và cập nhật, thực hiện như mọi chính sách khác để đảm bảo duy trì môi trường làm việc tích cực, văn minh. Ở đó, mọi cá nhân ở cấp bậc nào cũng được tôn trọng, bảo vệ phẩm giá dù khác nhau về giới tính, hình thức, định hướng tính dục, tình trạng hôn nhân, tình trạng quan hệ gia đình, sắc tộc, tôn giáo hay văn hóa... Đặc biệt, những tổ chức văn minh luôn khuyến khích nhân viên báo cáo công khai và cả ẩn danh qua thư điện tử hay điện thoại về những quan ngại của họ mà không lo sợ bị ghi tên hay trả thù. Đó là cách của những nhà quản trị tiên tiến.
Ngô Tú Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét