Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Các giải pháp mới nhất ứng phó dịch nCoV

Các giải pháp mới nhất ứng phó dịch nCoV

  Theo Chinhphu.vn
(GDVN) - Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tại trên 700 điểm cầu, trong khi tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến bệnh viện dã chiến sẽ đi vào hoạt động vào sáng 10/2.
Ngày 8/2/20, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tại trên 700 điểm cầu tại các bệnh viện từ Trung ương đến tuyến huyện, hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra. 
Tham dự Hội nghị có đại diện Tổ chức Y tế thế giới, các chuyên gia, cán bộ chuyên môn các bệnh viện, trường đại học; đại diện Uỷ ban Nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, các đơn vị y tế thuộc địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc phòng chống dịch của Việt Nam chưa lần nào làm mạnh như lần này với nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Ban Bí thư cũng đã có các yêu cầu cấp ủy thực hiện tốt việc này. 
Các nhà khoa học Việt Nam đã nuôi cấy thành công virus nCoV, giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của virus, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus nCoV để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp, ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
“Việt Nam tự tin có kỹ thuật, đảm bảo đủ năng lực sinh phẩm để có thể chuẩn đoán nhanh nhất”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Điều chuyển Giám đốc Bệnh viện tỉnh vì không quyết liệt chống dịch nCoV
Ngày 8/2, Sở Nội vụ Đắk Nông đã công bố Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc tạm thời điều động công tác đối với ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.
Theo quyết định ngày 7/2 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, ông Trần Thanh Bình được điều động đến nhận công tác tại Sở Y tế Đắk Nông, nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc Sở Y tế phân công.
Lý do điều chuyển là bởi ông Trần Thanh Bình chưa thực hiện tốt việc triển khai nhiệm vụ do các cấp giao trong công tác phòng, chống dịch nCoV.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng tạm giao ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông phụ trách, điều hành Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông thay ông Trần Thanh Bình.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong bối cảnh dịch hiện nay đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì biện pháp cách ly là hiệu quả để ngăn chặn, phòng chống dịch. Việt Nam đã thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng.
Thứ nhất là các bệnh nhân nghi nhiễm bệnh, được cách ly tại các cơ sở y tế. Thứ hai là các công dân Việt Nam, người nước ngoài đi qua hoặc đi từ vùng Hồ Bắc về Việt Nam lập tức được cách ly ở các cơ sở tập trung do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ định.
Thứ ba là những người đi từ các vùng khác ở Trung Quốc về Việt Nam được cách ly tại gia đình.
“Hiện số người nhập cảnh chỉ có người Việt Nam, không có người nước ngoài.
Toàn bộ người Việt Nam từ vùng dịch trở về nước đều được cách ly tại các khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng..., đây là một trong những điểm chúng ta làm triệt để”,  Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện Việt Nam đã có 13 ca nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, điều trị. Đã có 3 ca khỏi, ra viện.
Các ca bệnh đang được điều trị hiện trong tình trạng ổn định.
Qua tổng kết các ca khỏi ra viện cho thấy, các bệnh viện đã thực hiện tốt việc cách ly người bệnh ngay từ đầu, theo đúng quy trình.
Các bệnh viện tổ chức tốt công tác điều trị tại chỗ; phối hợp tốt các chuyên khoa trong bệnh viện để điều trị các bệnh kèm theo của người bệnh.
Các bệnh viện kiểm soát lây nhiễm tốt, không để lây nhiễm sang nhân viên y tế, cộng đồng, nhờ đó giúp Cục Quản lý Khám, chữa bệnh bổ sung cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị...
Hiện Bộ Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn 700 bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu...
Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bảo quản mẫu phải đảm bảo an toàn sinh học.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định (Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) đưa giường bệnh vào khu vực Bệnh viện dã chiến. Ảnh: TTXVN phát
Bệnh viện dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức hoạt động vào ngày 10/2
Cùng ngày 8/2, Bộ Tư lệnh Thành phố và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển khai các hoạt động chuẩn bị cho bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh do chủng mới virus Corona (nCoV) của thành phố.
Dự kiến bệnh viện dã chiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào sáng 10/2.
Theo đó, lãnh đạo Sở Y tế cùng nhiều cán bộ, công chức của Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện và các khoa phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cán bộ và chiến sỹ của Trung đoàn Gia Định - Bộ Tư lệnh Thành phố đã có mặt tại bệnh viện dã chiến ở ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi để bắt tay vào công tác chuẩn bị cho bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động.

Bộ Y tế chỉ cách hữu hiệu phòng bệnh nCoV ngay tại nơi làm việc
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Sở Y tế đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chịu trách nhiệm chính về bộ khung quản lý và vận hành các quy trình tiếp nhận, quy trình tổ chức hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về nguồn nhân lực tham gia vận hành bệnh viện dã chiến, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch điều động nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến.
Trong giai đoạn đầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho bệnh viện dã chiến, nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn sẽ do Bộ Tư lệnh Thành phố điều động.
Lần lượt các bệnh viện của thành phố và bệnh viện các quận, huyện sẽ cử các bác sỹ, điều dưỡng luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến, tùy thuộc vào tình hình diễn tiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Ngoài bệnh viện dã chiến, Sở Y tế Thành phố cho biết, đến thời điểm hiện nay đã có 47 bệnh viện có phòng khám sàng lọc và khu cách ly để thu dung, điều trị bệnh nhân viêm hô hấp cấp nghi do chủng mới của virus Corona (nCoV) trên địa bàn.
Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục vận động các bệnh viện tư nhân sắp xếp, bố trí khu vực cách ly theo quy định Bộ Y tế và đăng ký khám sàng lọc, tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV), tính đến ngày 8/2, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 3 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó có 1 trường hợp đã khỏi bệnh. Bên cạnh đó, toàn Thành phố có 27 trường hợp nghi ngờ (25 ca đã có kết quả âm tính, 2 ca đang chờ kết quả).
Thành phố tiến hành cách ly, giám sát 51 trường hợp, trong đó có 11 ca đã kết thúc theo dõi, 18 ca đang được cách ly tập trung và 22 ca đang cách ly tại nhà. 
Đặc biệt, trong đêm 7/2 đã thực hiện đưa 10 hành khách đi từ Trung Quốc (đều ngoài tỉnh Hồ Bắc) từ sân bay đến các Quận 2, 3, 11, 12, Gò Vấp và Bình Thạnh để thực hiện giám sát, cách ly tại nhà theo quy định. Hiện nay các trường hợp này đang được giám sát chặt chẽ, chưa có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Thông quan hàng hóa có kiểm soát tại cửa khẩu Lào Cai
Ông Trần Anh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, từ chiều 8/2, lực lượng chức năng của hai bên Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu có kiểm soát tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai.

Trong ngày đầu tiên thông qua hàng hóa kể từ khi tạm dừng sau khi dịch nCoV bùng phát tại nhiều thành phố của Trung Quốc, đã có 54 xe hàng nông sản của Trung Quốc được nhập khẩu và 8 xe hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang nước bạn.
Trong số hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu có 75 tấn thanh long, hơn 50 tấn mít với tổng giá trị khoảng hơn 4 tỷ đồng.

Thực hiện công tác kiểm dịch y tế, phía Việt Nam đã cho lập một khu cách ly an toàn ngay tại cửa khẩu để đón tất cả các xe hàng của Trung Quốc sang.
Các xe hàng sau khi kiểm dịch y tế, phun thuốc khử trùng được bàn giao cho các lái xe của Việt Nam chạy về về khu vực kiểm hóa Hải quan làm các thủ tục cần thiết để đưa vào nội địa. 
Sau khi hàng được bốc dỡ, các lái xe Việt Nam lại đưa xe về khu vực cách ly để bàn giao lại xe cho các lái xe người Trung Quốc đi xe trở về nước bạn.
Toàn bộ quy trình trên được giám sát chặt chẽ và không có sự tiếp xúc của lái xe hai bên.
Các lái xe và lực lượng chức năng thực hiện vận chuyển hàng hóa cũng đã được lực lượng chức năng hướng dẫn kỹ các quy trình vệ sinh dịch tễ như đeo khẩu trang, găng tay, sử dụng quần áo bảo hộ lao động.
Do phải thực hiện quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt nên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang phía bạn chưa được nhiều.
Hiện tại cửa khẩu Lào Cai vẫn còn khoảng hơn 3.000 tấn nông sản chờ làm thủ tục thông quan.
Theo Chinhphu.vn

Không có nhận xét nào: